woensdag 11 oktober 2017

Nghề cầm bút và dịch giả Nguyễn Hiến Lê trong 20 năm văn học Miền Nam Việt Nam trước 1975 + "sư phụ" Dương Quảng Hàm (1898-1946)



Nghề cầm bút và dịch giả Nguyễn Hiến Lê

Viên Linh/Người Việt


Ông Nguyễn Hiến Lê. (Hình: Viên Linh cung cấp)
Ông Nguyễn Hiến Lê là một cây bút chuyên nghiệp thời 20 năm văn học miền Nam, nhiều người nói rằng ông “trước tác” được tới 120 bộ sách.
Chữ “trước tác,” tra Tự Điển Việt Nam, chí nghĩa là “soạn ra tác phẩm,” hơn là sáng tác ra tác phẩm.
Vì trước hết, chữ “sáng tác” thường dành cho các nhà thơ, nhà văn, hay họa sĩ, là những người khởi thủy viết ra một câu văn, một câu thơ không trùng lẫn với ai, chưa có ai từng viết, hay một họa sĩ, nhạc sĩ vẽ nên một bức tranh, một bản nhạc, trong đó đường nét và cung bậc không lặp lại của ai trước đó.
Còn “trước tác” có thể hiểu là vừa sáng tác, vừa biên soạn, công phu hơn, mất nhiều sức lực cần lao hơn là chỉ “vẩy bút thành thơ” hay thình lình có hứng viết ngay được một khúc nhạc, một câu văn.
Khi nói về những người chọn nghề cầm bút ở miền Nam, người ta không thể không nhắc đến Nguyễn Hiến Lê.
Ông biên soạn thơ văn rất nhiều, song dường như không ai gọi ông là nhà thơ, cũng ít ai gọi ông là nhà văn, mặc dù cuốn “Con Đường Thiên Lý” của ông là một cuốn truyện, hay “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” của ông là một du ký khoa học, một chuyện kể; người ta thoải mái khi gọi ông là soạn giả. Sau này, dường như hai tiếng dịch giả được dùng nhiều hơn là hai tiếng học giả khi người ta nhắc đến Nguyễn Hiến Lê.
Trước khi đồng ý chọn một danh từ đúng nhất để gọi ông, người viết bài này lược kể dưới đây một số nhan đề trong các sách ông là tác giả:
-Tổ chức công việc theo khoa học, 1949.
-Luyện văn, 1953.
-Lịch sử thế giới, 1954.
-Thời mới dạy con theo lối mới, 1958.
-Gương danh nhân, 1959.
-Kiếp người, dịch văn S.Maugham, 1962.
-Hương sắc trong vườn văn, 1963.
-Chiến tranh và hòa bình, dịch văn Leon Tolstoy, 1968.
-Đại cương văn học sử Trung Quốc, 1955.
-Cổ văn Trung Quốc, 1966.
-Văn học Trung Quốc hiện đại, 1969.
Đó là những cuốn đầu tiên của ông, trong số hơn 100 cuốn ông đã soạn. Người viết bài không thể biết đích xác, và chưa bao giờ nhìn thấy tất cả những cuốn sách mà ông đã soạn, hay đã dịch. Sách dịch thì chắc chắn là cuốn chuyển ngữ phải chính xác từ nguyên tác Hán Văn, Pháp Ngữ hay Anh Ngữ ra Việt Ngữ.
Vậy ông hẳn là người thành thạo ít ra là ba ngoại ngữ căn bản trên. Cộng với sách tự viết, tự soạn, người viết bài này tin rằng ông là một soạn giả văn chương chuyên nghiệp hàng đầu của miền Nam, và của Việt Nam.
Khi còn niên thiếu, người viết bài rất thích truyện ngắn “Mưa” ông dịch của S. Maugham. Danh từ “Mưa” đã dùng chung cho tập truyện ngắn quốc tế ông dịch của nhiều tác giả, in chung trong một tập.
Ông Nguyễn Hiến Lê sinh năm 1912 tại Hà Nội, chính gốc gia đình thuộc Sơn Tây. Ông học trường Bưởi (Chu Văn An sau này), ngoài 20 tuổi trở thành công chức và nhiệm sở lại ở Nam Kỳ, do đó ông vào Nam rất sớm, và ở luôn tại miền Nam và mất tại miền Nam vào năm 1984.
Năm 1969, Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa khởi sự đưa ra dự thảo thành lập Hàn Lâm Viện, rồi sau rút xuống, thu nhỏ lại thành dự án thanh lập Viện Văn Hóa, tờ Khởi Hành do người viết bài trông coi mở cuộc phỏng vấn các nhà văn và giới giáo dục về vấn đề văn hóa, người viết bài có dịp phỏng vấn ông Nguyễn Hiến Lê.
Sau đây xin trích dẫn một đoạn trong bài trả lời của ông, đăng trên trang nhất tuần báo Khởi Hành Tháng Bảy, 1969.
“Tôi xin vắn tắt trả lời mấy câu hỏi của Khởi Hành: Có người hiểu danh từ văn hóa theo một nghĩa rộng bao gồm mọi hoạt động của con người. Riêng tôi khi dùng danh từ đó thì chỉ cho nó một nghĩa hẹp, trỏ những hoạt động về tôn giáo, triết lý, giáo dục chính trị, văn học, triết học, nghệ thuật, khoa học.”
“Trước nữa thì không có gì đáng kể, nhưng trong khoảng 15 năm nay [tức là 1954-1969 lúc ông Nguyễn Hiến Lê viết những dòng này], tư nhân chúng ta chịu hoạt động về văn hóa đấy. Trường trung học mọc rất nhiều, phẩm còn kém nhưng lượng đáng kể đấy chứ? Sách báo ra rất nhiều vì số học sinh mỗi ngày một tăng…”
Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 20 tháng 9 năm 2017

Geen opmerkingen:

Een reactie posten