dinsdag 3 oktober 2017

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên : Ngoại giao châu Âu có thể giúp gì ? + Bắc Triều Tiên: 70 năm leo thang bạo lực

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên : Ngoại giao châu Âu có thể giúp gì ?

media
Logo của Chương Trình Các Đại Sứ Trẻ Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc, được Liên Hiệp Châu Âu hậu thuẫn.
Trang web của TCS tcs-asia.org
Sau vụ Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo lần thứ hai xuyên qua bầu trời Nhật Bản, Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết mới, Mỹ hối thúc tăng trừng phạt. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy là chỉ riêng các trừng phạt kinh tế có thể buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ mục tiêu. Can thiệp quân sự Mỹ là một viễn cảnh mà nhiều người nghĩ đến. Để tìm một lối thoát cho khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, thông thường người ta chỉ tập trung vào các cường quốc đã từng tham gia vòng bàn phán 6 bên, hiếm khi vai trò của châu Âu được nhắc đến.
Về vấn đề này, báo mạng La Croix ngày 21/07/2017 có bài phỏng vấn ông Benjamin Hautecouverture, một chuyên gia về giải trừ vũ khí và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân (Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược/Fondation pour la recherche stratégique). Nhà nghiên cứu Pháp trước hết lưu ý đến ba điểm. Thứ nhất, với nhịp độ phát triển như từ năm 2012 đến nay, có rất nhiều khả năng lục địa châu Âu sẽ sớm nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Bắc Triều Tiên. Thứ hai là việc Bắc Triều Tiên rút khỏi Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân (TNP) (năm 2003) trực tiếp làm tổn hại đến chiến lược chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Châu Âu.
Và thứ ba là, xung đột Đông Bắc Á nếu bùng nổ sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế châu Âu, bởi trao đổi thương mại với các quốc gia trực tiếp liên quan trong cuộc khủng hoảng này chiếm đến 45% tổng trao đổi thương mại của châu Âu. Về mặt chiến lược, chính trị và kinh tế, khủng hoảng Bắc Triều Tiên liên quan mật thiết đến quyền lợi của Liên Hiệp Châu Âu.
Chuyên gia Benjamin Hautecouverture thừa nhận « sẽ là phóng đại khi khẳng định rằng châu Âu nắm trong tay chìa khóa của cuộc khủng hoảng. Thế nhưng, ngoài công cụ chính là các trừng phạt, các thế mạnh khác của châu Âu là không thể coi thường ».
Châu Âu có nhiều kênh ngoại giao
Nhà nghiên cứu Pháp nhấn mạnh đến việc Liên Hiệp Châu Âu hiện duy trì nhiều quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Triều Tiên, kể từ năm 2001. Hơn một chục đối thoại chính trị đã được tổ chức giữa hai bên kể từ đó. 26 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, nơi có bảy nước đặt sứ quán, trong đó có Đức và Anh.
Các quan hệ với châu Âu là « quan trọng » đối với chế độ Bắc Triều Tiên, bởi cho phép Bình Nhưỡng gia tăng uy tín về mặt quốc tế. Các quan hệ này cũng có thể trở thành một kênh truyền thông sẽ giúp làm giảm căng thẳng, một khi được kích hoạt. Liên Hiệp Châu Âu vốn đã có « một uy tín đáng kể, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, cụ thể là trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran ».
Theo chuyên gia Benjamin Hautecouverture, để « đổi mới khả năng hành động » của châu Âu trong vấn đề khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, cần phải có mục tiêu rõ ràng. Đó là không nên đặt « phi hạt nhân hóa » như « một mục tiêu ngắn hạn », hay « một điều kiện tiên quyết » cho việc khởi động đàm phán. Tác giả nói rõ : Khăng khăng một quan điểm như vậy sẽ « phản tác dụng ». Ngược lại, các nhà ngoại giao có thể nhắm đến việc « tạo lập một không gian đối thoại sơ khởi, để có cơ sở thảo luận về khuôn khổ của các đàm phán tương lai ».
Hỗ trợ Đông Bắc Á gây dựng lòng tin
Để đối thoại thực sự, cần « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » và « gây dựng lòng tin ». Chuyên gia về châu Á người Ý, ông Nicola Casarini – tác giả một cuốn sach vừa ra mắt về chủ đề này (1) - nhấn mạnh đến nhiều thế mạnh về ngoại giao của châu Âu « còn rất ít được nhìn nhận và khai thác đúng mức ».
Một bài phân tích, được báo mạng The Diplomat đăng tải (ngày 21/09/2017), lưu ý đến một nghịch lý là : Khu vực Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) với các nền kinh tế có mức tăng trưởng chiếm một nửa tăng trưởng toàn cầu lại là một khu vực mà các định chế « gây dựng lòng tin » và « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » giữa các nước trong vùng mới phát triển ở mức độ thấp.
Liên Hiệp Châu Âu chính là « thế lực hậu thuẫn kiên định nhất » cho cơ chế hợp tác ba bên Trung–Nhật–Hàn. Thượng đỉnh ba bên Đông Bắc Á – do Hàn Quốc đề xuất tổ chức năm 2004 – là một cuộc gặp bên lề cơ chế ASEAN+3 (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Bản thân cơ chế này lại là hệ quả của Diễn Đàn Hợp Tác Á-Âu (ASEM) ra đời năm 1996.
Ba nước Đông Bắc Á – từ đó đến nay - đã thiết lập được hơn 100 dự án hợp tác. Năm 2011, một Ban Thư Ký Hợp Tác Ba Quốc Gia (TCS/Trilatéral Cooperation Secrétariat) đã được khởi sự, với Seoul là trụ sở. Chính phủ mỗi nước đóng góp một phần ba ngân sách. TCS là một tổ chức quốc tế có vai trò cổ vũ cho hòa bình và thịnh vượng tại ba quốc gia nói trên.
Hợp tác ngay trong thời kỳ bất lợi
Điều đáng tiếc là từ năm 2012 đến 2017, thượng đỉnh ba bên chỉ được tổ chức duy nhất một lần (vào tháng 11/2015), do các căng thẳng về tranh chấp chủ quyền và bất đồng về lịch sử, cho dù hợp tác vẫn tiếp tục giữa chính quyền cấp dưới, doanh nghiệp và xã hội dân sự ba nước. Bất chấp bối cảnh bất lợi này, Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục có « những vận động hậu trường » để hỗ trợ cho quá trình siết chặt quan hệ giữa ba nước Đông Bắc Á.
Một ví dụ mới đây là việc Phái bộ Liên Âu tại Seoul đã hỗ trợ Ban Thư Ký Hợp Tác Ba Quốc Gia Đông Bắc Á tổ chức một giao lưu, ngày 02/08/2017, nhằm « cổ vũ cho sự hiểu biết lẫn nhau và tình bạn giữa các lãnh đạo trẻ tương lai » của ba nước nói trên, trong khuôn khổ Chương Trình Các Đại Sứ Trẻ với sự tham gia của sinh viên.
Bản thân Liên Âu, cùng Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, từng đóng góp nhiều cho Tổ Chức Phát Triển Năng Lượng Triều Tiên (KEDO), được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng nguyên tử vì mục tiêu hòa bình tại Bắc Triều Tiên, ngăn ngừa tham vọng hạt nhân quân sự của Bình Nhưỡng. Hoạt động tạm ngưng từ năm 2006, sau khi Bắc Triều Tiên bắt đầu thử vũ khí nguyên tử. Kể từ đó, chính sách của Liên Âu thiên về hướng siết chặt trừng phạt, theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.
Tuy nhiên, chính trong bối cảnh quan hệ căng thẳng gia tăng tại Đông Bắc Á, khả năng Liên Âu thúc đẩy các quốc gia trong khu vực đi theo con đường « gia tăng hợp tác theo chiều sâu » và « gây dựng lòng tin » lại có bước phát triển mới, với việc thành lập cơ quan đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu (EEAS), vào cuối năm 2009.
Kể từ năm 2010 và 2011, Liên Âu và Trung Quốc bắt đầu các đối thoại cấp chiến lược về ngoại giao và quốc phòng. Kể từ năm 2013, Liên Âu và Nhật Bản khởi sự đàm phán về Thỏa Thuận Đối Tác Chiến Lược (SPA). Năm 2014, Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên ký kết một thỏa thuận cho phép Seoul tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Chính Sách An Ninh và Quốc Phòng Chung của khối (CSDP/The Common Security and Defence Policy). Đối với Bắc Triều Tiên, Liên Âu cũng có các cuộc đối thoại chính trị, được tổ chức hàng năm.
Vẫn có cơ chế cho các nước đối địch
Phân tích của chuyên gia Nicola Casarini khép lại với kết luận : Thỏa thuận Helsinki - được ký kết ngay vào thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1975 – cho thấy hợp tác là có thể được giữa các quốc gia đối địch sở hữu vũ khí hạt nhân. Vấn đề hiện nay là khu vực Đông Bắc Á cần phải có được một tổ chức hợp tác an ninh đa phương và mang tính khu vực, như kiểu Cơ Quan An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE), để cảnh báo sớm, ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng và tái khôi phục sau khủng hoảng.
Hình ảnh chủ yếu là « dân sự » của Liên Âu, với « các thế mạnh an ninh mềm », khiến cho khối các nước châu Âu có thể được thừa nhận như là một nhân tố đóng góp quan trọng cho tương lai hòa bình của khu vực Đông Bắc Á. Riêng trong lĩnh vực hạt nhân, theo tác giả, thành công mới đây của Liên Hiệp Châu Âu trong việc đúc kết một thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến Liên Âu có thể trở thành một đối tác hữu ích trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, nếu các bên liên quan mong muốn.
Châu Âu, một xúc tác cho phối hợp Mỹ-Trung-Nga ?
Trở lại với cuộc vận động ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, điều đáng chú ý là bên cạnh tuyên bố cổ vũ cho quan điểm hợp tác đa phương của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần lễ vừa qua – là quan điểm của thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối hoàn toàn giải pháp quân sự của tổng thống Mỹ, ưu tiên giải pháp ngoại giao.
Theo AP, hôm 18/09, trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Đức Bild, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định cộng đồng quốc tế nên bình tĩnh chờ đợi các kết quả trừng phạt kinh tế, nhưng cũng cần phải có « những cách nhìn sáng tạo và biện pháp dũng cảm ». Cụ thể trong vấn đề Bắc Triều Tiên, « cần phải (giúp quốc gia này được) bảo đảm về an ninh bằng một cách khác, chứ không phải bằng bom hạt nhân ».
Trước đó, Chủ Nhật 17/09, theo hãng tin Nga RT, trong chuyến công du Bắc Kinh, ngoại trưởng Đức đã hội kiến với lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi). Nói chuyện với báo giới, ngoại trưởng Sigmar Gabriel kêu gọi bộ ba Mỹ, Trung, Nga phối hợp giải quyết khủng hoảng. Theo ông, nếu không có sự tham gia tích cực của ba quốc gia nói trên « thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải lớn lên trong một thế giới hết sức nguy hiểm ».
----
(1) « Promoting Security Cooperation and Trust Building in Northeast Asia. The Role of the European Union », NXB Nuova Cultura, 2017.
Tin bài liên quan
Bắc Triều Tiên dọa thử bom H ở Thái Bình Dương
Tấn công Bắc Triều Tiên : Chiến thắng quân sự có thể thành ''cạm bẫy''
Mỹ nhấn mạnh vẫn duy trì phương án quân sự với Bắc Triều Tiên
Bắc Triều Tiên: 70 năm leo thang bạo lực

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170925-khung-hoang-hat-nhan-bac-trieu-tien-ngoai-giao-chau-au-co-the-dong-gop-gi

Bắc Triều Tiên: 70 năm leo thang bạo lực

mediaLãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh do KCNA công bố ngày 01/09/2017.KCNA via REUTERS
“Mọi chú ý của thế giới đang dồn vào Triều Tiên”, lời bình luận trên truyền hình Pháp từ năm 1950 vẫn còn hiệu lực trong bối cảnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 03/09/2017, chế độ Kim Jong Un tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch, còn gọi là bom H. Vài ngày trước đó, cũng Bắc Triều Tiên đã bắn một tên lửa bay qua miền bắc lãnh thổ Nhật Bản. Đây là sự kiện chưa từng có kể từ năm 2009.
Đầu tháng 08/2017, Bình Nhưỡng dọa bắn bốn hỏa tiễn đến gần đảo Guam của Mỹ ngoài Thái Bình Dương, sau khi đã thử hai tên lửa liên lục địa một tháng trước đó. Tất cả các vụ thử diễn ra trong một thời gian ngắn cho thấy những dấu hiệu đáng quan ngại của cuộc khủng hoảng kéo dài 70 năm trên bán đảo Triều Tiên. Website của Libération ngày 05/09/2017 điểm lại những sự kiện chính liên quan đến cuộc khủng hoảng này.
1945-thập niên 1990 : Cuộc khủng hoảng chủ yếu giữa hai miền Bắc-Nam
Sau Thế Chiến II, hai miền Triều Tiên bị chia cắt : miền Bắc được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ cộng sản và miền nam được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Căng thẳng giữa khối cộng sản và phương Tây dẫn đến chiến tranh Triều Tiên, năm 1950 với sự kiện miền Bắc xâm chiếm miền Nam.
Chiến tranh tạm ngừng năm 1953 và đường biên giới vẫn không nhúc nhích : vĩ tuyến 38 nằm trong khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, chiến tranh chưa bao giờ chính thức chấm dứt tại Triều Tiên, như nhận định của giám đốc nghiên cứu Jean-Vincent Brisset, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (Iris) của Pháp và là chuyên gia về các vấn đề chiến lược tại châu Á, khi trả lời Libération.
Ông cho biết : “Không một hiệp định hoà bình nào được ký kết, hai miền vẫn đang trong tình trạng đình chiến” và Bắc Triều Tiên “vẫn trong tình trạng căng thẳng từ năm 1945”. Nếu như việc xích lại gần nhau từng được tính đến năm 1972, thì miền Bắc bắt đầu nghiên cứu một phiên bản của tên lửa Scud-B của Liên Xô ngay cuối những năm 1970.
Vụ bắn thử đầu tiên diễn ra vào năm 1984. Năm 1985, Bắc Triều Tiên ký hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng trong những năm sau đó, Bình Nhưỡng lại phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn ngày càng xa : Scud-C (có tầm bắn 500 km), Rodong-1 (1.300 km), Taepodong-1 (2.500 km), Hwasong-10 (3 000 km), Taepodong-2 (6 700 km). Song song với chương trình tên lửa đạn đạo, hai lò phản ứng nghiên cứu nguyên tử cũng được lắp đặt tại Bắc Triều Tiên.
Bước ngoặt hạt nhân
Cho tới khi Kim Nhật Thành qua đời năm 1994, “các mối đe doạ chủ yếu nhắm vào Bắc Triều Tiên”, theo phân tích của chuyên gia Jean-Vincent Brisset. Vào năm đó, tổng thống Mỹ Bill Clinton đe dọa tấn công khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nơi chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố đã làm giầu được uranium. Bắc Triều Tiên cam kết ngừng và từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự, mà chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Vào cuối thập kỷ 1990, Bắc Triều Tiên tuyên bố một lệnh cấm về các vụ thử tên lửa tầm xa. Nhưng cuối cùng, ngay năm 2003, Bình Nhưỡng rút khỏi hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và tự nhận là một cường quốc nguyên tử. Hai năm sau, vào năm 2005, Bắc Triều Tiên khẳng định sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời chấm dứt lệnh cấm thử tên lửa tầm xa.
Năm 2006, chế độ Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Pháp, “trừ kết quả nhỏ nhoi của Clinton, Hoa Kỳ can thiệp từ năm 1993 với kết quả gần như là con số không”.
Ba năm sau, vào năm 2009, Bắc Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa, bay ngang lãnh thổ Nhật Bản và tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai dưới lòng đất. Năm 2010, căng thẳng tăng thêm một bậc khi 46 thủy thủ chết trong một vụ đắm tầu của Hàn Quốc, dù Bình Nhưỡng phủ nhận can thiệp. Ngày 23/11/2010, một trận mưa 170 quả đạn súng cối từ Bắc Triều Tiên rơi xuống đảo Yeonpyeong.
Năm 2012 : Kim Jong Un muốn thành “người cha giám hộ”
Năm 2012, Kim Jong Un kế nghiệp người cha là Kim Jong Il. Tháng 02/2012, lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên thông báo cấm các hoạt động làm giầu uranium, chấp nhận đội ngũ thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) quay lại đất nước, đổi lại là chương trình viện trợ lương thực của Mỹ. Chương trình này đã bị đình chỉ sau một vụ thử tên lửa.
Đầu năm 2013, Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba dưới lòng đất. Lần này, chính Liên Hiệp Châu Âu thông qua các biện pháp trừng phạt. Chuyên gia Jean-Vincent Brisset phân tích : “Để đảm bảo tính chính đáng, Kim Jong Un phải thể hiện được là người bảo vệ dân tộc. Ông tận dụng tình hình kinh tế tương đối được cải thiện và sử dụng mối đe dọa Mỹ vào chính sách nội địa để chứng tỏ mình có thể có sức răn đe. Điều này mang ý nghĩa nội bộ, ông cho truyền hình rộng rãi mọi vụ thử vũ khí và nguyên tử để áp đặt uy lực tinh thần và hiện lên như một người cha giám hộ”.
Khẳng định không đoái hoài đến loạt trừng phạt mới, Bắc Triều Tiên đe dọa và tuyên bố “trong tình trạng chiến tranh” với miền Nam. Tháng 07/2014, trước chuyến thăm Seoul của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bình Nhưỡng cho thử hai pháo phản lực tầm ngắn mới.
Trump và hồi kết của ngoại giao cổ điển
Tháng 01/2016, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Chính phủ thông báo lần đầu tiên thử thành công loại bom nhiệt hạch (bom H). Tuy nhiên, thông tin lúc đó còn bị nghi ngờ.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng loạt lên án vụ thử bom H của Bình Nhưỡng. Tháng 04/2016, chế độ Kim Jong Un cho thử thêm một tên lửa mới, lần này được bắn từ tầu ngầm. Washington và Seoul thông báo dự án triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Tháng 08/2017, Bình Nhưỡng bắn trực tiếp một tên lửa đạn đạo vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và đến tháng Chín, vụ thử hạt nhân lần thứ năm được tiến hành.
Hoa Kỳ bắt đầu triển khai hệ thống THAAD từ tháng 03/2017. Hai tháng sau, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa với tầm bắn được cho là có thể tấn công được các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam. Sau đó, vào tháng 07/2017, đến lượt hai quả tên lửa khác được thử với tầm bắn được cho là có thể tới Alaska và một phần trên lục địa Mỹ.
Ông Jean-Vincent Brisset phân tích : “Donald Trump lên nắm quyền (tháng 01/2017) với các biện pháp hùng hổ hơn. Tổng thống Mỹ phân vân giữa ngành công nghiệp quân sự Mỹ vẫn bán vũ khí cho Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng lại muốn làm điều gì đó”, liên kết với Bắc Triều Tiên, dường như điều này làm thay đổi quan điểm của tổng thống Mỹ về Bình Nhưỡng.
Năm 2016, chế độ của Kim Jong Un đã tiến hành 24 vụ thử tên lửa và hai lần thử bom nguyên tử. Từ đầu năm 2017, nhà lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên đã cho bắn 17 quả tên lửa. Trong khi đó, cha ông mới chỉ cho thử 16 lần trong suốt 17 năm đứng đầu nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170906-bac-trieu-tien-70-nam-leo-thang-bao-luc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten