woensdag 22 juli 2015

Vì sao căng thẳng biên giới Việt Nam - Campuchia ?

Vì sao căng thẳng biên giới VN - Campuchia?

  • 21 tháng 7 2015
Nhà nghiên cứu, TS. Vannarith Cheang trong một cuộc Tọa đàm trực tuyến (Hangout) với BBC.
Gần đây diễn ra một số sự kiện căng thẳng trên đường biên giới Việt Nam - Campuchia thu hút sự chú ý của dư luận.
Nhân dịp này, BBC đã hỏi nhà nghiên cứu người Campuchia, Tiến sỹ Vannarith Chheang, dạy ở Đại học Leeds, Anh quốc, về động cơ, bối cảnh vụ việc.
Tiến sỹ Vannarith Chheang: Nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp biên giới và những căng thẳng chủ yếu là do sự thiếu minh bạch trong đàm phán biên giới giữa hai chính phủ. Các công dân của cả hai nước đặc biệt là những người sống dọc theo biên giới đã không được thông báo đầy đủ về việc đàm phán biên giới, cắm mốc.
BBC:Liệu chính trị nội bộ của Campuchia là lý do đằng sau việc này, và nếu như vậy, ai sẽ là người được hưởng lợi từ nó về mặt chính trị?
Chủ nghĩa dân tộc đã được gia tăng ở Campuchia từ năm 2002 sau khi một nữ nghệ sỹ Thái đã bình luận sai lệch về Angkor Wat rằng đền này thuộc về Thái Lan, và cuộc xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia trong năm 2010-2011.
Những căng thẳng biên giới trên giữa Campuchia và Việt Nam đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở Campuchia. Từ quan điểm của Campuchia, đây là do sự xâm lấn của Việt Nam vào lãnh thổ Campuchia. Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi công hàm chống lại việc Việt Nam xây dựng trong khu vực tranh chấp.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Campuchia có lập trường mạnh mẽ chống lại Việt Nam liên quan đến các tranh chấp biên giới giữa hai nước. Một số nhà phân tích cho rằng việc tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia đã làm cho Campuchia cảm thấy tự tin hơn và đẩy cao sức mạnh mặc cả, thương lượng của Campuchia với Việt Nam. Nói cách khác, Campuchia đang chuyển quan hệ từ liên minh truyền thống bè bạn với Việt Nam sang với Trung Quốc.
BBC:Ông có nghĩ rằng ASEAN, với tư cách một khối ở khu vực, có thể làm điều gì đó về tranh chấp biên giới Campuchia-Việt Nam? Liệu vụ việc này giống như tranh chấp về ngôi đền Preah Vihear với Thái Lan một vài năm trước đây?
ASEAN không có vai trò quan trọng trong việc làm trung gian cho các tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia thành viên do nguyên tắc không can thiệp.
Nếu căng thẳng tiếp tục, Campuchia có thể chọn để đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế. Hiện nay, Chính phủ không có ý định làm như vậy, nhưng những áp lực ngày càng tăng từ các đảng đối lập và công chúng nói chung có thể buộc chính phủ phải tìm kiếm sự hòa giải của bên thứ ba.
BBC:Theo ông, chính phủ Việt Nam nên giải quyết vấn đề như thế nào?
Tôi nghĩ rằng ngoại giao song phương và đàm phán sẽ giúp giải quyết các khác biệt.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/07/150721_vannarith_vn_campuchia


Hun Sen nhờ LHQ giúp vụ bản đồ

  • 6 tháng 7 2015
Thủ tướng Hun Sen và lãnh đạo đối lập Sam Rainsy nhiều lần chỉ trích chính sách của nhau
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa gửi công hàm đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho mượn lại bản đồ gốc về đường biên với Việt Nam sau các căng thẳng mới rồi.
Công văn mà BBC có trong tay đề ngày 6/7, viết bằng tiếng Khmer và được dịch sang tiếng Anh.
Ông Hun Sen viết: "Tôi viết thư này gửi Ngài để tìm kiếm hợp tác của LHQ trong nhiệm vụ quan trọng nhất liên quan chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia, thành viên của LHQ".
Ông thủ tướng muốn mượn lại bản đồ gốc, còn gọi là bản đồ Bonne, tỷ lệ 1/100.000, mà chính quyền thực dân Pháp vẽ ra trong những năm 1933 và 1955, sau đó được cố Quốc vương Norodom Sihanouk gửi lưu chiểu tại LHQ năm 1964.
Công văn của Thủ tướng Hun Sen nói chính phủ Campuchia nay cần bản đồ này để kiểm tra lại quá trình cắm mốc hiện nay và "chấm dứt sự kích động dân tộc cực đoan" của một số bên ở Campuchia, mà có thể "dẫn tới thảm họa cho Campuchia".
Tuy không nhắc tới Việt Nam, rõ ràng ông Hun Sen ám chỉ tới những rắc rối mới rồi liên quan biên giới chung mà nhiều đoạn vẫn còn chưa cắm mốc với Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi ba công hàm phản đối Việt Nam 'vi phạm lãnh thổ Campuchia' và yêu cầu dừng ngay hoạt động xây cất, giữ nguyên hiện trạng.

Quyết tâm

Công văn nói mục tiêu của ông Hun Sen là khẳng định lại một cách rõ ràng quyết tâm của chính phủ Campuchia trong phân giới cắm mốc "với các nước láng giềng.
Ông cũng tố cáo phe đối lập ở Campuchia là "gây hiểu lầm trong dư luận trong nước và quốc tế nhằm thu lợi về chính trị".
Đảng đối lập Cứu quốc ở Campuchia lâu nay chỉ trích chính quyền sử dụng bản đồ mà Việt Nam dựng ra hồi thập niên 1980 thay vì bản đồ của người Pháp để phân giới cắm mốc giữa hai bên, tố cáo chính quyền đã 'nhượng đất cho Việt Nam'.
Về phần mình, chính phủ biện hộ rằng bản đồ mà họ và Việt Nam sử dụng trong Hiệp định Biên giới 2005 là phù hợp với Hiến pháp.
Quan chức phụ trách biên giới Việt Nam và Campuchia đang có cuộc họp tại Siem Reap bắt đầu từ thứ Hai 6/7 để giải quyết các bất đồng.
Căng thẳng lên cao vài tháng nay sau khi Campuchia cáo buộc Việt Nam xây công trình bất hợp pháp tại các tỉnh Ratanakkiri, Kandal và Svay Rieng dọc biên giới.
Mới hôm thứ Bảy 4/7, có tin một người Campuchia bị Việt Nam bắt khi dẫn đoàn sinh viên tới thị sát khu vực mà Chủ nhật trước đó xảy ra ẩu đả tại Kampong Ro, tỉnh Svay Rieng.
Cuộc xô xát hôm 28/6 giữa dân Việt Nam và một nhóm nhà hoạt động đối lập Campuchia đã làm gần 20 người bị thương.

Tin liên quan

2.000 người Campuchia tới biên giới VN

  • 20 tháng 7 2015
Khoảng 2.000 người Campuchia dẫn đầu là các dân biểu của đảng Cứu quốc đối lập đã tới vùng biên giới với Việt Nam hôm Chủ nhật 19/7.
Đây là khu vực giáp ranh giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, nơi có cáo buộc rằng Việt Nam "vi phạm đất đai của Campuchia".
Hôm 28/6 chính tại đây đã có xô xát giữa một nhóm nhà hoạt động Campuchia do dân biểu Real Camerin dẫn đầu với người dân Việt Nam làm gần 20 người bị thương.
Lần này con số người Campuchia đông hơn gấp bội.
Một nhân chứng có mặt tại đó nói với BBC rằng đoàn người Campuchia đã được xe chở tới từ Phnom Penh.
Những người này tụ họp tại công viên Tự do ở thủ đô Campuchia từ sáng sớm và được hàng chục xe chở tới Svay Rieng.
Họ tới huyện Kompong Ro vào khoảng 14:00 giờ chiều.
Theo các nguồn tin, chính quyền Campuchia đã tìm cách ngăn cản đoàn người nhưng họ vẫn tới được nơi dự định là cột mốc số 203.

Thường dân mang gậy

Nơi đây là địa điểm mà ông Real Camerin nói ông đã bị người Việt Nam đánh bị thương hôm 28/6.
Tại đó có hiện diện của binh lính và cảnh sát Campuchia. Tuy nhiên một nhóm thường dân Campuchia có mang gậy đã chặn đoàn người của đảng đối lập.
Theo nhân chứng, một cuộc xô xát nhỏ đã xảy ra giữa những người có gậy gộc và người của phe đối lập nhưng không ai bị thương.
Ông Real Camerin được các dân biểu cùng đảng Cứu quốc là Um Sam An, Cheam Channy và Nuth Rumduol tháp tùng.
Ông nói với đám đông là cột mốc 203 đã được dựng sai vị trí.
Ông dân biểu cũng tuyên bố rằng đây là "một ngày lịch sử cho Campuchia".
Đám đông đối lập rút lui khoảng 20:00 tối.
Bất đồng về biên giới lâu nay đã được đảng Cứu quốc dùng làm chiêu bài để công kích đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen cũng như chính phủ Việt Nam.
Với các hoạt động như thế này, dường như căng thẳng đường biên chưa có chiều hướng suy giảm.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten