Nhân cách cao quý của người nghệ sĩ
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-01-11
Câu chuyện vừa rồi của người nữ nghệ sĩ mang tên Kim Chi đã làm những ngươi theo dõi các sự kiện trên Internet trong và ngoài nước sửng sốt và xúc động.
Sửng sốt vì chị đã có một hành động rất anh dũng khi viết thư gửi cho Hội Điện Ảnh Việt Nam từ chối không chấp nhận một bằng khen có chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thẳng thắn viết rằng “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Người biết chuyện xúc động vì nữ nghệ sĩ Kim Chi là người tập kết ra bắc khi tuổi còn xanh đến nay đã hơn 70 nhưng tấm lòng với đồng đội với đất nước của chị vẫn giữ vững như ngày đầu bước chân lên dãy Trường sơn trình diễn những vở kịch giúp vui cho bộ đội. Những con người một thời cống hiến ấy nay đang sống thiếu thốn chật vật và thậm chí bị chính người đồng chí của mình bóc lột, chèn ép.
Mặc Lâm tiếp nối câu chuyện của chị dưới những góc nhìn khác để chúng ta hiểu thêm cá tính một con người như thế nào mà lại đủ can đảm thốt lên một câu có sức mạnh lay động cả triệu con tim như thế.
Từ chối chứ không chống dối
Mặc Lâm: Thưa chị Kim Chi, rất cám ơn chị đã nói giúp rất nhiều người cái ý nghĩ của họ đối với một lãnh đạo đã đánh mất toàn bộ niềm tin trong lòng nhưng do lo sợ bị trấn áp cách này cách khác đã không đủ can đảm để phát biểu như chị. Xin chị cho biết bắt đầu từ yếu tố nào khiến chị phản ứng mãnh liệt đến như thế?
Nghệ sĩ Kim Chi: Phản ứng vừa rồi của chị vì chị nghĩ là một ông Thủ tướng mà ông ấy làm ra bao nhiêu vụ như Vinashin rồi thứ nọ thứ kia, tỷ này tỷ kia bây giờ ký một cái bằng để khen chị thì chị cảm giác tổn thương nên chị từ chối vậy thôi chứ không phải là thái độ chống đối hay gì cả.
Cuộc đời này “sắc sắc không không” lắm nhưng dẫu như vậy thì cũng không nên để cho người dân khổ. Chị đa cảm lắm, khi nhìn thấy ngày ngày những chuyện người ta bị mất đất mất đai, bị tranh giành bởi một nhóm người nào đó thì nhiều khi chị ngồi chị khóc ngon lành. Chị nghĩ nếu người điều hành đất nước mà để xảy ra những việc đó thì đâu có giỏi, đâu có hay mà nắm quyền làm gì?
Chính xuất phát từ xem TV, đọc báo thấy những chuyện ấy nó đau lòng quá nên chỉ mong mỏi nếu bỗng dưng ngủ dậy nghe ổng làm đơn từ chức thì mình cảm ơn ổng lắm. Để ai đó có năng lực có tâm, có tài người ta thay thế. Chính vì thấy những điều đó nên chị hành động như vậy thôi.
Mặc Lâm: Chị có thể cho biết việc làm ngoại mục này của chị chỉ một mình chị thôi hay có sự đồng cảm của gia đình, đặc biệt là người bạn đời của chị hiện nay, người mà nếu có gì xảy ra cho chị thì anh ấy cũng không thể tránh phiền hà…
Nghệ sĩ Kim Chi: Ông xã bây giờ của chị ổng dạy tại Đại học Bách khoa ổng rất là ủng hộ chị. Khi cái thư của chị viết “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của người làm nghèo đất nước”, ổng bảo cho anh thêm một câu nữa là “làm khổ nhân dân”…Chị bảo đúng, đúng, hay quá! Cho nên ngay trong gia đình thì ông chồng chị rất là ủng hộ chị với một thái độ cương trực thẳng thắn như vậy.
Mặc Lâm: Vậy thì cũng phải chia lời cám ơn và sự ngưỡng mộ đối với ông xã của chị nữa! Sau khi câu chuyện lan rộng trên Internet chị có nhận được những phản hồi gì hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Từ mấy hôm nay rất nhiều người gọi điện tới hầu hết tỏ lòng ủng hộ, ngưỡng mộ chị. Có một vài bạn hơi lo lắng cho chị nhưng chỉ chả thấy sao cả. Quan niệm đầu tiên của chị là: sống phải tử tế. Sống trung thực, không cúi đầu trước bất cứ cái gì. Nói về sự nghiệp điện ảnh thì chị có đóng góp nhưng chị thấy không có gì quá nhiều đâu nhưng nếu cộng với lĩnh vực sân khấu thì rõ ràng là mình có con số cộng.
Mặc Lâm: Chị có thể cho thính giả biết một ít về những hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh và sân khấu cũng như quá trình công tác sau khi chị tập kết hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Sau khi chị tốt nghiệp lớp diễn viên đầu tiên, lúc đó chị đi tập kết ba chị là liệt sĩ chống Pháp. Sau đó chị thi vào trường điện ảnh, tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên nhưng thấy miền Bắc lúc đó rất là ít phim, mỗi năm chỉ có một phim thôi, mình chen lấn chờ đợi thì khó mà lúc ấy chiến trường miền Nam thì cần văn nghệ, thế là chị xung phong ra chiến trường nên chị là người nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường sơn.
Hồi đó có cái vui là chị đóng nhiều vai chính làm MC cho nhiều đoàn Văn công Giải phóng. Đi đến đâu thì bộ đội rất yêu quý và đặt cho biệt danh là “Người đẹp rừng xanh”! Chị hay nói giỡn là xanh với khỉ dọc thì em đẹp hơn là cái chắc rồi đó…
Nói vui để em thấy rằng chị có những ký ức lớn lao và sâu xa nhiều thì phải nói là sân khấu. Chị ở sân khấu chiến trường 10 năm, phục vụ đồng bào và chiến sĩ, đuổi giặc ngoại xâm dành lại đất nước.
Nghệ sĩ ưu tú
Mặc Lâm: Được biết chị đã từng nhận danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, cảm giác khi nghe tin mình được một giải thưởng danh giá như vậy của chị ra sao?
Nghệ sĩ Kim Chi: Chị phải nói như thế này, khi chị nghe mình được phong “Nghệ sĩ ưu tú” thì cảm xúc đầu tiên là chị khóc. Chị khóc không phải cho chị nhưng chị nghĩ mình may mắn là chị còn trở về để thấy thắng lợi thấy mọi thứ. Hôm nay dẫu muộn màng vẫn còn được ghi nhận. Chị thương những người đồng đội của chị, những người mà đến bây giờ họ rất là thiệt thòi thậm chí họ gửi hài cốt lại chiến trường. Có những người cho đến bây giờ họ không có một quyền lợi gì hết.
Thương chớ, xót xa chớ. Thương những người đồng đội của chị họ không được trở về như chị. Chị may mắn tốt nghiệp ở miền Bắc rồi đi vào chiến trường, đi diễn và có nghề có nghiệp còn các đồng đội của chị thì họ ở dưới ruộng họ lên họ vào đoàn cho nên trình độ họ thấp kém họ không được như chị. Cho nên khi hết chiến tranh các bạn chị chỉ về vườn vì họ đi chiến đấu chỉ bằng tinh thần yêu nuớc thôi chứ còn sự nghiệp thì họ không có cho nên rất tội nghiệp.
Tuy nhiên chị nghĩ rằng những người đã ra đi thì không toan tính đâu. Hôm nay chị trả lời với em chị cũng nói rằng tuổi trẻ của chị không hề biết suy tính bất cứ cái gì được hay mất mà khi đi thì bom đạn dọc đường cái chết nó rình rập. Đã là dấn thân thì cảm thấy rất tự hào vì được hiến dâng cho đất nước, thật sự như thế.
Mặc Lâm: Có một quãng thời gian rất dài chị theo chân nhiều binh chủng trên con đường Trường Sơn, trong ngần ấy tháng năm ký ức lớn và sâu đậm nhất của chị còn lắng lại là gì?
Nghệ sĩ Kim Chi: Ký ức sâu đậm nhất trong cuộc đời của chị thì đó là chị đã từng diễn trong lúc pháo bầy bắn tới, khán giả chết nhưng mà mình không chết. Chị di chuyển với đồng đội thì đồng đội bị bắt, bị giết, bị mổ vú bị Tàu ăn thịt nhưng chị vẫn còn sống. Tất cả những cái đó nó thành ký ức rất sâu đậm. Chiến tranh khắc khoải trong lòng chị cho nên chị nghĩ bây giờ mình sống thì phải tiếp tục làm điều gì đó cho con người khỏi giết hại lẫn nhau. Để cho người với người thương nhau cho nên ký ức sâu đậm nhất của chị là ký ức chiến trường.
Mặc Lâm: Chị đóng phim cũng nhiều mà diễn trên sân khấu cũng không ít. Xin chị nhắc lại cho người hâm mộ một vài tác phẩm mà chị có tham gia.
Nghệ sĩ Kim Chi: Phim thì chị đóng hơn 20 phim mà trong đó các vai bà Chín trong “Biển sáng”, Sáu Hiền trong “Bài ca không quên”, rồi “Biệt Động Sài Gòn” đóng vai vợ của tướng Nguyễn Ngọc Liên, rồi một loạt những vai mà chị kể ra không hết…nếu em hỏi vai nào làm chị hài lòng nhất thì chị buồn cười lắm không biết sao cứ mỗi lần xem lại thì chị thấy mình có những cái dở. Lại không bằng lòng mình, lại muốn một cái gì mới hơn…tức là thật tình mà nói chưa bao giờ chị bằng lòng với những cái vai nào của mình hết.
Những năm đi chiến trường chị đóng một số vai trên sân khấu như Bà giáo Minh Tú trong “Trận đấu thầm lặng”, hay “Đêm nay ngày mai” đóng vai cô gái diễn viên không chuyên nghiệp, rồi đóng một loạt các vai khác.
Khi chị ốm thì không ai thay thế được hết! Coi như chị không diễn thì vở đó bỏ! Có những hôm chị đang nằm bệnh viện thì cơ quan, đoàn hát phải đến xin phép rồi phải dìu chị đến sân khấu, bắt võng cho chị nằm…tới vai thì nhảy ra… lúc đó tự nhiên như lên đồng không còn thấy ốm đau gì nữa. Diễn xong thì lại sốt đùng đùng và mọi người lại đưa về! Đấy là những ký ức sâu đậm.
Mặc Lâm: Cuộc sống nghề nghiệp của chị hiện nay ra sao? Chị đã về hưu chưa và đời sống kinh tế của gia đình như thế nào? Chị có sống nổi với tiền nhuận bút mà nhiều nghệ sĩ vẫn cho là đồng lương rất hạn hẹp hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Bây giờ công việc của chị hiện nay là viết. Chị viết kịch bản nhiều tập, rồi chị viết sân khấu. Năm rồi chị cũng được cái giải nho nhỏ đó là giải khuyến khích cho vở “Sao hôm sao mai”. Công việc của chị bây giờ chủ yếu là viết nhưng chị viết chủ yếu để tự hoàn thiện mình và cũng để kiếm sống nếu như người ta dàn dựng thì mình cũng có thu nhập. Đồng lương của đất nước mình đối với mọi người, đối với văn nghệ sĩ nó rất khiêm tốn như em đã biết. Mình nằm chung trong cái mặt bằng chung của đất nước thì mọi gnười đều như thế chứ không phải riêng mình nên chị không thấy thiệt thòi gì bởi vì mình đâu thoát ra khỏi cái cộng đồng người Việt mình. Mọi người đều giống như thế trừ những người buôn bán người ta giàu có thì mình phải chấp nhận thôi.
Bằng lòng với hiện tại
Mặc Lâm: Hiện nay chị đang giảng dạy bộ môn gì và công tâm mà nói chị có bằng lòng với những gì chị đã và đang có hay không, đặc biệt là sự nghiệp sân khấu và điện ảnh?
Nghệ sĩ Kim Chi: Năm qua chị mới đựơc xét là nghệ sĩ ưu tú thôi còn trứơc đây không được bởi vì người ta đòi hỏi phải có huy chương, huân chương vàng hay bạc nhưng như em biết chiến tranh thì ai người ta dại gì tổ chức hội diễn để cho bom đạn giết chết! Cho nên chị chả có huân chương huy chương gì cả.
Sau này khi chị đi học đạo diễn sân khấu ở Bungary thì chủ yếu chỉ giảng dạy. Giảng dạy về diễn viên và học trò chị bây giờ đã rất nhiều em thành đạt có cả nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú nữa. Thành ra chị thấy rất vui, hạnh phúc nên tóm lại nếu em hỏi chị ấn tượng gì trong cái nghề nghiệp của mình thì chị nói chung như thế.
Chị có thời gian giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh, vừa giảng dạy vừa đi đóng trong những vai nó vừa phải thôi chứ không có gì lớn cho nên chị thấy là thành tựu đóng phim mình không có nhiều đâu. Nếu so với chị Trà Giang thì chị không bằng người ta đâu cho nên có lần báo chí hỏi chị tại sao chị đi chiến trường, chị có nghĩ là nếu ở lại thì chị cũng vượt lên đỉnh vinh quang như chị Trà Giang…Chị bảo không đâu, mỗi người có một số phận, chị không dám so sánh, hơn nữa chị thấy chị Giang rất là giỏi và khi cái may mắn nó đến nó còn có việc qua tay đạo diễn giỏi, kịch bản tốt nữa chứ không phải ai ở lại miền Bắc đóng phim cũng đều đạt đỉnh cao như vậy hết.
Chị bằng lòng về mình, bằng lòng mọi cái bởi vì thế này, không phải chị thỏa mãn nhưng vì chị đã cố gắng hết mình nhưng chỉ tới được mức đó thôi, chị rất vui và không có sự bất mãn nào hết.
Thật lòng chị rất yêu đất nước yêu nhân dân và yêu tất cả. Chị làm nghệ thuật cho tới bây giờ sáng tác, viết lách cũng với cái tâm làm thế nào cho con người biết yêu thương nhau. Chứ bây giờ người ta đang xâu xé, tranh dành mọi thứ khiến chị đau đớn khắc khoải lắm.
Mặc Lâm: Chị cũng biết đấy, “lời nói thẳng cho một nhà độc tài không khác gì thọc tay vào ổ kiến lửa để tìm sự thật”! Chị có lo lắng về những gì sắp xảy ra sau khi câu nói nổi tiếng của chị được hàng triệu người biết tới hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Cũng có người lo là bây giờ người ta đưa lên mạng như thế thì có thể bị tù, bị bắt, bị còng đầu hay không thì nói thẳng ra là chị không sợ. Chị tin vào chân lý. Nếu thật ra một chính quyền mà bắt chị bỏ tù thì đúng là cái chính quyền đó có vấn đề lắm rồi phải không? Vì vậy chị không sợ, chị không tin là có chuyện đó xảy ra.
Chị vững tin như thế vì con người có lương tri còn nhiều lắm. Lẽ phải còn nhiều lắm vì vậy những người mong cái gì tốt đẹp cho quê hương cho đất nước vẫn còn rất nhiều.
Chị với tư cách của một người cộng sản, mà một người cộng sản chân chính thì mong những đìều tốt đẹp cho dân tộc mình, cho nhân dân mình. Chị hành động như một người cộng sản vì chị nghĩ rằng nếu họ rút lui thì đó là hành động yêu nước. Yêu nứơc lớn lắm chứ không phải lúc nào nhận nhiệm vụ cũng là yêu nước đâu. Nhiều khi rút lui lại càng yêu nước hơn.
Hiện nay bất ngờ chị thấy mấy ngàn người lên mạng ủng hộ, thế thì chị rất vui vì thấy rằng mình không cô đơn và trong cuộc sống này nếu mình nói tiếng nói phải thì được rất nhiều người đồng tình.
Mặc Lâm: Dựa vào niềm tin nào mà chị cho rằng mình sẽ không thể bị bách hại hay ngay cả ném đá nếu người ta muốn, trong đó có cả yếu tố chụp mũ cho rằng chị bị mua chuộc bởi nước ngoài?
Nghệ sĩ Kim Chi: Khi chị hành động thì chị nói thật với Lâm là chị tin vào lẽ phải, tin vào số đông người. Chị đã nói người tốt còn nhiều lắm. Cũng có thể ai đó người ta lo lắng người ta nói em làm cho đài hải ngoại có thể em khai thác thế này thế kia nhưng chị không tin, vì nếu mình cứ nghĩ như thế thì mãi mãi thế giới này không bao giờ hiểu nhau hết.
Chị không sợ gì cả vì chị có chính kiến, có suy nghĩ riêng của chị. Đừng nghĩ là người ta ở nước ngoài là người ta xấu. Hiện nay Việt kiều bao nhiêu người gửi tiền gửi của về ủng hộ xây dựng đất nước, làm bao nhiêu điều lớn lao. Chị rất cảm phục, ngưỡng mộ bởi vì chị coi là người ta yêu nước bằng nhiều con đường, nhiều cách.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nghệ sĩ Kim Chi về cuộc nói chuyện ngày hôm nay.
Theo dòng thời sự:
- Bên Thắng Cuộc
- Tạ Duy Anh và “Sống chung với Trung Quốc”
- Chống và chặn “đối lập”
- Tạ Duy Anh – nhà văn của nông dân (Phần 1)
- Phận sự của người cầm bút
- Những vần thơ chống Trung Quốc
- Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam
- “Cuộc chiến mới” của Việt Nam và Trung Quốc
- Âm mưu của Bắc Kinh
- Biển Đông: Thế và lực của Việt Nam?
- Căm thù Mỹ, mang ơn Trung Quốc có phải là chính sách?
- Trung Quốc và chiến thuật "góp gió thành bão" ở Biển Đông
- Các nước khu vực Biển Đông cần đoàn kết trước Trung Quốc
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/noble-dignity-of-a-soldier-actress-ml-01112013163505.html
Để phát biểu không chỉ là hiện tượng
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2013-01-15
Việc nghệ sĩ Kim Chi từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của Thủ tướng Việt Nam trong thời gian qua thu hút các diễn đàn mạng cũng như giới truyền thông.Đáng khâm phục
Thậm chí, nghệ sĩ Kim Chi được nói đến như một hiện tượng vì đã thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình. Cùng lúc, cũng có những ý kiến cho rằng điều quan trọng là mọi người bày tỏ quan điểm hơn là việc chỉ tôn vinh nó thành hiện tượng.
Lá thư nghệ sĩ Kim Chi gởi Hội Điện ảnh Việt Nam lấy lý do ‘không muốn trong nhà có chữ ký của người đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” để từ chối tham gia xin xét duyệt khen thưởng nghệ sĩ. Người mà nghệ sĩ Kim Chi nói đến là đương kim thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Sáng thứ Ba 15 tháng 1, xuất hiện lá thư đầy xúc động của ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh - gởi bà Kim Chi để thể hiện sự trân trọng dành cho hành động của bà. Người từng tham gia sôi nổi phong trào sinh viên cách đây gần 50 cho rằng “chưa có ai “cả gan”, đủ dũng khí để phát biểu một cách công khai, minh bạch những điều mà Kim Chi đã làm”.
Trong lúc Việt Nam bị lên án là hạn chế quyền tự do ngôn luận, thái độ thẳng thắn chỉ trích Thủ tướng của bà Kim Chi không chỉ làm nhiều người đánh giá cao mà còn làm họ bất ngờ, xúc động. Nhà giáo Phạm Toàn từ Hà Nội nhận xét về bà Kim Chi:
“Đó là một trường hợp đáng khâm phục. Tất cả những ai dù không phải là nghệ sĩ, dù là nhà giáo, là những người tử tế… thì phải thấy đó là một hiện tượng đáng khâm phục”.
Nhà giáo Phạm Toàn không phải là người duy nhất dùng từ “hiện tượng” cho bà Kim Chi. Các bài viết, các ý kiến bình luận, các diễn đàn không ngớt lời nói về nghệ sĩ Kim Chi trong thời gian qua khiến hành động của bà trở thành một hiện tượng.
Tại Việt Nam, những phát biểu được cho là thẳng thắn hoặc mang tính nhạy cảm thường gây một phản ứng tương tự trong dư luận bao gồm cả phát biểu gần đây nhất về văn hóa từ chức của ĐBQH Dương Trung Quốc. Nếu chỉ nói thật hoặc nói lên suy nghĩ của mình mà có thể trở thành hiện tượng thì điều này phần nào thể hiện cho mức độ tự do ngôn luận của một nước. TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS nhận xét:
“Tôi nghĩ là tại Việt Nam không phải chưa tự do ngôn luận lắm mà là không có tự do ngôn luận. Chuyện của nghệ sĩ Kim Chi và vô vàn chuyện khác là minh chứng cho điều đó”.
Đó là một trường hợp đáng khâm phục. Tất cả những ai dù không phải là nghệ sĩ, dù là nhà giáo, là những người tử tế… thì phải thấy đó là một hiện tượng đáng khâm phục.
Nhà giáo Phạm Toàn
Tờ Washington Post vừa có bài bình luận nhan đề “Tại Việt Nam, những tiếng nói bị bịt miệng” cho rằng nhân quyền vẫn còn là một rào cản giữa quan hệ Việt – Mỹ. Bài báo cũng nói rằng “Việt Nam có tội vì đã sợ hãi một cách phi lý quyền tự do phát biểu, đa nguyên và cuộc cách mạng kỹ thuật số”.
Việt Nam thường xuyên bị lên án hạn chế quyền tự do ngôn luận và vi phạm các công ước quốc tế mà mình là thành viên. Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt – Mỹ năm ngoái cũng không diễn sau khi các blogger của “Câu lạc bộ nhà báo tự do” nhận các bản án nặng nề.
Trong lúc vấn đề tự do ngôn luận của Việt Nam bị cho là bị bóp nghẹt thì không ai có thể phủ nhận vai trò cũng như sức lan tỏa của những phát biểu mà nghệ sĩ Kim Chi đưa ra. Nhưng xét cho cùng cái còn quan trọng hơn cả việc tôn vinh một hiện tượng là việc có thể lấy cảm hứng từ hiện tượng đó. Nói một cách khác, bản thân một hiện tượng không quan trọng bằng kết quả của nó mang lại. Nhà giáo Phạm Toàn nhận xét:
“Tất cả mọi người lên tiếng là lý tưởng. Trước khi đến đó thì phải có những đột phá cá nhân như nghệ sĩ Kim Chi.”
Lá thư mà ông Lê Hiếu Đằng gởi cho bà Kim Chi nói hành động của bà Kim Chi “như ngọn lửa ấm áp”, làm ông "vững tin hơn” trên con đường đã chọn. Còn TS Nguyễn Quang A thì cho rằng mọi người cần phải nói lên suy nghĩ của mình mặc dù ông lưu ý rằng có những luật lệ là những thử thách rất lớn cho tự do ngôn luận:
Tôi nghĩ là tại Việt Nam không phải chưa tự do ngôn luận lắm mà là không có tự do ngôn luận. Chuyện của nghệ sĩ Kim Chi và vô vàn chuyện khác là minh chứng cho điều đó.
TS Nguyễn Quang A
“Tôi nghĩ tất cả mọi người phải nên nói thật. Chưa nói đến ý kiến của người ta đúng sai thế nào bởi vì qua tranh luận thì điều đó sẽ được biết nhưng quyền được mở miệng của mọi người phải được tôn trọng.
Mặc khác, nếu tất cả mọi người đều nói lên sự thật và không sợ hãi thì những qui định như thế theo tôi cũng trở thành vô hiệu. Bởi đó là ý của dân. Đó mới là cái cao nhất chứ không phải ý của một nhóm người nào đó được ghi trong pháp luật”.
Mặc khác, nếu tất cả mọi người đều nói lên sự thật và không sợ hãi thì những qui định như thế theo tôi cũng trở thành vô hiệu. Bởi đó là ý của dân. Đó mới là cái cao nhất chứ không phải ý của một nhóm người nào đó được ghi trong pháp luật”.
Ông Nguyễn Quang A nói thêm rằng những điều luật hạn chế quyền tự do phát biểu tại Việt Nam là phi lý và ông ủng hộ phản biện xã hội. Một khi mọi người được tự do phát biểu, những phát biểu thẳng thắn tương tự như của nghệ sĩ Kim Chi sẽ không trở nên quá hiếm hoi và sẽ không còn là hiện tượng nữa. Nhưng đó lại là lúc sức mạnh tác động của nó thực sự được chứng minh.
Theo dòng thời sự:
- Nhân cách cao quý của người nghệ sĩ
- Bên Thắng Cuộc
- Tạ Duy Anh và “Sống chung với Trung Quốc”
- Chống và chặn “đối lập”
- Tạ Duy Anh – nhà văn của nông dân (Phần 1)
- Phận sự của người cầm bút
- Những vần thơ chống Trung Quốc
- Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam
- “Cuộc chiến mới” của Việt Nam và Trung Quốc
- Âm mưu của Bắc Kinh
- Biển Đông: Thế và lực của Việt Nam?
- Căm thù Mỹ, mang ơn Trung Quốc có phải là chính sách?
- Trung Quốc và chiến thuật "góp gió thành bão" ở Biển Đông
- Các nước khu vực Biển Đông cần đoàn kết trước Trung Quốc
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/speak-up-not-just-extraordinary-qc-01152013121710.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten