maandag 28 januari 2013

Thị tộc Tuareg - từ Libya qua Mali

Thị tộc Tuareg - từ Libya qua Mali
Wednesday, January 23, 2013 3:58:33 PM



Hùng Tâm/Người Việt

Tìm hiểu thêm về những khó khăn của liên quân quốc tế tại Mali

Kỳ trước, “Hồ Sơ Người Việt” kết luận rằng “Khủng bố xưng danh ‘Thánh Chiến’ hay Al Qaeda có thể là một loại u bướu ung thư rất khó trị. Nhưng tại Mali, tình hình còn phức tạp hơn vậy vì sự hiện hữu của thị tộc Tuareg. Họ là thổ dân du mục thiện chiến, buôn lậu và ăn cướp, xưa kia là lãnh chúa nguyên thủy trên cả một vùng Bắc Phi rộng lớn. Vai trò của họ trong nội tình Mali, và quan hệ chiến hòa với quân khủng bố là những gì rất nên theo dõi.” Kỳ này, ta sẽ tìm hiểu thêm về những người Tuareg.

Ngàn năm du mục

Tuareg là dân du mục sống tản mác khắp vùng Bắc Phi. Theo ước lượng vào đầu năm 2011 của Liên Hiệp Quốc, dân số Tuareg khoảng triệu người, tập trung đông nhất tại ba nước Mali, Niger và Algeria, nhưng cũng hiện diện tại Libya, Burkina Faso và Mauritania.
Trong hai ngàn năm cho đến thế kỷ 20, họ là thương nhân từng đi lại trên sa mạc Sahara nên am hiểu khu vực đó hơn mọi sắc dân khác. Từ Dori đến Burkina Faso, Tamanrasset và Algeria, họ biết rõ từng ốc đảo, giếng nước hoặc những nơi có thể giăng lều cắm trại trên một vùng đất đêm lạnh ngày nóng hơn trăm độ Farenheit (38 độ Celsisus) để buôn đủ mặt hàng như gia súc, dệt sợi, muối, ngọc, võ khí nhỏ, thực phẩm khô, đôi khi vàng và dân nô lệ.
Ðến thế kỷ 20 thì sự đời đã đổi khác.
Người dân Bắc Phi và Tây Phi cùng các nước Âu Châu tới nơi bắt đầu khoanh vùng lãnh thổ, tức là vạch ra biên cương và kiểm soát việc đi lại. Thứ hai, việc đô thị hóa và cả hiện tượng sa mạc hóa khu vực này đã thu nhỏ không gian sinh tồn của dân Tuareg. Rồi khoa học kỹ thuật Tây phương cũng đảo lộn khả năng chiến tranh và buôn bán, với võ khí và tầu hàng hiện đại hơn. Nếp sống du mục của dân Tuareg bắt đầu gặp trở ngại, rất chậm rãi nhưng khó cưỡng.
Ðây đó, xung đột đã xảy ra, ban đầu còn lẻ tẻ, nhưng đã có lúc trở thành nổi dậy như tại xứ Niger vào năm 1916-1917.
Ðến năm 1960, khi Pháp trao trả độc lập cho các nước Tây Phi, hai xứ Mali và Niger đã xác định lãnh thổ trên vùng đất trước kia chẳng có ai làm chủ và là không gian sinh tồn của người Tuareg. Với sự am hiểu về địa hình địa vật, họ mở ra chiến tranh du kích trên núi rừng hoang vu tại miền Bắc Mali vào năm 1961, cho đến khi bị quân đội Mali đánh bại vào năm 1964.
Thế rồi trong hai thập niên kế tiếp, hạn hán và nạn sa mạc hóa trên tại miền Bắc Mali và Niger khiến nhiều người Tuareg phải chạy qua xứ khác, đông nhất là ở Algeria và Libya. Trong khi ấy, cư dân địa phương không thuộc sắc tộc Tuareg cũng phải khai hoang để tìm đất sống và những biểu hiện của đô thị hóa hay hiện đại hóa này trở thành mối nguy cho dân Tuareg.
Họ bèn xoay cách khác, trở thành lính đánh thuê.

Từ Libya qua Mali và Niger

Nhờ am hiểu địa thế và thiện chiến, một số người Tuareg phiêu dạt qua Libya đã đầu quân với lãnh tụ Moammar Gadhafi khi ông này lập ra “Quân Ðoàn Hồi Giáo” (Islamic Legion) năm 1972 với tham vọng hình thành một “Hiệp Chủng Quốc Phi Châu.” Nhưng “Trung đoàn Tuareg” bị Gadhafi giải tán sau khi thất trận tại Cộng Hòa Chad vào năm 1987. Nhiều tay súng đánh thuê bị thất nghiệp.
Các chính quyền Mali và Niger chiêu hồi các tay súng này, với hứa hẹn yểm trợ và định cư. Ðược huấn luyện, trang bị võ khí và trả lương, nhiều người Tuareg từ Libya tìm về Mali và Niger. Nhưng tại đây họ đụng độ với cư dân bản địa và lời hứa yểm trợ của chính quyền không thể hiện khiến nhiều người bất mãn và nổi loạn. Ðấy là tình hình vào năm 1990.
Những vụ nổi dậy và tấn công đồn bót chính phủ tại Niger khiến mấy trăm người bị bắt vào đầu năm 1990. Tại Mali cũng vậy, xung đột bùng nổ trong nhiều năm liền giữa quân đội chính quy và lính đánh thuê người Tuareg. Pháp và Hoa Kỳ bèn can thiệp và dàn xếp chuyện hòa giải tại Mali vào năm 1992 và Niger vào năm 1995. Các chính quyền Mali và Niger đồng ý phân quyền và tài trợ cho dân Tuareg tại các vùng đất hoang vu heo hút trong lãnh thổ.
Nhưng đấy là hai quốc gia cực nghèo, công khố có hạn được ưu tiên trút vào miền Nam, cho cư dân bản địa và là vùng kiểm soát sinh tử của chính quyền trung ương. Lại thêm một lần thất vọng. Trong khi ấy, khủng bố Hồi Giáo lại có thể nhắm vào khu vực hiểm trở này làm hậu cứ.
Vì vậy, hai chính quyền Pháp và Mỹ đã sớm nghĩ đến việc ngăn ngừa khủng bố. Họ kín đáo huấn luyện và trang bị võ khí cho quân Tuareg để truy lùng khủng bố, kể cả đặc công al-Qaeda. Nhờ vậy, chưa kể thêm kinh nghiệm tác chiến khi dân Tuareg đầu quân dưới trướng Gadhafi ở Libya, hai nhóm đã nổi danh trên thời sự quốc tế vào năm 2007. Tại Mali có lực lượng xưng danh Liên Ðoàn Dân Chủ và tại Niger có Phong Trào Công Lý cùng nổi dậy chống chính quyền địa phương với khả năng tác chiến và hỏa lực mạnh hơn mọi tiền lệ trước đó. Hiệp định hòa bình ký kết năm 2009 chỉ là giải pháp tạm bợ.
Chúng ta tiến đến tình trạng hiện nay khi phiến quân Tuareg đồng loạt tấn công một số đồn bót Mali tại vùng Ðông Bắc vào đầu năm 2011 và nay đã có thể tung hoành từ vùng Kidal tới Lere ở phía Tây Nam của Timbuktu.

Tuareg và Gadhafi

Người ta cứ nói đến “Mùa Xuân Á Rập” và sự sụp đổ của chế độ độc tài Moammar Gadhafi tại Libya mà không để ý đến những mảnh vụn Tuareg từ Libya đã văng vào xứ Mali ngày nay.
Thị tộc Tuareg gồm có nhiều bộ lạc khác nhau, mỗi bộ lạc lại có vùng sinh hoạt riêng. Tại Mali, các bộ lạc người Oulemedens, Ichnidharans hay Imgads thường có lập trường ôn hòa và sẵn sàng hợp tác với chính quyền Bakamo ở phía Tây Nam. Trong khi ấy, các bộ lạc người Idnans, Ifoghas hay Chamanesse thì sẵn sàng nổi loạn.
Tình trạng chiến hòa bất phân ấy đã phức tạp, nhưng khi châm thêm vào bài toán Mali cả ngàn tay súng Tuareg từ Libya “hồi hương” sau khi Gadhafi bị lật đổ, chúng ta có một mớ bòng bong sắt máu. Ðã thế, ngay trong sắc dân Tuareg cũng có nhiều lãnh tụ trở cờ chống lại Gadhafi và được liên quân quốc tế tiếp tế võ khí như những “dân quân” nổi dậy vì dân chủ Libya.
Hậu quả là một nồi cháo heo có mùi át xít.
Trong số lãnh tụ Tuareg nổi danh trên chiến trường Libya có Ðại Tá Ag Mohamed Najem của quân đội Gadhafi, thuộc bộ lạc Ifoga với lập trường quyết liệt chống lại chính quyền Mali tại Bakamo. Với kinh nghiệm tác chiến từ chế độ Gadhafi, nhóm võ trang này xưng danh “Mặt Trận Giải Phóng Azawad” (được thời sự gọi tắt là MNLA), vào bốn ngày trước khi Gadhafi bị hạ sát vào cuối năm 2011.
Chính quyền Mali tố cáo nhóm MNLA này là cộng tác với lực lượng Al Qaeda tại khu vực Maghreb Hồi Giáo (AQIM). Ngược lại lãnh tụ MNLA phủ nhận mọi quan hệ với khủng bố AQIM và còn khẳng định rằng họ là chiến tuyến ngăn ngừa AQIM bành trướng tại Mali.
Về thực tế, nhóm MNLA quy tụ nhiều tay súng đã thành danh từ lâu, với chiến công nổi dậy chống chính quyền Mali từ những năm 1990, rồi 2007-2009 và 2011. Trong số này, nhiều người từng là sĩ quan trong đạo quân Gadhafi và có kinh nghiệm tác chiến ngoài sa mạc. Khi hết đất sống tại Libya, họ trở về Mali và đòi vạch đôi sơn hà để hùng cứ ở miền Bắc. Nhiều nguồn tin cho biết nhóm này có từ hai đến bốn ngàn tay súng đã dày dạn gió sương Libya, nghĩa là một lực lượng đáng nể cho chính quyền và quân đội Mali.
Họ có liên hệ gì đến lực lượng khủng bố AQIM không? Câu trả lời có thể là không mà có! “Hồ Sơ Người Việt” phải lui một chút để giải thích mâu thuẫn này.

Mali giữa MNLA và AQIM

Mali là một xứ cực nghèo, chỉ có 14 triệu dân trên một lãnh thổ rộng gấp ba Việt Nam, mà quân đội chỉ có bảy ngàn lính nghèo, thiếu trang bị và huấn luyện. Chính quyền Mali tại Bamako không thể và cũng chẳng muốn giải quyết bài toán Tuareg hay MNLA hoặc AQIM. Chỉ có Hoa Kỳ và các cường quốc Âu Châu, đứng đầu là nước Pháp mới e ngại sự bành trướng của u bướu ung thư AQIM trên một vùng rộng lớn từ Bắc Phi qua Tây Phi xuống tới miền Nam.
Nếu không có AQIM, chuyện hợp tan của Mali là vấn đề nội bộ của một quốc gia độc lập! Vì mối nguy khủng bố Hồi Giáo, xứ này mới được viện trợ và quân đội được trang bị. Nhưng Mali là vùng nước đục và bài toán Tuareg là chuyện phức tạp và nan giải vì những xoay chuyền lập trường gần như liên tục.
Vì sự sống còn của mình, chính quyền Mali cần chứng minh với quốc tế (Hoa Kỳ, Âu Châu và các nước khác, kể cả Liên Bang Nga) rằng nhóm Tuareg MNLA có liên hệ với khủng bố AQIM. Ngược lại, nhóm MNLA thì chối bỏ sự kiện đó và còn hứa hẹn, cũng với quốc tế, rằng nếu được quyền tự trị tại miền Bắc xứ Mali, chính là dân Tuareg sẽ ngăn ngừa quân khủng bố.
Thực tế thì các nhóm võ trang người Tuareg, ở dưới trướng MNLA từ năm 2011, có trổ nghề riêng là buôn lậu, ăn cướp và bắt cóc để đòi tiền chuộc mạng. Những “doanh nhân” Á Rập mà buôn bán trên vùng đất của dân Tuareg thường phải nộp tiền mãi lộ và đấy là nguồn thu nhập kinh tế của dân quân hay phiến quân Tuareg. Trên đường làm ăn như vậy, đã có lúc họ tiếp xúc và trao đổi với quân khủng bố AQIM. Trao cho AQIM các con tin Tây phương để đổi lấy tiền và súng đạn. Khi hậu cứ là Libya đã cạn thì việc cộng tác với AQIM là giải pháp thay thế.
Ðộng lực ở đây là kinh tế, chứ không phải tôn giáo hay ý thức hệ về một Ðế quốc Hồi giáo trải rộng từ Bắc Phi xuống toàn cõi Phi Châu. Ngược lại, dân Tuareg cũng chẳng mặn mà gì với một tương lai nằm dưới chế độ giáo luật Shiria của dân Hồi Giáo cực đoan mà các nhóm al-Qaeda nguyên thủy hay địa phương vẫn thường cổ xúy bằng bạo lực khủng bố.
Vì vậy, sự cấu kết giữa nhóm MNLA của dân Tuareg và lực lượng khủng bố AQIM là chuyện có thật, nhưng không thường xuyên và vĩnh viễn. Ngược lại, giải pháp cho các nước Tây phương về nan đề AQIM có khi lại nằm trong tay người Tuareg hay nhóm MNLA.

Viễn ảnh Mali

Sau vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ vào năm 2001 và 10 năm vất vả với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chính quyền Mỹ không thể coi thường sự bành trướng của khủng bố al-Qaeda dưới bất cứ danh xưng nào. Nhưng sau vụ can thiệp vào Libya với hậu quả tai hại bất ngờ, họ không dại dột châm tiền và thả súng vào những ổ kiến lửa như Mali. Chính quyền Hoa Kỳ lui về phía sau nước Pháp để thủ vai yểm trợ.
Nước Pháp bước lên tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố AQIM tại Mali không chỉ vì xứ này mà vì toàn khu vực Bắc Phi và Tây Phi: nguồn cung cấp năng lượng từ Algeria, uranium từ Niger, vàng từ Mauritania, hay bông vải từ Mali và cacao từ Ivory Coast.... Vụ AQIM tấn công một trung tâm dầu khí của hãng BP tại Algeria vào ngày 16 vừa qua khiến nhiều con tin Tây phương bị hạ sát là một nhắc nhở về tầm quan trọng của nạn khủng bố tại Mali. Ðấy là lý do vì sao một chính quyền thuộc đảng Xã Hội Pháp đã gạt qua một bên lý luận về quyền lực mềm mà ráo riết đổ quân vào Mali.
Người ta cũng chẳng thấy các nước Phi Châu tri hô báo động về âm mưu thực dân của Pháp hay đế quốc của Mỹ! Phong trào “Thánh Chiến” và nguy cơ khủng bố là vấn đề có thật và lực lượng AQIM đang tìm cách làm tiêu hao khả năng và ý chí can thiệp của các nước Tây phương.
Khi ấy, vai trò của dân Tuareg và nhóm võ trang MNLA lại có thể là vấn đề hay giải pháp.
Sau khi chế độ Gadhafi tan rã tại Libya, dân Tuareg tại Mali đã có một nguồn cung cấp võ khí đáng kể nhưng chỉ một mùa và không vĩnh viễn. Họ phải tìm nơi tiếp liệu khác, qua đường dây buôn lậu võ khí hay chính các sĩ quan tham nhũng của quân đội Mali. Nhóm MNLA đang cố thực hiện việc đó!
Nhưng muốn tồn tại và có tin tình báo thì họ phải có dân. Tức là phải tranh thủ lòng người Tuareg và nhiều bộ tộc xưa nay vẫn có ý hợp tác với chính quyền Bakamo. Chúng ta nên theo dõi và tìm hiểu về những mâu thuẫn bên trong cộng đồng Tuareg để biết được khả năng bạo lực và tuyên truyền của nhóm MNLA.
Quan trọng nhất, nhóm võ trang này có thể lại đảo ngược lập trường và quay ra hợp tác hay ít nhất là bán tin cho Tây hương để xin làm “chí nguyện quân” chống khủng bố AQIM. Khi ấy, chính quyền Mali tại Bamako sẽ xoay trở ra sao?

Kết luận của chuyện này là gì?

Chuyện dài về dân Tuareg là một truyện dài không có tính cách hư cấu giả tưởng. Nó phức tạp hơn một bản tin vài trăm chữ mà liên hệ đến cả vạn sinh mạng và sự tồn vong của xứ Mali.
Chuyện ấy cũng khiến ta liên tưởng đến các sắc dân thiểu số tại Miến Ðiện giữa những tính toán kinh tế và an ninh của Trung Quốc, Hoa Kỳ, hay bà Aung Sann Suu Kyi. Hoặc chuyện Kinh/Thượng và Tây nguyên của Việt Nam!

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=160841&zoneid=403

Geen opmerkingen:

Een reactie posten