donderdag 8 juni 2017

Châu Âu dự định lập quỹ quốc phòng chung sau đòi hỏi của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Châu Âu dự định lập quỹ quốc phòng chung

mediaChiến đấu cơ Rafale của Pháp.Crédit: Etat-major des armées / armée de l'air
Ủy Ban Châu Âu hôm nay 07/06/2017 công bố đề nghị chi tiết về một quỹ tài trợ cho quốc phòng của châu lục, trong bối cảnh thích hợp hơn bao giờ hết trước việc Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) và mối nghi ngờ về những cam kết của đồng minh Hoa Kỳ.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker muốn EU có được sự « tự chủ chiến lược » về quốc phòng, chủ yếu thông qua một chính sách kỹ nghệ chung dựa trên nguồn tài trợ mà hiện nay đang rất cần. Quỹ quốc phòng này một phần được dành cho nghiên cứu công nghệ mới, phần khác dùng để mua chung các trang thiết bị.
Chương trình tài trợ nghiên cứu nhắm vào lãnh vực điện tử, các phần mềm mã hóa và tự động hóa. Theo dự thảo được tiết lộ cuối năm ngoái, thì ngân sách hàng năm kể từ 2020 là khoảng 500 triệu euro.
Chương trình thứ hai dự kiến mỗi năm huy động khoảng 5 tỉ euro, nhờ đó các nước châu Âu có thể mua được công nghệ máy bay không người lái, đặt mua trực thăng với số lượng lớn để có được giá rẻ hơn. Theo Ủy Ban Châu Âu, do thiếu hợp tác giữa các nước thành viên, lâu nay mỗi năm Liên Hiệp Châu Âu lãng phí từ 25 đến 100 tỉ euro.
Đề nghị về quỹ quốc phòng châu Âu được đưa ra chiều nay, cùng với một tài liệu bao quát hơn về tương lai quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu đến năm 2025 để cùng bàn bạc.
Sự ra đi của Anh quốc, vốn luôn phản đối mọi ý kiến về chính sách quốc phòng chung cho châu Âu, là một thuận lợi. Bên cạnh đó là thái độ mập mờ của Hoa Kỳ : tổng thống Donald Trump đòi hỏi Liên Hiệp Châu Âu phải chi nhiều hơn cho quốc phòng, nhưng lại không nhắc đến điều 5 trong hiệp ước NATO, quy định sẽ hỗ trợ trong trường hợp một nước đồng minh bị tấn công.
AFP dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu nhận định, đây là thời điểm lịch sử vì cách đây vài năm không thể nào hình dung được một sự đồng thuận về chiến lược quốc phòng châu Âu, và khả năng tài trợ các hoạt động quân sự từ ngân sách Liên Hiệp Châu Âu. Nay thì các cấm kỵ đã được dỡ bỏ, nhưng vấn đề chính là thiếu thốn nguồn tài trợ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170607-chau-au-du-dinh-lap-quy-quoc-phong-chung

Thông điệp cứng rắn của Mỹ gởi châu Âu : Chi nhiều hơn cho quốc phòng

mediaTổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái ) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ( phải ) tại Bruxelles ngày 31/03/2017.EMMANUEL DUNAND / AFP
Tại hội nghị đầu tiên của ông với các đồng nhiệm còn lại trong khối NATO vào hôm nay, 31/03/2017, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã nhấn mạnh đến nhu cầu của Liên Minh là phải có đủ « nguồn lực, tài chánh cũng như những phương tiện khác », để có thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Dấu nhấn đặt trên từ tài chánh chính là thông điệp quan trọng cứng rắn của Mỹ gởi châu Âu: Chi nhiều hơn cho quốc phòng và tối thiểu là thực hiện cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự.
Tại Bruxelles, trước mặt ngoại trưởng của 27 thành viên còn lại trong NATO, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã tuyên bố : « Các đồng minh nào chưa có chương trình cụ thể để dành 2% GDP cho quốc phòng từ nay cho đến năm 2024 phải đưa ra kế hoạch ngay từ bây giờ. Còn những ai đã có chương trình, thì cần phải đẩy mạnh nỗ lực của mình và tạo ra kết quả ».
Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters, tuyên bố này của ông Tillerson giống như một lời đe dọa, theo đó Hoa Kỳ sẽ chỉ yểm trợ về quân sự cho quốc gia thành viên nào tôn trọng cam kết chung là có một ngân sách quốc phòng tương đương với 2% GDP của họ.
Phải nói là yêu cầu của Mỹ có phần hợp lý, vì lẽ cho đến nay, trong 28 quốc gia khối NATO, Hoa Kỳ là nước phải gánh vác đến 68% tổng chi phí quốc phòng của toàn khối.
Trong nhiều năm qua, và dĩ nhiên là ngay cả trước khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Washington, chính phủ Mỹ vẫn luôn luôn phàn nàn về sự mất cân đối trong việc chi phí cho cơ cấu chung là NATO, với Hoa Kỳ phải gánh vác một phần quá nặng so với các đồng minh châu Âu. Yêu cầu 2% GDP mà ông Tillerson nêu bật cũng chính là đòi hỏi của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm.
Trước sự thúc ép của Mỹ, nhân một hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (Vương Quốc Anh) vào năm 2014, các nước châu Âu đã cam kết đạt được mục tiêu này trong thời hạn 10 năm. Thế nhưn,g tính đến năm ngoái 2016, chỉ có 4 quốc gia châu Âu là đạt yêu cầu : Hy Lạp, 2,38%, Anh Quốc, 2,21%, Estonia, 2,16%, và Ba Lan, 2%.
Trong số các nước còn lại chưa đạt yêu cầu, Pháp đứng đầu danh sách với 1,78%, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 1,56%, kế đến là Na Uy, 1,54%. Nước Đức, cường quốc châu Âu cũng chỉ dành 1,19% GDP của mình cho quốc phòng.
Việc châu Âu chi phí ít cho quốc phòng phải chăng đã có một hệ quả trông thấy : NATO hầu như phải dựa hoàn toàn vào Mỹ trong các lãnh vực như phương tiện tình báo, giám sát, do thám, cũng như khi cần chuyển quân nhanh chóng, tiếp liệu trên không. Bên cạnh đó, châu Âu cũng phải dựa vào Hoa Kỳ trong lãnh vực chống tên lửa đạn đạo hay tiến hành chiến tranh điện tử trên không.
Trước những lời chỉ trích hợp lý của Mỹ, các nước châu Âu đã cố bổ khuyết. Trong cuộc họp báo ngày 30/03, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ghi nhận rằng riêng trong năm ngoái, ngân sách quốc phòng các nước châu Âu đã tăng bình quân 3,8%. Ngoài ra, NATO cũng đang nghĩ đến phương án buộc tất cả các nước thành viên thông qua những « kế hoạch quốc gia » mang tính chất ràng buộc để tăng đầu tư quân sự.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170331-thong-diep-cung-ran-cua-my-goi-chau-au-chi-nhieu-hon-cho-quoc-phong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten