maandag 14 januari 2013

Việt Nam: Dân số lão hóa

Việt Nam: Dân số lão hóa

2011-07-06
Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam, ông Bruce Campbell, cho rằng chẳng bao lâu Việt nam sẽ bước vào “thời kỳ lão hoá dân số” do tuổi thọ tăng lên trong khi sinh suất và tử suất giảm.
AFP photo
Cụ đồ viết chữ Nho ngày tết -Hà Nội-2007

Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức cho xã hội Việt Nam. Quỳnh Như tìm hiểu, tham khảo ý kiến của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện Trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, trình bày sau đây.

Đà lão hóa nhanh
Bà cụ ngồi mơ - tranh Nicolaes-Maes - năm 1656- ảnh Wikipedia
Bà cụ trầm tư- tranh Nicolaes-Maes- năm 1656- ảnh Wikipedia

Dân số Việt Nam đang trên đà lão hoá với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc cách đây chưa lâu thì tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chỉ tăng từ 7,5% trong năm 2005 lên tới 26% vào năm 2050 và dự kiến năm 2014 tỷ lệ người già sẽ là 10%. Nhưng kết quả cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở ngày 01/04/2009 cho thấy, số người từ 60 tuổi trở lên là 9% và đến năm 2010, con số này là 9,4%, tức tăng 0,4% chỉ trong một năm.

tình hình lão hoá dân cư sẽ diễn ra rất nhanh. Việt Nam chỉ có khoảng 20 năm để chuẩn bị
Phó GS-TS Vũ Mạnh Lợi

Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề dân số Việt Nam lão hoá, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện Trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nhận định:

“Thực sự ra Việt Nam mới buớc vào giai đoạn tỉ lệ già hoá tăng nhanh. Về cơ bản cơ cấu dân số Việt nam trong khoảng 20 năm tới vẫn là cơ cấu dân số trẻ, vẫn ở trong thời kỳ dân số vàng, tức là tỉ lệ những người phụ thuộc kinh tế, những người cao tuổi, trẻ em so với những người lao động vẫn nhỏ. Nhưng tình hình lão hoá dân cư sẽ diễn ra rất nhanh. Việt Nam sẽ có khoảng 20 năm để chuẩn bị cho một xã hội có tỉ lệ già hóa rất cao.”

Theo Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Dân số - Kế Hoạch Hoá Gia Đình dự kiến, trong tương lai, tốc độ lão hóa của dân số Việt Nam sẽ không phải 0,4% nữa mà sẽ từ 0,5% - 0,6% và đến năm 2025, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già.

Nguyên nhân và thách thức

Cụ già Chi Lê tươi cười- ảnh Wilipedia
Cụ già Chi Lê tươi cười- ảnh Wilipedia
Nguyên nhân của hiện tượng này là do tỉ suất sinh và tỉ suất chết giảm nhanh chóng. Bên cạnh đó vấn đề tuổi thọ tăng đã khiến dân số cao tuổi gia tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác. So với tốc độ từ “lão hoá” chuyển sang “già”, Việt Nam đang có tốc độ nhanh nhất thế giới. Bởi các nước khác chuyển giai đoạn như vậy, thì Nhật khoảng 26 năm, Thuỵ Điển phải mất tới 85 năm, nhưng đối với Việt Nam chỉ có 20 năm.

Dân số Việt Nam đang tiến tới lão hoá nhanh, nhận định này của giới nghiên cứu thoạt tiên khiến nhiều người rất lạc quan vì nó phần nào phản ánh kết quả từ những thành tựu kinh tế to lớn mà đất nước đạt được. Tuy nhiên điều này cũng cảnh báo một nguy cơ liên quan đến vấn đề an sinh xã hội vì Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước nghèo – cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất ở các vùng nông thôn còn nghèo nàn, thiếu thốn.


việc chăm sóc người cao tuổi cần nhiều nguồn lực hơn nhiều so với chăm sóc trẻ em
TS Vũ Mạnh Lợi

Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi nhấn mạnh rằng đây sẽ là một thách thức vô cùng to lớn. Ông giải thích như sau:

“Bởi vì việc chăm sóc sức khoẻ và những phúc lợi cho người cao tuổi là một trong những vấn đề rất quan trọng của xã hội. Nếu không làm được chuyện đó thì việc phát triển xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại, và xã hội đó không thể là xã hội tốt đẹp được.”

So sánh với các nước châu Âu và nhiều nước tiên tiến trên thế giới trong kế hoạch chuẩn bị cho tình trạng dân số lão hoá. Phó Viện Trưởng Viện Xã hội học Việt Nam Vũ Mạnh Lợi cho biết:

“Các nứơc này có thời gian chuẩn bị cho tình trạng xã hội già hoá là dài hơn mình nhiều, kéo dài thường là khoảng độ 50 năm, nhưng Việt Nam chỉ có khoảng độ 20 năm. Thì đây sẽ là một thách thức rất lớn, vì xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tốt cho người cao tuổi cần thời gian và cần rất nhiều thứ. Việt Nam bây giờ mới bắt đầu bước vào thời kỳ già hoá dân cư nhanh. Trong khi hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam bây giờ là vô cùng yếu kém. Khi tỉ lệ người già tăng thì theo kinh nghiệm của các nước khác, thì việc chăm sóc người cao tuổi cần nhiều nguồn lực hơn nhiều so với chăm sóc trẻ em.”

Xã hội cần làm gì?

tuổi mà người ta có thể sống một cuộc sống lành mạnh, cuộc sống tích cực, cuộc sống có ý nghiã vẫn không thay đổi thì cái tuổi thọ nâng cao đó chỉ tăng thêm thời gian đau khổ
TS Vũ mạnh Lợi
Nhà xã hội học này cũng khuyến cáo các tổ chức chính trị và dân sự về vấn đề này. Ông nói:

“Nếu nhà nước và xã hội không có một sự chuẩn bị tốt, không xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội tốt ngay từ bây giờ, thì khi cơ cấu dân cư trở nên già hoá, khi đó sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề xã hội, kinh tế có thể sẽ phát triển nhưng các vấn đề xã hội sẽ vô cùng nhiều, các phúc lợi của người già không được đảm bảo. Điều đó sẽ gây một sự bất ổn, lo lắng kể cả trong số những người còn đang ở tuổi lao động mà có thể trở thành người cao tuổi trong tương lai. Tôi nghĩ các cảnh báo của những nhà nghiên cứu dân số ngày hôm nay về việc Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn tỉ lệ người cao tuổi sẽ tăng nhanh là một cảnh báo rất kịp thời. Và tôi hy vọng những nhà chức trách trong nước, cũng như các tổ chức xã hội sẽ quan tâm nhiều hơn. Và Việt Nam có nổ lực nhều hơn để xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đảm bảo phúc lợi tốt cho người cao tuổi.”

Cũng theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, phẩm chất cuộc sống là yếu tố quan trọng để đo lường phúc lợi xã hội. Ông nói:
Người già ở Thổ Nhĩ Kỳ- photo courtesy Wikipedia
Người già ở Thổ Nhĩ Kỳ- photo courtesy Wikipedia


“Ngày hôm nay người ta ít khi đo lường phúc lợi của một xã hội bằng tuổi thọ, mà người ta đo lường bằng cái tuổi mà con người có cuộc sống lành mạnh, tích cực. Vì nếu tuổi thọ được nâng cao, nhưng tuổi mà người ta có thể sống một cuộc sống lành mạnh, cuộc sống tích cực, cuộc sống có ý nghiã vẫn không thay đổi thì cái tuổi thọ nâng cao đó chỉ tăng thêm thời gian đau khổ của người cao tuổi thôi. Phải làm thế nào đó để đảm bảo cho người cao tuổi có một cuộc sống có chất lượng xứng đáng với con người, xứng đáng với trình độ văn minh của nhân loại ngày hôm nay. Vấn đề chất lượng cuộc sống, cũng như vấn đề chuẩn bị cho tương lai của hệ thống an sinh xã hội đều là những vấn đề rất quan trọng mà chính phủ và các tổ chức xã hội-gia đình cần phải quan tâm.”

Lý do tuổi thọ dân số tăng phát xuất từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những tiến bộ về y học. Ngoài ra vấn đề dinh dưỡng được nâng cao, đời sống, mức sống của người dân được cải thiện. Đồng thời người ta cũng có nhiều hiểu biết hơn để tránh những hành vi mang đến những nguy cơ làm ảnh hưởng tuổi thọ

Geen opmerkingen:

Een reactie posten