vrijdag 16 maart 2012

Tin mừng: Trung Quốc thâm thủng mậu dịch

March 13, 2012

Ngô Nhân Dụng



Trong hai tháng đầu năm 2012, Trung Quốc mua vào nhiều hơn là bán ra, cán cân mậu dịch thâm thủng 4.2 tỷ đô la Mỹ. Ðây là một dấu hiệu đáng mừng, cho kinh tế thế giới, và cho cả người Trung Hoa trong lục địa.

Ðối với người dân bình thường ở Trung Quốc, con số khiếm hụt trên có nghĩa là họ được tiêu thụ nhiều hơn trước. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn bán ra nhiều hơn mua vào. Nhìn vào tổng số hàng hóa đi qua đi lại đó, ai cũng thấy một điều: Ðại đa số món các món hàng Trung Quốc bán ra (thí dụ, quần áo hay máy điện thoại di động) chính là những món đã mua vào (vải vóc, và các bộ phận điện tử dùng để ráp máy điện thoại). Chỉ khác một điều là hàng đi ra có thêm công cắt may, lắp ráp của người lao động Trung Quốc. Trị giá mà người lao động Trung Quốc đóng góp vào số hàng hóa đó, trong khoảng thời gian giữa lúc mua vào và lúc bán ra, thường rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 5% giá trị món hàng khi tới ta người tiêu thụ. Tiếng là hàng made in China nhưng thực ra người Trung Hoa chỉ được hưởng rất ít; các công ty chủ nhân ở nước khác được hưởng 10% đến 20%.

Bây giờ, khi trị giá số hàng Trung Quốc mua vào cao hơn hàng bán ra, tức là rất nhiều món hàng vào rồi không được đem ra nữa. Chúng đi đâu? Chúng thuộc loại hàng nào? Ðó chính là những món hàng đã hoàn tất chứ không phải đồ dùng để lắp ráp; và chúng được đưa tới tay người tiêu thụ Trung Quốc. Ðó phải là điều họ nên vui mừng!

Nó cho thấy chính quyền đã chịu thay đổi chính sách kinh tế cố hữu từ 30 năm nay. Lâu nay, họ vẫn khai thác sức lao động của người dân, nhưng hạn chế không cho dân được tiêu thụ! Những ai được hưởng lợi trên sức lao động của dân Trung Hoa? Ngoài những người tiêu thụ trên thế giới, số người khác chính là các vị quan to ngồi trong guồng máy điều hành kinh tế, trong đó có việc xuất nhập cảng. Xuất nhập cảng chiếm 40% tổng số trị giá các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc trong một năm, gọi là tổng sản lượng nội địa (GDP). Tỷ lệ này gấp ba lần tỷ lệ ở Mỹ hay ở Âu Châu. Nghĩa là, tỷ số phần dân chúng trong nước tại Âu Châu và Mỹ mua bán cao, còn ở trong nước Trung Hoa thì rất thấp.

Không thể kéo dài tình trạng bất công này, và bị áp lực quốc tế đòi phải điều chỉnh để kinh tế thế giới cân bằng hơn, đảng Cộng Sản đã phải chuyển hướng.

Nhiều món hàng nhập cảng tăng lên có thể được tiêu thụ. Số tiền mua xe hơi nhập cảng tăng một phần ba, trong hai tháng đầu năm 2012; đa số người mua xe là các cán bộ và dân thành phố làm ăn với các cán bộ; chứ không phải nông dân. Và con số 4.2 tỷ đô la trong hai tháng qua cũng không hoàn toàn là phần người tiêu thụ Trung Hoa được hưởng. Trong số hàng nhập cảng có những món được mua để dự trữ đề phòng sắp tăng giá, như số đậu nành tăng thêm 13% sau khi nhiều vùng trồng đậu nành ở Nam Mỹ bị hạn hán. Số đồng thau tăng 50%, có thể là để tích trữ vì lo chính quyền sẽ giảm bớt tiền cho các xí nghiệp vay. Các công ty mua đồng về, được mua chịu, ba tháng hay sáu tháng sau mới trả tiền. Trong thời gian đó họ vẫn thu tiền vào khi đem đồng ra dùng hay bán lại.

Nhưng hiện tượng khiếm hụt mậu dịch vừa qua vẫn là một dấu hiệu của sự chuyển hướng trong kinh tế Trung Quốc. Số những món hàng rẻ tiền như quần áo, giầy xuất cảng đã thực sự giảm bớt 2%, vì Trung Quốc đang mất lợi thế công nhân nhân rẻ so với nhiều nước khác. Người lao động biết tranh đấu đã đòi được tăng lương. Số hàng xuất cảng “cao cấp” hơn, như máy móc, đồ điện tử vẫn tăng thêm gần 9%, nhưng tốc độ gia tăng đó đã giảm đi so với tỷ số gia tăng hơn gần 12% trong ba tháng cuối năm 2011.

Vấn đề của cả nền kinh tế Trung Quốc không phải là lo khiếm hụt trong cán cân thương mại. Ðiều phải lo là trong khi số tiền mua bán hàng hóa thay đổi, trả tiền mua hàng ngoài nhiều hơn thu được tiền xuất cảng, thì có những nguồn tiền khác chạy vào có gia tăng hay không? Những món tiền nào sẽ chạy vào? Ðó là tiền vốn đầu tư. Hiện nay nhiều người muốn đổi lấy đồng nguyên để góp vốn vào Trung Quốc vì họ trông đợi không những được hưởng tiền lời đầu tư mà còn chờ đồng nguyên lên giá thì lại được thêm lời! Nếu các công ty Trung Quốc thu được nhiều tiền nhờ bán trái phiếu (tức là vay nợ) hay bán cổ phiếu (mời góp vốn), thì số dư trong “cán cân tiền vốn” sẽ bù lại với số thâm thủng trong cán cân thương mại.

Hãy lấy nước Mỹ làm thí dụ. Tại sao người Mỹ có thể kéo dài tình trạng mậu dịch khiếm hụt hết năm này sang năm khác mà vẫn sống được? Bởi vì trong lúc dân tiêu thụ ở Mỹ tha hồ mua hàng hóa rẻ do người lao động khắp thế giới làm, thì các công ty Mỹ và chính phủ Mỹ lại “xuất cảng” các trái phiếu và cổ phiếu, và họ được người ngoại quốc hăng hái mua; tức là đem tiền vốn đổ vào nước Mỹ. Từ ba chục năm nay, nước Mỹ bán ra ngoài rất nhiều “tờ giấy” (cổ phiếu và trái phiếu; trong đó có những giấy nợ của chính phủ Mỹ), lấy tiền mua vào áo thung chữ T, giầy chạy bộ, mì gói, vân vân, những thứ mà nếu cứ làm ở Mỹ thì chỉ thiệt, lỗ vốn. Các nước Á Rập xuất cảng dầu lửa thu tiền vô, nhưng lại nhập cảng trái phiếu (cho vay) hoặc cổ phiếu (góp vốn) cho Mỹ, Canada và Âu Châu. Khi kinh tế phát triển thì mỗi nước đều xuất cảng nhiều hơn, do đó cũng nhập cảng nhiều hơn, trong cả hai dòng tiền này. Tính chung các món tiền trao tay mỗi ngày, trong thương mại giữa các nước cộng với số tiền vốn qua lại, thì hai dòng tiền đó phải cân bằng với nhau.

Trong một ngày, số tiền trao đổi giữa các nước lên tới khoảng 4 ngàn tỷ đô la, theo số tổng kết của những ngân hàng hối đoái (đổi tiền). Chỉ một phần nhỏ trong số này là được dùng trong việc mua bán hàng hóa. Còn phần lớn là do các vụ chuyển tiền trong đầu tư, mua bán cổ phiếu và trái phiếu. Trong số 4 ngàn tỷ tiền đổi chác đó, 85% là đổi giữa đô la Mỹ với tiền nước khác. Chưa tới nửa phần trăm (0.3%) là người ta mua hay bán đồng nguyên của Trung Quốc.

Cứ xem như vậy thì còn lâu đồng nguyên mới đạt được địa vị một quốc gia tiền quốc tế. Trong khi đó thì đồng đô la vẫn tiếp tục được người ta dùng để mua bán, vay nợ hay trả nợ nhau; và để giành, thí dụ các quỹ dự trữ ngoại tệ. Mỗi lần chính phủ Mỹ làm cho đồng đô la mất giá, dân Mỹ không than thở, nhưng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh lại đau lòng. Vì dân Mỹ lãnh lương bằng đô la, mua thức ăn bằng đô la, trả tiền nhà, tiền xe bằng đô la. Ðô la xuống giá nhưng nếu đồng lương không đổi, giá bánh mì không đổi, tiền nợ trả ngân hàng mỗi tháng không đổi, thì người Mỹ có khi không biết là tiền mình mất giá; trừ khi đi du lịch hoặc mua phó mát Tây, kẹo Thụy Sĩ. Còn chính phủ Trung Quốc thì ngược lại, Họ có kho dự trữ ngoại tệ với 2 ngàn tỷ đô la Mỹ, cộng thêm tiền các nước khác thành 3.2 ngàn tỷ. Mỗi khi đô la Mỹ mất giá 1% thì kho bạc Trung Quốc mất luôn 1% trong số 2000 tỷ đô la dự trữ, tức mất tiêu 20 tỷ!

Nhưng Trung Quốc có thể bước theo con đường của Mỹ, tức là cứ nhập cảng nhiều hơn xuất cảng. Phải để cho người dân lao động cũng được tiêu thụ chứ? Miễn là các xí nghiệp ở Trung Quốc trở nên hấp dẫn khiến người ngoại quốc bảo nhau góp vốn (mua cổ phiếu) hoặc cho vay. Làm cách nào để các công ty Trung Quốc trở thành hấp dẫn như Coca Cola, McDonald hay General Electrics, Apple? Phải có tự do kinh doanh. Phải khích lệ tư doanh và giảm bớt vai trò của các doanh nghiệp nhà nuớc. Mấy công ty Mỹ đó đều do tư nhân lập nên, tư nhân làm chủ cả.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=145861&zoneid=7

Geen opmerkingen:

Een reactie posten