dinsdag 3 juli 2018

Dư chấn của cuộc... "toàn dân xuống đường chống... bè lũ bán nước" 10-6-2018 : "Thà phản động hơn... phản quốc ! "

‘Phản động’ và phản quốc

Trần Tiến Dũng
Người dân Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối dự luật “Đặc Khu” và “An Ninh Mạng.” (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Không hề cường điệu khi dư luận cho rằng, sau các cuộc biểu tình lớn khắp cả nước ngày 10 Tháng Sáu đã làm dòng chảy bất an, sợ hãi đảo chiều đe dọa chính cái chế độ đã gieo rắc sự sợ hãi lên cả dân tộc suốt hàng thập niên cầm quyền.
Thật vậy, dù dư luận khó đo đếm tình trạng sợ hãi của các cấp cán bộ Cộng Sản cầm quyền, nhưng quả thật từng cán bộ đang có sự chuẩn bị về tâm lý, vật chất cho riêng gia đình họ phòng khi biến cố chính trị tiếp theo sau ngày 10, 17 Tháng Sáu, 2018.
Một nhà báo lề phải cho biết. Bây giờ họp, dù bị cấm nhưng ai cũng chỉ muốn nói muốn bàn về chuyện biểu tình, rồi hỏi nhau có lo gạo, mì, nhu yếu phẩm chưa, một khi biểu tình bất bạo động chuyển qua bạo động đốt phá.
Tâm lý bất ổn sợ hãi của tầng lớp cán bộ trung cấp và tư sản đỏ ăn theo diễn biến theo chiều bỏ chạy. Hẳn nhiên ai cũng biết dù không có biểu tình thì chuyện cán bộ tham nhũng và các nhóm lợi ích đỏ đều đã lót ổ ở ngoại quốc để vừa có chân trong chân ngoài an toàn, nhưng sau ngày 10 Tháng Sáu, rất nhiều người trong nhóm này quyết định rút cả hai chân.
Một “doanh nhân đỏ,” có công ty ở khu công nghiệp Tân Thuận-Sài Gòn, đã gởi hai con tuổi học tiểu học qua Úc, ông ta đi đi về về làm ăn, nhưng lần này thì quyết định cùng gia đình bỏ chế độ mà đi. Ông này nói nửa đùa nửa thật, nhưng không giấu được sự sợ hãi: “Mình không dám phản động cũng không dám phản quốc, thôi thì đi cho yên thân.”
Liên tiếp những ngày gần đây, nhiều trang Facebook đưa danh sách, tạm hiểu là danh sách này được lập từ nguồn an ninh mạng cấp nhà nước của chế độ, dù thật hư cần thêm kiểm chứng. Nhưng cộng đồng mạng xã hội đọc danh sách này thấy đúng và rất mừng vui, vì cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đã có các trang cá nhân mở ra một cộng đồng hiện hữu dưới chế độ độc tài, có giá trị ý thức và lương tri đẹp nhất của từ: “phản động.”
Hơn mấy chục năm trước (Việt Nam chưa có Internet), ở một bàn nhậu của các thi sĩ ngoài luồng Sài Gòn, cạnh bàn nhậu của họ là bàn nhậu của “đám văn nô” chế độ. Vậy là lời qua tiếng lại. “Đám văn nô” cho rằng các nghệ sĩ ngoài luồng là bọn phản động. Một thi sĩ ngoài luồng đã chỉ thẳng vào mặt đám văn nô nói như hét: Chính bọn mày mới là đám phản động làm hại dân tộc.
Nhưng lúc này (năm 2018), từ phản động tuyên ngôn cho các trang cá nhân trong cộng đồng mạng xã hội lại vượt khỏi sự tranh luận về quan điểm chính trị của cá nhân đơn thuần; mà cụm từ này đã trở thành một biểu tượng cộng đồng ý thức chính trị tiên phong.
Cụm từ tạm gọi là, phản động cấp nhà nước này, không hề có ý so sánh với nhà nước chuyên chế đang coi dân tộc như cộng đồng nô lệ sở hữu riêng, mà đơn giản hơn, chỉ muốn gọi cấp nhà nước như một điểm để định vị tạm thời, bởi vì một khi định tư thế ý thức đối lập lại hệ thống nhà nước chuyên chế nô dịch con người, thì địa vị của ý thức và hành động ấy là cao cả trước lịch sử và lương tri dân tộc.
Trong sự kiện biểu tình chấn động ngày 10 Tháng Sáu, 2018. Tại điểm biểu tình công viên Hoàng Văn Thụ, người theo dõi tại chỗ hay qua các clip đăng trên mạng xã hội, sẽ biết đến một câu khẩu hiệu gói trọn ý nghĩa tinh thần và giá trị hành động của người yêu nước đã xuống đường hoặc chưa có dịp xuống đường: “Thà phản động hơn phản quốc!”
Dù các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google, Youtube… bị áp lực kiểm duyệt đã xóa các clip này, nên dư luận có thể không tìm thấy câu khẩu hiệu và những công dân hô vang tinh thần câu khẩu hiệu: Thà phản động hơn phản quốc. Nhưng theo phương thức truyền miệng cổ điển, câu khẩu hiệu trên vẫn truyền bá đến với đầy đủ uy lực giá trị đấu tranh vì chính nghĩa.
Tất nhiên, mọi công dân yêu nước không cần đến sự gợi ý, xúi giục nào vẫn nắm bắt hết được sức mạnh chân thật của câu khẩu hiệu.
Sự chọn lựa với quyết tâm sắt đá đứng về phía “cộng đồng công dân phản động,” từ chối thuộc về chế độ phản quốc để mãi mãi là người Việt yêu nước, không phải ngày một ngày hai mà có được khi từng công dân sống dưới sự tuyên truyền đầu độc hàng ngày hàng giờ qua mấy thập kỷ, rằng: yêu nước là yêu chế độ. Chỉ họ mới biết rằng, để đưa bản thân mình khỏi sự sợ hãi bị chụp mũ là phản động, để tự tẩy xóa, lột bỏ, vứt rác được nọc độc đó là một chọn lựa có tính cách mạng. (Trần Tiến Dũng)
Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, 2 tháng 7 năm 2018

https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/phan-dong-va-phan-quoc/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten