woensdag 7 juni 2017

Montenegro gia nhập NATO : Nga dọa trả đũa + NATO tăng quân ở phía đông châu Âu, sát biên giới Nga

Montenegro gia nhập NATO : Nga dọa trả đũa

mediaPhó tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) tiếp thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tại Washington ngày 05/06/2017.REUTERS/Joshua Roberts
Ngày 05/06/2017, Montenegro chính thức trở thành thành viên thứ 29 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, bất chấp việc Nga đe dọa trả đũa.
Reuters cho biết thủ tướng Montenegro Dusko Markovic đã dự buổi lễ chào mừng sự kiện trên tại Washington, với sự có mặt của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Bộ Ngoại Giao Mỹ hoan nghênh Montenegro, vì nước này đã quyết tâm “thực hiện quyền lựa chọn các liên minh cho riêng mình bất chấp việc các nước khác hợp lực nhằm gây sức ép”.
Với 620.000 dân, Montenegro là một trong những thành viên nhỏ nhất của NATO, nhưng sự gia nhập của nước này cho phép NATO từ nay có thể kiểm soát được toàn bộ khu vực ven biển Bắc Địa Trung Hải, từ eo biển Gibraltar cho tới biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Vì thế, việc Montenegro gia nhập NATO đã khiến Matxcơva tức giận.
Điện Kremlin chỉ trích chính phủ Montenegro đi theo “con đường thù địch”. Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nói Matxcơva có quyền trả đũa trên cơ sở có đi, có lại.
Hồi tháng 04/2017, Matxcơva đánh giá việc quốc gia thành viên của Nam Tư cũ gia nhập Liên Minh “phản ánh đường lối đối đầu ở châu Âu, tạo ra các giới tuyến mới”.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170606-montenegro-gia-nhap-nato-nga-doa-tra-dua

NATO hoan nghênh kế hoạch tăng quân ở phía đông châu Âu, sát biên giới Nga

mediaCuộc họp của các bộ trưởng Quốc Phòng thành viên NATO ở Bruxelles, ngày 26/10/2016.REUTERS/Francois Lenoir
Kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng Quốc Phòng NATO tại Bruxelles ngày 26/10/2016, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg thông báo kế hoạch tăng gần 4000 quân tại ba nước trong vùng Baltic và Ba Lan được tiến hành trong nửa đầu năm 2017. Bốn đơn vị sắp được triển khai được đặt dưới sự điều hành của Canada, Đức, Anh và Mỹ.
Cuộc họp tại Bruxelles mở ra trong hai ngày 25 và 26/12/2016 tập trung vào nhiều hồ sơ lớn như can thiệp quân sự của Nga tại Syria, các phi vụ của không quân Nga thường xuyên xâm phạm không phận của các thành viên NATO và việc cụ thể hóa kế hoạch tăng quân ở sườn đông Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, sát cạnh biên giới Nga. Kế hoạch tăng quân liên quan đến Ba Lan và ba nước vùng Baltic gồm Latvia, Litva, Estonia. Dự án này đã được đề xuất vào năm ngoái tại thượng đỉnh Vacxava trong bối cảnh tháng 03/2014 Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée vào với Nga.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo chiều ngày hôm qua, tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh kế hoạch tăng quân của NATO không nhằm đối đầu với Nga. Từ thủ đô Bruxelles, thông tín viên Laxmi Lota tường trình :
« Tổng thư ký NATO khẳng định là ông không muốn để kịch bản chiến tranh lạnh tái diễn. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương không muốn đối đầu với Nga, nhưng phải có khả năng can thiệp nếu cần, vì NATO biết là nước Nga sẵn sàng dùng vũ lực chống các nước láng giềng như Ukraina hay Gruzia, cả hai cùng sát cạnh các thành viên khác của NATO. Dù vậy ông Stoltenberg nhắc lại, là ông luôn thiên về giải pháp đối thoại để giải quyết tranh chấp. NATO không gây ra xung đột, mà chỉ muốn tránh để xảy ra giao tranh. Đó là lý do vì sao, NATO phải có đường lối "mạnh mẽ, đoàn kết và cứng rắn".
Jens Stoltenberg xác định kế hoạch tăng quân tại sườn phía đông NATO : khoảng 4.000 lính sẽ được điều đến Latvia, Litva, Estonia và Ba Lan vào năm tới và việc tăng quân nói trên sẽ kết thúc vào mùa hè 2017.
Quyết định tăng cường khả năng phòng thủ tại ba nước trong vùng Baltic và Ba Lan được đưa ra vào lúc quan hệ giữa NATO và Nga đang căng thẳng vì hồ sơ Syria. Hơn nữa trong thời gian gần đây, không phận và hải phận của châu Âu liên tục bị quân đội Nga xâm phạm. Việc Matxcơva chiếm bán đảo Crimée khiến nhiều thành viên NATO ở Trung và Đông Âu lo ngại và số này đã được toại nguyện với việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tăng quân ở sườn phía đông ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161027-tong-thu-ky-nato-hoan-nghenh-ke-hoach-tang-quan-o-suon-phia-dong-chau-au-sat-bien-g

Nga và NATO nối lại đối thoại dù vẫn nghi kỵ lẫn nhau

mediaTổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội đồng NATO - Nga ở Bruxelles ngày 20/04/2016.Reuters
Đại sứ 28 quốc gia Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO họp lại hôm nay, 20/04/2016, tại Bruxelles cùng với đồng nhiệm Nga. Đây là cuộc họp đầu tiên với Nga từ 2 năm qua, lần cuối cùng là vào tháng 6/2014, ba tháng sau khi Nga sát nhập Crimée.Từ đó NATO đã đình chỉ các kế hoạch hợp tác với Nga, và cả các cuộc thảo luận chính trị và ngoại giao.
Thông tín viên RFI Pierre Bénazet phân tích từ Bruxelles:
« Cho dù việc nối lại đối thoại chủ yếu có ý nghĩa tượng trưng, những hồ sơ đặt trên bàn của 29 nhà ngoại giao khá nhiều, ví dụ như tình hình Afghanistan hay Ukraina mà việc thực thi hiệp ước ký kết ở Minsk và tôn trọng ngưng bắn là một trong những yêu cầu chính của NATO.
Về phía Nga, thủ tướng Dmitri Medvedev đã lấy làm tiếc là « NATO có chính sách không thân thiện đối với Nga ». Matxcơva cũng có nhiều mong đợi, đặc biệt là trên vấn đề Liên Minh tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới Nga.
Cùng với ngôn từ chẳng khác gì thời Chiến Tranh Lạnh trước đây, NATO đã bố trí điều được họ gọi là một « sự hiện diện tiền phương » ở Đông Âu, với các sư đoàn thiết giáp Mỹ được triển khai trở lại, cùng với trang thiết bị và vũ khi được lưu trữ tại các quốc gia trước đây thuộc khối hiệp ước Vacxava.
Ngoài ra còn có những vụ ngăn chặn lẫn nhau giữa máy bay và chiến hạm của NATO với phi cơ và tầu ngầm Nga, những vụ « suýt va chạm » ngày càng nhiều, khiến cho các nước phương Tây, chỉ có cách là mở lại các kênh ngoại giao và quân sự với Matxcơva để giảm thiểu rủi ro. »
Nga : « Sự tin tưởng lẫn nhau đã mất đi »
Theo giới quan sát, Nga đã nối lại đối thoại với NATO cũng không ngoài mục tiêu giảm thiểu rủi ro, trong bối cảnh điện Kremlin cho rằng « sự nghi kỵ giữa hai bên đã trở thành tuyệt đối ».
Theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Matxcơva, trong cuộc gặp gỡ tại Matxcơva, các ngoại trưởng Pháp và Nga đã hoan nghênh việc nối lại đối thoại Nga-NATO. Đối với ngoại trưởng Nga, điều quan trọng là phải bàn đến vấn đề chống khủng bố chứ không phải chỉ về Ukraina.
Nhưng đối với Matxcơva, điểm chủ yếu không phải ở đấy. Phát ngôn viên điện Kremlin đã nhấn mạnh là sự hiện diện quân sự của NATO ở vùng biên giới đe doa an ninh của Nga. Trong những điều kiện đó, Matxcơva đánh giá là đối thoại Nga-NATO sẽ không dễ dàng. Theo ông Dmitri Peskov : « Lòng tin đã bị phá hủy và sẽ rất khó khôi phục… Hai bên đang trong tình trạng nghi kỵ tuyệt đối. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160420-nga-va-nato-noi-lai-doi-thoai-du-van-nghi-ky-lan-nhau

Geen opmerkingen:

Een reactie posten