vrijdag 16 juni 2017

Trung Quốc, cường quốc... không bạn bè

Trung Quốc, cường quốc không bạn bè

media
Làm thế nào cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ, khi Trung Quốc không hề có đồng minh ?REUTERS/Tyrone Siu
Nhà nghiên cứu địa chính trị Brahma Chellaney trong bài viết « Một cường quốc mới nổi không hề có đồng minh » trên Japan Times ngày 06/03/2017 đã nhận định, càng tăng cường thêm sức mạnh, thì Trung Quốc lại càng khó có được những đồng minh thực sự. Điều này chứng tỏ vai trò lãnh đạo đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn là chỉ bằng vũ lực thô bạo.
Tác giả nêu ra sự tương phản với mạng lưới đồng minh và đối tác rộng rãi mà Hoa Kỳ duy trì tại châu Á-Thái Bình Dương và những khu vực khác. Sự xuống cấp trong mối quan hệ đặc biệt với Bắc Triều Tiên, nước chư hầu trước đây, đã minh họa cho tình thế khó khăn của Bắc Kinh.
Năm ngoái, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương đã nói : « Chúng tôi có các đồng minh, bạn bè và đối tác mà Trung Quốc không có được ». Còn bộ trưởng Quốc phòng Ashton Caster nhấn mạnh, Bắc Kinh « đang dựng lên một bức tường lớn để tự cô lập ».
Cô đơn khi hục hặc với « nước anh em » Bắc Triều Tiên
Quan hệ nhanh chóng xấu đi giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng – vốn sở hữu trữ lượng lớn quặng sắt, than đá, magnesit, than chì, đồng, kẽm và các khoáng vật khác – chắc chắn càng làm tăng lên cảm giác cô độc của Trung Quốc.
Mới đây khi tố cáo Trung Quốc có « thái độ nghiệt ngã »« múa may theo Mỹ », Bình Nhưỡng đã làm rõ không chỉ sự rạn nứt trầm trọng trong quan hệ với người láng giềng khổng lồ, mà cả thực tế hiện nay Bắc Kinh chỉ còn duy nhất một đồng minh thực sự là Pakistan. Theo tác giả, cho dù đang là công cụ hữu ích cho Trung Quốc để kìm hãm Ấn Độ, Pakistan vẫn là một đồng minh đáng ngờ - trong bối cảnh rộng hơn.
Sự rạn nứt giữa Trung Quốc – Bắc Triều Tiên diễn ra sau khi ảnh hưởng của Bắc Kinh lên Miến Điện đã yếu hẳn đi. Miến Điện cũng là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, từ dầu khí cho đến ngọc bích, gỗ. Ngày nay, quan hệ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang ở mức thấp nhất từ khi quốc gia Bắc Triều Tiên được thành lập năm 1948.

Cái chết của Kim Jong Nam : Đòn nặng cho Trung Quốc
Vụ hạ độc làm chết người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un là ông Kim Jong Nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, là một đòn nặng cho Trung Quốc. Bắc Kinh coi Kim Jong Nam – một tay chơi có dinh cơ ở Macao và Bắc Kinh – là một quân cờ chủ chốt để đối phó với nhà độc tài Bắc Triều Tiên.
Cụ thể hơn, quan hệ được Trung Quốc khoe là « máu mủ » với Bắc Triều Tiên đã xấu hẳn đi từ lúc Kim Jong Un lên nắm quyền sau khi Kim Jong Il qua đời tháng 12/2011. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi ở Bình Nhưỡng cố chứng tỏ không phải là chư hầu của Trung Quốc, kể cả việc nhen nhóm lại chủ thuyết Juche (tức thuyết Chủ Thể : tự cung tự cấp, tự chủ về chính trị và quân sự, xã hội không giai cấp). Kim Jong Un thách thức Trung Quốc qua nhiều vụ thử nguyên tử và hỏa tiễn, cho thấy ý hướng muốn thoát khỏi móng vuốt của Bắc Kinh thông qua mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ - một lời mời gọi không được Washington lắng nghe.
Cái chết của Kim Jong Nam, chắc chắn là một đòn không chỉ đối với Trung Quốc mà cả với Hàn Quốc và Hoa Kỳ, vốn khai thác những tin tức mà ông này cung cấp được về nội tình của chế độ độc tài Bình Nhưỡng. Ba quốc gia này, ý thức được tầm quan trọng của dòng họ nhà Kim ở Bắc Triều Tiên, đã chăm chút Kim Jong Nam như một nhân vật có tiềm năng thay thế người em cùng cha khác mẹ đang nắm quyền. Theo tác giả Brahma Chellaney, thế nên nhà độc tài Bình Nhưỡng có lý do để trừ khử Kim Jong Nam.
Trước đó vào năm 2013, Bình Nhưỡng đã hành quyết người bạn quý giá nhất của Trung Quốc trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Triều Tiên là ông Jang Song Thaek, tướng bốn sao vốn là chú dượng của Kim Jong Un. Ông Jang, người cố vấn của Kim Jong Nam và là đầu mối chính trong quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng, bị chế độ cáo buộc đã lạm dụng quyền lực để ưu đãi Trung Quốc, nhất là bán rẻ tài nguyên như than đá, đất đai và kim loại quý.

« Thoát Trung » và yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh
Nhưng Kim Jong Un, 33 tuổi, nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới và Tập Cận Bình, lớn tuổi gấp đôi, đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. Khi Tập Cận Bình viếng thăm chính thức Hàn Quốc giữa năm 2014, ông ta đã lật đổ truyền thống từ nhiều thập kỷ qua, theo đó các lãnh đạo Trung Quốc luôn công du Bắc Triều Tiên đầu tiên. Ông Tập vẫn chưa đi thăm Bình Nhưỡng, cũng như Kim Jong Un từ chối đến Bắc Kinh. Trong khi đó ông nội và cha của Kim Jong Un vốn luôn tỏ ra ngoan ngoãn trước thiên triều : Kim Il Sung, nhà lập quốc đã thăm Trung Quốc đến 37 lần, còn người con kế nhiệm Kim Jong Il viếng thăm Bắc Kinh 9 lần.
Nỗ lực của nhà lãnh đạo trẻ nhằm vạch ra một hướng đi độc lập đã khiến báo chí nhà nước Trung Quốc tung ra cả một chiến dịch tuyên truyền chống lại Kim Jong Un, tố cáo ông này tiếp tục chính sách « thoát Trung » và tìm cách tháo gỡ những bế tắc trong quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Dù rất bực tức, nhưng Trung Quốc không có nhiều chọn lựa để đối phó với chế độ Kim Jong Un. Bắc Kinh không hề muốn Nhà nước Bắc Triều Tiên bị tan rã – một kịch bản sẽ dẫn đến việc Triều Tiên thống nhất, trở thành đồng minh của Hoa Kỳ. Triển vọng quân đội Hoa Kỳ hiện diện ở gần biên giới là cơn ác mộng của Trung Quốc. Đó là lý do khiến Bắc Kinh can thiệp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, khi quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 và có thể tiến về biên giới Trung Quốc.
Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc vẫn coi bán đảo Triều Tiên là gót chân Achille của mình về mặt chiến lược. Triều Tiên có thể là con đường thuận tiện cho các cường quốc nước ngoài xâm lăng, hay đóng vai trò đầu cầu cho việc tấn công Trung Quốc.
Hiện nay Trung Quốc đang có những tranh chấp về lãnh thổ và tài nguyên với Bắc Triều Tiên, mà một nước Triều Tiên thống nhất sẽ kế thừa và đấu tranh. Trung tâm của tranh chấp lãnh thổ là Chonji, miệng núi lửa trên đỉnh Paektu (nơi mà 33 kilomet chiều dài dọc theo biên giới Trung-Triều vẫn chưa được giải quyết xong), và một số hòn đảo nằm giữa hai dòng sông biên giới Áp Lục (Yalu) và Đồ Môn (Tumen).
Để chứng tỏ vấn đề biên giới với Bắc Triều Tiên vẫn chưa ngã ngũ, Trung Quốc đưa ra yêu sách lịch sử đã sửa đổi, rằng vương quốc Koguryo – được thành lập trên lưu vực sông Tongge ở miền bắc bán đảo Triều Tiên – là thuộc về Trung Quốc chứ không phải Triều Tiên như các nhà sử học quốc tế vẫn khẳng định. Năm 2012, một báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc « có thể đang tìm cách đặt nền móng cho yêu sách lãnh thổ tại bán đảo Triều Tiên trong tương lai ».

Lá bài Bình Nhưỡng mất giá
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc coi việc giữ nguyên trạng trên bán đảo Triều Tiên là có lợi nhất cho mình. Bắc Kinh có thể chấp nhận Triều Tiên thống nhất chỉ với điều kiện Trung Quốc có thể chi phối mạnh mẽ bán đảo này, có được những nhượng bộ thường xuyên về chiến lược.
Cho đến nay, hành động mạnh mẽ nhất của Trung Quốc chống lại Bắc Triều Tiên là việc ngưng nhập khẩu than đá gần đây, có thể cho là từ « hiệu ứng Trump ». Chính sách khó đoán định của tổng thống Mỹ Donald Trump, được phản ánh qua sự dao động về chủ trương « Một nước Trung Hoa », và thái độ cứng rắn hơn trước sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, đã khiến Trung Quốc phải có hành động để làm dịu bớt những chỉ trích của Hoa Kỳ, là đã không làm đúng mức để giúp áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng căng thẳng đang tăng cao giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cũng mang ý nghĩa là giá trị của lá bài Bắc Triều Tiên khi mặc cả với Hoa Kỳ có vẻ đã bị hao mòn. Trong nhiều năm, Washington đã giao phó vấn đề Bắc Triều Tiên cho Trung Quốc, đổi lại Mỹ nhiều lần nhượng bộ Bắc Kinh. Ngày nay, thay vì đóng vai trung gian tin cậy giữa Washington và Bình Nhưỡng, Trung Quốc lại bị Bắc Triều Tiên tỏ ra khinh khỉnh.
Tác giả bài viết nhận định, Bắc Kinh vẫn phải đánh vật với câu hỏi mang ý nghĩa bao trùm hơn, là liệu Trung Quốc có thể trở thành đối thủ ngang hàng với Hoa Kỳ, trong khi không có được bất kỳ một đồng minh nào ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170307-trung-quoc-cuong-quoc-khong-ban-be

Geen opmerkingen:

Een reactie posten