donderdag 19 juli 2018

Thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinki : Putin hy vọng phá vỡ vòng vây + Nga sẽ giúp về hồ sơ Bắc Triều Tiên + Vì sao Trump tỏ ra... "quỵ lụy" trước Putin ? [... hay là "chiêu trò... dụ khị Gấu Nga"... bất chấp dư luận (!) của..."ông già Gân" ]





Thượng đỉnh Nga – Mỹ : Putin hy vọng phá vỡ vòng vây


mediaTổng thống Mỹ Donald Trump (T) gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan, July 16, 2018.REUTERS/Kevin Lamarque
Tương tự như Washington, Matxcơva cũng không mong chờ là cuộc gặp ở Helsinki đem lại nhiều kết quả. Nhưng theo giới quan sát, thượng đỉnh Nga –Mỹ đầu tiên dưới nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump là cơ hội để Vladimir Putin phá vỡ thế cô lập của Nga trên bàn cờ quốc tế.
Về mặt hình ảnh và truyền thông, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga băng giá, cuộc gặp chiều nay giữa Donald Trump và Vladimir Putin có tầm mức quan trọng không kém thượng đỉnh Singapore giữa nguyên thủ Mỹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Vài giờ trước thượng đỉnh Nga-Mỹ đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, thật khó đoán trước kết quả cuộc họp giữa hai nguyên thủ có cá tính rất khác nhau như Donald Trump và Vladimir Putin.
Trong lúc ông Trump qua Twitter liên tục đề cập đến quan hệ Nga-Mỹ, thì ngược lại Putin hoàn toàn im lặng về mục đích, chiến lược và những gì ông mong đợi có được từ thượng đỉnh Helsinki.
Chiều nay, tại dinh tổng thống Phần Lan, nguyên thủ Nga sẽ bắt tay tổng thống Mỹ, sau khi vừa tổ chức thành công mỹ mãn Cúp bóng đá thế giới 2018. Với công luận trong nước, Vladimir Putin vừa đắc cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Ông là người đã đưa bán đảo Crimée về lại cho nước Nga, đương đầu với phương Tây đang trừng phạt Matxcơva can thiệp vào Ukraina, thành công rực rỡ trên mặt trận Syria.
Riêng với Mỹ, quan hệ giữa Matxcơva và Washington đã xấu đi đáng kể trong những tháng cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, ông Putin cũng đã tưởng dễ dàng nói chuyện với chính quyền Trump, cho tới khi nghi án điện Kremlin can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ được phơi bày ra ánh sáng và Washington liên tiếp gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước Nga. Gần đây nhất là vụ tư pháp Hoa Kỳ truy tố 12 "gián điệp Nga thâm nhập thư điện tử của đảng Dân Chủ" trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trước ngần ấy thách thức trong quan hệ Mỹ -Nga, theo phân tích của chuyên gia Alexandre Gabouev, viên nghiên cứu Mỹ Carnegie, thượng đỉnh Helsinki lần này "trước hết là cơ hội để Vladimir Putin chứng minh với công luận trong nước và với một số nước châu Âu, rằng Nga không trong thế cô lập".
Về thực chất, giới quan sát cho rằng, tổng thống Nga đến Helsinki trong thế thượng phong và ông có nhiều điểm tương đồng với Donald Trump.
Lợi thế thứ nhất của Vladimir Putin là ông biết khá rõ tâm lý nguyên thủ Mỹ. Theo nhãn quan của Vladimir Putin, Donald Trump là "một doanh nhân giàu kinh nghiệm" và có "nhiều ưu điểm". Tổng thống Hoa Kỳ là người có đầu óc "thực tiễn", dù không có kinh nghiệm chính trị nhưng Trump đã "học hỏi rất nhanh" và bất chấp bề ngoài sôi nổi nhưng thật ra, tổng thống Mỹ là người "biết lắng nghe và người ta có thể tìm được đồng thuận với ông ấy".
Lợi thế thứ hai của tổng thống Putin, là chiều nay, ông sẽ ngồi vào bàn đàm phán với một nguyên thủ Mỹ mà lập trường về Nga không mấy rõ ràng, nhưng không hẳn là bất lợi cho Matxcơva.
Tổng thống Donald Trump khi thì dùng đòn hù dọa, khi lại có những lời lẽ ve vãn nước Nga. Điển hình là tổng thống Hoa Kỳ tại thượng đỉnh G7 Canada, quy tụ 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, đã đề nghị mời Nga quay trở lại câu lạc bộ này. Cũng tổng thống Trump tại thượng đỉnh NATO đã tố cáo một đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là Đức mua khí đốt của Nga, bị Matxcơva thao túng. Nhưng Donald Trump không ngớt lời chỉ trích NATO, liên tiếp chĩa mũi dùi vào cả Liên Hiệp Châu Âu. Điều đó vô hình chung, biến Donald Trump thành một "đồng minh" của Putin.
Do vậy, vẫn theo chuyên gia của viện nghiên cứu Carnegie, Alexandre Gabouev được tờ Le Figaro trích dẫn, tương tự như ông Trump, Putin không mấy thiết tha với mô hình thế giới đa cực kiểu của phương Tây. Thêm vào đó, Donald Trump đã công khai xếp Liên Hiệp Châu Âu vào danh sách các địch thủ của Mỹ, ngang hàng với Trung Quốc và Nga. Thái độ trở mặt của nguyên thủ Mỹ với các đồng minh châu Âu là bằng chứng rõ rệt nhất để Nga thuyết phục những cột trụ trong đại gia đình châu Âu, như là Pháp và Đức, đi tìm một điểm tựa khác, là Matxcơva.
Chuyên gia của viện Carnegie bồi thêm : có lẽ vì mục đích này mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng 5/2018 đã viếng thăm Saint Petersburg, quê hương của Putin. Với nước Đức, điện Kremlin vẫn ý thức rằng thủ tướng Angela Merkel luôn ủng hộ các biện pháp cứng rắn trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraina, nhưng điều đó không cấm cản Matxcơva lên tiếng bênh vực khi Berlin bị Washington chỉ trích mua khí đốt của Nga.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180716-thuong-dinh-nga-%E2%80%93-my-putin-hy-vong-pha-vo-vong-vay



Thượng đỉnh Helsinki : Trump cho biết đã đối thoại thẳng thắn và cởi mở với Putin


mediaTổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại nhân cuộc họp báo tại Helsinki, ngày 16/07/2018.REUTERS/Leonhard Foeger
Sau cuộc gặp thượng định lịch sử ngày hôm qua, 16/07/2018 tại Helsinki, thủ đô Phần Lan, tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá là các cuộc trao đổi với nguyên thủ Hoa Kỳ « rất thành công và rất hữu ích ». Về phần mình, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, hai nguyên thủ đã đối thoại « thẳng thắn, cởi mở và rất hiệu quả… Và đó mới chỉ là bước khởi đầu ».
Liên đến cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, Donald Trump coi đó là một « thảm họa », đồng thời khẳng định là ông đã nói thẳng vấn đề này với đồng nhiệm Nga.
Về phần mình, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh song phương đầu tiên tại Helsinki là « còn trên cả tuyệt vời ».
Từ thủ đô Phần Lan, đặc phái viên Anastasia Becchio gửi về bài tường trình :
« Đúng, tôi muốn ông Trump thắng cử. Vladimir Putin đã trả lời không vòng vo câu hỏi của một nhà báo là phải chăng ông muốn Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Nguyên thủ Nga giải thích: khi còn là ứng viên, tổng thống Trump đã nói đến sự cần thiết tái thúc đẩy quan hệ Nga-Mỹ. Do vậy, việc xã hội Nga có cảm tình với ứng viên này là lẽ tự nhiên.
Về câu hỏi, phải chăng trong bối cảnh đó, dường như nước Nga đã tìm cách hỗ trợ ứng viên Trump ? Tổng thống Nga trả lời : Chúng tôi không can thiệp vào công việc nội bộ của nước Mỹ.
Những lời chối bỏ này đã thuyết phục được nguyên thủ Hoa Kỳ. Dường như Donald Trump tin vào lời nói của tổng thống Nga hơn là những báo cáo của đại diện cơ quan tình báo Mỹ. Ông nói : tổng thống Putin vừa mới khẳng định là nước Nga không can thiệp. Hôm nay, tổng thống Putin đã bác bỏ mạnh mẽ và dứt khoát việc này.
Tổng thống Vladimir Putin còn đưa ra một đề nghị : Có thể tiến hành thẩm vấn tại Nga 12 nhân viên tình báo Nga bị cáo buộc đã đánh cắp thông tin trong các máy tính của đảng Dân Chủ và bị khởi tố tuần trước, nếu như tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu và thậm chí chưởng lý đặc biệt Mueller cũng có thể tham dự cuộc thẩm vấn, nhưng với một điều kiện là Hoa Kỳ phải để cho Nga tiến hành cuộc điều tra này. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180717-thuong-dinh-helsinki-tong-thong-my-cho-biet-da-doi-thoai-thang-than-va-coi-mo-voi-n





Donald Trump : Nga sẽ giúp về hồ sơ Bắc Triều Tiên


mediaTổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/06/2018 tại Helsinki, Phần Lan.REUTERS/Kevin Lamarque
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 18/07/2018 trên Twitter cho biết Nga đã đồng ý hỗ trợ về hồ sơ Bắc Triều Tiên, và trong cuộc hội đàm với đồng nhiệm Vladimir Putin, cả hai đã thảo luận về việc giảm vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Cùng lúc với tweet của ông Trump, hãng tin Nga RIA loan báo một cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Nga và lãnh đạo Bắc Triều Tiên « đã được lên lịch ». Trước đó vào hôm qua, tổng thống Mỹ khẳng định không có thời hạn cụ thể nào được ấn định cho việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói : « Chúng tôi không vội vã ».
Một tháng sau cuộc gặp lịch sử với Kim Jong Un tại Singapore hôm 12/6, vẫn chưa có gì cụ thể về lịch trình và thể thức « giải trừ hạt nhân hoàn toàn » như đã loan báo, tuy trước hội nghị thượng đỉnh, chính quyền Trump khẳng định tiến trình này sẽ được khởi động « rất nhanh chóng ».
Trên lãnh vực quân sự, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis để ngỏ khả năng mở lại đối thoại với đồng nhiệm Nga Serguei Shoigu, lần đầu tiên kể từ năm 2015. Hai viên chức Mỹ ẩn danh cho Reuters biết như trên, tuy tướng Mattis vẫn coi Nga và Trung Quốc là mối đe dọa chính của Hoa Kỳ.
Nguồn tin cũng nói thêm trong chuyến công du Bắc Kinh mới đây, tướng Mattis đã thẳng thừng bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, kể cả tại Biển Đông.
Về mặt ngoại giao, Reuters cho biết các nhân vật chính trị và báo chí Nga coi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ tại Helsinki vừa qua là một chiến thắng của ông Vladimir Putin, phá vỡ ý muốn cô lập Nga của phương Tây sau vụ sáp nhập Crimée. Trả lời báo chí, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá cuộc họp thượng đỉnh Trump-Putin là « trên cả tuyệt vời ».

http://vi.rfi.fr/the-thao/20180718-donald-trump-nga-se-giup-ho-so-bac-trieu-tien




TT Mỹ không thừa nhận Nga can thiệp bầu cử, phe Cộng Hòa phẫn nộ


mediaTổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo ngày 16/07/2018 tại Helsinki, Phần LanREUTERS/Kevin Lamarque
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Helsinki, hôm qua, 16/07/2018, sau cuộc hội kiến kéo dài hai giờ với tổng thống Nga, tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thừa nhận thực tế Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, cho dù tất cả các cơ quan tình báo Hoa Kỳ khẳng định điều này.
Thái độ của ông Donald Trump gây ra một làn sóng chỉ trích dữ dội hiếm có tại Mỹ, kể cả trong phe Cộng Hòa. Từ nhiều tháng nay, Nhà Trắng đã cố gắng xua tan nỗi nghi ngờ trong dư luận, là tổng thống Trump sẽ không dám đối đầu với nguyên thủ Nga Vladimir Putin.
Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :
« Tất cả bắt đầu với một câu hỏi đơn giản của một phóng viên với ông Donald Trump, trong cuộc họp báo tại Helsinki cùng đồng nhiệm Nga : Tổng thống Nga phủ nhận đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, tuy nhiên tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đã đưa ra kết luận ngược lại. Ông tin tưởng vào ai ?. Sau đây là câu trả lời của tổng thống Mỹ, người vừa có cuộc trao đổi riêng với đồng nhiệm Nga : Tổng thống Putin vừa nói với tôi rằng Nga không can thiệp. Tôi không hiểu tại sao chuyện ấy lại có thể xảy ra.
Câu trả lời của tổng thống Mỹ ngay lập tức làm dấy lên một làn sóng phản đối từ phía đảng Dân Chủ, nhưng lần này chính phe của ông Trump cũng phẫn nộ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain nhận định : Cuộc họp báo ở Helsinki là một trong các hành động đáng hổ thẹn nhất của một tổng thống Mỹ.
Về phần mình, chủ tịch Hạ Viện, chính trị gia đảng Cộng Hòa Paul Ryan nhấn mạnh : Hoàn toàn chắc chắn là có sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Ngay cả lãnh đạo đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện, ông Mitch McConnel, vốn ít có xu hướng phê phán tổng thống, cũng không ngần ngại lên tiếng : Nga không phải là bạn của nước Mỹ. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào đánh giá của các cơ quan tình báo của chúng ta.
Đối với CIA và FBI, việc Nga can thiệp vào cuộc tranh cử Mỹ năm 2016 là điều không có gì phải nghi ngờ nữa. Trong một thông cáo công bố hôm qua, 16/07, ông Dan Coats, lãnh đạo tình báo Mỹ, đã một lần nữa tái khẳng định điều này. Khi một nhà báo đề nghị tổng thống Nga Vladimir Putin là phải chăng ông đã hy vọng Donald Trump đắc cử. Tổng thống Nga trả lời không lưỡng lự : Đúng như vậy, và giải thích đó là do ông Trump đã hứa sẽ bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180717-tt-trump-khong-thua-nhan-nga-can-thiep-bau-cu-phe-cong-hoa-phan-no-ok




Vì sao Trump tỏ ra quỵ lụy trước Putin ?


mediaTổn thống Mỹ Donald Trump (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Helsinki, ngày 16/07/2018. Ảnh do Sputnik cung cấp cho Reuters.REUTERS
Thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Helsinki ngày 16/07/2018 tiếp tục là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa trang nhất : « Donald Trump, đồng minh tốt nhất của Vladimir Putin », với bài xã luận : « Những mối liên hệ nguy hiểm của Donald Trump ». Thái độ nghiêng hẳn về phía tổng thống Nga, ngoảnh mặt với các cơ quan tình báo quốc gia, của tổng thống Mỹ gây một làn sóng phẫn nộ trong giới chính trị Hoa Kỳ, kể cả những người cùng cánh. Về chủ đề này, tờ Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Laure Mandeville.
Bài « Cuộc du hành châu Âu của Trump, một ‘‘cuộc thảm sát’’ và một câu chuyện khó hiểu » của nhà báo Le Figaro nêu ra ba giả thiết, để lý giải về thái độ quỳ gối (« génuflexion ») của tổng thống Mỹ trước tổng thống Nga, vừa được phơi bày trước mặt toàn thế giới. « Thảm sát » là để nói về những lời lẽ đầy sát khí mà lãnh đạo Mỹ nhắm vào các đồng minh châu Âu, còn « câu chuyện khó hiểu » là để chỉ thái độ quỵ lụy bất ngờ nói trên.
Giả thuyết thứ nhất : Bị nắm thóp
Lý do thứ nhất để giải thích cho « điều bí ẩn Helsinki », theo nhà báo Laure Mandeville, là điều đã được nhiều chính trị gia Mỹ, cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, nêu ra lâu nay. Đó là ông Donald Trump đã bị cơ quan tình báo Nga nắm đằng chuôi. Và chính họ đã đứng đằng sau chiến dịch đưa Donald Trump lên đỉnh cao quyền lực, thông qua một chiến dịch làm đảo lộn cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2016. Một biến thể khác của giả thuyết thứ nhất là ông Trump đã rơi vào bẫy trong chuyến đi Nga năm 2013, và kể từ đó, Donald Trump đã hoàn toàn bị Nga thao túng.
Giả thuyết thứ 2 : Ám ảnh mất uy tín
Giả thiết thứ hai có vẻ « đáng tin hơn ». Đó là Donald Trump rất bị ám ảnh về uy tín của bản thân, trong bối cảnh tổng thống Mỹ muốn đoạn tuyệt « với chính hệ thống chính trị mà ông ta có trách nhiệm lãnh đạo ». Donald Trump có cảm giác là « toàn bộ cỗ máy Nhà nước… đang chống lại mình và tính hợp thức của việc ông ta đắc cử luôn bị đặt thành vấn đề ». Donald Trump dường như không thể chấp nhận được là sự can thiệp của Nga đã tạo điều kiện cho ông đắc cử. Donald Trump cảm thấy bất an đến mức sẵn sàng tin tưởng vào những lời nói đường mật của Putin, hơn là thừa nhận các kết luận của tình báo Mỹ.
Giả thuyết thứ 3 : « Thỏa thuận chiến lược ngầm » với Putin
Một kịch bản thứ ba cũng được nhà báo Laure Mandeville nêu ra, liên quan đến một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là tổng thống Trump đã có một kế hoạch kéo nước Nga vào một liên minh trong một số hồ sơ lớn, như hạt nhân Bắc Triều Tiên, Trung Quốc hay Iran, bất chấp các khác biệt về ý thức hệ và các tư vấn gần như thống nhất của giới chuyên gia, « mà ông Trump vốn thường xuyên tỏ ra khinh bỉ ».
Hôm qua, nhiều nhà quan sát Nga đã nêu ra giả thuyết này, với một ví dụ, là khả năng Mỹ Nga hợp tác hỗ trợ Israel trên mặt trận Syria, chống lại kẻ thù Iran. Trong cuộc họp báo hôm 16/07, Donald Trump đã nói : « Tôi sẵn sàng có một mạo hiểm về chính trị để cổ vũ cho hòa bình, hơn là hy sinh hòa bình cho chính trị », tuy nhiên câu nói trên của tổng thống Mỹ đã bị chìm khuất trong bê bối « Nga can thiệp bầu cử ».
Vẫn theo giả thuyết này, một nhà quan sát Nga ghi nhận việc Donald Trump và Vladimir Putin tỏ ra đoàn kết trước các nhà báo. Nhà báo Le Figaro đặt câu hỏi : Phải chăng trong hai giờ nói chuyện trực tiếp, Trump và Putin đã đạt được « một thỏa thuận bí mật mang tính chiến lược », và Donald Trump cho rằng thỏa thuận này là đủ quan trọng, để đánh đổi lấy việc ông ta chấp nhận quan điểm của Putin trong nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, theo nữ ký giả Laure Mandeville, cho dù một kế hoạch bí mật như vậy có tồn tại, thì hệ quả trực tiếp của cách hành xử của tổng thống Mỹ gây phản tác dụng. Tình trạng bối rối hiện nay ở Mỹ và phương Tây nói chung có thể dẫn đến một mặt trận chung chống lại Putin.
Trở lại với diễn biến tiếp theo của cuộc họp báo Trump – Putin, Libération có hồ sơ « Donald Trump, lá mặt lá trái và nỗi giận dữ ». Libération cho biết là trước làn sóng phản đối dữ dội sau các tuyên bố ở Helsinki, bị chính những người cùng phe kết án là « phản bội », tổng thống Trump hôm qua, lại vừa đưa ra một phát biểu hoàn toàn trái ngược, tái khẳng định niềm tin vào các cơ quan tình báo Mỹ.
Một giả thuyết khác : Chỉ đi với kẻ mạnh
Phải chăng Donald Trump đã phạm phải « một sai lầm chiến lược » ? Libération nêu ra một giải thích khác, được một nhà ngoại giao châu Âu, được tiếng là người biết rõ về đời sống chính trị Mỹ đưa ra. Theo chuyên gia này, ông Trump có một « quan điểm nhất quán » về chính trị quốc tế, cho dù quan điểm của ông ta là « nguy hiểm ». Đối với ông ta, không có liên minh, không có bạn hữu, chỉ có những người cạnh tranh. Donald Trump hoàn toàn thờ ơ với các giá trị, với nền dân chủ, ông ta chỉ yêu mến những kẻ mạnh, như Kim Jong Un, như Vladimir Putin. Với họ, Trump tin rằng có thể đúc kết được một số thỏa thuận.
Mục tiêu của Donald Trump là làm thỏa mãn giới cử tri đã từng đưa ông ta lên ghế tổng thống. Vẫn nhà ngoại giao châu Âu nói trên lưu ý là, cho dù có nhiều phản ứng dữ dội trong phe Cộng Hòa, nhưng rất ít khả năng các nghị sĩ Cộng Hòa dám « nổi dậy » chống lại tổng thống. « Donald Trump đã thuần hóa được đảng Cộng Hòa, bởi tuyệt đại đa số cử tri ủng hộ ông ta ». Theo một thăm dò dư luận mới nhất của Viện Gallup, 90% cử tri Cộng Hòa ủng hộ Donald Trump. Đây là một tỉ lệ chưa từng có kể từ vụ khủng bố Tháp Đôi 11 tháng Chín.
Cũng về chủ đề này, Libération có bài phỏng vấn mang tựa đề « Đối với điện Kremlin, Trump không phải là một đối tác đáng tin cậy ». Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, chính quyền Putin không có ảo tưởng là tổng thống Mỹ là một người biết giữ lời, bởi cách hành xử tiền hậu bất nhất của Donald Trump là điều mà ai cũng biết. Vấn đề chủ yếu là, Matxcơva sử dụng tổng thống Mỹ như một phương tiện làm chia rẽ phương Tây. Xã luận Libération với tựa đề « Kẻ hề mồi » thì vạch ra tính cách của tổng thống Mỹ : « Tỏ ra yêng hùng với những người yếu hơn, và tỏ ra mềm yếu với những kẻ mạnh hơn mình ».
Brexit : Anh trưng cầu dân ý lần thứ hai ?
Trở lại với tình hình châu Âu, những biến động bất ngờ trên chính trường Anh mới đây cho thấy sự lúng túng cao độ của chính quyền thủ tướng Theresa May trong việc tìm ra một phương án cho Brexit. La Croix có bài : Sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit ?
Trả lời La Croix, chuyên gia về chính sách thương mại và Brexit Elvire Fabry cho biết, trong ít tuần gần đây, ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai đang ngày càng được nhiều hưởng ứng trong công luận Anh Quốc. Trước đây, ý tưởng này chỉ phổ biến trong một số đảng nhỏ thân châu Âu tại Quốc Hội, còn hiện nay, viễn cảnh này đã được thảo luận ngay cả trong nội bộ đảng bảo thủ cầm quyền.
Lý do của xu hướng này là do nội bộ đảng cầm quyền hết sức bị phân hóa, do không tìm được thỏa hiệp về tương lai của nước Anh hậu Brexit, kịch bản Anh chia tay với Liên Âu mà không có thỏa thuận, với các hệ quả kinh tế nghiêm trọng, ngày càng trở nên hiện hữu. Hiện tại, thủ tướng Anh bác bỏ hoàn toàn khả năng tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, chuyên gia về Brexit cũng lưu ý là, nếu thủ tướng Anh bị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ, thì rất có thể đến lượt Công Đảng sẽ đảm nhiệm việc thương lượng về Brexit với Bruxelles, và cũng không loại trừ cựu ngoại trưởng Boris Johnson của đảng bảo thủ có thể ra ứng cử vào chức thủ tướng.
« Làn gió hòa hợp » ở Pháp : Tổng thống họp với 8 nghiệp đoàn lớn
Trở lại với nước Pháp, sau những giờ phút cuồng nhiệt mừng đội tuyển bóng đá đoạt chức vô địch thế giới, hôm qua, tổng thống Pháp có buổi làm việc chung với tất cả 8 nghiệp đoàn lớn của giới chủ và người lao động. Bài xã luận của La Croix với tựa đề « Chuyển hướng » nói đến « Một làn gió của sự hòa hợp đã thổi vào khuôn viên điện Elysée hôm thứ Hai, nhân dịp vinh danh đội tuyển Pháp. Làn gió ấy dường như ngày hôm qua đã không yếu đi ». Đây là lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ (5/2017), Emmanuel Macron cùng một lúc tiếp toàn bộ lãnh đạo các nghiệp đoàn.
La Croix ghi nhận sự hài lòng của các đại diện nghiệp đoàn sau buổi làm việc với tổng thống, như một chỉ dấu cho thấy sáng kiến đạt kết quả bước đầu. Thực tế nói trên là hoàn toàn ngược lại với không khí co cụm trong những tháng trước đó, khi ý tưởng đối thoại dường như đã ngày càng trở nên khó áp dụng, trong bối cảnh niềm tin cậy giữa chính phủ và nhiều đối tác xã hội đang xuống rất thấp.
Vẫn La Croix dẫn ý kiến của một người phụ trách nghiệp đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (CPME), khẳng định cuộc họp này là « một bước ngoặt thực sự ». Tổng thống Pháp thừa nhận là, sau giai đoạn phải hành động mau chóng trong một số hồ sơ, đã đến lúc chính phủ cần dựa vào các đối tác xã hội. Theo điện Elysée, ra hè vào tháng 9, chính phủ và các nghiệp đoàn sẽ tiếp tục khâu chuẩn bị cho giai đoạn đổi thoại thực sự, mà về cơ bản sẽ phải kết thúc vào tháng Giêng, tháng Hai năm tới. Một trong các hồ sơ chính của đàm phán là bảo hiểm thất nghiệp.
Tờ báo địa phương Républicain Lorrain đặt một câu hỏi nửa đùa, nửa thật : « Phải chăng chính huấn luyện viên Didier Deschamps đã thổi vào tai tổng thống Emmanuel Macron một số lời khuyên tốt, về nghệ thuật cũng như cách thức động viên tinh thần thi đấu ? Thái độ lạc quan đáng ngạc nhiên của các lãnh đạo nghiệp đoàn lao động và giới chủ ngày hôm qua, sau nghi thức tại điện Elysée, cho phép chúng ta tin tưởng vào một bước ngoặt ».
Tài nguyên dưới đáy đại dương : Lo ngại tổn hại môi trường nghiêm trọng
Trong lĩnh vực môi trường, Le Figaro cho biết, ít ngày tới vấn đề quy tắc khai thác tài nguyên dưới lòng đại dương sẽ được thảo luận tại các phiên họp của Cơ Quan Quốc Tế về Đáy Biển (ISA), tại Jamaica, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (từ 23 đến 27/07/2018). Cho đến nay, dưới áp lực của giới bảo vệ môi trường, mới chỉ có các giấy phép thăm dò được cấp. Tuy nhiên, ISA dự đoán, khoảng năm 2025, sẽ có những giấy phép đầu tiên khai thác tại các vùng biển quốc tế.
Việc khai thác tài nguyên dưới đáy đại dương để lại những lo ngại rất lớn về hậu quả môi trường, đặc biệt là đe dọa phá hủy các hệ đa dạng sinh học. Vẫn theo ISA, hiểu biết về đáy đại dương hiện còn rất ít được nghiên cứu. Theo ông Mathhew Gianni, đồng sáng lập liên minh 80 tổ chức bảo vệ đại dương (Deep See Conservation Coaliation - DSCC), rất có nguy cơ nhiều giống loài dưới đáy biển sẽ bị tuyệt diệt, vì các hoạt động khai thác, trước khi được con người biết đến. DSCC cùng nhiều tổ chức khoa học, môi trường khác, đang gây áp lực để các quy chế khai thác phải có ý nghĩa bảo vệ nhất đối với môi trường, và các thông tin về tác động môi trường phải được minh bạch hóa.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180718-vi-sao-trum-to-ra-quy-luy-truoc-putin

Donald Trump cải chính phát ngôn về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

mediaTổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc họp báo tại Nhà Trắng về cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki ngày 16/07/2018.REUTERS/Leah Millis
Họp báo tại Washington ngày 17/07/2018, tổng thống Trump nhìn nhận đã "nói nhầm" khi tuyên bố với tổng thống Putin tại Helsinki là "không có lý do gì để có thể nghĩ là Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ". Lời cải chính này nhằm xoa dịu công luận Mỹ và ngay cả trong hàng ngũ của đảng Cộng Hòa, rất phẫn nộ vì những tuyên bố của ông trong buổi họp báo chung với tổng thống Nga hôm 16/07/2018.
Thông tín viên đài RFI, Eric de Salve từ San Francisco tường trình :
Trước ống kính truyền hình của Nhà Trắng, Donald Trump chật vật gài số lùi và giải thích là khi từ Helsinki trở về, ông mới biết tranh cãi đã dấy lên tới mức độ nào. Tổng thống Mỹ kể lại : "Khi trở về, tôi hỏi : "Chuyện gì đã xảy ra ? Vần đề nằm ở chỗ nào ?"
"Phản bội", "đáng hổ thẹn", "sai lầm tai hại" : những tuyên bố của tổng thống Mỹ trước một cường quốc thù nghịch, chỉ trích cơ quan tình báo của chính nước mình đã gây hoang mang chưa từng thấy. Tại Washington, sự phẫn nộ lan sang cả hàng ngũ đảng Cộng Hòa. Nhiều gương mặt nổi bật của đảng này vốn ít khi nào chỉ trích Donald Trump đã phải lên tiếng.
Donald Trump nói tiếp : "Tôi đọc lại văn bản và đã xem lại đoạn video về câu trả lời của mình trong buổi họp báo. Tôi thấy cần phải đưa ra một lời giải thích rõ ràng".
Một ngày trước, trong buổi họp báo ở Helsinki với tổng thống Nga, Vladimir Putin, Donald Trump từ chối công nhận Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Nhưng tại Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ rốt cuộc đã gài số lùi. Ông giải thích là đã nói nhầm, quên dùng thể phủ định kép. Donald Trump, cúi đầu xuống, nhìn vào bản thảo trên mặt bàn và nói "Tôi đã nói "có thể là" thay vì "không thể là".
Nói cách khác, tại Helsinki, tuyên bố của tổng thống Trump "Tôi không thấy có lý do gì để Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ" thì người ta phải hiểu rằng ông muốn nói "Tôi không thấy có lý do gì để Nga KHÔNG can thiệp". Tổng thống Mỹ nói thêm "Tôi chấp nhận những kết luận của cơ quan tình báo Mỹ theo đó Nga đã can thiệp vào bầu cử hồi năm 2016".
Đến cuối ngày, trên mạng xã hội Twitter, Donald Trump tỏ ra rất hài lòng về thượng đỉnh Helsinki qua tuyên bố "Cuộc gặp với tổng thống Putin là một thành công lớn, ngoại trừ trong mắt các phương tiện truyền thông đưa tin giả Fake News.
Giải thích không thuyết phục
Lời thanh minh của ông Trump không mấy thuyết phục. Lãnh đạo khối nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện, Mitch McConnell ngày 17/06/2018 nêu lên khả năng Thượng Viện Hoa Kỳ gia tăng trừng phạt Nga và cảnh cáo Matxcơva không nên can thiệp vào bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Bên phía đối lập, lãnh đạo của phe Dân Chủ, Chuck Schumer đòi tổng thống Mỹ trình bày trước ủy ban của Thượng Viện về cuộc họp kín trong gần hai giờ đồng hồ tại Helsinki giữa ông và tổng thống Nga, Vladimir Putin.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180718-donald-trump-cai-chinh-phat-ngon-ve-viec-nga-can-thiep-vao-bau-cu-my

Geen opmerkingen:

Een reactie posten