vrijdag 3 juli 2015

Sự hình thành và phát triển của Vovinam tại hải ngoại

Sự hình thành và phát triển của Vovinam tại hải ngoại

Sự hình thành và phát triển của Vovinam tại hải ngoại
Các Võ sư và môn sinh Vovinam trong ngày Hội diễn võ thuật.
“Cách Mạng Tâm Thân”
Vovinam Việt Võ Đạo, môn phái võ thuật với sáng tổ là cố võ sư Nguyễn Lộc, ra đời 70 năm về trước. Với lý tưởng “Cách Mạng Tâm Thân” đào tạo một thế hệ thanh thiếu niên có thể lực mạnh khỏe trong một trí óc minh mẫn, Vovinam Việt Võ Đạo không chỉ rèn luyện võ thuật mà còn hun đúc tình thần kỷ luật và kiên trì từ võ đường. Môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo còn được học cách đối nhân xử thế sao cho xứng danh con nhà võ chơn truyền, phát huy tình đồng môn trong sự liên kết gắn bó của một đại gia đình võ thuật.
Thứ Bảy tuần trước, nhân lễ tưởng niệm cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc lần thứ 55, 10 vị võ sư và hơn 100 môn sinh từ các tiểu bang khắp nước Mỹ cũng như trên thế giới, cùng gặp nhau trong đại hội thi đấu và hội diễn võ thuật Vovinam Việt Võ Đạo lần thứ 15 năm 2015, lần đầu tiên được tổ chức tại tiểu bang Maryland miền Đông Bắc Hoa Kỳ, nơi đã có một võ đường Vovinam hoạt động nhiều năm nay.
“Vì là môn phái võ thuật thống nhất từ trên xuống dưới, do đó bất cứ người nào sinh hoạt ở đâu thì cũng đều là một môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. -Võ sư Nguyễn Thị Cẩm Bình ”
Sau năm 1975, sự phát triển của Vovinam Việt Võ Đạo ở hải ngoại như thế nào. Võ sư Nguyễn Thị Cẩm Bình, có công đầu trong việc làm sống lại sinh hoạt của Vovinam Việt Võ Đạo, cũng là người tổ chức giải thi đấu và hội diễn võ thuật lần đầu tiên tại San Jose, California năm 1999:
“Từ lúc bước chân tới Mỹ năm 1981 và 1983 thì tôi đã thành lập một võ đường riêng, sau đó nối kết tất cả anh em Vovinam Việt Võ Đạo khắp cac tiểu bang của Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới để sinh hoạt chung với nhau. Vì là môn phái võ thuật thống nhất từ trên xuống dưới, do đó bất cứ người nào sinh hoạt ở đâu thì cũng đều là một môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. Mấy em vào đây để học võ thuật, võ đạo, cách sống, cách hành xử ở đời để trong tương lai trở thành những vị chỉ huy và lãnh đạo.
San Jose đầu tiên chỉ có hai võ đường, khi tôi dạy cho học trò rồi thì lớn lên các em mở võ đường riêng, hiện tại khoảng năm, sáu võ đường. Nam California cũng năm hay sáu võ đường. Trên thế giới nơi nào có môn sinh Vovinam thì nơi đó có võ đường được lập nên, và phát triển mạnh nhất là tại Việt Nam.”
Đại hội thi đấu và hội diễn võ thuật Vovinam, võ sư Cẩm Bình nói tiếp, không phải chuyện so tài cao thấp mà là cơ hội để đại gia đình Việt Võ Đạo gặp nhau trong tinh thần huynh đệ tương kính, học hỏi cũng như chia xẻ kinh nghiệm cùng với nhau.
Đến từ Đức quốc có võ sư Nguyễn Văn Nhàn, trước 1975 là cục trưởng cục huấn luyện miền Tây:
“Tôi là môn sinh Vovinam từ thời 1964 cho đến hôm nay.”
1
Những thế võ đẹp mắt và mạnh mẽ của Vovinam Việt Võ Đạo.
Đến từ Vương Quốc Bỉ là võ sư Võ Tân Tiến cùng 6 môn sinh mà hết 4 là người Bỉ:
“Tôi đến thành phố Liege, Vương Quốc Bỉ, năm 1980 . Cho đến ngày hôm nay tôi đào tạo được 5 chuẩn hồng đai, và từ hoàng đai tới hoàng đai tam được 30 người. Sự phát triển của Vovinam bên đó rất là mạnh, mấy môn sinh này là tương lai môn phái Vovinam Việt Võ Đạo tại Vương Quốc Bỉ và trên toàn Âu Châu nói riêng.”
Võ sư Quách Hữu Thạnh, võ đường Vovinam thành phố San Francisco từ 1983 đến nay:
“Sở dĩ võ sư Tiến nói chuẩn hồng đai là chuẩn bị lên võ sư, đai đó là đai đỏ hai viền vàng. Vovinam có 3 màu đai chánh, màu xanh, màu vàng, màu đỏ. Đai danh dự của thầy chưởng môn là đai trắng. Ý nghĩa màu xanh là hy vọng, vàng là bắt đầu võ thuật thấm vào da, đỏ thấm vào máu và trắng thấm vào xương tủy.
Nghệ thuật huấn luyện của Vovinam là 1 thành 3, từ những đòn đơn lẻ thành bài quyền, ráp lại thành những bài phản thế và từ đó đi những bài song luyện, đa luyện. Một thế đấm một thế đá mà có thể ra ba chiêu thức, do đó môn sinh phải rất nhuần nhuyển.
Thông thường ở Việt Nam trước 75 thì môn sinh tập luyện ít nhất 3 ngày một tuần, nhưng ở Mỹ lại thay đổi, nhiều lớp tập 2 ngày một tuần, có lớp tập một ngày một tuần. Tiểu bang nào có người Việt Nam thì đều có Vovinam cả.
Rõ ràng trong nước cũng phát triển rất mạnh, khoảng năm 1992, 1993 thì Vovinam đã đi vào SEA Games và ước vọng của anh em là Vovinam sẽ đi vào Olympics.”
Từ Việt Nam qua Hoa Kỳ vì công việc, tình cở hội ngộ anh em Voninam kỳ hội diễn võ thuật lần thứ 15 năm 2015 này, võ sư Quốc Trung nhận định:
“Vivinam có tinh thần và sức sống rất mãnh liệt, trải qua hơn 70 năm Vovinam phát triển rất mạnh mẽ tất, nhiên ở nhiều góc độ khác nhau cũng như hoàn cảnh và điều kiện.
Đối với võ thuật, nói chung là thể thao, đức tính quan trọng nhất là kỷ luật, sự kiên trì và sức mạnh. Vovinam chú trọng cả về thể chất và tinh thần. Hoạt động của Vovinam trong nước hiện giờ cũng như một môn thể thao, cũng có nhiều nhà tài trợ, hàng năm cũng có giải quốc gia, kể cả đưa vào SEA Games.”
Phù hợp với thể tạng người Việt
Giải thi đấu và hội diễn võ thuật Vovinam Việt Võ Đạo lần thứ 15 kéo dài hai ngày tại trường trung học Eastern, thành phố Silver Spring, tiêu bang Maryland. Dưới sự hướng dẫn của các vị võ sư, hơn 100 môn sinh đủ mọi lừa tuổi, dù xuất thân từ những lò Vovinam khác nhau ở khắp nơi, đã trình diễn những thế võ nhịp nhàng, hài hòa, đẹp mắt, những bài song luyện hoặc đa luyện nhuần nhuyển mà không kém phần mạnh mẽ.
“Vovinam là tổng hợp kỹ thuật từ những nôn phái võ thuật khác nhau . Sáng tổ của chúng tôi, chưởng môn Nguyễn Lộc, đã đi khắp Châu Á và Đông Nam Á để học hỏi, lựa lọc tinh túy. -Ông Andy Whallen”
Có thể nói Vovinam Việt Võ Đạo là những bài tập luyện phù hợp với thể tạng người Việt cả nam lẫn nữ, khi ra chiêu thì nhẹ nhàng như đang múa nhưng lại có khả năng tự bảo vệ và sức khống chế đối phương một cách mãnh liệt, nhanh chóng.
Môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo có hiểu được ý nghĩa hay triết lý của môn phái võ thuật mà các em đang được rèn luyện hay không. Câu hỏi này được Amy Quỳnh trả lời:
“Vo là võ, Vinam là Việt Nam, mình học võ Việt Nam vì mình là người Việt Nam. Ba con sợ mai mốt con lớn con không biết tự vệ cho mình. Con thấy Vovinam rất là hay.”
Hay một nam môn sinh đai vàng như Quốc Khánh:
“Con là Quốc Khánh, 14 tuổi, con học Vovinam hơn 3 năm rồi, con là đai vàng thì dạy mấy em được. Con thích Vovinam Việt Võ Đạo mà nhất là philosophy của võ này, con muốn trở thành Master 20 chục năm nữa.”
2
Lễ tưởng niệm sáng tổ môn phái Vovinam, võ sư Nguyễn Lộc.
Tại buổi hội diễn và thi đấu gọi là Vovinam Tournament, Thanh Trúc đã gặp và đã chứng kiến những màn trình diễn thật bài bản, thật ngoạn mục của một số môn sinh Vovinam không phải người Việt Nam.
Điển hình một người đến từ North Caroline, Ông Andy Whallen, cho biết ông gia nhập hàng ngũ môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo từ 30 năm trước, sau đó khuyến khích con gái theo học môn võ thuật mà ông cho là hợp với tánh khí của cháu:
“Một người bạn giới thiệu với tôi về Vovinam, tôi đến tìm hiểu rồi gia nhập làng võ thuật này từ đó.
Vovinam là tổng hợp kỹ thuật từ những nôn phái võ thuật khác nhau . Sáng tổ của chúng tôi, chưởng môn Nguyễn Lộc, đã đi khắp Châu Á và Đông Nam Á để học hỏi, lựa lọc tinh túy từ những kỹ thuật võ nghệ khác nhau, mang về rồi biến đổi thành môn võ Vovinam. Thực tế Vovinam rất giống các môn võ tự vệ khác, cái chính là nó có những chiêu thức đặc thù của nó mà thôi.
Tôi không hiểu lắm về văn hóa Việt Nam cho tới khi gia nhập Vovinam, một đại gia đình với đồng môn, bạn bè và nhất là tình thân hữu.
Tôi là Madeline Whallen, học võ Vovinam sáu năm nay rồi. Tôi rất thích trình diễn như ca hát, nhảy mủa, đóng kịch. Có thể vì những lẽ đó mà đương nhiên tôi thấy mình thích hợp với Vovinam, môn võ vừa giúp tôi tự vệ vừa có thẻ biểu diễn những chiêu thức lã lướt như đang khiêu vũ vậy.”
Bên cạnh màn biểu diễn võ thuật điêu luyện và đẹp mắt của Madeline Whallen, mọi người gần như trầm trồ nín thở trước những màn bay lượn và đá chân của các môn sinh Vovinam người Bỉ, được đào tạo trong võ đường của võ sư Tiến. Bạn trẻ Adan Hoste:
“Năm nay tôi 22 tuổi, tôi bắt đầu học võ Vovinam từ năm 16 tuổi, đó là sau chuyến đi du lịch Việt Nam trở về. May mắn tìm ra võ đường của thầy Võ Tân Tiến tôi đã ghi tên xin theo học được sáu năm rồi.
Mục đích của tôi là khi điều kiện cho phép tôi sẽ lập một câu lạc bọ võ thuật của riêng mình, dĩ nhiên môn võ thực hành trong đó phải là Vovinam với cái tinh thần Việt Võ Đạo mà tôi đã thấm nhuần.”
Môn sinh thứ hai, bạn Fabien Francipe:
“Điểm đáng chú ý của Vovinam Viet Võ Đạo là không khí và tình thân gia đình giữa đồng môn với nhau. Ở đây tôi tìm thấy cái đẹp của võ thuật, tâm hồn , lòng nhân hậu và sự tương kính đối với nhau.
Xin chào, tôi là Janci Kiresztes, từ lúc 8 tuổi tôi đã muốn học võ . Khi đến với Vovinam tôi không bao giờ nghĩ mình có thể vừa học võ lại vừa tìm thấy cho mình một gia đình bên ngoài như thế này. Tôi sẽ là một võ sư Vovinam trong tương lai, sẽ truyền bá những triết lý sống rất nhân bản mà tôi học được từ trong võ đường này.”
Cũng trong ngày thứ Bảy vừa qua, thủ khoa, tức người đạt điểm cao nhất, là ông Gil Tadmor, chuyên viên phần mềm hiện đang giảng dạy trong Đại Học Maryland. Ông Gil Tadmor là môn sinh trong võ đường Vovinam Việt Võ Đạo của võ sư Yanny Nguyễn ở Maryland.
Vì Vovinam Việt Võ Đạo đã phát triển và đã lớn mạnh ở hải ngoại, việc có nhiều người bản xứ gia nhập và tập luyện là điều đáng mừng, võ sư Võ Tân Tiến chia sẻ như vậy. Tuy nhiên, vẫn theo lời ông, chỉ riêng tại Vương Quốc Bỉ thì số môn sinh Việt xem ra ít hơn số môn sinh bản xứ.
Điều có thể giải thích được là phụ huynh Việt Nam vốn thường chú trọng nhiều đến việc thúc đẫy con cái học hành cho thật giỏi ở trường chứ không chú trọng nhiều đến việc đào tạo trí lực và thể lực là những điều tích cực mà võ thuật, nhất là Vovinam Việt Võ Đạo, có thể mang lại cho con em của mình.
Nguồn: Theo RFA Tiếng Việt

 http://www.datviet.com/su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-vovinam-tai-hai-ngoai/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten