Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại
LỜI NÓI ĐẦU
Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại là một dự án khởi đi từ sáng kiến của trang Văn Việt từ giữa năm 2015. Những người biên soạn và cộng tác mới đầu chỉ có ao ước khiêm tốn là sự hợp tác của một số nhà thơ quen biết, về sau đã dành được ủng hộ rộng rãi hơn của nhiều người, vượt quá con số bốn mươi dự định. Khi kết thúc, chúng ta có năm mươi ba nhà thơ tham dự, và trừ một trường hợp duy nhất đã qua đời, tất cả đều đang sinh sống và viết ở hải ngoại, vào thời điểm thực hiện. Chúng tôi đã có dịp trực tiếp liên lạc với tác giả hoặc người đại diện trước khi lên bài. Về bài vở, theo thứ tự thời gian thực hiện, tuyển tập có ba phần chính:– Phần một, loạt bài “Con đường thơ bốn mươi năm” của tác giả Nguyễn Đức Tùng, như những giới thiệu đại cương về nền thơ hải ngoại từ năm 1975 đến nay, đã đăng trên Văn Việt, Da Màu, Diễn đàn thế kỷ, Du Tử Lê, Văn Chương Việt, Nguyễn Trọng Tạo và một số trang mạng khác.
– Phần hai, tuyển tập thơ của năm mươi ba nhà thơ, với những lời giới thiệu mở đầu, ngắn gọn.
– Lời nói đầu, lời tựa, danh mục.
Do hạn chế về nhân sự và thời gian, việc tập hợp bài vở không phải lúc nào cũng được như ý. Cố gắng của chúng tôi là chọn những tác phẩm vừa tiêu biểu cho tác giả, vừa khá mới, một ghi nhận về lối viết như quá trình đang diễn ra. Bằng cách ấy, người đọc có thể nhìn thấy hoàn cảnh chung của nền thơ Việt Nam hải ngoại mấy mươi năm nay.
Thơ ca, như được thấy trong tuyển tập, mô tả ký ức của cộng đồng về đất nước nguồn cội, ghi lại bầu khí quyển của xã hội ngoài biên giới tổ quốc, tự do nhưng cũng trộn lẫn hạnh phúc và bất hạnh. Nền thơ ấy bảo vệ sự hy vọng vào những giá trị của con người và của dân tộc. Bốn mươi năm thơ hải ngoại là lời phản kháng và lời ca ngợi, là sự thật được mang đi qua những lằn ranh cương thổ.
Thơ hải ngoại là một bộ phận của thơ tiếng Việt, nhưng là một bộ phận đặc biệt. Những đặc điểm của dòng thơ này:
– Một tiếng nói của cộng đồng người Việt hải ngoại, một cộng đồng từ nguồn gốc chủ yếu là tị nạn, tính từ năm 1975.
– Mối quan hệ lịch sử của nó với nền thơ miền Nam 1954-975.
– Tích hợp vào nó những nguồn gốc khác nhau: thơ miền Bắc, thơ trong nước sau năm 1975 và đặc biệt các nền thơ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và các sinh ngữ khác của quốc gia định cư.
– Phản ảnh sự biến đổi về dân số và xã hội của cộng đồng hải ngoại, như sau sự kiện bức tường Bá Linh và hiện tượng di dân những năm gần đây. Sự biến đổi ấy bao gồm những thái độ chính trị khác nhau, thậm chí xung khắc, và cần được ghi nhận.
– Bốn mươi năm thơ mang theo những cố gắng cách tân rất đáng chú ý của các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ, nguồn gốc, về nghệ thuật thơ ca tiếng Việt.
Đó còn là những cố gắng dang dở, bao gồm những thành công rõ ràng và những cản trở, hạn chế, sự cũ kỹ, điển hình cho một nền văn học bị ngưng trệ, từ trong nước đến hải ngoại.
– Tuy là một bộ phận riêng biệt nhưng thơ hải ngoại không hoàn toàn độc lập với thơ trong nước, một nền thơ song song với nó và về mặt giả định lý thuyết, vẫn là dòng chủ lưu, có quan hệ trực tiếp hơn với quê hương. Tuy nhiên do những hoàn cảnh chính trị đặc biệt, khi nhiều tiếng nói tự do còn bị bóp nghẹt ở trong nước, thơ hải ngoại cũng trở thành diễn đàn của những tiếng nói ấy.
Sự thiếu vắng một nền phê bình học thuật đối với văn học hải ngoại, sự chia rẽ, đố kỵ và những định kiến hẹp hòi phe nhóm, điều này cũng không khác mấy với tình hình trong nước, làm cho sự phát triển và những cố gắng cách tân của thơ trở nên chậm chạp, rời rạc, lẻ tẻ. Những năm gần đây, được thúc đẩy bởi giao tiếp trong và ngoài, các phương tiện kỹ thuật mới, internet, blogs, facebook, sự phổ biến tác phẩm ngày càng rộng rãi. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hình thành một nền thơ chuyên nghiệp. Ít có phê bình lý thuyết và phê bình thực hành, không có điểm sách với những khen ngợi và chỉ trích khách quan, không có tranh luận học thuật, hoặc các cuộc tranh luận này bị che mờ bởi các khác biệt phi văn học, có tính phe phái, chúng ta khó có thể có một nền thơ lớn và tồn tại lâu dài.
Có thể nhận thấy tuyển tập chưa thể bao gồm các nhà thơ quá cố. Các nhà thơ nữ cũng xuất hiện với tần số thấp. Tỷ lệ các vùng địa lý chưa thích hợp, ví dụ thơ Đông Âu còn thưa thớt. Về khuynh hướng nghệ thuật, chúng ta có những nhà thơ lớp trước, đã thành danh từ trong nước và những người viết sớm ở hải ngoại, có những nhà thơ giữ vai trò quan trọng trong khoảng mười mấy năm nay và người mới viết, thậm chí lần đầu được công chúng chú ý đặc biệt từ tuyển tập này. Chúng ta có những bài thơ viết về lịch sử, thơ thời sự, thơ thế sự, thơ trữ tình cá nhân, những bài thơ hoài niệm và thơ tình, những bài thơ chiến tranh và phản kháng, với một phổ rộng các chủ đề và thể loại, kể cả những loại thơ phi quy ước, mặc dù chưa nhiều. Thật khó có thể biết tuyển tập hơn năm mươi nhà thơ là tiêu biểu đến đâu cho toàn bộ nền thơ hải ngoại, cũng thật khó để so sánh nền thơ ấy với thơ ca trong nước và hai miền Nam và Bắc trước 1975, dựa trên mẫu của tuyển tập.
Ước muốn khiêm tốn của chúng tôi là cung cấp một dữ liệu văn học cần thiết tối thiểu cho những nhà nghiên cứu văn học về sau đối với các vấn đề vừa nêu.
Việc thực hiện một tuyển tập văn chương cũng khó khăn không kém so với hoạt động phê bình. Thừa tâm huyết nhưng thiếu diễn đàn, thiếu tập hợp, đoàn kết. Bốn mươi năm qua, những cố gắng thực hiện tuyển tập, cá nhân hay tập thể, thí dụ của nhóm Việt Thường ở Montreal, hay các tác phẩm của Võ Phiến về văn chương miền Nam chẳng hạn, và sự đăng tải trên các trang mạng, là những cố gắng để bù đắp sự thiếu hụt này. Trong thời gian thực hiện tuyển tập, ngoài bài vở trực tiếp mà năm mươi ba nhà thơ nhiệt tình gởi đến, chúng tôi cũng đã dựa vào nhiều nguồn thông tin khác nhau. Chúng tôi nhân đây bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các nguồn thông tin ấy. Do thiếu nhân sự, thời gian eo hẹp, chúng tôi thành thật xin lỗi các tác giả và các nguồn thông tin đã không kịp xin phép hay thông báo về những bổ sung hay cắt giảm bài vở mà chúng tôi thấy cần thiết. Việc biên tập cho sách, với số trang có hạn, buộc chúng tôi phải rút ngắn số lượng các bài đã đăng trên mạng.
Thơ ca là một nghệ thuật có khả năng nhắc nhở chúng ta về sự tạm thời và vĩnh viễn. Tạm thời của số phận con người, của một giai đoạn lịch sử mấy mươi năm, nhưng vĩnh viễn của dân tộc, của những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc ấy. Mặc dù người làm thơ hình như ngày càng cô độc, việc tái xây dựng hình ảnh một đất nước tự do, vinh danh những hy sinh của người đi trước, ghi nhớ những đổ vỡ mất mát, giải thích những thất bại và đau khổ, lên tiếng về nỗi bi phẫn và hóa giải hận thù, kêu gọi sự hiểu biết và tin cậy, cùng nhau đi tới: những điều ấy chúng tôi tin rằng, thơ ca phần nào có thể làm được.
Một lần nữa, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đến độc giả, các nhà thơ có mặt và trang Văn Việt về dự án này. Chúng tôi xin lỗi về những thiếu sót có thể đã xảy ra và mong muốn sự góp ý của quý vị cho lần xuất bản tới.
Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com
https://www.nguoi-viet.com/nguoi-viet-shop/bon-muoi-nam-tho-viet-hai-ngoai/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten