dinsdag 22 januari 2013

'Một chuyến thăm đặc biệt'

'Một chuyến thăm đặc biệt'


Cập nhật: 11:50 GMT - thứ sáu, 18 tháng 1, 2013

Ông Nguyễn Phú Trọng hiện đang thăm Liên hiệp châu Âu
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp có chuyến thăm Anh quốc từ 22-23/1 theo lời mời của Thủ tướng Anh David Cameron.
Nhân dịp này, BBC hỏi chuyện Tiến sỹ Antony Stokes, đại sứ Anh tại Việt Nam, về nội dung chuyến đi.

Đại sứ Antony Stokes: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tới Anh cùng một đoàn tùy tùng đông đảo, tôi được biết có trên 100 người, bao gồm các quan chức cao cấp của Đảng CSVN, bộ trưởng ngoại giao, đại diện nhiều bộ trong đó có bộ Kế hoạch-Đầu tư và Bộ Quốc phòng.
Đây là một quãng thời gian có nhiều hoạt động sôi nổi. Ngoài chuyến thăm Anh của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thì lần đầu tiên cũng có chuyến thăm tới Việt Nam ngay sau đó của thứ trưởng quốc phòng Anh quốc.
Thứ trưởng Lord Astor sẽ tới Hà Nội vào cuối tuần ngay sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông sẽ ở thăm Việt Nam trong bốn ngày, cho tới ngày 30/1.
Chuyến thăm của Lord Astor sẽ giúp đẩy mạnh quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai bên, dựa trên cơ sở Bản ghi nhớ mà quan chức quốc phòng hai bên đã ký kết hồi năm ngoái ở London.
Tôi hy vọng trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Trọng hai bên sẽ ký kết được một số thỏa thuận, trong đó có cả thỏa thuận về quốc phòng.
BBC: Về mặt nghi thức thì chuyến thăm này có lẽ cũng khá đặc biệt phải không ạ, vì ông Nguyễn Phú Trọng - một lãnh đạo cộng sản, tới thăm Anh theo lời mời của ông David Cameron, lãnh đạo đảng Bảo Thủ?
Đại sứ Antony Stokes: Tôi muốn nói rõ là ông David Cameron mời ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm trong tư cách Thủ tướng Anh, chứ không phải lãnh đạo Đảng. Đây không phải là chuyến thăm trong khuôn khổ các đảng.
"Chúng tôi muốn xây dựng quan hệ lành mạnh, tin cậy và trên cơ sở đó chúng tôi có thể trao đổi một cách cởi mở và thành thật về mọi vấn đề, trong đó nhân quyền"
Đúng là hai hệ thống chính trị ở hai nước không tương đồng nên cũng có một số phức tạp. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng năm nay là kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời quan hệ song phương được đánh giá là tốt nhất từ trước tới nay nên đây là thời điểm tốt để tổ chức một chuyến thăm quan trọng.
Quan hệ Anh-Việt đang chuyển mình, trong hơn hai năm qua kể từ khi hai bên ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược, Anh quốc và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong nhiều lĩnh vực.
10-20 năm trước, quan hệ song phương chủ yếu tập trung vào hỗ trợ phát triển. Đây vẫn là một phần quan trọng trong hợp tác của chúng tôi với Việt Nam và sẽ tiếp tục cho tới năm 2016. Thế nhưng quan hệ hai bên nay đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực và được làm sâu sắc thêm.
BBC: Xin ông cho biết thêm chi tiết về thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng mà hai bên dự tính sẽ ký kết trong khuôn khổ chuyến đi lần này của ông Nguyễn Phú Trọng ạ?
Đại sứ Stokes và Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: hai nước từng bàn bạc về hợp tác quốc phòng
Đại sứ Antony Stokes: Năm ngoái quan chức Việt Nam và Anh quốc đã ký bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng bao gồm ba nội dung chính: nghiên cứu chiến lược quốc phòng, hợp tác quốc phòng và hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Nay chúng tôi đã có thể trao đổi về các chủ đề quốc phòng không chỉ trực tiếp giữa Việt Nam và Anh quốc, nhưng còn có thể đề cập tới các vấn đề quốc tế như chống phổ biến vũ khí, hay an ninh mạng chẳng hạn.
Một nội dung lớn khác là hợp tác công nghiệp quốc phòng, kể cả mua bán công nghệ và thiết bị, những loại mà Anh sản xuất và chúng tôi nghĩ là có thể cần thiết cho phía Việt Nam.
BBC: Xin lỗi ngắt lời ông, đó là các loại trang thiết bị gì ạ?
Đại sứ Antony Stokes: Hiện tại thì là các loại trang thiết bị quốc phòng không sát thương, vì quy định về giấy phép. Nhưng xưa nay chưa có hợp tác gì trong lĩnh vực này, nên tôi hy vọng nhân chuyến thăm này, với sự có mặt của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thứ trưởng quốc phòng Việt Nam; cũng như nhân chuyến thăm sắp tới của Lord Astor, hai bên sẽ có những bước đi mới trong nội dung này và đồng thời đẩy mạnh thêm nội dung nghiên cứu chiến lược quốc phòng nữa.
Tôi muốn nhấn mạnh lại, rằng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tất nhiên bao gồm nhiều chủ đề rộng lớn và toàn diện hơn.
BBC: Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có các cuộc tiếp xúc gì trong khuôn khổ chuyến thăm, thưa ông?
Đại sứ Antony Stokes: Ông tổng bí thư sẽ có hội đàm tay đôi với Thủ tướng David Cameron, người mời ông sang thăm Anh. Ông sẽ có ăn trưa với Ngoại trưởng Anh William Hague, người đã thăm Việt Nam hồi năm ngoái và đã tới chào ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.
Anh quốc mong muốn thấy Việt Nam đóng vai trò to lớn hơn và xây dựng hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế; và Anh sẵn lòng cùng Việt Nam hợp tác để thực hiện vai trò này. Đây sẽ là nội dung thảo luận trong cuộc ăn trưa làm việc giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Hague.
Ông Trọng ngày trước từng làm Chủ tịch Quốc hội, bởi vậy ông rất quan tâm tới hoạt động của Nghị viện Anh. Ông sẽ tới thăm Quốc hội và chứng kiến một phiên làm việc để tận mắt thấy nền dân chủ Anh vận hành thế nào.
Ông tổng bí thư cũng có kế hoạch tới chào Hoàng tử xứ Wales (Thái tử Charles) tại dinh thự của ông, Clarence House.
Tượng Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London là nơi 'hành hương' của nhiều nhân vật cộng sản còn lại ở châu Âu
Chương trình còn có bữa tối với ông Vince Cable, bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp, Sáng chế và Kỹ năng, người cũng đã sang thăm Việt Nam năm 2011. Tóm lại là một chuyến đi rất bận rộn.
BBC: Ông cũng biết ông Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhà lý luận hàng đầu của Đảng CSVN. Xin tò mò một chút: liệu ông ấy có nhân cơ hội chuyến đi này để đến viếng mộ ông Karl Marx ở Highgate, hay đến Haymarket để thăm nơi ông Hồ Chí Minh từng làm việc không?
Đại sứ Antony Stokes: Quả thực là thời gian eo hẹp quá, nếu có nhiều thời gian hơn thì chắc sẽ bố trí được nhiều hoạt động hơn.
Theo chỗ tôi biết thì ông Trọng không tới thăm mộ Karl Marx, nhưng một phần chương trình của ông do Đại sứ quán Việt Nam giúp tổ chức và khi tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở London, ông có thể sẽ tới thăm nơi ông Hồ Chí Minh từng làm việc 100 năm trước đây. Khách sạn Carlton nay không còn ở chỗ đó nữa, nhưng còn một tấm bảng ghi lại điều này.
BBC: Thưa ông, nhân quyền là một trong những chủ đề mà giữa Việt Nam và các nước châu Âu, trong đó có Anh, vẫn còn nhiều khác biệt. Trong chuyến thăm này, hai bên có đề cập tới chủ đề này hay không?
Đại sứ Antony Stokes: Đúng đây là chủ đề mà Việt Nam vẫn còn là quốc gia gây quan ngại cho Anh quốc. Năm nào chúng tôi cũng công bố Phúc trình về dân chủ và nhân quyền quốc tế, trong đó chúng tôi đưa ra quan điểm của Anh về tình hình nhân quyền ở các nơi.
Tôi không rõ nhân quyền có được thảo luận trong các cuộc tiếp xúc của ông Nguyễn Phú Trọng ở London lần này hay không, nhưng nhân quyền là một trong những chủ đề quan trọng trong đối thoại giữa hai quốc gia, hai chính phủ, trực tiếp và thông qua cơ chế châu Âu.
Chúng tôi muốn xây dựng quan hệ lành mạnh, tin cậy và trên cơ sở đó chúng tôi có thể trao đổi một cách cởi mở và thành thật về mọi vấn đề, trong đó nhân quyền.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten