woensdag 11 oktober 2017

Vietnam Airlines và Air France ký kết liên doanh + Tập đoàn Phi cảng Pháp (ADP - Aéroports de Paris) mua 30% cổ phần Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV),

Vietnam Airlines và Air France ký kết liên doanh

mediaMột bảng báo các chuyến bay quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất.Ngô Trung/Wikipedia
Vietnam Airlines và Air France hôm nay 10/10/2017 ký hợp đồng liên doanh để tăng cường các đường bay giữa châu Âu và Việt Nam, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không đang tăng nhanh tại Đông Nam Á.
Theo ông Patrick Roux, phó tổng giám đốc Air France – KLM, hợp đồng này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/11 tới, sẽ giúp tăng số điểm đến tại Việt Nam từ 3 lên 20, và điểm đến tại Pháp, châu Âu từ 14 hiện nay lên 70.
Hãng tin AP cho biết, hai bên đã hợp tác từ 20 năm qua về bảo trì và huấn luyện phi hành đoàn, và bắt đầu bán vé chung trên các chuyến bay từ 2010. Theo AFP, việc liên doanh, trong đó có việc phối hợp thời khóa biểu bay, sẽ giúp hãng hàng không Pháp đứng vững trong một khu vực đã được các công ty khác khai thác nhiều.
Vận chuyển hàng không đã bùng nổ tại Đông Nam Á trong những năm gần đây, trong đó Việt Nam là điểm nổi bật với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng. Năm ngoái, hành khách nội địa đã lên đến 28 triệu lượt, so với năm 2012 chỉ có 12 triệu. Du khách Việt Nam cũng ra nước ngoài nhiều hơn, cả các nước châu Á-Thái Bình Dương lẫn châu Âu.
Theo Vietnam Airlines, việc liên doanh sẽ giúp các phi trường ở Pháp và Việt Nam trở thành các trung tâm quá cảnh chính. Trên 10 triệu khách nước ngoài đã đến Việt Nam năm ngoái, tăng 26%.
Hãng tin Pháp AFP nhấn mạnh, Air France là công ty hàng không đầu tiên của phương Tây bay đến Việt Nam từ năm 1930, với cái tên Air Orient. Chuyến bay khai trương mất đến ba ngày và phải dừng tại ...18 chặng!
Chuyến bay thẳng đầu tiên giữa Việt Nam và Paris bắt đầu từ năm 2003. Từ đó đến nay, Vietnam Airlines và Air France đã chuyên chở trung bình 400.000 hành khách mỗi năm. Hàng ngày Vietnam Airlines đều có chuyến bay Hà Nội- Paris, và ba chuyến Saigon-Paris một tuần, trong khi Air France bay Saigon-Paris ba lần mỗi tuần.
Reuters cho biết thêm, Air France cũng đang thương thảo với hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ để tăng cường các chuyến bay đường dài. Ấn Độ và Việt Nam nằm trong số năm nước được dự báo sẽ có số hành khách đi máy bay tăng cao nhất trong 20 năm tới, bên cạnh Trung Quốc, Hoa Kỳ và Indonesia, theo IATA.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171010-vietnam-airlines-va-air-france-ky-ket-lien-doanh

Pháp muốn mua cổ phần TCT Cảng hàng không Việt Nam

mediaCảng sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội. (Ảnh chụp ngày 11/11/2014)AFP PHOTO / HOANG DINH NAM
Tập đoàn Phi cảng Pháp (ADP - Aéroports de Paris) đã quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), và tham gia dự án sân bay Long Thành. Hãng thông tấn Pháp AFP hôm nay 12/10/2015 trích lại tin từ một tờ báo kinh tế trong nước cho biết như trên.
Thông tin này được tờ Vietnam Economic Times dẫn nguồn là một lá thư của ADP gởi cho Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam. Theo tờ báo, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có trị giá trên 1,7 tỉ đô la, có thể bán 20% cổ phần cho một đối tác chiến lược, do chính phủ đã bật đèn xanh cho dự án tư nhân hóa một phần ACV. Hãng tin Pháp cho biết hiện chưa có lời bình luận nào từ ADP.
Hồi tháng Sáu, lãnh đạo Hàng không dân dụng Việt Nam đã loan báo tập đoàn ADP của Pháp muốn trở thành đối tác chiến lược của Hà Nội trong lãnh vực phi cảng. AFP nói thêm, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là đơn vị phụ trách dự án xây dựng sân bay Long Thành, dự kiến tiến hành từ năm 2018, có trị giá lên đến 16 tỉ đô la.
ACV mới được thành lập từ năm 2012 do sự hợp nhất ba tổng công ty cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam ; là tập đoàn đang độc quyền quản lý, khai thác 22 sân bay trên toàn quốc trong đó hơn phân nửa số lợi nhuận là từ hai phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam muốn đẩy nhanh việc cổ phần hóa ACV trong năm 2015 với hy vọng huy động được số vốn lớn để xây sân bay quốc tế Long Thành, tuy đang có nhiều dư luận phản đối.
Aéroports de Paris muốn mua lại 25 đến 30% cổ phần của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. ADP có thể ứng trước số tiền này và tham gia vào việc xây dựng sân bay Long Thành có năng lực đón tiếp 100 triệu hành khách một năm, cùng với đối tác là ngân hàng Crédit Suisse.
ADP đang quản lý 37 phi trường trên thế giới, chỉ riêng hai sân bay chính là Paris-Charles De Gaulle và Paris-Orly có đường bay kết nối với 469 thành phố.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20151012-phap-muon-mua-co-phan-tong-cong-ty-cang-hang-khong-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten