zondag 27 januari 2013

Mỗi năm, 40,000 người Việt ra ngoại quốc chữa bệnh

Mỗi năm, 40,000 người Việt ra ngoại quốc chữa bệnh
Friday, January 25, 2013 6:41:08 PM




Chi phí tốn kém khoảng $1 tỉ


VIỆT NAM (NV) - Bộ Y Tế CSVN nói rằng họ thất thu trung bình mỗi năm không dưới $1 tỉ chi phí của khoảng 40,000 người Việt chữa bệnh tại các bệnh viện ngoại quốc.
Tình cảnh chen chúc để được khám bệnh diễn ra hàng ngày tại Việt Nam. (Hình: Petrotimes)

Không chỉ có dân “đại gia” tiền tỉ, những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng chấp nhận bỏ “ngàn đô” để được bệnh viện ngoại chữa trị từ những chứng bệnh thông thường.
Báo Petrotimes dẫn phúc trình mới nhất của Bộ Y Tế Việt Nam liệt kê một loạt các quốc gia hiện nay là “điểm đến” của bệnh nhân Việt Nam, gồm Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Nam Hàn, Australia, Hoa Kỳ...
Một số bác sĩ ở Việt Nam “chắc lưỡi” tỏ ý tiếc khi nghe con số viện phí khổng lồ mà lẽ ra phải chạy vào ngân quỹ của ngành y tế Việt Nam. Ông Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn nói rằng chi phí trị bệnh ở các bệnh viện ngoại quốc đắt gấp 4-10 lần so với trong nước.
Ông cảnh cáo rằng người Việt Nam đi ngoại quốc chữa trị còn gặp rất nhiều trở ngại, từ ngôn ngữ, cho đến việc đi lại... đầy tốn kém. Cũng theo ông, một lần đi khám bệnh với các bác sĩ ở Singapore tốn không dưới 5,000 đôla Singapore. Ðã vậy, ông Dũng nói rằng, nhiều người chữa bệnh ở ngoại quốc không tới đâu, đành phải quay về Việt Nam điều trị.
Petrotimes còn dẫn trường hợp có thật của một cư dân quận Bình Thạnh, Sài Gòn cho biết đã tốn khoảng 100 triệu đồng, tương đương 5,000 đô để điều trị bệnh ung thư tuyến tụy tại Singapore. Khi hết tiền, không thể tiếp tục được nữa, ông mới nghe nói rằng ở Việt Nam chỉ tốn khoảng 15 triệu đồng, tương đương 750 đô để được điều trị một phác đồ tương tự.
Một số bác sĩ ở Việt Nam cũng nói rằng tất cả các khoản khám, chữa bệnh, nhất là những dịch vụ khám bệnh thông thường như nội soi dạ dày, cắt ruột thừa, mổ trĩ, kể cả nhổ răng... ở ngoại quốc đều tốn không dưới 2,000 đôla mỗi trường hợp. Trong khi theo các bác sĩ “nội,” chi phí chữa trị ở Việt Nam chỉ tốn chừng 20 đô, vì đó là những kỹ thuật y khoa giản dị đã được làm từ lâu ở Việt Nam.
“Lãng phí, làm chảy máu nguồn ngoại tệ một cách vô lý,” là nhận xét của một vị bác sĩ khác đang hành nghề tại Việt Nam.
Tuy nhiên, điều thực tế cho thấy khuynh hướng đi ngoại quốc để khám bệnh và chữa bệnh của người dân ở Việt Nam đã hình thành từ chục năm nay, chứ không phải mới đây.
Ông Nguyễn Hùng, cư dân quận 5, Sài Gòn tâm sự rằng bệnh nhân Việt “né” bệnh viện “nội” không phải vì chê bác sĩ “nội” kém tài. Nguyên nhân chính, theo các cư dân “sính ngoại” trong lĩnh vực khám, chữa bệnh này, là vì bệnh viện “nội” thiếu tiện nghi, thiếu thuốc men, thiếu cả phương tiện, máy móc chữa trị. Quan trọng hơn, theo ông Hùng, ngành Y Việt Nam đã làm mất niềm tin ở người bệnh quá lâu.
“Ở Việt Nam gì cũng tiền,” ông Hùng cho biết, “thà để tiền đó chi phí cho bệnh viện Singapore hoặc Thái Lan, chúng tôi còn nhận được thái độ cởi mở, ấm áp hơn nhiều của các y bác sĩ. Ở Việt Nam, người bệnh chỉ nhận được thái độ ghẻ lạnh, vô trách nhiệm, cả vô nhân đạo khiến bệnh ít thành bệnh nhiều, bệnh nhiều thì... chết luôn.”
Hình quảng cáo phô bày sự thân thiện và tôn trọng người bệnh của nhân viên y tế ngoại quốc. (Hình: Petrotimes)

Theo một số người khác, niềm an ủi và sự tin tưởng về độ an toàn ở các bệnh viện “ngoại” giúp người bệnh mau lành bệnh. Vì vậy, khi đưa thân nhân của họ đi ngoại quốc chữa trị, dẫu không cứu được vì bệnh nặng quá, họ cũng cảm thấy được an ủi phần nào trước sự mất mát người thân.
Mới đây, một bác sĩ nội khoa Việt Nam, xin được giấu tên, còn cảnh cáo bệnh nhân rằng “chớ ham nội soi bao tử tại các bệnh viện Việt Nam.” Ông thú nhận rằng, sự cẩu thả và việc “tận dụng” vật dụng khám bệnh của nhân viên y tế ở Việt Nam vô tình làm lây lan bệnh truyền nhiễm mỗi lúc thêm nhiều. Nhiều người không có bệnh, muốn nội soi bao tử để “kiểm soát,” vô tình bị mắc bệnh đường ruột nguy hiểm. (PL)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=160995&zoneid=2

Geen opmerkingen:

Een reactie posten