Thể thao: Phân biệt nam nữ trong thu nhập
Bảng 100 vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới chỉ có duy nhất một vận động viên nữ, ngôi sao quần vợt Serena Williams
Cô xếp hạng 51 với thu nhập 66 triệu USD, thấp hơn thu nhập của Christiano Ronaldo, cầu thủ lương cao nhất thế giới, theo Forbes.Đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ giành World Cup năm 2015 chỉ khiến họ được khoản tiền thưởng 2 trệu USD.
Còn tuyển nam cũng của giải đấu này được thưởng 35 triệu USD từ trước đó một năm.
Đây chỉ là một trong mấy ví dụ về chênh lệch quá lớn trong thu nhập của làng thể thao thế giới, và hiện tượng này đã tồn tại hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, một khảo sát gần đây cho thấy khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ vận động viên đã có sự thu hẹp trong một vài năm gần đây.
Theo một nghiên cứu của BBC Sport tháng 6 năm về 68 bộ môn, 83% các môn thể thao hiện nay trao tiền thưởng bằng nhau cho vận động viên nam và nữ.
Thu nhập của vận động viên nữ đang trên đà tăng trong 3 năm vừa rồi, và 35/44 môn thể thao trao thưởng bằng tiền mặt đã trao thưởng bình đẳng giữa hai giới.
Đây dường như là một tín hiệu vui, đặc biệt khi so sánh với những năm trước - năm 2014 chỉ 70% các môn thể thao đã xóa bỏ khoảng cách thu nhập.
Trước đó, vào năm 1973, không có môn thể thao nào vận động viên nữ được trả thu nhập bình đẳng với nam giới.
Việt Nam:
Bóng đá nữ: Bao giờ mới hết "phận con ghẻ"?
Việt Nam: Doanh nhân nữ ‘khó đủ đường’
Phụ nữ VN: Tự lực vượt qua ma tuý
"Trong lịch sử, phụ nữ chưa bao giờ có chỗ đứng trong làng thể thao tốt hơn lúc này," Quỹ Phát trển Phụ nữ Liên Hợp Quốc cho biết.
Tuy vậy, sự thay đổi vẫn diễn ra quá chậm và để phụ nữ vươn tới mức thu nhập cao trong thể thao sẽ "là một chặng đường dài", các chuyên gia nói.
"Chúng ta đang có những tiến triển nhưng ở mức rất chậm," bà Fiona Hathorn, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận vì quyền phụ nữ 'Women on Boards' cho biết.
"Thể thao là một thế giới thống trị bởi nam giới và sự phân biệt trong một số môn thể thao thật đáng gây sốc."
Cricket, golf và bóng đá là một trong số những môn thể thao có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất, bên cạnh phi tiêu, Bi-a và quần vợt.
Thị trường thể thao toàn cầu - trị giá khoảng 145,3 tỷ USD theo PwC - còn rất xa trên con đường bình đẳng giới.
"Tôi thật sự không thể nghĩ ra bất kì ngành nào khác có chênh lệch thu nhập lớn như vậy. Tùy vào hoàn cảnh của quốc gia và môn thể thao, một người đàn ông có thể là một tỉ phú trong khi một phụ nữ (trong hoàn cảnh tương tự) thậm chí không có được mức lương tối thiểu," bà Beatrice Frey, Giám đốc chương trình thể thao thuộc Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp Quốc cho biết.
Những môn thể thao có chênh lệch lớn nhất
Phân biệt giới đang len lỏi vào từng vị trí trong ngành công nghiệp bóng đá chuyên nghiệp trị giá bạc tỉ.Nghiên cứu gần đây của Women on Boards nhấn mạnh rằng đội tuyển nữ Hoa Kỳ không chỉ nhận được tiền thưởng bằng một phần nhỏ so với đội tuyển nam, các nữ cầu thủ bóng đá Mỹ cũng nhận thu nhập ít hơn 4 lần so với các cầu thủ nam trong phiên bản nam của giải đấu, mặc dù đội tuyển nam đã thua trong trận knock-out đầu tiên.
Chênh lệch sẽ trở nên càng lớn nếu tính tổng lượng tiền chi ra. Tiền thưởng của cả hai giải đấu đều được quy định bởi một tổ chức, Fifa, với quyết định thưởng 15 triệu USD cho World Cup nữ và 576 triệu USD cho giải đấu nam - cao gấp gần 40 lần.
Và trong khi Đội trưởng đội tuyển Anh Wayne Rooney đút túi 400 nghìn USD/tuần, Đội trưởng đội tuyển nữ Steph Houghton chỉ nhận khoảng 1600 USD/tuần, theo Ladbrokes Sports.
Chênh lệch thu nhập tương tự cũng xuất hiện trong các môn thể thao chuyên nghiệp khác. Với golf, vận động viên nam của giải Mỹ mở rộng thi đấu để giành khoản tiền thưởng trị giá 1,5 triệu USD, gấp đôi tiền thưởng dành cho giải đấu nữ.
Lấy ví dụ từ trường hợp của vận động viên New Zealand Lydia Ko, người được công nhận năm 2015 là vận động viên trẻ nhất trong cả hai giới giành vị trí số 1 trong bộ môn golf chuyên nghiệp.
Năm đó, cô bỏ túi ít hơn so với vận động viên xếp hạng 25 nam của giải đấu PGA Tour.
Bên cạnh đó, đội tuyển cricket nam nếu chiến thắng cúp thế giới có thể kiếm được gấp 7 lần số tiền thưởng so với đội tuyển nữ.
Và khoảng cách thu nhập cũng diễn ra tại hai giải đấu bóng rổ uy tín nhất thế giới - NBA và WNBA.
"Vận động viên lương cao nhất tại giải WNBA (giải đấu nữ) kiếm được khoảng 1/5 so với vận động viên lương thấp thất," trong giải NBA.
'Câu lạc bộ nam giới'
Các chuyên gia cho biết, để đạt được sự bình đẳng thì việc các cơ quan quản lý mỗi môn thể thao phải đề ra mức thưởng ngang bằng là chưa đủ - các nhà tài trợ, bảo trợ thương hiệu, và các điều khoản hợp đồng cũng chính là những yếu tố chính ảnh hưởng tới sự mất cân bằng.Ví dụ trong môn quần vợt, giải Grand Slams - 4 sự kiện quan trọng nhất trong làng quần vợt thế giới - đã bắt đầu trao thưởng bằng nhau cho các tay vợt nam và nữ từ năm 2007, nhưng các vận động viên nam hàng đầu vẫn có thu nhập cao hơn do các hợp đồng tài trợ.
Đây là lý do Serena Williams là nữ vận động viên duy nhất có mặt trong top 100 của Forbes.
"Top 100 vận động viên này như một câu lạc bộ nam giới", phóng viên thể thao Kurt Badenhausen của Forbes viết khi danh sách được công bố vào tháng 6.
"Maria Sharapova không thể trụ vững trong bảng xếp hạng do các hợp đồng bảo trợ thương hiệu của cô giảm.
Những hợp đồng đó làm nên 29% tổng thu nhập của top 100 vận động viên, theo Forbes.
Ronaldo thu được 58 triệu USD từ tiền lương và thưởng, thêm vào đó là khoàng 35 triệu USD thu nhập từ tài trợ, bảo trợ thương hiệu và việc xuất hiện tại các sự kiện
Với VĐV golf Tiger Woods và ngôi sao điền kinh Usain Bolt, tiền tài trợ chiếm tới hơn 90% thu nhập của họ.
"Phân biệt giới tính đang lan rộng từ những cấp thấp nhất tới cao nhất trong thể thao," Frey nói.
"Tại cấp thấp, phân biệt có thể có nghĩa là con gái không được tham gia vào các môn thể thao theo truyền thống vốn không được công nhận là giành cho nữ, tạo nên sự bất bình đẳng từ nhỏ cho tới tuổi thiếu niên và tới khi tham gia thể thao chuyên nghiệp."
Sau đó, sự phân biệt trở thành những cơ hội không bình đẳng trong việc được tài trợ và quảng cáo thương hiệu cá nhân, tới mức phần lớn các vận động viên nữ trên thế giới "không thể đảm bảo cuộc sống bằng nghề thể thao".
Và xu hướng này tiếp tục cho tới khi vận động viên về hưu.
"Đây là một vấn đề đối với các vận động viên nữ khi từ giã sự nghiệp. Không những họ chưa từng được trả thù lao cao, có lẽ họ còn không có lương hưu, không có nhà, không có sự bảo vệ," Hathorn nói.
"Và đó là một vấn đề ảnh hưởng tới nguyện vọng và khát khao của các cô gái: Tại sao họ muốn trở thành vận động viên nếu tương lai của họ sẽ như vậy?"
Hiểu về khoảng cách giới tính
Gốc rễ của vấn đề có lẽ nằm ở chính nguồn gốc của thể thao hiện đại.Các xã hội khác nhau nhìn nhận việc luyện tập thể chất liên quan mật thiết tới "những người đàn ông cơ bắp", trái với suy nghĩ phụ nữ là "phái yếu".
Cha đẻ của Đại hội Thể thao Olympics hiện đại, Pierre de Coubertin, miêu tả thể thao nữ là những "hình ảnh thiếu thẩm mỹ" trong mắt con người và cho rằng sự tham gia của nữ giới sẽ làm cuộc thi "thiếu thực tế, mất thú vị" và "không thích đáng" (mặc dù một số vận động viên nữ đã được tham gia sau năm 1900).
Phụ nữ chỉ được tham gia các giải đua dài 1500m, vì họ bị coi là không có thể chất phù hợp để tham dự đường đua dài hơn.
Về tính đại diện, phải đến Olympics London 2012 mới có quy định bắt buộc mỗi đoàn thể thao phải có ít nhất một vận động viên nữ.
Do đó, chênh lệch thu nhập có thể bị ảnh hưởng từ một sự chênh lệch rộng hơn - đó là tỉ lệ tham gia vào thể thao thấp hơn so với nam giới.
"Sự tham gia là một vấn đề bắt nguồn từ thời đi học," bà Ruth Holdaway, Giám đốc điều hành tổ chức Women in Sport cho biết.
Việc này liên quan tới nhận thức về cơ thể và những suy nghĩ rập khuôn về giới tính mà các em tiếp cận, bà Holdaway nói.
Số liệu thống kê từ Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp Quốc cho thấy có tới 49% thiếu niên nữ từ bỏ luyện tập thể thao khi bắt đầu dậy thì, và điều này ảnh hưởng tới việc huấn luyện chuyên nghiệp sau này.
Bật ti vi
Một điều được chấp nhận rộng rãi là sự chênh lệch thu nhập trong thể thao cũng là một sản phẩm của việc thương mại hóa thể thao, với truyền thông là một nguồn tác động lớn.Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ trong thể thao thuộc đại học Minnesota (Mỹ) năm 2014, chỉ tối đa 4% lượng thông tin về thể thao nữ được các kênh truyền thông đưa tin, trong khi có tới 40% hoạt động thể thao là của phụ nữ.
Và với thời gian lên sóng ít ỏi, thông tin thể thao nữ thường bị giới tính hóa, miêu tả hình ảnh các nữ vận động viên trong đời thường, nhấn mạnh vào "sự cuốn hút ngoại hình hơn là khả năng thể thao của họ", giám đốc Trung tâm Tucker Mary Jo Kane cho biết.
Vì vậy, nhiều người cho rằng phụ nữ thu nhập ít hơn do ảnh hưởng từ thị trường, vì thể thao nữ "không phổ biến bằng" và "không hay bằng", và hệ quả là lợi tức truyền thông thấp hơn.
Đây là một vấn đề tồn đọng, một vòng luẩn quẩn "con gà và quả trứng", các nhà hoạt động vì quyền bình đẳng cho biết - khán giả sẽ không có hứng thú với thể thao nữ nếu thông tin không được phủ sóng trên truyền thông, và truyền thông thì không thể đưa tin vì cho rằng thể thao nữ không đủ gây hứng thú cho khán giả.
"Đây không phải một lập luận hợp lý, đầu tiên cần phải đầu tư vào nhiều cấp độ, bao gồm marketing và quảng bá, để thu hút sự chú ý của công chúng, và từ đó tăng lợi nhuận đầu tư," Frey nói.
"Khi nào chúng ta quen với việc phụ nữ chơi những môn thể thao như bóng đá hay bóng bầu dục thay vì đàn ông, chúng ta sẽ thấy suy nghĩ chỉ nam giới mới chơi thể thao chỉ còn trong sách vở," Hathorn bổ sung.
Rộng hơn, chênh lệch trong thể thao chính là biểu hiện cho sự bất bình đẳng giới, và có thể coi là một dạng phân biệt giới tính.
Ví dụ, cầu thủ bóng đá nữ tại các giải đấu quốc tế cho tới gần đây vẫn bị yêu cầu phải chơi trên các sân cỏ nhân tạo, được biết đến với chất lượng kém hơn sân cỏ tự nhiên mà các đội tuyển nam được sử dụng.
Và với vấn đề sử dụng ngôn ngữ: "Cúp bóng đá thế giới World Cup được coi là dành cho nam giới, trong khi với giải bóng của nữ giới cần phải thêm cụm "giải bóng đá nữ" để miêu tả", một tài liệu của Liên Hợp Quốc về phụ nữ với thể thao viết.
Tín hiệu vui
Mặc dù tiến triển chậm, nhưng sự thay đổi vẫn đang diễn ra và cho thấy khoảng cách đang thu hẹp dần.Quần vợt được coi là một ví dụ tốt nhất cho điều này, sau khi cả bốn giải Grand Slam đưa ra mức thưởng tiền giữa vận động viên nam và nữ bằng nhau năm 2007.
Trên thực tế, quá trình này đã bắt đầu từ năm 1973 ở giải Mỹ mở rộng, nhờ nhà vô địch thế giới Billie Jean King và các vận động viên nữ khác, đã sáng lập Hiệp hội Quần vợt Nữ nhằm đấu tranh cho bình đẳng giới.
Điền kinh cũng đã trở thành một ví dụ đáng kể khi trong 5 năm vừa qua, giải vô địch thế giới cúp Liên đoàn Điền kinh không chuyên Quốc tế (IAAF) đã đưa ra giải thưởng không dựa trên giới tính vận động viên.
Các môn thể thao khác cũng cho thấy có sự không phân biệt giới tính trong giải thưởng bao gồm trượt băng, bắn súng, bóng chuyền, lặn, bơi thuyền, lướt sóng và taekwondo, và một số cuộc thi đua xe đạp.
Nhu cầu xem các chương trình truyền hình về thể thao nữ cũng tăng, một phần do mạng xã hội giúp làm tăng sự nổi tiếng của các vận động viên mà không phân biệt giới tính.
Và bản thân các vận động viên nữ đã đứng lên chống lại phân biệt giới tính.
Năm ngoái, 5 trong số những cái tên nổi tiếng nhất trong làng bóng đá nữ của Mỹ đã cùng khiếu nại cơ quan chủ quản, Liên đoàn Bóng đá Mỹ, vì phân biệt thu nhập theo giới, trong khi đội tuyển hockey đã tổ chức tẩy chay một giải đấu quốc tế nhằm đòi được trả công bình đẳng.
Nhưng còn rất nhiều việc cần phải làm, các nhóm hoạt động cho biết.
Đầu tiên, cần có nhiều phụ nữ nằm ở các vị trí đưa ra quyết định.
Một báo cáo của Women on Boards đưa ra một vấn đề trong nhiều ngành nghề, với dưới 30% số ghế trong các ban điều hành được sở hữu bởi những người phụ nữ.
Phụ nữ chỉ chiếm 18% trong số tất cả các thành viên điều hành 28 Liên đoàn Thể thao Quốc tế tham gia khảo sát. Trong 129 Ủy ban Olympic Quốc gia, số liệu còn thấp hơn và thậm chí có chiều hướng giảm - phụ nữ chiếm 16,6% trong ban điều hành, hạ từ 17,6% năm 2014.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ có phụ nữ gắn bó với thể thao từ khi nhỏ như thế nào, các chuyên gia nói, và các nỗ lực đối chọi với sự phân biệt giới tính trong thu nhập và tham gia thể thao cần được thay đổi từ chính cấp trường.
Thể thao không phân biệt giới là một cách đem lại hiệu quả tốt trong việc giúp các nữ sinh quan tâm tới sức khỏe thể chất trong dài hạn và cân nhắc việc trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
"Tôi ủng hộ việc để trẻ em nam và nữ cùng chơi thể thao với nhau từ cấp tiểu học, vì ở giai đoạn này thể chất của các em không có nhiều điểm khác nhau. Trẻ em cùng chơi thể thao từ khi đi học có thể sẽ tạo nên khác biệt thật sự trong xã hội," Hathorn cho biết.
"Nếu chúng ta muốn thu hẹp sự chênh lệch trong dài hạn, chúng ta thật sự cần giúp trẻ em và thiếu niên nữ thay đổi suy nghĩ, hiểu rằng thể thao rất vui và đó là một thứ các em có thể tham gia như các bạn nam," bà Ruth Holdaway nói.
Thay đổi hình mẫu cho bảo trợ thương mại và tài trợ cũng là một việc quan trọng trên con đường tiến tới bình đẳng giới trong thể thao.
Quảng cáo qua các sự kiện thể thao nữ là một thị trường chưa được khai phá và các chuyên gia tin rằng đây không chỉ là một bước đi thể hiện sự bình đẳng mà còn là một khoản đầu tư có lợi.
"Đây không phải vấn đề làm từ thiện, mà là quyết định kinh doanh sáng suốt," Frey cho biết.
"Các công ty hiện tại rất quan tâm tới bình đẳng giới, nếu tôi là một công ty tài trợ ví dụ cho giải Ngoại hạng, tôi sẽ tự hỏi mình 'đây có phải hình ảnh mình hướng tới cho công ty?', 'đầu tư cho các anh chàng liệu có gây rủi ro cho thương hiệu của mình?'", Hathorn nói.
"Chúng ta có 50% khách hàng là phụ nữ nhưng ta lại đầu tư 99% số tiền của mình để tài trợ cho giải đấu của nam giới, điều này có đúng không?' Rõ ràng là không".
Cuối cùng, các chuyên gia đồng tình rằng sự thay đổi văn hóa là cần thiết - phụ nữ không thể bị coi là "vận động viên hạng hai" cũng như việc họ không thể bị coi là công dân hạng hai của xã hội.
"Dù Billie Jean King đã đấu tranh cho quyền bình đẳng từ hơn 40 năm trước, cho đến hiện tại chúng ta vẫn chưa thật sự có sự bình đẳng trong thể thao," Hathorn nói.
"Chúng ta đang thay đổi, nhưng chúng ta vẫn chưa đến đích."
100 Phụ nữ là gì?
Chương trình 100 Phụ nữ (100 Women) của BBC nói về 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới mỗi năm.Năm 2017, chúng tôi thách thức họ đối phó với 4 vấn đề lớn nhất mà phụ nữ phải đối mặt hiện nay - những rào cản vô hình, tình trạng thất học của phụ nữ, tấn công nơi công cộng và phân biệt giới tính trong thể thao.
Với sự giúp đỡ của các bạn, họ sẽ đưa ra các giải pháp thực tế và chúng tôi muốn các bạn cùng tham gia đóng góp ý tưởng của mình.
Hãy liên hệ với chúng tôi qua Facebook, Instagram và Twitter và sử dụng hashtag#100Women
Trong danh sách các phụ nữ được vinh danh trên toàn thế giới có các gương mặt từ Việt Nam: các bạn xemtại đây.
Tin liên quan
- Bóng đá nữ: Bao giờ mới hết "phận con ghẻ"?
- Video Doanh nghiệp làng nghề và lao động nữ
- Việt Nam: Doanh nhân nữ ‘khó đủ đường’
- Phụ nữ VN: Tự lực vượt qua ma tuý
- 100 Women: Phụ nữ có thể thay đổi thế giới trong một tuần?
- Gặp cô gái một thời huy hoàng của thể thao VN
- Video Vì sao nhiều phụ nữ Indonesia đeo khăn trùm đầu?
- Video Giữ gìn Quan họ cổ Bắc Ninh
http://www.bbc.com/vietnamese/sport-41722495
Geen opmerkingen:
Een reactie posten