donderdag 30 juli 2015

Người Việt sang Thái Lan làm ăn

Người Việt sang Thái Lan làm ăn

Xuân Nguyên, tường trình từ Bangkok
2015-07-27
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Các công nhân Việt Nam đang làm việc tại xưởng may ở tỉnh Samut Sakhon, Thailand
Các công nhân Việt Nam đang làm việc tại xưởng may ở tỉnh Samut Sakhon, Thailand
 Photo by Xuan Nguyen, RFA
Hiện nay ngoài một số ít người Việt Nam sang Thái Lan tỵ nạn chính trị, số khá đông khác sang đây để làm ăn sinh sống. Phần nhiều là lao động bất hợp pháp.
Vậy cuộc sống của họ ra sao?
Việc dễ kiếm, cuộc sống khá hơn quê nhà
Những người Việt Nam đang lao động ở Thái lan mà chúng tôi tiếp xúc, khi hỏi lý do vì sao họ phải rời quê nhà để đi làm ăn xa, đều có chung một ý là vì công ăn việc làm tại quê nhà khó kiếm, trong khi đó khi sang được đất Thái họ đều có thể tìm được một việc làm để nuôi thân và có thể giúp đỡ gia đình.
Anh Trần Văn Huy, một người lao động quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, Việt Nam cho biết:
“Như mình thì không có nghề cầm tay, gọi là nghề lao động phổ thông. Mà những nghề lao động phổ thông Việt Nam mình vừa nặng nhọc mà đồng lương không ăn thua, nên mình sang Thailand lao động để tìm kiếm nghề nghiệp thích hợp với mình, để kiếm được đồng lương phù hợp với khả năng.”
Còn Anh Hồ Ngọc Nhàn, hiện đang làm việc ở ngoài thủ đô Bangkok, anh chia sẻ về lý do anh sang đây để lao động:
“Mình chọn Thailand để làm ăn bởi: Thứ nhất là tiền đi vừa rẻ, và thứ hai là ở Thailand công việc rất nhiều, cái nghề mà mình chọn là phù hợp với mình. Chẳng hạn như sang bên này có thể làm Quán ăn và may mặc, nó có thể phù hợp với mình và đồng lương cao hơn khi làm việc ở các nước khác như Lào, Campuchia…”
Anh Phạm Quang Lộc, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam hiện đang làm việc tại Bangkok, Thailand, anh nói thêm:
Như mình thì không có nghề cầm tay, gọi là nghề lao động phổ thông. Mà những nghề lao động phổ thông Việt Nam mình vừa nặng nhọc mà đồng lương không ăn thua, nên mình sang Thailand lao động để tìm kiếm nghề nghiệp thích hợp với mình, để kiếm được đồng lương phù hợp với khả năng
Anh Trần Văn Huy
“Trước tiên thì bạn bè đi trước, rồi nó giới thiệu mình đi, đi rồi sang bên đấy thì cuộc sống của Thailand khác hẳn Việt Nam mình nhiều. Nghĩa là khác về mọi thứ: tiền bạc, cơ sở vật chất, hạ tầng… rồi tất cảmọi thứ nó khác”.
Loại việc làm
Khi sang xứ Thái những người lao động Việt Nam chủ yếu làm những công việc lao động phổ thông, vậy họ làm những loại công việc gì và thu nhập thực tế ra sao?
Anh Hồ Ngọc Nhàn chia sẻ:
“Bây giờ mình đang làm nghề May mặc, Mỗi ngày làm 15, 18, 20 tiếng cũng có. Bắt đầu là 8h sáng vào làm và bắt đầu 10h đêm là nghỉ. Trung bình mỗi ngày Nhàn làm ở đây thu nhập khoảng 400.000 – 500.000 Vnđ, còn ở Việt Nam có thể chỉ được 200.000 – 300.000 Vnđ là cao nhất.”

Anh Trần Văn Huy đang làm nghề May mặc tại tỉnh Samut Sakhon, Thailand, anh tiếp lời:
“Thời gian làm việc dài hơn, công việc thì nhẹ và không vất vả. Trước đây thì mình cũng đi làm thuê, làm ăn theo sản phẩm, làm được nhiều thì ăn nhiều, làm được ít thì ăn ít. Nhưng sau thời gian ở Thailand thì mình đã tìm hiểu, rồi là quên biết, rồi mình mua máy, thuê nhà, mở xưởng và thuê công nhân về làm. Theo mình thì thu nhập tốt hơn ở Việt Nam nhiều.”

Anh Phạm Quang Lộc đang làm việc cho một quán ăn nhỏ tại Bangkok, Thailand, nói:
“Hiện tại em đang làm quán, thu nhập hàng tháng cũng tùy vào số người thôi, còn đối với em thì nó cũng tàm tạm.”
Trở ngại
Tuy nhiên thực tế Thái Lan có phải là ‘thiên đường’ cho những lao động Việt phải bỏ quê hương xứ sở để sang đây làm ăn hay không? Theo những người Việt Nam đang làm ăn ở Xứ Thái thì họ phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ phía cảnh sát Thailand, bởi họ là những người lao động bất hợp pháp tại đây, anh Trần Văn Huy chia sẻ về những khó khăn anh gặp phải:
“Khó khăn thứ nhất là: đầu tiên minh là tiếng tăm (ngôn ngữ bản địa) mình chưa biết, chưa giao tiếp được với người Thailand. Khó khăn thứ hai là: mình mới bước sang Thailand nên mình chưa biết mình sẽ làm nghề gì? Nên mình chưa biết được, làm nghề may mặc thì mình cũng chưa biết may. Khó khăn thứ ba là: công an, mình qua là lao động bất hợp pháp, vì cái hộ chiếu của mình là du lịch, nên khi gặp công an là mình phải tránh ra.”
Anh Phạm Quang Lộc nói thêm về những khó khăn khi gặp phải cảnh sát Thailand khi lao động bất hợp pháp tại đây:
“Khó khăn là về việc an ninh, có nghĩa là công an bắt bớ bớ bởi vì mình sang đây làm việc bất hợp pháp chứ không phải hợp pháp, hộ chiếu của mình sang đây là làm để đi du lịch thôi, cho nên đi làm mình gặp khó khăn về bắt bớ và đây là khó khăn đầu tiên và khó khăn lớn nhất.”
Tôi mong rằng hai chính phủ có thể ký hợp đồng lao động để cho người dân lao động làm việc ở đây được hợp pháp. Gọi là tạo điều kiện cho người dân lao động làm ăn tốt hơn
Anh Trần Văn Huy
Anh Hồ Ngọc Nhàn giải thích:
“Cũng tùy từng trường hợp, giống như mà mình làm ở trong nhà và họ vào bắt, có thể bị phạt với mức độ tối đa, tùy theo tội của mình. Nếu mình không có giấy tờ hợp pháp thì bị phạt mức 5.000 – 1.000 Baht. Khi họ phạt xong, cũng có đôi trường hợp, đôi trường hợp họ chuyển mình về nước. Đôi trường hợp thì mình nhờ ông chủ chạy cho mình ra được thì mình có thể ở lại làm bình thường, mình chỉ mất tiền phạt mà thôi.”
Tuy nhiên làm thế nào người lao động bất hợp pháp tại Thái Lan vẫn có thể tiếp tục công việc của họ tại đó? Những người trong cuộc cho biết họ vào Thái bằng visa du lịch và sau khi hết hạn lại tìm cách đi gia hạn như trình bày của anh Trần Văn Huy:
“Cái Visa đóng được 30 ngày, đi du lịch chỉ đóng được 30 ngày, hết 30 ngày đó mình lại phải qua Campuchia hoặc qua Lào và rồi quay lại thì mình lại đóng dấu thêm 30 ngày nữa. Mỗi lần đi đóng Visa như vậy, nếu Visa của mình mới, mình đóng được ba lần với giá tiền là 750 baht/lần. Có nghĩa là ba tháng đầu mỗi tháng là 750 baht, và tháng thứ tư là 2.700 baht. Cứ ba tháng 750 baht rồi đến tháng thứ 4 là 2.700 baht”
Tâm Nguyện.
Anh Huy, anh Nhàn, anh Lộc… họ là những người sống tại Thailand rất lâu, có người đã ở Thailand hơn 10 năm. Họ mong ước được thoát cảnh lao động bất hợp pháp tại đây:
Anh Trần Văn Huy tâm sự:
“Tôi mong rằng hai chính phủ có thể ký hợp đồng lao động để cho người dân lao động làm việc ở đây được hợp pháp. Gọi là tạo điều kiện cho người dân lao động làm ăn tốt hơn”.
Anh Hồ Ngọc Nhàn nói thêm:
"Mỗi người công nhân ở Việt Nam bên này đang tin, đang mong muốn và đang chờ đợi điều đó. Tại vì, giờ họ đang gặp rất nhiều khó khăn ở trong công việc cũng như trong việc đi lại. Có nhiều người không có giấy tờ, không đi ra ngoài thì bị công an bắt. Họ đang mong muốn là nhà nước Việt Nam và Thailand làm sao để họ làm ăn hợp pháp”.
Tin tức cho biết vào cuối năm nay cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành. Lúc đó sẽ có những qui định rõ ràng và chính thức hơn về việc lưu chuyển lao động giữa các nước với nhau, mà chủ yếu là lao động có kỹ năng, được qua đào tạo.
Đây là tin gây lo lắng cho cộng đồng những lao động Việt hiện chưa có giấy tờ chính thức do chính phủ sở tại cấp. Tương lai của họ đi về đâu là câu hỏi lớn.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten