dinsdag 27 juni 2017

Hoa Kỳ : Tòa tối cao cho phép thực thi phần lớn lệnh cấm du hành của TT Trump + Số người tị nạn được nhận vào Mỹ giảm 50% còn 50,000 người

Tòa tối cao cho phép thực thi phần lớn lệnh cấm du hành của TT Trump


Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tại Washington, ngày 25/6/2017.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho hay sẽ xem xét sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về hạn chế du hành, và trong thời gian này phần lớn lệnh cấm đó có hiệu lực thực hiện.
Sắc lệnh hành pháp sửa đổi của Tổng thống Trump, thường được gọi là lệnh cấm du hành, tạm ngưng cho phép công dân của sáu nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày và ngưng chương trình của Mỹ nhận người tị nạn 120 ngày. Chính quyền của ông Trump giải thích rằng các bước này là cần thiết để sửa đổi hệ thống rà soát an ninh để bảo vệ an toàn cho đất nước trước những mối đe dọa từ bên ngoài.
Lệnh cấm du hành đã bị hai tòa án liên bang tại bang Hawaii và bang Maryland hạn chế thi hành. Phán quyết của hai tòa án này được các tòa phúc thẩm giữ nguyên hiệu lực.
Quan điểm của tòa án tối cao mang một sắc thái khác, cho phép lệnh cấm du hành tạm ngưng cho nhập cảnh đối với những người đến từ các nước Libya, Iran, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, và đình chỉ chương trình nhận người tị nạn.
Tuy nhiên các thẩm phán của tòa tối cao nói rằng lệnh cấm du hành sẽ không thực thi đối với “những người nước ngoài chứng minh có quan hệ thực thụ với một cá nhân hoặc một thực thể Mỹ.”
Tòa tối cao định nghĩa các quan hệ đó là: đối với với các nhân phải chứng minh được quan hệ gia đình, đối với học sinh phải được một trường đại học nhận, và đối với người lao động thì phải có bằng chứng được thuê mướn.
Tổng thống Trump nói rằng lệnh cấm du hành sẽ có hiệu lực trong vòng 72 giờ sau khi có phán quyết của tòa tối cao.
Trong thông báo hôm thứ Hai 27/6, Tổng thống Trump nói quyết định của Tối cao Pháp viện “là một thắng lợi rõ ràng.”
Ông Trump nói thêm rằng phán quyết của tòa giúp ông bảo vệ đất nước. Ông nói: “Là Tổng thống, tôi không thể cho phép những người nước ngoài muốn làm hại chúng ta vào đất nước của mình. Tôi chỉ muốn những người nào có thể yêu nước Mỹ, yêu người Mỹ và sẽ siêng năng làm việc và có hiệu quả.”
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho hay lệnh cấm du hành “sẽ được thực thi một cách chuyên nghiệp, với thông tin rõ ràng và đầy đủ cho công chúng, nhất là đối với những người có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, và trong sự phối hợp với các đối tác trong lãnh vực du hành.”
Tổng Chưởng lý bang Hawaii, ông Doug Chin nói rằng tổng thống được trông đợi sẽ bảo vệ biên cương đất nước, nhưng sắc lệnh được ban hành thiếu cơ sở hợp lý và mang tính ước đoán thiên lệch.”
Ông Chin nói: “Chúng tôi tin rằng tổng thống có quyền đặt anh ninh quốc gia lên trên, nhưng ông chỉ cần làm như vậy theo cách thức không phân biệt đối xử với con người chỉ vì quốc tịch của đất nước xuất xứ của họ hoặc tôn giáo của họ.”
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện theo dự trù sẽ xét xử vụ này trong năm nay, nhưng lưu ý rằng tòa chỉ xem xét vụ này nếu đó là một điểm tranh luận. Các biện pháp của sắc lệnh cấm này chỉ đưa ra một cách tạm thời trong lúc chính phủ rà soát lại hệ thống kiểm soát an ninh.
Ba trong số các thẩm phán bảo thủ nhất bất đồng về một số điểm. Thẩm phán Clarence Thomas, trong thông báo đại diện cho các Thẩm phán Neil Gorsuch và Samuel Alito, bày tỏ lo ngại về khả năng thực thi một phần sắc lệnh này.
Thẩm phán Thomas viết: “Tôi lo rằng quyết định của tòa sẽ cho thấy khó thực hiện được. Nó sẽ đặt ra gánh nặng lên vai giới chức thừa hành phải phân biệt những cá nhân nào từ sáu nước bị cấm muốn nhập cảnh Hoa Kỳ có quan hệ thực thụ với một cá nhân hoặc thực thể Mỹ.” Quyết định này sẽ gây ra “rất nhiều kiện tụng.”
Một phần của lệnh cấm du hành đối với sáu nước nêu trên đầu tiên đã bị Tòa Phúc thẩm khu vực 4 ở Richmond, Virginia, chặn lại với phán quyết rằng các tuyên bố và nhắn tin Twitter của ông Trump cho thấy đây là lệnh cấm đối với người Hồi giáo.
Tòa Phúc thẩm khu vực 9 sau đó đã chặn cả lệnh cấm du hành đối với 6 nước lẫn lệnh tạm ngưng chương trình nhận người tị nạn; nhưng tòa này dựa vào quy chế luật pháp, và nói rằng Tổng thống Trump đã vượt quá quyền hạn của ông.
Các nhóm tranh đấu cho dân quyền và ủng hộ di dân phản đối lệnh cấm du hành và xem đó là một sự phân biệt đối xử với người Hồi giáo trái với hiếp pháp.
Trong cuộc hội luận điện thoại, bà Becca Heller, giám đốc Dự án Trợ giúp Người tị nạn quốc tế, nói rằng những đối tượng có phần chắc bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này là những người xin visa du lịch vào Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-toi-cao-cho-phep-thuc-thi-phan-lon-lenh-cam-du-hanh-cua-tt-trump/3917921.html

Số người tị nạn được nhận vào Mỹ giảm 50% dưới thời TT Trump

(Hình minh họa: Delil Souleiman/AFP/Getty Images)
WASHINGTON, DC (NV) – Số người tị nạn được nhận vào Mỹ trong ba tháng đầu tiên của chính phủ Trump so với ba tháng cuối của chính phủ Obama giảm khoảng một nửa, theo các con số do Bộ Nội An công bố hôm Thứ Sáu.
Bản tin của Fox News cho hay theo các số liệu thống kê thì có 13,000 người tị nạn được nhận vào Mỹ trong ba tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump, so với 25,000 thời ông Obama.
Những quốc gia có nhiều người được nhận vào Mỹ nhất không thay đổi, gồm các quốc gia như Cộng Hòa Congo, Syria, Iraq, Somalia, và Miến Điện.
Chính phủ Obama đặt ra mức nhận tối đa mỗi năm là 110,000 người tị nạn mỗi năm.
Tổng Thống Donald Trump giảm con số này xuống còn 50,000 người cho năm nay.
Quốc Hội chỉ cung cấp ngân khoản đủ cho 75,000 người trong tài khóa này.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ cho hay hiện tái định cư khoảng 900 người đến Mỹ mỗi tuần, để phù hợp với ngân sách đó, bản tin Fox News cho biết.
Hiện có khoảng hơn 63 triệu người tị nạn trên toàn thế giới, theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. (V.Giang)

http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/nguoi-ti-nan-duoc-nhan-vao-giam-50-duoi-thoi-tt-trump/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten