donderdag 15 maart 2012

Phạm Tuân 'còn muốn bay'

11/3/2012

Cựu phi công ba lần được phong tặng anh hùng đang ngày ngày trồng lan và chơi bóng bàn, thư thả đời hưu trí. Nhưng nói đến chuyện vũ trụ, mắt ông ánh lên, nói: "Nếu giờ cho bay, tôi vẫn bay".


Ông là Phạm Tuân - người đầu tiên của Việt Nam và cả châu Á bay lên vũ trụ năm 1980, trong chương trình Intercosmos (Nghiên cứu vũ trụ vào mục đích hòa bình) của Liên Xô. Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động Việt Nam.

Thứ hai tới, ông sẽ tham dự một buổi nói chuyện về chủ đề chinh phục không gian với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng với nhà du hành người Bỉ Frank De Winne. Tham dự sự kiện này còn có Thái tử và Công nương của Vương quốc Bỉ, nhân chuyến thăm của hai vị và phái đoàn kinh tế đến Việt Nam.

Ông có cuộc trò chuyện với phóng viên VnExpress tại nhà riêng, nơi có những giò lan bên mái tường và một bàn bóng bàn giữa sân.


Anh hùng Phạm Tuân luôn vui vẻ giữa đời thường. Ảnh: Hương Thu.

- Sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của ông như thế nào?

- Đã gọi là nghỉ hưu thì phải nghỉ chứ. 61 tuổi tôi nghỉ, tuy chưa phục vụ cho đất nước nhiều, nhưng cũng không ít. Hiện tôi sống với tư cách là một công dân, một đảng viên.

Trước khi nghỉ tôi cũng nói với đơn vị tôi làm việc rằng, nếu cần đóng góp thì đừng hỏi tôi. Tôi đã nghỉ, thì làm gì có nhiều thông tin. Với lại, giới trẻ giờ năng động và tài giỏi hơn thế hệ chúng tôi nhiều.

Nói vậy không phải vì tôi sợ hay phó mặc bất cứ điều gì. Nhà nước cần, tôi vẫn sẵn sàng làm nếu điều đó có ích cho xã hội.

Thời gian này, tôi chỉ lo công việc gia đình, quan trọng với tôi nhất lúc này là thể thao giữ sức khỏe, vui thú với bạn bè và trồng cây; thi thoảng đi tham quan du lịch các nơi. Tôi thấy mình thanh thản và luôn vui tươi.

- Trong chuyến bay vào vũ trụ cách đây hơn 30 năm, ông đã được tuyển chọn như thế nào?

- Mọi người cứ nghĩ phi công như tôi phải có sức khỏe tốt mới được vào vũ trụ. Thực tế không phải vậy. Năm 17 tuổi, tôi từng tuyển không trúng vì bị loạn nhịp tim và đau mắt hột, các bác sĩ Việt Nam gạt tôi khỏi danh sách. Sau đó, tôi chuyển sang học thợ máy (sửa máy bay) một thời gian. Lúc đó người Nga lại có đợt tuyển phi công. May mắn tôi được chọn.

Trong quá trình học tập, tôi đã rèn luyện thể lực, sức khỏe và được làm phi công. Tôi không những đã lái được máy bay chiến đấu mà còn được bay vào vũ trụ. Tôi nhận ra rằng, có rèn luyện, có sức khỏe, có trí thức là có tất cả.

- Cuộc sống trên vũ trụ như thế nào?

- Tôi sống trên vũ trụ 8 ngày, từ 23/7 đến 31/7/1980. Lúc đó tôi 32 tuổi. Đó là cuộc sống hoàn toàn mới. Nó làm đảo lộn các điều kiện sống, con người mất hết trọng lượng, máu không chảy xuống chân mà dồn lên não. Vì thế, tôi chịu thử thách rất lớn về mặt sức khỏe. Tiếp đó là ảnh hưởng về thần kinh. Tôi chưa từng trải qua cảm giác tốc độ quay nghiêng trên vũ trụ lớn đến vậy. Ở trái đất cùng lắm là bay 1.000 km/h, nhưng trên vũ trụ tốc độ lên tới 300.000 km/h.

Việc chịu lực đè cơ bắp không ý nghĩa, mà chủ yếu thần kinh, rồi cả tâm lý nữa. Tôi có cảm giác mình thật nhỏ bé. Ở trái đất tôi có bạn bè xung quanh, còn khi lên vũ trụ thấy mênh mông và mông lung lắm. Đôi lúc có cảm giác muốn về trái đất, thấy bất lực với những thứ xung quanh mình nếu nó xảy ra. Tôi giật mình khi biết, nhiệt độ áp thấp đang ở rất cao và tự nhiên tụt xuống bằng 0 ở bất cứ khi nào. Có nghĩa là trong một phần giây, con người có thể chết rồi.

Ngày đầu tiên, tôi bị rối loạn hệ thống tiền đình, người nôn nao, khó chịu. Trong khi yêu cầu làm việc không ai thay thế được. Tôi tự nhủ cần cố gắng và cuối cùng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trở về trái đất. Sau khi trở lại trái đất, tôi mất vài tuần để thích ứng.

- Nguy hiểm như vậy, nếu có chuyến bay khác vào vũ trụ ông có bay tiếp không?

- Tất nhiên là có rồi. Nếu giờ cho bay, tôi vẫn bay.

Nhớ lại hồi đó, tôi thấy mình may mắn, vì sau chuyến du hành vũ trụ, Liên Xô tan rã, các chương trình khoa học giữa Việt Xô cũng lỏng lẻo hơn. Tôi tiếp tục học ở Học Viện chỉ huy không quân và về nước làm việc tại Không quân.

Tôi tin rằng, trong tương lai sẽ có người Việt Nam tham gia vào chuyến bay vũ trụ để nghiên cứu khoa học. Việt Nam hiện đang xây dựng Trung tâm vũ trụ quốc gia, đã phóng thành công một số vệ tinh, đó là manh nha đầu tiên để chúng ta tiếp cận dần với nền vũ trụ. Việt Nam sẽ lại có người bay vào vũ trụ. Đó là điều tất yếu thôi. Bay vào vũ trụ không khó.

Chuyến bay của tôi bên cạnh ý nghĩa khoa học còn có ý nghĩa chính trị là chủ yếu. Lúc đó Việt - Xô có mối thân tình. Việt Nam nổi tiếng qua cuộc chiến đấu với Mỹ. Còn Liên Xô muốn kéo các nước Xã hội chủ nghĩa vào để tạo thành khối liên kết tốt hơn.

Anh hùng Phạm Tuân và Anh hùng Gorbatko. Ảnh do Phạm Tuân cung cấp.

- Khi đó, ông lên vũ trụ thực hiện nhiệm vụ gì?

Thời đó, nghiên cứu trong vũ trụ là làm thí nghiệm ở trái đất mang lên. Còn bây giờ người ta bay rất nhiều ngày trong vũ trụ để nghiên cứu cái mới.

Lấy ví dụ thế này, ở tầng cao của khí quyển, có rất nhiều nắng, có thể lên đến 80 độ C. Các nhà khoa học tin rằng, những cái kính to có thể thu năng lượng mặt trời và chuyển về trái đất thì thật tuyệt vời.

Nhất là tình trạng không trọng lượng, ở dưới đất ko thể tạo ra được, nó giúp ích cho ngành luyện kim. Ví dụ như muốn tạo hợp chất nung chảy, các phân tử chảy ra thường trọng lượng riêng khác nhau, nên nếu ở trái đất trọng lượng riêng của phân tử nào nặng hơn sẽ ở dưới, còn nhẹ hơn ở trên. Còn trên vũ trụ, khi phân tích hợp kim ra đơn kim, vì trọng lượng không còn sức hút của trái đất nên nó cân bằng, không mất công giảm nhiệt độ xuống.

Bên cạnh đó, ở vũ trụ có thể quan sát hành tinh khác nhau. Ở trái đất quan sát được là nhờ kính viễn vọng, nhưng phải loại tốt mới thấy hoặc vào trời mây mù không thể nhìn thấy bầu khí quyển.

- Ông có cảm thấy tự ái khi một số người nói rằng nhà du hành Gorbatko bay vào vũ trụ “dắt theo’’ ông Phạm Tuân của Việt Nam?

- Tất nhiên là không. Nếu tôi không bay thì có người khác thay thế. Bởi con tàu đòi hỏi phải có 2 người điều khiển. Gorbatko là người lái chính điều khiển con tàu. Tôi là người lái phụ, phụ trách các thông số kỹ thuật, bảng điều khiển. Tôi phải làm tròn trách nhiệm của mình trên con tàu.

Như tôi nói ở trên, Nga muốn đưa chúng ta vào là để hòa hợp trong chương trình Intercosmos, để thể hiện vai trò của các nước Xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ, không chỉ ở dưới đất mà còn ở cả trên không.

Cuộc đời cho tôi những cái duyên may mắn hết sức tình cờ. Tôi tham gia trận "Điện Biên Phủ trên không" cũng là tình cờ. Việt Nam có một mình tôi bay vào vũ trụ cũng là tình cờ.

- Theo ông để bay lên vũ trụ, con người cần có yếu tố nào?

- Đầu tiên là sức khỏe để chịu đựng được sự thay đổi môi trường sống. Tiếp đó là trí thức để biết cơ chế hoạt động của tàu bay, và cả ý chí, bản lĩnh nữa. Trước đây, để bay lên bầu trời, đã là phi công rồi, tôi vẫn phải rèn luyện thêm 2 năm nữa.
Người Nga nhận xét về tôi rằng, khi gặp điều kiện khó khăn là tôi thích ứng ngay. Lúc chuẩn bị bay vào vũ trụ, tôi gần như có tâm lý rất bình thường.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng Việt Nam có thể tự chinh phục vũ trụ trong tương lai?

- Tôi nghĩ là khó lắm. Việt Nam chúng ta tụt hậu bao nhiêu năm rồi. Đến lúc chúng ta chinh phục được thì nền vũ trụ nước khác vượt xa rồi. Tại sao mình không đi theo hướng khác, theo kiểu nên tận dụng cái họ có và sử dụng nó. Mục tiêu cuối cùng xây dựng đất nước giải phóng con người, chứ không phải làm chủ khoa học vũ trụ. Cái gì thịnh vượng cho đất nước thì ta làm.

Việt Nam đâu cần khổ công cái mà họ làm rồi, nên khai thác cái họ có. Tôi lấy ví dụ như, công nghệ và sản phẩm là của nước ngoài, họ phóng lên, ta bỏ tiền ra mua nó, khai thác nó. Ta lắp các hệ thống thu phát tín hiệu, khai thác vào mục đích của ta. Việt Nam phải hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để làm chủ công nghệ, chứ để tự chế tạo thì ta chắc là không thể làm được.

Tôi biết, giới trẻ Việt Nam rất đam mê vũ trụ. Nhưng ở nước ta, bầu trời, vì sao là cái gì đó còn quá xa xôi vì thế ngành thiên văn nước ta chưa phát triển.

- Ông có tin là có người ngoài hành tinh?

- Không. Lúc mới bay về, có nhiều người hỏi có gặp đĩa bay hay hành tinh nào không. Tôi nói là không. Chuyện ngày tận thế, tôi cũng không tin. Nếu có ngày tận thế chẳng nhẽ các nhà khoa học lại chưa có động thái gì để ngăn chặn nó.


Anh hùng Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Năm 1965, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô.

Đêm 27/12/1972, ông bắn rơi một máy bay B52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.
Năm 1973, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 ngày 23/7/1980, và trở về trái đất ngày 31/7/1980.

Anh hùng Lao động Việt Nam năm 1980. Cùng năm đó, ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin.

Năm 1989 là Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân. Từ 1999, được phong hàm Trung tướng, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng (từ 2000), và là Đại biểu Quốc hội Việt Nam. Nghỉ hưu từ cuối năm 2007.

Hương Thu

Geen opmerkingen:

Een reactie posten