donderdag 8 juni 2017

Việt-Nhật tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải để đối phó với Trung Quốc + Thủ tướng Nhật thông báo cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần duyên mới

Việt-Nhật tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải để đối phó với Trung Quốc

mediaThủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) đón đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ngày 06/06/2017, tại TokyoREUTERS
Nhân chuyến công du Nhật Bản của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai nước hôm 06/06/2017 đã thỏa thuận tăng cường quan hệ về an ninh thông qua các dự án được Nhật tài trợ, trong đó có việc nâng cấp năng lực tuần tra bờ biển, thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong khu vực.
Hai nước ký kết hơn một chục thỏa thuận, trong đó có khoản viện trợ 38 tỉ yen (350 triệu đô la) để nâng cấp các tàu tuần duyên Việt Nam và năng lực tuần tra. Việc nâng cấp an ninh hàng hải là một phần của khoản tín dụng 100 tỉ yen (910 triệu đô la) được ký kết hôm qua (06/06), gồm các dự án trong lãnh vực khoa học, công nghệ và quản lý nước.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe, trong cuộc hội đàm tại Tokyo, đã chia sẻ « mối quan tâm sâu sắc về những diễn biến phức tạp » do Trung Quốc gây ra tại Biển Đông. Hai bên cổ vũ tránh những hành động làm thay đổi hiện trạng và leo thang căng thắng, tuy không nêu đích danh Trung Quốc.
Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định sự quan trọng của Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng ý sẽ tiếp tục theo đuổi dù Hoa Kỳ đã rút ra. Hai nhà lãnh đạo thỏa thuận hợp tác với nhau trong việc thương lượng giữa 11 nước thành viên TPP còn lại để hiệp định này có hiệu lực.
Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ hy vọng sự hỗ trợ này cũng sẽ tạo cơ hội kinh doanh cho Nhật Bản, đóng góp kinh nghiệm chuyên môn và công nghệ cho công cuộc phát triển của Việt Nam. Ông nói rằng Nhật Bản mong muốn cải thiện việc hợp tác nhằm « tăng cường một trật tự thế giới tự do và rộng mở, dựa trên cơ sở luật pháp », gọi đó là « nền tảng của sự ổn định và thịnh vượng cho quốc tế ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170607-viet-nhat-tang-cuong-hop-tac-ve-an-ninh-hang-hai-de-doi-pho-voi-trung-quoc-ok

Thủ tướng Nhật thông báo cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần duyên mới

mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) đón đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe, tại Hà Nội, ngày 16/01/2017Reuters
Hôm nay, 16/01/2017, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Hà Nội công du Việt Nam trong 2 ngày, với trọng tâm là vấn đề Biển Đông. Nhân dịp này, lãnh đạo chính phủ Nhật thông báo cấp 6 tàu tuần duyên mới cho Việt Nam.
Đây là lần thứ ba ông Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam trong cương vị thủ tướng Nhật. Sau khi duyệt đội quân danh dự, ông Abe đã có cuộc hội đàm kín với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo nhật báo Japan Times, tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế, cuộc hội đàm giữa hai vị thủ tướng chủ yếu tập trung vào vấn đề Biển Đông và hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Lãnh đạo chính phủ hai nước bàn về một đối sách chung trước những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền lên Biển Đông, trong bối cảnh chưa ai rõ là chính quyền Donald Trump có tiếp tục giúp bảo đảm ổn định khu vực hay không.
Theo Reuters, sau khi hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Shinzo Abe loan báo là phía Nhật sẽ cấp 6 tàu tuần duyên mới cho Việt Nam để giúp nâng cao khả năng của lực lượng Cảnh sát biển (tuần duyên) Việt Nam ở vùng Biển Đông. Trước đó Tokyo đã tặng cho Cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra, nhưng đó là tàu cũ.
Vào lúc mọi người lo ngại là chính quyền Trump sẽ thi hành một chính sách bảo hộ mậu dịch, hai vị thủ tướng Nhật - Việt cũng bàn về việc thúc đẩy tự do mậu dịch giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có hiệp định TPP do Mỹ khởi xướng, không có Trung Quốc và hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, có bao gồm Trung Quốc.
Ngoài đối thoại an ninh và hợp tác quốc phòng, trong chuyến đi Việt Nam lần này, thủ tướng Abe dự kiến đề nghị hợp tác của Nhật về phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, trong đó có dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, ở ngoại ô Hà Nội.
Nhật Bản hiện vẫn là một trong những đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời vẫn là nhà tài trợ song phương lớn nhất.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170116-tai-ha-noi-thu-tuong-nhat-thong-bao-cap-cho-viet-nam-6-tau-tuan-duyen-moi

Biển Đông : Hải quân Nhật sẽ chia sẻ gánh nặng với Mỹ để đối phó với Trung Quốc ?

Biển Đông : Hải quân Nhật sẽ chia sẻ gánh nặng với Mỹ để đối phó với Trung Quốc ?
 
Lực lượng tuần duyên Philippines thực tập chống hải tặc tại một vịnh ở Manila, với sự trợ giúp của Nhật, ngày 06/05/2015.REUTERS/Romeo Ranoco

    Biển Đông dậy sóng…và Biển Hoa Đông cũng không yên tĩnh. Trước một Trung Quốc hung hăng, nước Nhật dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng « diều hâu » Shinzo Abe không khoanh tay ngồi yên. Không chỉ sửa đổi Hiến pháp chủ hòa, hiện đại hóa quân đội - đặc biệt là Hải quân để sẵn sàng cho những trận hải chiến - ông Abe đã đi thăm hầu hết các nước láng giềng châu Á và gần đây là chuyến viếng thăm đồng minh lớn Hoa Kỳ. Tokyo đã sẵn lòng chia sẻ gánh nặng « xoay trục » sang châu Á của Washington ?

    Trò chơi rượt đuổi trên Biển Hoa Đông
    Cuối năm ngoái, phóng viên Le Figaro đã có dịp đi theo chiến hạm Kabira hiện đại của lực lượng tuần duyên Nhật, trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Chiến hạm dài 96 mét, trọng tải 1.500 tấn, có bãi đáp trực thăng và trang bị đại bác tự động. Kabira là chiến hạm thứ tư thuộc loại này, được huy động đến Ishigaki, hải cảng tiền phương để bảo vệ Senkaku cách đó 170 km, trước đoàn tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc.
    Takuya Fukumoto, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên cho biết : « Nhiệm vụ của chúng tôi là thường xuyên triển khai nhiều tàu hơn phía Trung Quốc. Nếu số lượng ít hơn, chúng tôi sẽ bị bắt nạt ». Bắc Kinh có khả năng gởi đi năm tàu chiến liên tiếp, nên Tokyo đành cho sáu chiến hạm đi tuần tiễu trong vùng này và đến năm 2016 cảng Ishigaki nhỏ bé sẽ nhận thêm mười chiếc tàu mới tinh nữa.
    Fukumoto thổ lộ : « Khi một tàu Trung Quốc tiến gần, chúng tôi sẽ cắt ngang lộ trình để xua nó ra ngoài. Chúng tôi cố tránh các vụ va chạm, giữ khoảng cách hơn một chục mét. Nhưng cũng có khi đụng phải nhau ». Một trò chơi rượt đuổi ngoài khơi đầy nguy hiểm, dựa trên chiến thuật bao vây và chạy vòng vòng tránh né. Tuần duyên Nhật dùng radio và loa phóng thanh để ra lệnh cho kẻ xâm nhập phải bỏ đi, nhưng chưa bao giờ có một cuộc đối thoại. Tàu Trung Quốc « không trả lời, khẳng định rằng họ thực thi chủ quyền của mình ».
    Từ khi Tokyo quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 8/2012, các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập đã bùng nổ. Năm 2014, tuần duyên Nhật đã phải ra tay xua đuổi 208 lần, trong khi năm 2008 chỉ có 11 lần. Vào lúc cao điểm là tháng 8/2013, có đến 28 tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku. Từ đó trở đi, khoảng 70% thời gian phải dành để đối phó với tàu Trung Quốc đang lảng vảng kế cận, sẵn sàng tiến vào bất cứ lúc nào. Thuyền trưởng cho biết : « Những lúc đó thủy thủ đoàn hết sức căng thẳng ».
    Năm 2013, tuần duyên Nhật dùng biện pháp xịt vòi rồng, hoặc kẹp hai đầu để chặn các tàu của những nhà hoạt động Đài Loan – cũng đòi hỏi chủ quyền tại đây. Nhưng Nhật không thể đùa với lửa trước Trung Quốc. Narushige Michishita, giáo sư Viện nghiên cứu chính trị Tokyo nói : « Không thể biết được Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào, sợ rằng có nguy cơ leo thang ».
    Ở ngoài khơi, sự bình tĩnh là rất cần thiết để tránh sự cố ngoại giao giữa hai nền kinh tế thứ nhì và thứ ba thế giới. Năm 2010, vụ một tàu cá Trung Quốc cố tình đâm vào tàu tuần duyên Nhật và sau đó thuyền trưởng tàu cá bị bắt giữ đã gây khủng hoảng ngoại giao với Bắc Kinh, dưới ánh mắt lo lắng của Washington.
    Ngư dân đảo « tuyến đầu » Ishigaki không dám đánh bắt ngoài khơi Uotsuri, sợ tàu Trung Quốc rượt đuổi. Thị trưởng Yoshitaka Nakayama đòi cải tạo cảng cũng như cơ sở hạ tầng, một số người đòi triển khai lực lượng phòng vệ trên đảo. Nhưng Michishita cảnh báo : « Đó là sai lầm mà Trung Quốc vẫn chờ đợi, cho họ cái cớ để đưa đội tàu quân sự của họ vào vùng này ».
    Nhật hiện đại hóa lực lượng hải chiến
    Vào cuối tháng Tư vừa rồi, một nhóm phóng viên Pháp đã được mời lên tham quan tàu chở trực thăng Izumo, chiến hạm lớn nhất được Nhật đóng từ sau Đệ nhị Thế chiến. Đó là một khu trục hạm mới tinh còn thơm mùi sơn, được thiết kế cho việc tấn công bằng trực thăng vận và chống tiềm thủy đĩnh. Thả neo trên bến cảng, bên cạnh các tàu ngầm và chiến hạm khác tại căn cứ Yokosuka, bóng dáng chiếc Izumo thật đồ sộ với 248 mét chiều dài, trọng tải 19.500 tấn.
    Về mặt chính thức, chiếc Izumo chỉ nhằm phòng vệ vùng biển xung quanh, bảo vệ hòa bình khu vực, cứu hộ thường dân. Tàu có bảy chiếc trực thăng, nhưng hangar có thể chứa gấp bốn lần và các chuyên gia ước lượng Izumo có thể là nơi cho các phi cơ tiêm kích F-35B cất cánh thẳng đứng. Hải quân Nhật cho biết tàu không thể chở theo các xe bọc thép, nhưng theo quan sát của các nhà báo, Izumo có khả năng mang theo các quân xa chở hỏa tiễn Patriot. Sĩ quan phụ trách thông tin khẳng định không có bệnh viện trên tàu, nhưng các phòng phẫu thuật và các phòng khám rộng rãi thì rất sẵn. Izumo là biểu tượng hoàn hảo cho chính sách tái vũ trang của Nhật. Với 1.000 lính thủy, chiến hạm Izumo có thể tham gia tác chiến với hạm đội Mỹ hoặc trong khu vực.
    Thực chất, đây là một hàng không mẫu hạm. Nếu người Nhật phải « cải trang » thành tàu chở trực thăng, giảm thiểu năng lực thật, đó là do Hiến pháp chủ hòa. Đặc biệt là điều 9, cấm chính phủ Nhật tham chiến, trang bị các phương tiện tấn công và phạm vi can thiệp của Lực lượng phòng vệ thì bị hạn chế, chỉ với các mối đe dọa trực tiếp lên Nhật Bản. Từ năm 1947 đến nay, Tokyo yên tâm phát triển kinh tế dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ kể cả trong lãnh vực nguyên tử.
    Khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, ông Shinzo Abe đã tuyên bố : « Với tôi, nước Nhật sẽ tái xuất hiện ». Cánh hữu cam kết biến Nhật Bản thành « một quốc gia bình thường », dành cho quân đội nhiều tự do hơn.
    Cho dù mang danh là Lực lượng phòng vệ, quân đội Nhật Bản là đội quân mạnh thứ nhì trong khu vực châu Á và đứng hàng thứ sáu trên thế giới. Riêng Hải quân Nhật xếp thứ tư thế giới với 124 chiến hạm, phân biệt với các binh chủng khác bằng lá cờ Hải quân Hoàng gia xưa kia.
    Chuẩn Đô đốc Umio Otsuka, Tư lệnh Hải quân mô tả mối đe dọa từ Nga chỉ « tương đối », nhưng nêu ra một « Biển Đông và Hoa Đông sôi sục ». Phương tiện của Nhật ? Đội tàu cảnh giới, chiến hạm đổ bộ liên quân, hệ thống chống tên lửa, và dự kiến số tàu ngầm từ 16 sẽ tăng lên 22 vào năm 2025. Djibouti, căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài vừa được tăng cường một ban tham mưu và các phi cơ tiếp liệu, phi cơ vận tải.
    Tuần trăng mật Abe & Obama
    Trong bối cảnh đó, chính sách « xoay trục » sang châu Á của Mỹ đã được diễn dịch khá cụ thể. Những phương tiện mới hiện đại được đưa đến Nhật Bản: Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ tại Nhật loan báo bổ sung thêm hai khu trục hạm và một tuần dương hạm phóng hỏa tiễn cho Đệ thất Hạm đội, tức tăng thêm 1.000 lính thủy. Bên cạnh đó là một hàng không mẫu hạm mới : chiếc Ronald-Reagan, một máy bay không người lái mang tính chiến lược Global Hawk và các phi cơ tiêm kích F-35.
    Chuyến viếng thăm Washington của ông Shinzo Abe từ ngày 28 đến 30/04/2015, đã tô đậm việc củng cố liên minh Mỹ-Nhật, đánh dấu bằng việc mở rộng vai trò quân sự của Tokyo trên trường quốc tế, mà phía Nhật gọi là « chính sách hòa bình tích cực ». Nguyên nhân sâu xa không gì khác hơn là hiện tượng Bắc Kinh tăng mạnh ngân sách quốc phòng.
    ...« Good afternoon, konnichiwa ! » Dưới ánh nắng mùa xuân ấm áp , bên bóng mát những cây anh đào, Tổng thống Mỹ đã chào đón Thủ tướng Nhật như thế. Trong cuôc họp báo tại « vườn thượng uyển » của Nhà Trắng hôm 28/04/2015, ông Barack Obama đã ca ngợi vai trò tích cực của « người bạn Shinzo ».
    « Trong bảy thập kỷ qua, hai nước chúng ta không chỉ đã trở thành đồng minh mà còn là đối tác và bạn hữu thực sự ». Tổng thống Obama nhấn mạnh như trên. Tuyên bố rằng việc tái khẳng định « liên minh không gì lay chuyển nổi » với Tokyo không thể được coi là « một sự khiêu khích » Bắc Kinh. Nhưng Tổng thống Mỹ cũng nhắc nhở, hiệp ước quốc phòng Mỹ-Nhật có giá trị cả ở quần đảo Senkaku.
    Ông nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng chia sẻ mối quan ngại trước các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, tái khẳng định sự quan tâm trước vấn đề tự do hàng hải, tôn trọng công pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Theo ông Obama : « Nếu chúng ta không đưa ra các quy định, thì Trung Quốc sẽ làm điều ấy ».
    Thủ tướng Nhật và phu nhân được mời dự đại yến, trong đó món tempura – thơm tẩm bột chiên được bày bên cạnh món jambon hun khói của Virginia, món tráng miệng đậu hũ được phục vụ cùng với món cheesecake truyền thống. Từ khi ông Obama bước vào Nhà Trắng đến nay, chỉ mới có bảy nguyên thủ được mời dự dạ yến (Ấn Độ, Mehico, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Anh, Pháp) và Thủ tướng Nhật là người thứ tám.
    Ông Shinzo Abe cũng là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên được vinh dự đọc diễn văn trước Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, được vỗ tay nhiệt liệt. Trước đó ông Abe đã vui vẻ tâm sự với ông Obama, ông đã phải đọc đi đọc lại bài diễn văn cho đến nỗi vợ ông chán quá phải đi ngủ riêng !
    Nhật Bản ra khỏi giấc ngủ hòa bình : 5.000 tỉ yen cho quốc phòng
    Vài giờ trước khi ông Abe xuất hiện, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã công bố tại New York những đường hướng mới trong hợp tác quân sự đôi bên, phản ánh ý đồ muốn Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế, trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ năm 1997, sau khi chính phủ Nhật đã thông qua nghị quyết tháng 7/2014 diễn dịch lại Hiến pháp chủ hòa, để quân đội Nhật có thể can thiệp quân sự ở nước ngoài.
    Từ nay, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã có thể bắn chận các hỏa tiễn hướng về đất Mỹ, hay đến hỗ trợ cho một nước thứ ba. Không còn những giới hạn địa lý khiến hợp tác quân sự Nhật-Mỹ chỉ có thể quanh quẩn trên đảo quốc và vùng lân cận. Theo chủ trương mới, hai nước cũng sẽ kết hợp chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ thông tin, chẳng hạn về phòng không và an ninh mạng.
    Hồi đầu năm, chính phủ Nhật đã thông qua ngân sách kỷ lục dành cho quốc phòng là 5.000 tỉ yen, tương đương gần 36 tỉ euro lúc đó. Như vậy là đã tăng 2,8%, chấm dứt chu kỳ cắt giảm liên tiếp 11 năm qua. Chủ yếu dành cho việc mua trang thiết bị quân sự mới.
    Có thể kể : 30 chiếc máy bay P-1 giám sát trên biển, sáu phi cơ tàng hình F-35, 30 xe tăng lội nước để hình thành đơn vị tương tự thủy quân lục chiến Mỹ, phi cơ trinh sát hàng hải hiện đại E-2D. Tokyo lần đầu tiên sẽ mua máy bay không người lái HALE Global Hawk hoạt động tầm xa và ở độ cao đáng kể. Một đơn vị trinh sát sẽ được thành lập trên đảo Yonaguni ở gần Senkaku. Hai khu trục hạm trang bị radar và hệ thống chống hỏa tiễn siêu mạnh Aegis cũng nằm trong danh sách dự kiến.
    Tuy vậy mức tăng quốc phòng của Nhật không thấm vào đâu so với Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết ngân sách quốc phòng năm ngoái là 112 tỉ euro, tăng 12,2%, nhưng theo các chuyên gia thì con số này thật ra vượt quá 128 tỉ euro. Theo Tokyo Foundation Asia Security Project, chi quốc phòng của Trung Quốc có thế gấp 4,8 lần Nhật Bản vào năm 2020, và đến 2030 thì gấp 9,1 lần, đạt đến con số khổng lồ là 650 tỉ euro, thậm chí 910 tỉ euro !
    Nhật vươn ra quốc tế, Mỹ rảnh tay « xoay trục »
    Trước thái độ hung hăng và tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông, các đồng minh và bạn hữu của Mỹ đều hy vọng Hoa Kỳ thực tâm muốn « xoay trục » sang châu Á. Họ nỗ lực lôi kéo sự chú ý của Washington về phía châu Á-Thái Bình Dương.
    Việc Tokyo tham gia các chiến dịch chống hải tặc ở Vịnh Aden, có mặt trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại cao nguyên Golan và Nam Soudan đều mang lại tác động tích cực. Đó là vì những nỗ lực này giúp giảm nhẹ gánh nặng của Mỹ tại Trung Đông, để có thể tập trung hơn vào châu Á. Một điều trớ trêu là các đồng minh của Washington lại phải quan tâm hơn đến vấn đề an ninh ngoài châu lục này, để Hoa Kỳ có thể duy trì sự hiện diện tại Á châu.
    Theo nhà phân tích Noboru Yamaguchi, nếu có sự hợp tác tốt đẹp của các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, tham gia vào các hoạt động quốc tế giữ gìn hòa bình, thì Hoa Kỳ có thể rảnh tay hơn để chú tâm vào châu lục năng động này. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, một nhân tố mang tính quyết định trong việc vẽ lại bản đồ an ninh khu vực, cũng tùy thuộc vào thái độ của Mỹ và các đồng minh.
    Trong một bài viết trên tạp chí Global Asia, tác giả Yamaguchi khẳng định : nếu Mỹ quyết tâm hiện diện tại châu Á, với việc duy trì lực lượng quân sự hùng hậu, và nếu các quốc gia trong khu vực biết liên minh chặt chẽ với nhau, thì Trung Quốc sẽ không dám làm mưa làm gió. Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn trong việc sử dụng vũ lực, và có thể sẽ biết tỏ ra cởi mở, hợp tác hơn.
    Tokyo và « chuỗi kim cương an ninh »
    Nhà báo Jean-François Heimburger trên tạp chí Quốc phòng Pháp nêu ra những đường lối chủ đạo trong chính sách quốc phòng Nhật : ưu tiên tăng cường an ninh quanh Senkaku/Điếu Ngư, duy trì liên minh với Mỹ và giữ ổn định khu vực.
    Ông Shinzo Abe đã viếng thăm chính thức nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á trong hai năm 2013 và 2014. Bên cạnh viễn tượng kinh tế, ông còn tranh thủ đề cập đến các vấn đề chiến lược, trong khuôn khổ chính sách « chuỗi kim cương an ninh » (Nhật Bản, Hawai, Ấn Độ, Úc), nhằm bảo vệ vùng biển trải dài từ Tây Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Tokyo cũng ủng hộ sáng kiến thành lập một tổ chức về an ninh của ASEAN.
    Hai nhà nghiên cứu Edouard Pflimlin và Yann Rozec phân tích, ngoài người bạn lớn Hoa Kỳ, các đối tác quan trọng của Nhật có thể kể : Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Nga và ASEAN.
    Nhật Bản và Hàn Quốc có lực lượng Hải quân gần như tương đồng. Úc dù ở xa hơn nhưng thường tập trận chung với Nhật-Mỹ, và các tàu ngầm do Nhật sản xuất có kỹ thuật cao, thích hợp với nhu cầu hoạt động trên đại dương của Úc. Ân Độ - quốc gia nằm ở trung tâm các tuyến đường nối Nhật với Trung Đông và châu Phi - thì đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản từ năm 2000. Nhật-Ấn cũng đã tập trận Hải quân chung ở vịnh Sagami năm 2012. Nga là « đồng minh » bất ngờ nhất : dù tranh chấp quần đảo Kouril nhưng từ cuối 2013 đã thỏa thuận tập trận Hải quân với Nhật chống khủng bố và hải tặc.
    Cuối cùng, Tokyo siết chặt thêm mối quan hệ với ASEAN vốn có cùng mối quan ngại trước Bắc Kinh. Không phải trên lãnh vực quân sự , vì ASEAN không có quân đội mạnh. Với sức mạnh kinh tế, Nhật dễ dàng tạo ảnh hưởng trong quan hệ song phương với từng nước về mặt an ninh.
    « Ngoại giao quốc phòng » với ASEAN : Nhật sẽ vói sang Biển Đông ?
    Những năm gần đây, Tokyo đã triển khai chính sách « ngoại giao quốc phòng » ngoạn mục. Bên cạnh viện trợ phát triển ODA, từ năm 2012 Nhật tiến hành chương trình hỗ trợ quân sự, giúp tăng cường khả năng phòng vệ trên biển của các nước châu Á. Chẳng hạn việc Tokyo cung cấp các tàu tuần duyên cho Việt Nam và Philippines.
    Việt Nam, hết sức lo ngại trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tìm kiếm một đối trọng qua việc đa dạng hóa đối tác. Tokyo có thể hợp tác song phương với Hà Nội trong lãnh vực gỡ mìn, huấn luyện nhân viên và kỹ thuật quân sự.
    Đối với Philippines, quốc gia cũng bị Trung Quốc chèn ép trong tranh chấp lãnh thổ, trận bão dữ dội tàn phá nước này năm 2013 là cơ hội để Tokyo biểu dương sức mạnh Hải quân, tạo hình ảnh tích cực trước cộng đồng quốc tế. Nhật huy động đến 1.200 quân, ba chiến hạm, mười phi cơ và sáu trực thăng đến giúp Manila, trong đó có khu trục hạm chở trực thăng Ise, một trong những chiến hạm lớn của Lực lượng phòng vệ Nhật.
    Cuộc tập trận Hải quân Kakadu năm 2012, tập trận tàu ngầm Pacific Reach 2013 cũng giúp tăng cường hỗ trợ giữa Hải quân Nhật với các nước trong khu vực.
    Hai tác giả Pflimlin và Rozec nhận định, chính sách phát triển đối tác chiến lược của Nhật không tạo nên một liên minh cổ điển, mà là một phức hợp đa dạng, với mục tiêu cuối cùng là kiến tạo một mặt trận chung, đối đầu với Trung Quốc – mà theo cách gọi của nhà nghiên cứu Céline Pajon của Viện IFRI, đó là một kiểu « liên minh các quốc gia ven biển ».
    Và như vậy, chưa hết bực tức trước việc Hoa Kỳ khẳng định vai trò « cường quốc châu Á-Thái Bình Dương » để ngáng chân ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh vẫn coi như ao nhà của mình, nay nếu lực lượng Hải quân Nhật không còn tự giới hạn ở Biển Hoa Đông, « giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình có vẻ còn gặp nhiều trắc trở trong thời gian tới. Ít nhất là trong lúc « diều hâu » Shinzo Abe còn tại vị.

    Cùng chủ đề
    • NHẬT-TRUNG

      Nhật Bản : Phục hưng để đối phó với Trung Quốc
    • MỸ - TRUNG

      Căng thẳng trên Biển Hoa Đông: Mỹ muốn Trung Quốc lập "đường dây nóng"
    • TRUNG QUỐC - BIỂN HOA ĐÔNG

      Trung Quốc đưa giàn khoan Khải Hoàn 1 đến biển Hoa Đông
    • NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

      Biển Đông : Nhật sẵn sàng yểm trợ Đông Nam Á đối phó với Trung Quốc
    • NHẬT BẢN

      Senkaku: Nhật tăng gấp đôi ngân sách để tuần tra
    • NHẬT - TRUNG

      Bắc Kinh cho rằng việc Tokyo đặt tên các đảo ở Biển Hoa Đông là « trò cười »
    • LIÊN HIỆP QUỐC - ĐÔNG BẮC Á

      Nhật nhờ LHQ phân giải về "vùng phòng không" Trung Quốc
    • NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

      Nhật–Trung đấu khẩu về "chiến tranh và hòa bình"
    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.               
      http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150507-bien-dong-hai-quan-nhat-se-chia-se-ganh-nang-voi-my-de-doi-pho-voi-trung-quoc
       

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten