donderdag 12 juli 2018

Thượng đỉnh NATO : Tổng thống Mỹ tố cáo Đức bị Nga chi phối + 8 cuộc khủng hoảng Nga - phương Tây từ sau Chiến tranh lạnh


Thượng đỉnh NATO : Tổng thống Mỹ tố cáo Đức bị Nga chi phối


mediaTổng thống Donald Trump (giữa) chụp ảnh trước khi khai mạc thượng đỉnh NATO, ngày 11/07/2018 tại Bruxelles.REUTERS/Yves Herman
Một tháng sau thượng đỉnh G7 đầy sóng gió, thượng đỉnh khối NATO khai mạc hôm nay, 11/07/2018, tại Bruxelles, trong không khí căng thẳng. Đức là đối tượng tấn công chính của tổng thống Trump. Theo Reuters, trả lời họp báo sáng nay tại Bruxelles, Donald Trump khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục sứ mạng « bảo vệ » các nước châu Âu, hối thúc Berlin tăng chi cho quốc phòng, đồng thời lên án các hợp đồng mua khí đốt từ Nga của một số nước châu Âu, trong đó có Đức.
Theo tổng thống Mỹ, « nước Đức đang nằm trong tay của Nga. Người Đức từ bỏ các nhà máy điện than và hạt nhân. Trong khi đó, đa số dầu mỏ và khí đốt tại Đức lại đến từ Nga ». Donald Trump nhấn mạnh là khối NATO cần phải theo dõi sát vấn đề này.
Một trong các mục tiêu chính của tổng thống Mỹ trong thượng đỉnh NATO lần này là duy trì áp lực buộc các đồng minh phải đóng góp nhiều hơn cho quốc phòng. Cho đến nay, Washington đáp ứng gần 70% chi phí của NATO. Các nước châu Âu cam kết tăng mức chi cho quốc phòng lên 2% GDP kể từ năm 2024, tuy nhiên cho đến nay, chỉ có 4 nước châu Âu đóng góp đủ mức này.
Đức – quốc gia được coi là giàu nhất – bị tổng thống Mỹ lên án là quá chậm trễ. Theo ông Trump, nước Đức có thể tăng chi cho quân sự ngay lập tức, mà nền kinh tế không bị ảnh hưởng.
Có mặt cùng với tổng thống Mỹ trong cuộc họp báo, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định các gánh nặng chi phí cần phải được chia sẻ hợp lý hơn, và « cho dù có các bất đồng », ông bày tỏ hy vọng các đồng minh NATO sẽ đồng thuận trong các nguyên tắc căn bản.
Tuy nhiên, tìm được đồng thuận với tổng thống Mỹ không phải là điều dễ dàng, bởi lối nói trống đánh xuôi, kèn thổi ngược của Donald Trump.
Thông tín viên Pierre Benazet từ Bruxelles cho biết thêm về thế khó xử của các nước châu Âu :
Lập trường của Donald Trump thậm chí khiến các thành viên châu Âu của khối NATO an tâm, bởi tổng thống Mỹ đã hoàn toàn đảm nhiệm một trong các vai trò chủ chốt của Hoa Kỳ trong Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Ông Donald Trump chỉ nhắc lại một cách cương quyết đòi hỏi lâu nay của Hoa Kỳ, về việc các nước đồng minh cần phải chi tiền nhiều hơn để tự vệ.
Việc Donald Trump nhấn mạnh điều này khiến nhiều người giận dữ, đặc biệt là tại Đức, nơi chi phí cho quân sự là quá thấp. Tuy nhiêu nhiều quốc gia khác cũng chứng kiến việc Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực đóng góp cho NATO.
Cụ thể là trường hợp của các nước láng giềng với Nga, như Ba Lan và các nước vùng Baltic. Các quốc gia này ghi nhận việc lực lượng phòng vệ của NATO được tăng cường trên lãnh thổ của họ. Đây là điều mà dưới thời Obama, họ đã trông đợi mỏi mắt.
Tuy nhiên, các quốc gia đồng minh của Mỹ không biết họ sẽ phải ứng xử như thế nào, đặc biệt sau các lời lẽ gần đây nhất của tổng thống Mỹ, dự báo là thượng đỉnh của khối NATO sẽ khó khăn hơn là cuộc hội kiến với tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đáp lại nhận xét này, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh là Hoa Kỳ sẽ không thể tìm thấy các đồng minh nào tốt hơn là các nước châu Âu và Washington nên có thái độ tôn trọng hơn đối với các đồng minh.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180711-thuong-dinh-nato-tong-thong-my-to-cao-duc-bi-nga-chi-phoi


Phải chăng NATO và Nga cần một hiệp ước an ninh mới ?


mediaBản đồ các thành viên NATO ở châu Âu (màu lam). Màu vàng cam là các nước đối tác của NATO (gồm có Nga).Ảnh : wikipedia
Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ngày 11 và 12/07/2018. Thượng đỉnh lần này diễn ra trong không khí đầy bất trắc, với một tổng thống Mỹ đang chủ trương đơn phương xích lại gần Nga, không đếm xỉa đến các đồng minh. Không khí lo ngại xung đột quân sự với Nga đặc biệt ám ảnh Bắc Âu. Trong bối cảnh đó, một số kỳ vọng hướng về Pháp - quốc gia có vị trí đặc biệt trong NATO, tin tưởng đề xuất của Paris về một hiệp ước an ninh mới giữa phương Tây và Matxcơva sẽ mang lại một đột phá.
Trước hết RFI xin giới thiệu quan điểm của nhà báo Renaud Girard – một chuyên gia về địa chính trị quốc tế - được đăng tải trên Le Figaro hôm nay, 10/07/2018, với tựa đề « NATO : Hướng về một hiệp ước an ninh mới ? ».
Nhà báo Le Figaro gắn liền hai cuộc thượng đỉnh, cuộc thứ nhất là của nội bộ NATO ở Bruxelles với cuộc thứ hai, giữa hai nguyên thủ Mỹ và Nga tại Helsinki (Phần Lan), mà một phần quan trọng sẽ dành cho chủ đề « an ninh tại châu Âu ». Tác giả đặt câu hỏi : Tại sao không nhân cơ hội « thượng đỉnh thứ nhất » để chuẩn bị cho một kế hoạch mà sau đó tổng thống Mỹ sẽ đưa ra thảo luận với đồng nhiệm Nga tại « thượng đỉnh thứ hai » ở Helsinki ?
Nhà báo Le Figaro nêu ra đề xuất trên nhằm đánh động các đối tác NATO, đặc biệt là Pháp, bởi nếu không có các diễn biến bất thường, thượng đỉnh NATO ngày mai, theo ông, ắt hẳn sẽ chỉ là nơi tổng thư ký NATO tiếp tục đưa ra các báo động về những đe dọa tiềm tàng từ nước Nga hung dữ. Và cùng lúc, tổng thống Mỹ sẽ bày tỏ thái độ ngán ngẩm của mình trước việc Washington phải trả tiền để « bảo vệ các đồng minh giàu có châu Âu ». Một điều mà theo ông cũng không khó dự đoán là các nước châu Âu chắc chắn sẽ hứa hẹn đóng góp (1).
Câu ngạn ngữ Latinh « Hãy chuẩn bị chiến tranh, nếu bạn muốn hòa bình » (Si vis pacem, para bellum) ắt hẳn vẫn còn giá trị, và tiếp tục là một phương châm của NATO. Thế nhưng, theo nhà quan sát của Le Figaro, châu Âu và nước Pháp có thể làm hơn.
Đa số hiệp ước an ninh thời Chiến tranh Lạnh hết hiệu lực
Trong bối cảnh phương Tây và Nga đang lâm vào bế tắc trong hàng loạt vấn đề, quan hệ song phương hiện nay được so với thời Chiến tranh Lạnh, nơi căng thẳng leo thang không kiểm soát có thể dẫn đến xung đột, thì rất cần đến một tiếp cận mới. Nhà báo Renaud Girard ghi nhận, một trong các lý do khiến quan hệ phương Tây và Nga hiện nay ở trong tình trạng nguy hiểm là do phần lớn các hiệp ước về an ninh giữa hai bên đã không còn có hiệu lực nữa.
Thời điểm hiện tại có nhiều điểm khá giống với giai đoạn lịch sử cách nay hơn nửa thế kỷ, vào lúc mà Hoa Kỳ và Liên Xô có nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đặt nhân loại trước viễn cảnh hủy diệt. Sau « khủng hoảng tên lửa Cuba » năm 1962, Chiến tranh Lạnh bước sang giai đoạn mới. Wahsington và Matxcơva lập đường điện thoại đỏ, hàng loạt thỏa thuận về an ninh giữa Hoa Kỳ với Liên Xô được ký kết, nhằm tránh xung đột vượt tầm kiềm soát, hãm cường độ chạy đua vũ trang, đồng thời bảo đảm an ninh cho lục địa châu Âu.
Tuy nhiên, phần lớn các hiệp ước được xây dựng trong thời kỳ này đã không còn giá trị.
Để bù lấp khoảng trống này, Pháp, với tư cách là một quốc gia có truyền thống độc lập về chiến lược, có thể đề xuất với các đối tác NATO, tổ chức một hội nghị mới, quy mô lớn, để bàn về an ninh ở châu Âu, nhằm thảo luận về nhiều vấn đề vốn được coi là hết sức nhạy cảm, như « tên lửa tầm trung » (mà Nga đã triển khai trên thực tế tại vùng Kalingrad, nằm lọt thỏm trong lãnh thổ châu Âu) hay vấn đề lá chắn tên lửa của NATO đặt tại Ba Lan, mà bệ phóng cũng có thể được sử dụng cho các tên lửa tầm trung. Hay các vấn đề rất nhạy cảm khác như tình trạng mất cân bằng về lực lượng vũ trang quy ước giữa một số quốc gia, vấn đề tập trận hay chiến tranh mạng…
Ba ưu tiên : Vũ khí quy ước, lá chắn tên lửa và chiến tranh mạng
Renaud Girard nêu ra ba vấn đề cụ thể cần được ưu tiên. Thứ nhất là Hiệp ước Paris về vũ khí quy ước, ký kết tháng 11/1990, đã bị Nga và tiếp theo đó là các nước NATO từ bỏ. Hiệp ước này không còn có ý nghĩa, do việc NATO đã được mở sang các nước vốn thuộc khối Varsava trước đây, do Liên Xô lãnh đạo, rồi sau đó là sang các nước Baltic. Hiệp ước này cần phải được làm lại hoàn toàn.
Vấn đề thứ hai là hiệp ước ABM (Anti-Ballistic Missile Treaty), giới hạn các hệ thống lá chắn chống tên lửa, được Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1972, nhưng chính quyền George W. Bush đã từ bỏ năm 2002. Phương Tây và Nga cần đến một ABM mới.
Vấn đề thứ ba là chiến tranh mạng. Nhiều nước vùng Baltic và Ukraina đã là nạn nhân của Nga. Theo nhà báo Le Figaro, phương Tây và Nga cần đi đến một bộ quy tắc ứng xử, để chấm dứt hoạt động tấn công vào các mạng lưới tin học của nhau.
Tránh để lửa Ukraina lây lan
Phải chăng là « phi lý » khi đề xuất một thỏa thuận về an ninh với Nga, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina năm 2014, với các can thiệp từ Matxcơva, vẫn chưa kết thúc ?
Trả lời cho lo ngại này, nhà báo Le Figaro lưu ý là rất cần phải hành động « bằng mọi giá » để tránh cho khủng hoảng Ukraina lây lan. Và cuộc chiến dai dẳng tại vùng Donbass, đông Ukraina, lại càng cho thấy một thỏa thuận về an ninh mới với Matxcơva là cần thiết.
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên : hai lý do khác
Ông Renaud Girard còn nêu ra một lý do chiến lược khác, khiến châu Âu cần kiên quyết đi theo hướng này. Đó là để kéo Nga về phía phương Tây, trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng.
Còn về mặt tình thế cụ thể, theo nhà báo Le Figaro, chính quyền Trump, sau chuyến công du Bắc Triều Tiên của ngoại trưởng Pompeo bị Bình Nhưỡng kịch liệt lên án, đang tỏ ra yếu thế trong hồ sơ hạt nhân Đông Bắc Á. Một hồ sơ mà tổng thống Mỹ từng ca ngợi như là một thắng lợi ngoại giao của Washington. Nếu NATO thống nhất được trong vấn đề an ninh, tổng thống Mỹ sẽ có được lợi thế hơn, trước cuộc đàm phán không dễ dàng với chủ nhân điện Kremlin.
Điểm cuối cùng mà một hiệp ước an ninh mới là điều hoàn toàn khả thi, theo tác giả, đó là vì Nga cũng có nhu cầu cắt giảm ngân sách quân sự.
Bắc Âu lo ngại Nga gây chiến
Trong lúc có chuyên gia muốn hướng đến một thỏa thuận an ninh mới với Nga, coi như một giải pháp đột phá, thì một số khu vực ở châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, ám ảnh về một cuộc chiến với Nga đè nặng. Tuần báo L’Express có bài tổng thuật với tựa đề « Nếu Nga tấn công Bắc Âu… ».
Căng thẳng giữa châu Âu với Nga ở phía nam, nhưng lửa lại có thể tràn về phía bắc, đó là nỗi sợ đang ngày càng ám ảnh Thụy Điển, quốc gia từng tin tưởng vào một nền hòa bình vĩnh viễn, sau khi khối Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Theo L’Express, ngay cả trước cuộc can thiệp Nga tại Ukraina năm 2014, Thụy Điển – quốc gia châu Âu không phải thành viên NATO - đã buộc phải xét lại chiến lược quốc phòng, đặc biệt sau vụ oanh tạc cơ chiến lược Nga xâm nhập không phận Thụy Điển, chuẩn bị cho bài tập giả định về một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại quốc gia Bắc Âu này. Vào thời điểm đó, Thụy Điển – từng có lực lượng không quân đứng hàng thứ tư thế giới những năm 1970 - đã hoàn toàn bị động, vì không hề tính tới một kịch bản như vậy. Bên cạnh đó là các cuộc tập trận quy mô lớn Nga – Belarus, ngay sát vùng biên giới phía tây bắc, được khởi sự từ năm 2009.
Gần đây, Thụy Điển đang nỗ lực xây dựng lại nền quốc phòng, sau một phần tư thế kỷ sao lãng. Tháng 5/2018, thỏa thuận hợp tác quân sự ba nước Thụy Điển - Mỹ và Phần Lan (quốc gia châu Âu không thuộc NATO, được coi là có chính sách trung lập) được ký kết. Thụy Điển cũng ngày có nhiều hoạt động quân sự phối hợp với NATO hơn. Thụy Điển đang nỗ lực phối hợp toàn diện với Phần Lan về mặt quốc phòng để đối phó với Nga. Đầu năm 2018, nhiều người nói đến khả năng Thụy Điển gia nhập NATO.
Ghi chú
(1) Theo một báo cáo thường niên của NATO, năm thành viên NATO (Estonia, Ba Lan, Anh, Hy Lạp và Mỹ) có mức đóng góp 2% GDP cho quốc phòng. Ba nước Latvia, Litva và Rumani sẽ đạt mức này trong năm nay. Pháp đặt mục tiêu đến 2025.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180710-phai-chang-can-mot-hiep-uoc-an-ninh-moi-giua-nato-va-nga


Mỹ ép EU tự lo quốc phòng, nhưng không muốn bị cạnh tranh về vũ khí

mediaQuốc kỳ của 27 nước thành viên NATO.REUTERS/Mandel Ngan
Khoảng 20 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ châu Âu cùng tham gia Hội nghị an ninh hàng năm Munich, Đức, vào cuối tuần này, 17-19/02/2018, trong bối cảnh nước Mỹ của Donald Trump chủ trương « co cụm », giảm bớt gánh vác về an ninh và kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng cường khả năng « tự lo » về quốc phòng. Đây cũng là một trong những nội dung chính trong cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong hai ngày 14 và15/02, tại Bruxelles.
Từ lâu, Washington luôn yêu cầu các nước đồng minh châu Âu phải tăng ngân sách để cùng « chia sẻ gánh nặng » quốc phòng với Mỹ. Sau khi tăng thêm 40% ngân sách cho việc triển khai quân nhân Mỹ tại châu Âu (European Deterrence Initiative) năm 2018, Hoa Kỳ mới thông báo tăng thêm 35% (khoảng 6,5 tỉ đô la) cho quốc phòng năm 2019.
Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, quyết định của Mỹ nhằm « thúc đẩy các đồng minh châu Âu nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh cho chính họ ». Năm 2014, NATO đã quyết định, trong vòng 10 năm, mỗi nước thành viên phải đạt được mức tối thiểu cho chi phí quân sự là 2% GDP và hơn một nửa số nước thành viên phải đạt được mức này vào năm 2024. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Jens Stoltenberg, « đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm ». Trên thực tế, mới chỉ có 8 trên tổng số 29 nước thành viên NATO có thể đảm bảo được mức chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2018 và có thể đạt đến chỉ tiêu 15 nước cho đến năm 2024.
Trước sức ép của Hoa Kỳ, các nước châu Âu đã có phản ứng. Tuy nhiên, cách thức tăng cường khả năng « tự lo » về quốc phòng của các đồng minh châu Âu lại làm Mỹ lo ngại : Liên Hiệp Châu Âu muốn phối hợp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benaze cho biết thêm thông tin :
« Trong chuyên cơ đưa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Bruxelles, ông James Mattis cho biết sẽ nhấn mạnh đến việc tăng ngân sách quốc phòng. Ngoài ra, một trong các trợ lý của ông nói thêm là các dự án về mặt quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu cũng không nên gây hại cho NATO.
Những lời cảnh báo này trực tiếp nhắm đến thượng đỉnh « Quốc phòng châu Âu » gần đây nhất diễn ra vào tháng 12/2017, khi châu Âu nêu lên một số dự án và khả năng cùng tài trợ nếu được, đặc biệt cho ngành công nghiệp vũ khí của lục địa này.
Các nước đồng minh châu Âu cố trấn an và khẳng định không có bất kỳ rủi ro nào về trùng lặp vô ích hoặc khả năng cạnh tranh. Nhưng theo đại sứ Mỹ tại NATO, thực ra Washington lo ngại về hình thức bảo hộ châu Âu. Và có thể đây là điểm yếu gây khó chịu vì ngoài mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng, còn có mục tiêu 1/5 tổng chi phí được giành cho đầu tư trang thiết bị.
Cho đến nay, các thành viên châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ. Hoạt động bán vũ khí của Mỹ cho các lực lượng quân sự châu Âu có thể sẽ giảm đi nếu Liên Hiệp Châu Âu đạt được mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng ».
Theo AFP, mối lo ngại chính của Mỹ là châu Âu chuyển qua mua vũ khí khí tài của châu Âu. Một nhà ngoại giao châu Âu đáp lại : « Phải có một quan hệ cân bằng, vì các nước châu Âu không thể cung cấp trang thiết bị quốc phòng trên lãnh thổ Mỹ ».
Dù còn phải giải quyết nhiều bất đồng, nhưng theo một nhà ngoại giao châu Âu, « cần phải duy trì sự thống nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, vì một số nước khác muốn can thiệp » dù không chỉ đích danh nước Nga.
Báo cáo thường niên về tương quan quân sự trên thế giới - The Military Balance 2018, của Viện Nghiên Cứu Chiến Luợc Quốc Tế - IISS, công bố ngày 14/02 vừa qua, nhận định rằng Nga tiếp tục sử dụng vũ lực đối với các nước láng giềng và ở nước ngoài và các nỗ lực vươn lên về quân sự của Nga, cũng như Trung Quốc, làm thay đổi thế cân bằng quân sự hiện hữu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180216-my-ep-chau-au-tu-lo-ve-quoc-phong-nhung-khong-muon-bi-canh-tranh-ve-vu-khi-khi-tai

8 cuộc khủng hoảng Nga - phương Tây từ sau Chiến tranh lạnh

mediaToàn cảnh thủ đô Damas của Syria, sáng 14/04/2018.SANA/Handout via REUTERS
Cuộc tấn công Syria của Mỹ, Anh và Pháp sáng 14/04/2018 đã đẩy quan hệ Nga và phương Tây sang một giai đoạn mới. Từ khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, cả hai bên đã trải qua nhiều sự kiện thăng trầm, theo tóm lược của AFP :
1. Chiến tranh Kosovo
Trước sự trấn áp ngày càng gia tăng của Serbia tại Kosovo nhắm vào phe ly khai Albani, vào tháng 03/1991, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO - tiến hành chiến dịch oanh kích kéo dài 78 ngày, buộc Serbia, đồng minh của Nga, phải rút khỏi Kosovo. Để thực hiện lời đe dọa « trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh » nếu NATO can thiệp vào Kosovo, Nga đã đóng băng hợp tác quân sự với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Căng thẳng song phương hình thành từ khi Kosovo tuyên bố độc lập (ngày 17/02/2008), song không được Matxcơva công nhận.
2. NATO « Đông tiến » thu hẹp ảnh hưởng của Nga
Năm 1999, NATO kết nạp Hungari, Cộng Hòa Séc và Ba Lan, 3 quốc gia cựu thành viên của khối Hiệp ước Quân sự Vacxava. Bất chấp lời cảnh báo của Matxcơva về việc kết nạp các nước cộng hòa thuộc khối Xô Viết cũ, nhưng NATO tiếp tục mở cửa đón ba nước Baltic (Estonia, Litva và Latvia), cùng với Bulgari, Rumani, Slovakia và Slovenia vào năm 2004. Sau đó, trong những năm 2004 và 2007, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu kết nạp tất cả những nước này.
3. Hệ thống lá chắn tên lửa
Matxcơva lo ngại về chương trình hệ thống lá chắn tên lửa do NATO thực hiện vào năm 2010 và sẽ chính thức hoạt động từ nay đến năm 2020, trong đó có nhiều thiết bị bắn chặn được triển khai tại Rumani và Ba Lan. Về mặt chính thức, hệ thống có nhiệm vụ phòng thủ trước mối đe dọa Iran.
4. Xung đột tại Gruzia
Tháng 08/2008, nhằm đáp trả việc chính quyền Gruzia can thiệp vào vùng lãnh thổ tự trị Nam Ossetia, Nga đã oanh kích thủ đô Tbillissi và chiếm một phần lớn lãnh thổ Gruzia khiến phương Tây phẫn nộ.
Sau một thỏa thuận hòa bình, do tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đàm phán, Nga rút quân khỏi Gruzia nhưng công nhận tính chính danh của các vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia đồng thời duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại đó.
Sau cuộc chiến chớp nhoáng Nga-Gruzia, NATO tạm ngừng Hội đồng NATO-Nga (hội nghị cấp cao được hình thành năm 2002) cho đến năm 2009.
5. Khủng hoảng Ukraina
Năm 2014, Kiev bất lực nhìn Nga sáp nhập bán đảo Crimée, sau đó là lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát các vùng Donetsk và Lougansk, phía đông Ukraina.
Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt mạnh tay nhắm vào nền kinh tế Nga. NATO tạm ngừng hợp tác dân sự và quân sự với Matxcơva, đồng thời đặt các đội quân của tổ chức trong tình trạng báo động. Ngoài ra, NATO còn triển khai nhiều tiểu đoàn tại các nước Baltic và tại Ba Lan.
6. Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Washington và Matxcơva duy trì quan hệ « cơm không lành, canh chẳng ngọt » từ nhiều tháng nay, sau khi Nga bị tình nghi can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ngoài ra, đội ngũ cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump và điện Kremlin của tổng thống Putin bị tình nghi thông đồng với nhau.
7. Cáo buộc đầu cựu điệp viên Skripal
Ngày 04/03/2018, cựu điệp viên Nga Skripal và con gái bị đầu độc bằng chất độc thần kinh tại Salisbury. Luân Đôn cáo buộc Matxcơva chủ mưu. Sự kiện này là nguyên nhân dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng : Nga và phương Tây, mỗi bên lần lượt trục xuất 150 nhân viên ngoại giao.
8. Xung đột tại Syria
Từ đầu cuộc xung đột tại Syria năm 2011, Nga luôn ủng hộ chế độ của tổng thống Bachar Al Assad và 12 lần bỏ phiếu chống các dự thảo nghị quyết về Syria của phương Tây tại Hội Đồng Bảo An. Kể từ tháng 10/2015, Nga chính thức can thiệp quân sự trên chiến trường Syria, giúp Damas lấy lại lợi thế.
Tháng 04/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh bắn 59 tên lửa hành trình nhắm vào một căn cứ không quân Syria, được cho là nơi máy bay của chế độ Damas cất cánh và thả khí độc sarin xuống Khan Cheikhoun. Để đáp trả, Nga đã ngừng kênh liên lạc với quân đội Mỹ về Syria. Tháng 02/2018, không quân Mỹ lại oanh kích Deir Ezzor, nơi có nhiều lính đánh thuê người Nga tham chiến chống lại lực lượng đối lập Ả Rập-Kurdistan.
Đúng một năm sau, ngày 14/04/2018, vẫn tổng thống Trump ra lệnh oanh kích nhiều khu vực chiến lược, bị cáo buộc có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của chế độ Bachar Al Assad tại Damas và Homs. Đại sứ Nga tại Mỹ cho rằng loạt oanh kích của Mỹ, Pháp, Anh là « một hành động xúc phạm » đến tổng thống Putin.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180414-8-cuoc-khung-hoang-nga-phuong-tay-tu-cuoi-chien-tranh-lanh

NATO : Các nước Baltic yêu cầu Mỹ tăng viện quân và phòng không

mediaBản đồ ba nước vùng Baltic(@ontheworldmap.com/europe)
Lãnh đạo các nước vùng Baltic sẽ yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thêm quân đến Baltic và tăng cường phòng không ở sườn đông của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Đây là một trong những chủ đề nghị sự trong cuộc gặp tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 03/04/2018 nhằm thể hiện lập trường cứng rắn đối với Nga.
Theo một quan chức cấp cao Litva, xin ẩn danh, tổng thống ba nước Litva Dalia Grybauskaite, Estonia Kersti Kaljulaid và Latvia Raimonds Vejonis sẽ yêu cầu Hoa Kỳ đưa các hệ thống phòng chống tên lửa Patriot thường xuyên đến nơi đây hơn để các nước có thể cùng tập trận.
Ngoài ra, ba nước Baltic còn muốn được tham gia vào hệ thống lá chắn tên lửa của NATO tại châu Âu vì, theo nữ tổng thống Litva Grybauskaite, phát biểu trên đài phát thanh LRT, « không phận của các nước Baltic cần phải được bảo vệ và phòng thủ tốt hơn ». Ba nước Baltic đã tôn trọng nguyên tắc của NATO là dành 2% GDP cho quốc phòng.
Trong khuôn khổ thượng đỉnh Mỹ và các nước vùng Baltic còn có một diễn đàn kinh tế. Litva dự kiến ký nhiều hợp đồng nhập khẩu khí hóa lỏng của Mỹ, với khối lượng lớn hơn, để tránh bị phụ thuộc vào tập đoàn Gazprom của Nga.
Ba nước Baltic, với tổng dân số là 6 triệu người, từng bị chiếm đóng và sáp nhập vào Liên Bang Xô Viết trong Thế Chiến II. Cả ba nước giành lại độc lập vào năm 1991, gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO vào năm 2004.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180403-nato-cac-nuoc-baltic-yeu-cau-my-tang-vien-quan-va-phong-khong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten