zaterdag 19 januari 2013

39 năm ngày mất Hoàng Sa, 19 tháng Giêng - Anh hùng tử khí hùng bất tử

19 tháng Giêng - Anh hùng tử khí hùng bất tử
Hoài Vũ Việt (Danlambao) - Ngày này năm xưa. 19 tháng Giêng năm 1974. 39 năm về trước. 74 anh hùng Việt Nam đã hy sinh trong sự nghiệp bảo toàn lãnh thổ. 74 chiến sỹ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân trong cuộc hải chiến Hoàng Sa.

Ngày này năm nay. 19 tháng Giêng năm 2013. Một nhóm các bạn trẻ yêu nước tại miền Bắc, những người chưa ra đời vào thời điểm các anh nằm xuống, đã âm thầm bày tỏ lòng biết ơn bằng cách tưởng niệm để ghi nhớ, để nhắc nhở nhau gương hy sinh anh dũng cho Tổ quốc của 74 anh hùng vào 39 năm về trước.


Họ, những tuổi trẻ Hà Nội là những người từng tham gia các cuộc biểu tình chống TQ xâm lược vào 2011 và 2012.

Họ, những khuôn mặt yêu nước trong sáng của thế hệ hôm nay mong muốn thể hiện tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc đúng nghĩa nhất giữa những người dân đang bị cai trị bởi chế độ độc tài và khát vọng thể hiện ý nghĩa Tổ Quốc là của chung.

Họ, thế hệ sinh sau đẻ muộn muốn xác định rằng: bất kỳ ai hy sinh vì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam đều là những người anh hùng của đất nước Việt Nam. Cho dù là Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa hay Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Các bạn trẻ của sông Hồng là những thanh niên sinh viên đã từng giơ cao nắm tay và hô lớn Hoàng Sa là của Việt Nam, đã từng bị khiêng lên xe buýt đem về đồn công an vì "tội yêu nước" và các bạn đã tâm sự rằng:

"Cảm giác của bọn em khi làm là muốn thể hiện sự tri ân đối với các chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước. Từ trước tới giờ đa số các bạn trẻ ở miền Bắc chưa từng được biết đến cuộc hải chiến đó, không nghe gì về những hy sinh cao quý ấy. Nhưng bây giờ qua sách báo và mạng internet bọn em đã được biết và hiểu sự hy sinh anh dũng của các anh. Bọn em muốn làm một điều gì đó để thể hiện sự tri ân đó. Các chiến sĩ VNCH đã hy sinh vì sự toàn vẹn lạnh thổ của đất nước, đối với bọn em đó là những vị anh hùng đã vị quốc vong thân. Nhưng sự hy sinh của các anh đã bị đối xử bất công, bị coi là quân "Ngụy" sau ngày 30-4 năm 1975. Các anh không được nhắc đến trong các cuộc tưởng niệm hay vinh danh những người đã hy sinh vì đất nước bởi sự thù hằn của bên thắng cuộc."

Ngày này, 19 tháng Giêng năm 2013, các bạn đã thiết kế 74 ngọn hoa đăng hình hoa sen để thả giữa sông Hồng ở Hà Nội. Các bạn chọn sông hồng ở Hà Nội vì theo lời các bạn: "Vì nó là cái nôi của nền văn hóa bắc bộ nơi các bọn em sinh ra và lớn lên. Sông Hồng chảy ra biển lớn và các bọn em muốn theo dòng nước của sông để gửi lời tri ân đến biển cả, đến các anh hùng đã hy sinh tại Hoàng Sa".

74 hoa sen tinh khiết tượng trưng cho 74 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Một chiếc thuyền có dòng chữ HQ-10 được kết bằng 74 bông hồng đại diện cho chiến hạm HQ-10 đã bị quân xâm lược Trung Quốc bắn chìm vào 39 năm về trước. Dòng chữ HQ-10, được kết từ những bông hoa hồng đỏ thắm ấy cũng nhằm để vinh danh người Hạm trưởng - trung tá Ngụy văn Thà cùng đồng đội của ông.

39 năm kể từ ngày Trung tá Ngụy Văn Thà và các chiến hữu của ông nằm xuống, vẫn còn đó nỗi buồn in dấu của tuổi trẻ ngày hôm nay về sự toàn vẹn và tồn vong của đất nước. Vẫn còn hiện diện đâu đó sự phân biệt đối xử của xã hội đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Họ quên mất đi rằng không có sự đoàn kết, hòa giải hòa hợp dân tộc giữa những nạn nhân, những người bị trị thì đất nước này sẽ sớm bị tan nát vì bàn tay của nhưng người CS đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh bành trướng chủ nghĩa cộng sản năm nào. Các bạn trẻ ngày hôm nay muốn gửi thông điệp đến tất cả mọi người rằng: Chỉ có sự đoàn kết hòa giải và hòa hợp dân tộc thực sự mới chiến thắng được thù trong giặc ngoài, mới có thể khôi phục lại tự do dân chủ nhân quyền thực sự để từ đó cùng nhau vực dậy và đưa đất nước Việt Nam đi lên.





 
39 năm ngày mất Hoàng Sa

“Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình” - Hoàng Tùng, nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng CSVN.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA - Hôm nay 19 tháng 1, đúng 39 năm ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 lúc ấy nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Cố Hải Quân Thiếu Tá QLVNCH Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10, tử trận trong hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974.


Mặc Lâm phỏng vấn Giáo sư Hà Văn Thịnh giảng dạy môn lịch sử tại trường Đại học Huế về biến cố này.

Photo courtesy of Lương Tâm Công Giáo

Nhờ bạn TQ giải phóng

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, hôm nay là ngày kỷ niệm 39 năm ngày mất Hoàng Sa vào năm 1974, tức là vào ngày 19-1-1974 Quân Lực VNCH đã bị Trung Quốc xua quân vô đánh chiếm quần đảo mà họ đang canh giữ cho đất nước. Kỷ niệm ngày này xin được phép hỏi Giáo Sư là trong thời gian đó Giáo Sư có được biết cụ thể vụ việc xảy ra, hay là hoàn toàn không biết cho đến sau này?

GS Hà Văn Thịnh: Hồi đó tôi học năm thứ nhất Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Nói thực là ông Hoàng Tùng khi đó, tôi không nhớ rõ thầy giới thiệu như thế nào, nhưng mà thầy giới thiệu là các em hôm nay – 180 sinh viên Khoa Sử - Đại Học Tổng Hợp Hà Nội nghe ông Hoàng Tùng - Ủy viên Trung Ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, hay là Ban tư tưởng Trung ương gì đó, chức vụ tôi không nhớ, nhưng mà ông Hoàng Tùng nói chuyện về lịch sử thì ông có nói chuyện Hoàng Sa.

Ông nói nguyên văn thế này: “Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình”.

Tôi xin nói với anh Mặc Lâm là trong lớp của tôi có nhiều người sau này làm to lắm, thí dụ như ông Phạm Quang Ngọc, nhiều người nữa và họ đều nghe câu đó cả.

Mặc Lâm: Vâng. Thưa Giáo Sư, từ câu nói đó cho đến sau năm 1979, tức là khi Trung Quốc đánh Việt Nam rồi, chỉ vài năm sau thôi chứ không lâu, thì thái độ của chính quyền Miền Bắc lúc đó đối với Trung Quốc như thế nào? Họ có đứng ra nói rõ ràng vấn đề Hoàng Sa phải giải quyết hay là vẫn im lặng, thưa Giáo Sư?

GS Hà Văn Thịnh: Chẳng ra cái gì cả anh ạ. Tôi chẳng thấy bên phía chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nói gì hết. Không có. Im lặng. Chỉ có khi vào Huế rồi thì tôi nghe kể rằng ông Nguyễn Văn Thiệu có ra ngoài này thành lập binh đoàn Hoàng Sa để mà đánh lấy lại Hoàng Sa. Tôi có nghe nói vậy. Sau năm 1975 thì tôi nghe kể như vậy. Còn về phía chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà bây giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì không nghe nói gì hết. Mãi sau này mới nói.

Biệt hải VNCH lên đường ra Hoàng Sa -1974- Photo vietlist.com.us

Mặc Lâm: Vâng. Chắc Giáo Sư cũng còn nhớ là cách đây hai năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trước Quốc Hội và xác định rằng Trung Quốc đã đánh VNCH vào năm 1974 và chiếm Hoàng Sa. Từ đó đến nay nhà nước Việt Nam đã có những cử chỉ, những động thái, hay công bố nào chính thức sau lời tuyên bố đó của Thủ tướng Dũng hay không, thưa Giáo Sư?

GS Hà Văn Thịnh: Về câu hỏi của anh thì tôi xin khẳng định như thế này: Câu nói đó của Thủ tướng Dũng trước Quốc Hội theo tôi đánh giá là câu nói hay nhất, là đóng góp lớn nhất của Thủ tướng Dũng đối với dân tộc Việt Nam đấy, nhưng mà khổ nỗi là sau đó dường như cách nhìn, cách đánh giá của chính phủ không tương xứng với điều mà Thủ tướng Dũng đã nói ở trước Quốc Hội.

Điều đó đã làm cho tôi và một số người, mà cụ thể là tôi rất buồn. Thực ra việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ngày càng tàn bạo hơn, ngang ngược hơn, vô sỉ hơn với mưu đồ độc chiếm Biển Đông mà đáng lẽ ta phải phản ứng quyết liệt hơn, phản ứng mạnh hơn.

Phân biệt bất công

Ngày 19 tháng Giêng năm 2013, một nhóm các bạn trẻ tại miền Bắc âm thầm bày tỏ lòng biết ơn 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh vào 39 năm về trước để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Photo courtesy of Dân Làm Báo.

Mặc Lâm: Có một điều mà rất nhiều người thắc mắc đó là Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuy lên tiếng chống Trung Quốc trong việc họ thành lập thành phố Tam Sa, nhưng không hề đưa ra những chứng cớ hồi năm 1974 chính Trung Quốc là kẻ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, phải chăng là vì chữ Việt Nam Cộng Hòa ám ảnh quá nhiều đến nỗi họ quên tất cả quyền lợi quốc gia hay không, thưa Giáo Sư?

GS Hà Văn Thịnh: Bây giờ khẳng định thì rất khó anh ạ, tại vì “lấy nhu thắng cương” đấy mà, mình đoán định chính sách của nhà nước hiện nay là thế này thế khác, theo tôi thì mình chưa đủ cơ sở để khẳng định điều đó, bởi vì trong chính trị - ngoại giao nó phức tạp lắm.

Anh đã đọc “Bên Thắng Cuộc” chắc anh biết câu của bà Nguyễn Thị Nga – vợ ông Lê Duẩn kể cho tác giả Huy Đức, câu mà ông Duẩn nói thì theo tôi dường như hiện nay giới lãnh đạo Việt Nam quên mất câu này.

Bà Nga kể rằng là “Anh Lê Duẩn nói rằng lần đầu tiên Việt Nam xin đạn pháo để chuẩn bị giải phóng Miền Nam thì Trung Quốc nói không có. Anh Lê Duẩn cũng nói rằng một thằng Trung Quốc muốn sang đây cũng không cho nó sang đây. Không có xe thì bắt đi bộ. Trung Quốc nói là làm đường cho Lào thôi nhưng họ lại lập làng Trung Quốc trên đất Lào. Họ muốn thăm dò ta về đường Trường Sơn vì nay mai họ chiếm Trường Sơn. Về chiến lược, ai chiếm được Trường Sơn thì người đó sẽ khống chế được Đông Dương, cho nên mình phải quyết định”. Đó là cách nói của Lê Duẩn.

Theo tôi thì lãnh đạo Việt Nam hiện nay không để ý tới lời nói của ông Lê Duẩn. Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Nga hoàn toàn chính xác.

Mặc Lâm: Quay lại câu hỏi về ngày 19 tháng 1 một lần nữa, thưa Giáo Sư. Hiện nay đồng bào hải ngoại luôn luôn ghi nhớ chuyện anh Ngụy Văn Thà là người hy sinh và rõ ràng tên tuổi của anh là một liệt sĩ chứ không thể nói “lính ngụy” được, nhưng chính quyền trong nước vẫn chưa bao giờ lên tiếng xác định anh Ngụy Văn Thà cùng với 74 chiến sĩ hy sinh là những liệt sĩ của tổ quốc Việt Nam. Như vậy dưới cái nhìn của một người giảng dạy về lịch sử thì điều này có công bằng cho những người chiến đấu để bảo vệ đất đai của tổ quốc hay không?

Các bạn trẻ tại miền Bắc thiết kế 74 ngọn hoa đăng hình hoa sen tượng trưng cho 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh, và một chiếc thuyền có dòng chữ HQ-10 được kết bằng 74 bông hồng đỏ thắm tượng trưng cho chiến hạm HQ-10 đã bị quân xâm lược Trung Quốc bắn chìm vào 39 năm về trước.

GS Hà Văn Thịnh: Theo tôi là không công bằng anh ạ. Theo tôi là phải ghi nhận 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ biển đảo của tổ quốc như vậy chính đáng là liệt sĩ. Bởi vì xương máu của họ đổ ra để bảo vệ tổ quốc thì không thể nào mà nhìn nhận một cách khác được. Điều đó nhất định là phải như vậy rồi.

Bây giờ chưa nhận thì sau này nhất định phải nhìn nhận như vậy thôi. Cái đó là cả dân tộc tri ân chứ không phải một vài lãnh đạo công nhận hay không công nhận mà thành ra sự thật được. Sự thật là cả dân tộc Việt Nam phải ghi ơn những người đó.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn GS Hà Văn Thịnh đã giúp chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

2013-01-19

 
Thư gửi bà Huỳnh Thị Sinh, vợ cố trung tá Ngụy Văn Thà
Ký lá thư này là những người yêu Tổ Quốc Việt Nam, yêu đồng bào Việt Nam đến cháy bỏng, trong đó có cả những người lính từng là những người khác chiến tuyến với Ông nhà lúc sinh thời. Nhưng tất cả những người lính chỉ đơn thuần làm nghĩa vụ công dân trong chế độ mà họ sống, dù bên này hay bên kia trong giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc không bao giờ có lỗi và giờ đây, khi ngộ ra, họ không coi những người ở bên kia chiến tuyến là kẻ thù...


*
Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2013


Kính gửi Bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh, vợ cố Trung tá Ngụy Văn Thà;

Thưa Bà;

Chúng tôi những người con nước Việt, trong những ngày này, lòng đang hướng về Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc xin gửi đến Bà cùng gia đình lời thăm hỏi ân cần và lời chúc an lành, hạnh phúc!

Cách đây 39 năm, ngày 19/1/1974, trong một cuộc chiến không cân sức với quân xâm lược Trung Cộng để bảo vệ Hoàng Sa, Trung tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Chiến hạm Nhật Tảo HQ-10 đã tử trận cùng 73 đồng đội của Ông. Từ đó, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã rơi vào tay quân xâm lược.

Chúng tôi vô cùng xúc động trước sự hy sinh anh dũng của Ông nhà. Ông đã hiến thân vì Tổ quốc – một sự hy sinh vẻ vang nhất, hơn bất cứ một sự hy sinh nào. Sự hy sinh ấy là một tấm gương cho các thế hệ sau noi theo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam.

Thưa Bà;

Chúng tôi rất vui vì những năm gần đây, sự kiện Hoàng Sa được nhắc lại và lần đầu tiên, nhiều người mới biết đến. Các giá trị dần dần được trả lại đúng bản chất của nó.

Ngày 24/7/2011, một cuộc biểu tình tại Hà Nội đã tôn vinh Ông nhà cùng những chiến sĩ đã ngã xuống Hoàng Sa và những chiến sĩ đã ngã xuống Trường Sa 14 năm sau đó.

Ngày 27/7/2011, Lễ tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc đã được tổ chức tại Sài Gòn mà bà là nhân vật được mời dự. Buổi lễ đã tri ân tất cả các chiến sĩ hy sinh trong các cuộc chiến chống xâm lược tại biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc đều chung trong người dòng máu Lạc Hồng, không có lý do nào để phân biệt người của chế độ này hay chế độ khác.

Chúng tôi tin rằng sớm muộn rồi Tổ Quốc sẽ vinh danh xứng đáng Ông nhà cùng đồng đội của Ông đã ngã xuống trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa.

Trung tá Ngụy Văn Thà và nhiều đồng đội của Ông còn nằm lại nơi biển cả. Nhưng dù sao, Ông và đồng đội vẫn được nằm trong lòng Đất Mẹ, dù nơi ấy đang bị kẻ thù chiếm đóng.

Trong ngày giỗ của Ông, chúng tôi sẽ hướng về Biển Đông cầu mong cho linh hồn Ông cùng đồng đội được siêu thoát, để bày tỏ lòng tri ân những người đã ngã xuống trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa.

Dù đảo không giữ nổi nhưng dân tộc ta, đời này và các đời sau sẽ tìm mọi cách lấy lại quần đảo Hoàng Sa, thu hồi về với đất Mẹ thân yêu.

Thưa Bà;

Chúng tôi được biết sau khi Ông nhà mất đi, dù tuổi đời còn rất trẻ, bà đã ở vậy nuôi ba con gái, cuộc sống của Bà hiện còn nhiều khó khăn. Lại nghe nói căn nhà chung cư nơi Bà ở đã phá đi làm lại, không biết bây giờ thế nào. Nhưng dù sao, chúng tôi luôn mong Bà sống thanh thản. Bà hãy tự hào vì Bà là vợ của một người anh hùng.

Ký lá thư này là những người yêu Tổ Quốc Việt Nam, yêu đồng bào Việt Nam đến cháy bỏng, trong đó có cả những người lính từng là những người khác chiến tuyến với Ông nhà lúc sinh thời. Nhưng tất cả những người lính chỉ đơn thuần làm nghĩa vụ công dân trong chế độ mà họ sống, dù bên này hay bên kia trong giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc không bao giờ có lỗi và giờ đây, khi ngộ ra, họ không coi những người ở bên kia chiến tuyến là kẻ thù.

Kính chúc Bà sang năm mới bình an, có nhiều sức khỏe để làm những việc hữu ích phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam.

Chúng tôi nhờ Bà chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng năm mới đến ba con gái của Bà, do sự hiến thân cao cả của Ông nhà mà sớm mồ côi cha.

Xin cùng Bà hô lên một câu khẩu hiệu mà chúng tôi từng hô trên đường phố Hà Nội trong ngày 24/7/2011:

NGỤY VĂN THÀ BẤT DIỆT!

Kính thư




Chúng tôi đồng ký tên:

Nghiêm Ngọc Trai – Hà Nội
Nguyễn Tường Thụy – Hà Nội
Phan Trọng Khang- Hà Nội
Phạm Thị Lân – Hà Nội
Nguyễn Thị Dương Hà – Hà Nội
Hoàng Cường – Hà Nội
Hoàng Hà – Thanh Xuân – Hà Nội
Văn Dũng – Việt Trì – Phú Thọ
Ngô Duy Quyền – Hà Nội
Trương Văn Dũng – Hà Nội
Nguyễn Lân Thắng – Hà Nội
Lê Thị Bích Vượng – Hà Nội
Lã Việt Dũng – Hà Nội
Nguyễn Thành Tiến – Hải Phòng
Đặng Bích Phượng – Hà Nội
Nguyễn Xuân Diện – Hà Nội
Phạm Quỳnh Hương – Hà Nội
Nguyễn Thúy Hạnh – Hà Nội

Cùng các vị có tên sau ký tên qua thư điện tử:

Trần Vinh, Hoàng Mai – Hà Nội
Huỳnh Công Thuận - Sài Gòn
Lê Hồng Hà - Washington – Hoa Kỳ
Ngô Hoàng Hưng - Gò Vấp – Sài Gòn
Anna Nguyễn - Illinois – Hoa Kỳ
Nguyễn Văn Phúc - Tây Sơn – Bình Định
Vũ Ngọc Thắng, An Dương – Hải Phòng
Nguyễn Thanh Hưng, Cầu Giấy – Hà Nội
Trần Hoàng Tuấn, Gò Vấp – Sài Gòn
Lê Chí Thành, Thanh Xuân – Hà Nội
Nguyễn Văn Thuận, Hoàng Mai – Hà Nội
Trần Thị Nga, Phủ Lý – Hà Nam
Nguyễn Trường Sơn, Thanh Xuân – Hà Nội
Paul Đỗ Trí, Lâm Đồng
Vũ Đình Quý, Kiến Xương – Thái Bình
Lê Thị Thu Trà, Hai Bà Trưng – Hà Nội
Nguyễn Trọng Thu, Windsor – Canada
Nguyễn Thế Anh, Từ Liêm – Hà Nội
Nguyễn Công Chính, Sài Gòn
Nguyễn Tiến Dũng, Vinh – Nghệ An
Trần Phong, California – Hoa Kỳ
Trần Helen, California – Hoa Kỳ
Trần Cindy, California – Hoa Kỳ
Trần Christine, California – Hoa Kỳ
Trương Quốc Dũng, Tân Bình – Sài Gòn
Nguyễn Quang Duy, Melbourne - Australia
Phạm Anh Tuấn, Pleiku – Gia Lai
Phạm Duy Hiển, Vũng Tàu – Bà Rịa – Vũng Tàu
Đặng Đinh Tấn Trương, Sài Gòn
Phan Anh Khoa, Phú Vang – Thừa Thiên Huế
Nguyễn Ngọc Yến, Hoàng Mai – Hà Nội
Nguyễn Duy Anh, Hai Bà Trưng – Hà Nội
Huỳnh Nguyễn Đạo, Bangkok – Thái Lan
Nguyễn Đức Sắc, Tây Hồ – Hà Nội
Hồ Đặng Vũ Thi, Gò Vấp – Sài Gòn
Bùi Thị Quyên, Tân Phú – Sài Gòn
Nguyễn Văn Diễn, Việt Yên – Bắc Giang

Đã gửi theo đường chuyển phát nhanh ngày 18/1/2013:

Việc lấy chữ ký không phổ biến rộng và chốt danh sách sau đó chưa đến 1 ngày. Sau khi thư gửi đi còn một số quý vị tiếp tục ký qua email gồm:

JB Nguyễn Hữu Vinh, Hà Nội
Lê Mạnh Ninh, kiểm toán, Hà Nội
Nguyễn Vũ Nhân, kỹ sư, Sài Gòn
Phạm Văn Thành, Pháp
Bùi Quang Thắng, nguyên Cán bộ Đoàn, Ba Đình, Hà Nội
Vũ Quốc Ngữ, thạc sỹ, nhà báo. Thanh Trì, Hà Nội.

19/1/2013

 
 http://danlambaovn.blogspot.nl/2013/01/thu-gui-ba-huynh-thi-sinh-vo-co-trung.html

Lời thương từ bà quả phụ Ngụy Văn Thà
Đặng Huy Văn (Danlambao) - Hôm nay là tròn 39 năm ngày Hoàng Sa bị quân xâm lược Trung Quốc cưỡng chiếm. Ngày 19/1/1974 đã được đánh dấu bằng một trận Hải Chiến Hoàng Sa oanh liệt giữa Hải Quân VNCH với quân Trung Quốc xâm lược. Do phía Trung Quốc có lực lượng đông, chuẩn bị kỹ lại được Hoa Kỳ bật đèn xanh và Miền Bắc làm ngơ, nên Hải Quân VNCH đã thất bại! Nhưng tấm gương chiến đấu dũng cảm và xả thân vì Tổ Quốc của các chiến sĩ ta thì muôn đời sau sẽ được lịch sử ghi danh.


Thiếu tá HQ, hạm trưởng QLVNCH - Nguỵ Văn Thà
Đặc biệt trong trận Hải Chiến Hoàng Sa đó, Thiếu Tá HQ Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 đã mưu trí dũng cảm hạ gục được hai chiến hạm 389 và 396 của bọn Trung Quốc xâm lược. Nhưng HQ 10 cũng đã bị hư hỏng nặng, nhiều chiến sĩ hy sinh và bị thương trong đó có Đại Úy Hạm Phó Nguyễn Thành Trí. Lúc đó, Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã quyết định chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và các anh đã tiếp tục nã đạn vào các chiến hạm của TQ. Cuối cùng các anh đã bị chết chìm cùng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 vào lúc 14 giờ 52 phút ngày 19/1/1974, tức ngày 27 tết Giáp Dần! Quân ta đã có 74 chiến sĩ hy sinh anh dũng.

Nhân dịp này, tôi xin trân trọng gửi tới quý vị độc giả gần xa một bài viết để tưởng nhớ Thiếu Tá HQ Ngụy Văn Thà phỏng theo lời kể của bà quả phụ Ngụy Văn Thà, bà Huỳnh Thị Sinh nay vẫn còn sống tại Sài Gòn cùng các con cháu.

Lời thương từ bà quả phụ Ngụy Văn Thà

(Phỏng theo lời kể của bà Huỳnh Thị Sinh)

Anh ơi nhớ chăng?
Hôm đó ra đi anh đã quay về mấy bận
Nói đang sửa tàu hư, rồi anh gọi em hoài!
Từ chung cư Nguyễn Kim ngó xuống nhìn
Em đã thấy anh xách va li quay lại
Và gọi với lên “Tàu còn sửa đến mai!”
Nhưng tàu sửa xong ngay và anh đi, đi mãi
Đi đến tận bây giờ rồi ở mãi “Chốn Bồng Lai”!

Em đã quen với những cuộc ra đi như vậy
Nay Vũng Tàu, Nha Trang mai Đà Nẵng, Hoàng Sa
Được ở nhà mươi hôm anh chăm sóc ba con gái
Đứa chín tuổi, đứa sáu năm còn bé út lên ba

Các con cũng đã quen với những chuyến xa ba
Nên mỗi lần chia tay không đứa nào dám khóc
Chỉ bé lớn một lần ngồi cầu thang lau nước mắt
Bị bé út “lêu lêu” làm chị nó phải cười xòa

Nhưng cái lần cuối này anh đi em thấy điềm rất lạ
Anh đứng dưới sân nhìn lên mắt như đẫm lệ nhòa
Anh đi rồi làm suốt đêm em không sao chợp mắt
Vì có tin quân mình đang đụng giặc tại Hoàng Sa!

Chiều hôm sau tin báo về
Anh đã bị giặc bắn chìm cùng tàu HQ10 - Nhật Tảo!
Sau khi đã phá tan hai chiến hạm của giặc Tàu
Nhưng trừ con lớn, hai đứa sau vẫn không hề hay biết
Ngày nào chúng cũng ngồi chờ: “Ba của chúng con đâu?”

Em khôn xiết khổ đau tháng ngày ngồi ngóng đợi
Và hy vọng thời nay Trời còn có phép màu
Giúp kéo tàu Hộ Tống Hạm lên đưa anh về một buổi
Thăm lại các con thơ cho chúng vợi buồn đau!

Anh ơi!
Ba mươi chín năm rồi! Anh đã tròn tuổi bảy mươi
Các con của chúng ta nay cũng đã thành gia thất
Nhưng em không thể nào tin là anh yêu đã mất
Vì đêm nào em cũng nghe tiếng anh gọi: “Em ơi!”

Khi được trở về trời, ai cũng cần nấm đất
Để vợ con ngày tết, ngày mất còn có chỗ cắm nhang
Nay anh nằm dưới biển sâu nơi giặc Tàu cưỡng chiếm
Ba mươi chín năm trời hồn xác dạt lang thang!

Không có anh nhưng vì còn các con, em phải sống!
Rồi bán dần thứ nọ thứ kia để nuôi chúng trưởng thành
Nay nhà ở cũng đang phải chờ, mấy năm liền thuê trọ
Nên chưa có chỗ đặt bàn thờ để treo ảnh của anh!

Anh Thà ơi!
Em nhớ lắm ngày xưa mỗi lần về nghỉ phép
Anh đưa cả bốn mẹ con em tới phố Nguyễn Tri Phương
Ăn ốc luộc chấm mắm gừng mồm út cay bật khóc
Anh cười hiền ôm dỗ con ngó phụng phịu mà thương!

Ôi ước gì em và các con được một lần ra đảo
Để thả 74 vòng hoa tang trên biển cả bao la
Nguyện cầu hương hồn 74 các anh được về quê ăn tết
Để các anh thôi bị giặc Tàu xéo dày giữa Hoàng Sa!

Đến mùa bão, ngư dân ta hay vào Hoàng Sa lánh nạn
Vẫn thường bị quân Trung Quốc đuổi ra giữa biển khơi
Hồn các anh có thiêng xin hãy cứu đồng bào gặp nạn
Vì dân Việt Nam mình còn khổ lắm, các anh ơi!

Ôi giá em đưa được anh về Trảng Bàng như anh từng ao ước
- Nếu anh hi sinh, xin em để xác anh được về lại quê nhà!
- Để được nằm gần má, gần ba, gần ông bà nội ngoại!
Có ai ngờ xác anh nay trôi giạt mãi Hoàng Sa!

Em không dám mơ các anh sẽ được vinh danh, tạc tượng
Mà chỉ ước biển đảo quê hương không còn giặc xâm lăng!
Cho đất nước bớt lầm than, dân thôi phải bị lao tù oan trái
Để Hoàng Sa sớm trở về Đất Mẹ Cửu Long Giang!


Hà Nội, 19/1/2013
 
 
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten