woensdag 30 januari 2013

Hồng Kông: Gia tăng phong trào chống kiểm duyệt thông tin

Thứ hai 28 Tháng Giêng 2013

Hồng Kông: Gia tăng phong trào chống kiểm duyệt thông tin

Biểu tình tại Hồng Kông, đòi chủ tịch đặc khu Lương Chấn Anh từ chức, 27/01/2013
Biểu tình tại Hồng Kông, đòi chủ tịch đặc khu Lương Chấn Anh từ chức, 27/01/2013
REUTERS/Bobby Yip

Tú Anh
Lực lượng phóng viên và báo chí Hồng Kông công bố một bản kiến nghị với 1800 chữ ký yêu cầu lãnh đạo Lương Chấn Anh rút lại một dự luật bị lên án là kiểm duyệt thông tin, cản trở tự do báo chí. Dự luật này cho thấy sự bối rối của Bắc Kinh, sau khi hàng loạt tài liệu liên quan chứng tỏ tài sản lên đến hàng tỷ đô la của thủ tướng Ôn Gia Bão và của tổng bí thư Tập Cận Bình bị tiết lộ.

Phong trào đòi dân chủ và chống hạn chế tự do tại Hồng Kông mỗi ngày mỗi dồn dập, trong khi phía chính quyền cũng gia tăng các biện pháp ngăn chận thông tin. Chính quyền đặc khu hành chính, do Trung Quốc hậu thuẫn, đang chuẩn bị một dự luật gọi là « bảo mật thông tin » liên quan đến lãnh đạo các công ty, xí nghiệp. Cụ thể là các tổng giám đốc hay giám đốc có quyền nhờ pháp luật bảo vệ, không cho công chúng tìm kiếm địa chỉ, số thẻ căn cước hay số hộ chiếu.
Những thông tin này, hiện nay không bị ngăn chận, đã cho phép phóng viên điều tra phát hiện một số nhân vật lãnh đạo Trung Quốc cũng như gia đình, thân nhân, bạn bè của họ nắm giữ bao nhiêu cổ phần, bao nhiêu tài sản trong các xí nghiệp liên doanh hay tư nhân.
Kiến nghị phản đối với tựa đậm « Bí mật sinh ra tham nhũng » đồng loạt chiếm nguyên một trang báo của 5 nhật báo Hồng Kông. 1800 người gồm phóng viên, giáo sư và sinh viên các trường báo chí thục giục lãnh đạo chính quyền Lương Chấn Anh hủy bỏ kế hoạch « phản tiến bộ » ngăn cấm quyền thông tin và quyền được thông tin.
Kế hoạch « bảo mật thông tin bảo vệ đời tư » lãnh đạo xí nghiệp gặp phản ứng mạnh trong giới nhà báo Hồng Kông và ngoại quốc. Hơn ai hết, giới phóng viên biết « lá bài tẩy » của kế hoạch này là để bảo vệ những người lãnh đạo Trung Quốc cất dấu tài sản lên đến hàng trăm triệu đô la và che mắt người dân Hoa lục, nơi mà tự do thông tin là một món hàng đắt giá có thể phải trả bằng tội danh âm mưu lật đổ chế độ.
Trong năm 2012 vừa qua , trong bối cảnh đấu đá tranh giành quyền lực với vụ án bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người dân Trung Quốc được truyền thông Nhà nước tiết lộ các tội danh tham ô, lạm quyền của ngôi sao đang lên này. Thế nhưng, nhờ một số phóng viên chuyên nghiệp và kiên nhẫn, công luận được biết thêm hai nhân vật có tiếng « chống tham ô » là thủ tướng Ôn Gia Bão và phó chủ tịch Tập Cận Bình cũng không phải là « tay mơ » làm giàu bất chính, vi phạm ngay luật pháp của Trung Quốc.
Tháng 6/2012, cơ quan truyền thông Bloomberg, dựa vào tài liệu chính thức, công khai, đã tổng kết và phổ biến một danh sách dài về công cuộc làm ăn hùn hạp của ông Tập Cận Bình, vài ngày trước khi ông được chỉ định lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch nước tương lai. Tài sản của gia đình Tập Cận Bình được thẩm định lên đến 376 triệu đôla.
Đến tháng 10/2012, nhật báo New York Times công bố một kết quả điều tra nóng bỏng, theo đó, gia đình ông Ôn Gia Bão đã kết tập được một tài sản khổng lồ 2,7 tỷ đô la sau gần 10 năm làm thủ tướng cũng nhờ vào đầu tư và đầu cơ .
Phần đông những công ty phồn vinh của Trung Quốc đều niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại Hồng Kông hoặc có chân rết tại cửa ngõ được dùng làm nơi thu hút đầu tư quốc tế.
Do vậy, ngoài vấn đề chà đạp nghiệp vụ báo chí, dự luật « bảo vệ đời tư » lãnh đạo xí nghiệp có thể gây tác hại cho sinh hoạt kinh tế, tài chính Hồng Kông. Câu lạc bộ phóng viên ngoại quốc tại Hồng Kông e rằng kế hoạch của Lương Chấn Anh rất xấu cho môi trường doanh nghiệp cần tính minh bạch.
Nhà báo Ednid Tsui, chủ tịch Câu lạc bộ, nhận định, danh tiếng của trung tâm dịch vụ tài chính Hồng Kông không thể bị hy sinh cho một đạo luật đi ngược chiều tiến bộ.
Song song với kiến nghị phản đối của giới phóng viên, giáo sư và sinh viên báo chí , Câu lạc bộ báo chí ngoại quốc sẽ gặp đại diện chính quyền Hồng Kông vào thứ Tư để gây sức ép.
Từ đầu năm đến nay, xã hội công dân và đảng phái đối lập liên tục có động thái mạnh chống chính quyền bị xem là cánh tay nối dài của Bắc Kinh. Ngày 01/01/2013, hàng chục ngàn người xuống đường đòi ông Lương Chấn Anh từ chức. Một tuần sau, mặc dù chỉ chiếm thiểu số tại nghị viện, 27 dân biểu đối lập ký kiến nghị đòi truất phế chủ tịch đặc khu hành chánh.
Phong trào dân chủ Hồng Kông, hồi năm ngoái, đã thành công buộc chính quyền phải rút lại một chương trình dạy « công dân » tại học đường mà thực chất là tuyên truyền một chiều cho đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten