Google bỏ 'Tam Sa' khỏi ứng dụng bản đồ
- 17 tháng 7 2015
Đây là tên gọi của thành phố được Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm hồi năm 2012.
Bắc Kinh khi đó tuyên bố mục đích thành lập đơn vị hành chính này là nhằm tăng khả năng quản lý, phát triển với các hòn đảo và vùng nước xung quanh các quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, Trường Sa.
Chính phủ nước này cũng khẳng định việc thành lập Tam Sa nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Sau khi điều chỉnh, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa chỉ hiển thị trên Google Maps dưới tên gọi quốc tế 'Paracel Islands'.
Nếu nhập 'Sansha' trên thanh công cụ tìm kiếm của ứng dụng này sẽ không còn mang lại kết quả nào.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Amy Kunrojpanya, giám đốc truyền thông và đối ngoại của Google tại Việt Nam, Thái Lan và các thị trường mới nổi thuộc châu Á - Thái Bình Dương nói “chúng tôi có một chính sách lâu dài áp dụng trên phạm vi toàn cầu về việc mô tả các khu vực tranh chấp".
Google "không có sự xác nhận hay khẳng định vị trí là thuộc quốc gia hay vùng lãnh thổ nào”, bà nói thêm.
Trước đó, Google cũng ngưng sử dụng tên Hoa ngữ đối với một bãi cạn tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Bãi cạn này hiện nay hiển thị trên Google Maps dưới tên quốc tế là Scarborough, thay vì là một phần của quần đảo Trung Sa (Zhongsha) của Trung Quốc như trước.
Động thái trên diễn ra sau đợt vận động trên mạng cho rằng tên Hoàng Nham (Huangyan) mà Trung Quốc dùng làm tăng sức mạnh cho đòi hỏi của Bắc Kinh.
Bãi cạn Scarborough là địa điểm đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc đầu năm 2012.
Khi đó suốt nhiều tuần, tàu của hai nước có mặt tại khu vực.
"Chúng tôi đã cập nhật cho Google Maps để khắc phục vấn đề", Google nói trong một thông cáo gửi đến BBC.
"Chúng tôi hiểu rằng các tên gọi địa lý có thể tác động sâu sắc đến cảm xúc và vì vậy chúng tôi đã nhanh chóng sửa chữa sau khi được lưu ý đến vấn đề này."
Chính sách về các vùng tranh chấp của Google nói hãng này luôn ưu tiên những tên gọi được chấp nhận rộng rãi nhất.
Bên cạnh đó, Google cũng "luôn cố gắng tìm cách bao gồm quan điểm từ tất cả các bên mỗi khi xuất hiện các yêu sách mâu thuẫn".
Tin liên quan
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/07/150717_google_map_erased_sansha
Geen opmerkingen:
Een reactie posten