Phi Hùng/Người Việt
QUẢNG NAM - Giáp Tết, người nghèo đang lúng túng vì chưa biết lấy tiền đâu ra để mua sắm Tết, cả năm dành dụm được vài đồng, gặp kẻ lừa đảo đóng vai nhà từ thiện với một mớ tiền giả, lừa luôn những đồng ít ỏi của dân nghèo. Hiện nay, trò lừa từ thiện bằng tiền giả, lấy tiền thật của người nghèo đang bùng phát ở miền Trung.
|
Người bình thường thật khó phân biệt đâu là tiền thật, đâu là tiền giả. (Hình: Phi Hùng/Người Việt) |
Lợi dụng những người già, khó khăn, ít hiểu biết, những kẻ lừa đảo đã gõ cửa những gia đình nghèo, giả bộ là nhà từ thiện, đến tâm sự tỉ tê để chia sẻ, và giở chiêu lừa đảo. Bà Nguyễn Thị Hà, 73 tuổi, người Tam Quan, Bình Ðịnh, kể: “Tui dành dụm được sáu trăm ngàn đồng ăn Tết, nó lừa một cú sạch trơn!”
“Nó đến hai người, một nam một nữ, nói là ghé thăm, hỏi han đời sống, sau đó thằng con trai rút ra một tờ năm trăm ngàn đồng, nói là tặng cho tôi ba trăm, tôi lấy hai trăm ngàn trả lui cho nó, nói chuyện một lúc, con nữ lại lấy ra một tờ năm trăm ngàn đồng, nói là tặng tui một trăm ngàn đồng, tui phải lục túi lấy bốn trăm ngàn còn lại để trả lui. Chưa kịp hết mừng vì có được một triệu đồng trong túi, ra mua hộp bánh về cúng ông nhà, họ kêu tiền giả, lấy tờ còn lại ra cũng tiền giả, hỡi ôi!”
Ngoài cụ bà Nguyễn Thị Hà, còn nhiều người trong khu vực Tam Quan, Bình Ðịnh bị lừa mất tiền theo kiểu này. Cũng chiêu lừa từ thiện bằng tiền giả, ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi xuất hiện một lô tiền mệnh giá hai trăm ngàn đồng, và cách lừa cũng có tính “cộng đồng hơn.” Một nhóm thanh niên đóng vai những nhà từ thiện, đến chợ, đi dạo một vòng và thông báo sẽ tặng mỗi bà hàng xén một trăm ngàn đồng.
Bà Ðông, chủ một hàng xén ở chợ cá An Hải Ðông, Lý Sơn, kể: “Chừng 6 giờ sáng, tụi nó đi khá đông, đến nói bà con là tụi nó muốn tặng mỗi người một trăm ngàn đồng, bà con phải chuẩn bị một trăm ngàn để thối lại cho tụi nó, nó tặng tổng cộng gần hai trăm người, cả chợ và khách đi chợ đều bị nó lừa, số tiền hơn hai chục triệu đồng. Ðến trưa, có người phát hiện tiền giả, báo công an, thì tụi nó đã lên tàu, vào bờ và chuồn mất rồi.”
“Một số người bán tỏi, bán hành và trái cây trong xóm thì bị tụi nó lừa nhiều lắm, nó mua trái cây, thuốc lá, hành, tỏi... mua chừng năm chục, một trăm ngàn rồi đưa tờ hai trăm ngàn, chủ hàng phải thối tiền, kết quả là vừa mất hàng, vừa mất tiền, còn bị lên công an khai báo nữa, khổ ơi là khổ!”
Trong những ngày giáp Tết, những kẻ lừa đảo bắt đầu hoành hành, kiếm ăn bằng mọi cách, trong đó, chiêu lừa đảo bằng tiền từ thiện là ít bị phát hiện và mang lại cho chúng nhiều tiền nhất.
Ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, những cư dân nghèo ở các xóm vắng cũng gặp những trường hợp tương tự. Cụ bà tên Huyện, người xã Quảng An, Quảng Ðiền, Thừa Thiên-Huế, mếu máo kể: “Tui quanh năm hái rau má đi bán ngoài chợ, lâu lâu đi buôn lá chuối, bắt ốc, bắt cua đồng để bán kiếm tiền dành dụm cho ngày Tết, ai ngờ bị nó lừa!”
“Thì nó cũng đến hỏi han, thăm thú, xong rồi nó rút tờ năm trăm ngàn ra cho mình ba trăm, mình lấy hai trăm trả lại, cám ơn nó, trong lúc mình lục túi, nó để ý thấy tiền của mình còn bao nhiêu rồi, nên sau đó, đứa khác lại móc ra tờ năm trăm, nói cho mình một trăm ngàn đồng, mình thối lại, đến khi ra chợ mua mới biết là tiền giả. Ở đây nhiều người trẻ bị nó lừa lắm, vì trẻ nên họ mắc cỡ, không dám kể ra là mình bị lừa tiền vì từ thiện, chứ ước chừng cả làng này mất cũng phải ba chục triệu tiền bị lừa...”
“Ngay cả an ninh thôn cũng bị nó lừa nữa mà, nó đánh vào tâm lý người mình hay chờ tiền từ thiện, nên nó cho là nhận ngay, thối ngay, có điều nó giỏi là nó đi thoáng qua rất nhanh và rút cũng nhanh, chẳng có ai hay biết chuyện gì, đến khi cầm tiền ra chợ mới hay là tiền giả. Hơn nữa nó hiểu người nhà quê hay giấu giếm mỗi khi có ai cho thứ gì, mà nó thì đến từng nhà, nên bà con bị lừa rất nhiều...”
Bà Trần Thị Tuyết, 50 tuổi, người Ðại Lộc, Quảng Nam, buồn bã kể: “Tui buôn rau ngoài chợ, nó ghé đến cho tiền bà con, tui là người may mắn nhất vì không bị lừa mất tiền, nó cho mồi tui hai trăm ngàn tiền giả, sau đó rút ra một xấp tiền toàn năm trăm ngàn, bảo bà con chuẩn bị tiền thối lại, vì nó cũng cần tiền lẻ để đi cho chỗ khác, cần tờ 100 ngàn đồng, nghe vậy, bà con nháo nhào tìm tờ 100 ngàn để thối cho nó đi làm từ thiện chỗ khác.”
“Chờ bà con thối tiền xong, tụi nó chào bà con, chúc bà con năm mới vui vẻ, giọng nói đầy tự tin và truyền cảm, tỏ ra rất cảm thông với nỗi khổ của bà con, xong việc, nó lên xe, biến mất. Ðến khi bà con phát giác tiền giả, báo công an thì nó đã đi đến tận bên Mỹ rồi cũng không chừng!”
Xâu chuỗi lại các vụ lừa đảo, phần lớn kẻ lừa đảo chọn những vùng quê nghèo, chợ quê, không có tiệm vàng, không có máy soi tiền giả và giở trò từ thiện, chính vì nghèo khổ, hơn nữa cận Tết, kinh tế khó khăn, bà con thường hy vọng có một tổ chức từ thiện nào đó đến giúp đỡ. Dựa vào điểm yếu này của bà con, những kẻ lừa tiền giả hành nghề rất suôn sẻ và lừa được rất nhiều tiền.
Năm hết, Tết đến, nếu dân nghèo bị lừa, họ sẽ không còn niềm vui đón Tết, thậm chí không còn tiền để đón Tết, nghèo lại đeo thêm cái khổ...
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=160998&zoneid=310
Geen opmerkingen:
Een reactie posten