Việt Nam: Mở đầu của các phong trào xã hội qua mạng
Facebook đến Việt Nam năm 2009, nhanh chóng trở thành mạng xã hội hàng đầu, với 64 triệu người đăng ký tính tới 30/6/2017.
Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’Truyền thông Việt Nam 'bênh' Nga và Syria?
Các học giả quốc tế đã chú ý xu hướng gia tăng của người Việt dùng Facebook như nguồn thông tin thay thế cho truyền thông dòng chính bị nhà nước kiểm soát.
Sự phổ biến của Facebook cũng đem lại thêm các cơ hội khác, trở thành không gian công cộng mới để trao đổi ý kiến về các khủng hoảng xã hội, thảo luận và phản ứng về chính trị.
Bài báo này muốn mở rộng chủ đề bằng cách nói về hiện tượng mới nhất: những 'Facebooker' người Việt chủ động hơn và kết liên với nhau để tạo sức ép với giới chức giải quyết các vấn đề xã hội. Việc "đến cùng nhau" của các cá nhân được cho là có thể đặt những viên gạch đầu tiên để thành lập các phong trào xã hội dựa trên internet, như lý thuyết gia Manuel Castells từng đề cập.
Kết nối thành phong trào
Internet và sức mạnh của nó trên toàn cầu đã được công nhận như Cột trụ thứ Năm đi đôi với truyền thông đại chúng. Cột trụ thứ Năm có những cá nhân kết nối với nhau - đây lá ý tưởng trung tâm của một "xã hội mạng" theo lời lý thuyết gia Manuel Castells.Mỗi xã hội có một "hình thức cụ thể" của quyền lực và phản quyền lực. Castells nói rằng việc thực thi phản quyền lực có thể dẫn tới hình thành các phong trào xã hội nối mạng.
Các phong trào xã hội được hình thành khi nhiều cá nhân cảm thấy bị sỉ nhục, bóc lột, bỏ qua hay không được đại diện.
Nguyên nhân của những tình cảm này có thể là xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, tâm lý, nhưng chúng rốt cuộc biến thành "quá trình hành động tập thể", được biểu đạt qua các phong trào xã hội của thời đại kỹ thuật số.
'Vì cây xanh Hà Nội'
Ngày 17/3/2015, một nhà báo lâu năm, Trần Đăng Tuấn, gửi thư ngỏ cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị tạm dừng việc hạ chặt cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội. Kế hoạch đầu năm 2015 có mục tiêu loại bỏ 6700 cây xanh - tương đương 23,19% - trên 190 tuyến phố Hà Nội.Lúc đó, các bàn tán trên cộng đồng Facebook đã vượt khỏi chỗ bạn bè và giải trí để thảo luận các vấn đề liên quan cây xanh. Người dùng đăng các bài lên án kế hoạch, tường thuật việc chặt cây ở nơi họ ở, chia sẻ hình ảnh những cây còn xanh đã bị gỡ bỏ, hình phụ huynh và các con ôm cây, kêu gọi người khác phản đối kế hoạch. Nhiều diễn đàn được mở để điều tra các điểm bất thường của kế hoạch chặt cây, kêu gọi các thành viên phản đối.
Sau sức ép dư luận, giới chức Hà Nội miễn cưỡng quyết định tạm dừng kế hoạch ngày 20/3/2015. Nhưng chuyện chưa kết thúc ở đó.
Tại một cuộc họp báo, một phó chủ tịch UBND TP Hà Nội có bài nói 20 phút giải thích mục tiêu kế hoạch chặt cây nhưng không trả lời câu hỏi phóng viên. Hôm 18/3, một lãnh đạo Hà Nội được báo chí chính thống dẫn lời nói việc chặt hay trồng cây là việc của giới chức.
Sau những diễn biến này, kế hoạch chặt cây của Hà Nội trở thành chuyện chi phối trong các thảo luận online và trên các diễn đàn. Người dùng Facebook không chỉ bấm like, chia sẻ hay bình phẩm. Họ còn tạo các trang Fan Page đánh giá kế hoạch, với đa số phản đối.
Nhóm lớn nhất, 6700 người vì 6700 cây xanh, được một bà nội trợ ở Hà Nội tạo ra. Chỉ vài ngày, hơn 10.000 đã gia nhập nhóm, kéo lên tới 62.000 thành viên tính tới 28/4/2015. Các thành viên có cả nhà báo, nghệ sĩ, khoa học gia, người đủ thành phần.
Hoạt động của trang vượt quá khuôn khổ một diễn đàn thảo luận online. Các thành viên ký thỉnh nguyện thư, gửi cho lãnh đạo thành phố, tổ chức "tuần hành vì cây" trong hai ngày Chủ nhật 22 và 29/3/2015.
Dưới sức ép xã hội gia tăng, giới chức Hà Nội buộc phải ngừng kế hoạch, xin lỗi công chúng và kỷ luật một số viên chức.
Các nhà hoạt động xã hội bình luận rằng chiến dịch chống chặt cây là bằng chứng tích cực về tiến bộ của phong trào dân sự. Một số nhà hoạt động gọi đây là bước tiến về dân chủ, còn một số người khác vui mừng trước phản ứng đoàn kết của người dân và sự khoan nhượng bất ngờ của lãnh đạo Hà Nội trước các cuộc phản đối.
Trả lời tôi, người soạn lá thư ngỏ Trần Đăng Tuấn nói rằng ông xem hiện tượng này là hình thức "phản biện xã hội" vì người dân "có thể và cần có ý kiến về những gì thiết thân với họ".
Khi dân mạng hoạt động
Ta có thể xác định nhiều tác động xã hội từ phong trào ủng hộ cây ở Hà Nội. Đó là lần đầu tiên công chúng có thể chứng tỏ sức ép lớn qua mạng và ngoài đời, buộc giới chức phải xin lỗi và không áp đặt kế hoạch họ muốn.Đó cũng là lần đầu tiên Facebook được xem là "hàn thử biểu" mà chính quyền sử dụng để đánh giá thái độ dân chúng, lắng nghe tiếng nói công luận để giúp các quyết định hành chính.
Tiếng nói các công dân mạng còn tác động truyền thông nhà nước, khiến họ tập trung vào lo lắng của cộng đồng mạng chứ không nói giùm giới chức như nhiệm vụ tuyên truyền. Thống kê thu thập từ 17/3 tới 30/4/2015 ở bốn tờ báo mạng lớn cho thấy nhiều bài vở về chủ đề: VnExpress có 28 kết quả, VietnamNet 28, Tuổi Trẻ 10 và Thanh Niên 24. Câu chuyện được tường thuật từ nhiều góc độ, bằng cách viết báo chí điều tra công bằng và chất lượng.
Chủ đề chặt cây cũng nhanh chóng lên tin trên báo chí nước ngoài như BBC, Reuters, AFP, VOA.
Các nhà bình luận nói rằng báo chí đã ủng hộ công dân mạng mạnh mẽ hơn trong chuyện này vì nếu họ tường thuật về bê bối, mạng xã hội và blogger sẽ làm thay họ. Những nhà quan sát khác lại đặt câu hỏi liệu có động cơ chính trị đằng sau cách tường thuật cởi mở hiếm hoi của báo chí, do Đảng Cộng sản đang chuẩn bị thay đổi lãnh đạo vào năm 2016.
Phong trào xã hội lớn dậy trên mạng
Câu chuyện chặt cây ở Hà Nội năm 2015 cần được xem là hiện tượng vì nó tạo ra các phong trào xã hội trên mạng, khiến người dùng internet thường xuyên đăng bình luận và nêu ý kiến về chính trị đời thường.Đầu năm 2016, một phong trào tẩy chay trên mạng lại diễn ra phản đối công ty Tân Hiệp Phát vì cách đối xử với một khách hàng.
Tháng 5/2016, cộng đồng Facebook tham gia phong trào lớn phản đối việc xả thải từ nhà máy thép Formosa Đài Loan, gây ra cá chết tại các tỉnh miền Trung. Sự phát triển của phong trào phản đối Formosa trên mạng có diễn biến tương tự phong trào cây xanh Hà Nội nhưng có tác động lớn hơn ngoài đời. Đã xảy ra các vụ biểu tình lớn ở các thành phố lớn cho đến khi chính phủ yêu cầu tập đoàn Đài Loan trả tiền phạt 500 triệu đôla.
Các công dân mạng Việt Nam nhận ra internet đem lại nhiều cơ hội không chỉ về kinh tế, giải trí. Facebook đã trở thành không gian cho người Việt tham gia trao đổi ý kiến về các vấn đề chính sách, quản trị, tham nhũng.
Các phong trào đã chứng tỏ một số yếu tố được lý thuyết gia Castells từng chỉ ra, như việc giao tiếp giữa các người dùng qua mạng để tạo nên "trao đổi đại chúng" qua việc tham gia forum, bấm like, chia sẻ.
Ở Việt Nam, hình thức các phong trào xã hội này, tuy chỉ hạn chế trên không gian mạng, cũng nên được ghi nhận như phương tiện tiếp cận hứa hẹn cho người dân mà tiếng nói từ lâu bị bỏ qua hay đại diện sai lạc.
Cần nói rằng phong trào chống chặt cây Hà Nội và các phong trào gần đây trên mạng xã hội ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu. Việc chia sẻ, bấm like, bình phẩm có thể xem chỉ mới là "hoạt động nửa vời" chứ chưa dẫn tới "hoạt động thực tiễn". Cộng đồng mạng bày tỏ ý kiến về các vấn đề xã hội hàng ngày như tham ô, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm, y tế, giáo dục chứ không tập trung vào các vấn đề chính trị hơn, vì chúng bị chính phủ nghiêm cấm.
Các phong trào xã hội mạng thường lặng sóng sau khi giới chức Việt Nam làm giảm giận dữ với lời hứa và thay đổi nhỏ. An ninh theo dõi những người quản trị các forum mạng, và những người quản trị này phải ngăn thành viên phê phán chính phủ mạnh quá.
Mặc dù đã có những thay đổi tích cực ở Việt Nam, sự thực là internet chưa phải là không gian hoàn toàn tự do để tranh luận chính trị.
Một nhà báo dùng từ "văn hóa làng xã" để giải thích sự bắt đầu của các phong trào xã hội mạng hiện thời. Dường như ông ám chỉ rằng công chúng có thói quen đi theo ý tưởng của đa số, chứ không được khuyến khích tự nói ra ý mình. Nhưng ông nói một lợi điểm của các phong trào này là giúp người Việt "dần trưởng thành" thông qua những việc như thế.
Một số học giả quốc tế nói rằng các lý do chính là "văn hóa sợ hãi in sâu", tự kiểm duyệt, và vẫn còn được hưởng lợi ích từ cải tổ kinh tế. Ác mộng về chiến tranh tàn phá còn ám ảnh Việt Nam, vì thế người dân ưa chuộng ổn định hiện nay hơn là đổi thay.
Khi Việt Nam đã chọn internet để phát triển kinh tế, cũng có nghĩa là chấp nhận cấu trúc xã hội sẽ biến đổi thành "các mạng thông tin" hoạt động theo logic riêng.
Bài viết này cho rằng phong trào phản đối chặt cây Hà Nội đánh dấu sự khởi đầu của các phong trào xã hội qua mạng ở Việt Nam. Dù còn hạn chế, các phong trào này có tiềm năng mở rộng quy mô, ảnh hưởng trên mạng và ngoài đời để thúc đẩy thay đổi trong các vấn đề xã hội hàng ngày.
Sẽ còn cần thêm nghiên cứu để theo dõi tiến triển của các phong trào xã hội qua mạng ở Việt Nam, khi chúng bắt đầu tiến sâu hơn vào các vấn đề chính trị. Chúng ta sẽ xem liệu chúng có chuyển hóa thành các phong trào xã hội "offline" hay sẽ bị chính quyền hủy diệt.
Dù có cả hứa hẹn lẫn rủi ro phía trước, internet là cơ hội vàng cho người Việt để có thêm tự do và dân chủ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten