maandag 3 april 2017

Chủ bài mới của Mỹ tại Biển Đông: Hạm Đội 3 + Philippines : Tầu khu trục Mỹ đến Subic khẳng định lịch sử quan hệ đối tác

Mỹ điều thêm 2 khu trục hạm đến tuần tra Biển Đông

mediaKhu trục hạm Mỹ USS Decatur. Ảnh minh họa(@US Navy)
Trước lúc hai lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau tại Florida, hai khu trục hạm thuộc Hạm Đội 3 của Hải Quân Mỹ đã rời cảng San Diego hôm 31/03/2017, trực chỉ khu vực Biển Đông. Hai chiến hạm này sẽ tăng cường cho nhóm tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, cũng thuộc Hạm Đội 3, đang hoạt động trong vùng.
Theo ghi nhận của nhật báo San Diego Union Tribune tại cảng San Diego (California, Hoa Kỳ), nơi Hạm Đội 3 đặt tổng hành dinh, hai chiếc tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Dewey đã được phái qua hoạt động trong vòng 4 tháng tại khu vực tây Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng Biển Đông.
Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, khi đến nơi, hai khu trục hạm này có thể phối hợp hoạt động với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson thuộc Hạm Đội 3, vốn đã được được điều đến hoạt động trong vùng từ tháng Hai vừa qua.
Tờ báo đặc biệt nhắc lại rằng, thông thường, trong sáu thập kỷ qua, khu vực phía tây Thái Bình Dương thuộc quyền quản lý của Hạm Đội 7, trong lúc Hạm Đội 3 phụ trách phần phía đông. Nếu tàu của Hạm Đội 3 vượt qua lằn ranh phân chia hai khu vực, thì lập tức quyền điều động các chiến hạm này được trao cho Hạm Đội 7.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, Hải Quân Mỹ đã bắt đầu áp dụng chiến thuật mới, cho phép tàu của Hạm Đội 3 khi hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương, vẫn tiếp tục nằm dưới quyền chỉ huy của bộ tư lệnh hạm đội đặt tại San Diego. Quy định mới này cho phép Mỹ tăng cường sức mạnh Hải Quân trong vùng vì có thể phối hợp uy lực của cả hai Hạm Đội 3 và 7 nhằm đối phó với Trung Quốc khi cần thiết.
Ngay từ năm 2016, Hạm Đội 3 đã từng phái tàu đến hoạt động ở Biển Đông, cụ thể là chiếc khu trục hạm USS Decatur đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170403-ham-doi-3-hoa-ky-khu-truc-ham-bien-dong

Chủ bài mới của Mỹ tại Biển Đông: Hạm Đội 3

media
Hàng không mẫu hạm Mỹ Carl Vinson ở Biển Đông ngày 03/03/2017.Reuters
Từ ngày 18/02/2017, lần đầu tiên từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, Hạm Đội 3 của Mỹ đã phái một hải đội đến tuần tra tại Biển Đông, một khu vực trên nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Hạm Đội 7. Theo các nhà quan sát, động thái chưa từng thấy này là dấu hiệu phản ánh một cách tiếp cận cứng rắn hơn của Washington trước các hành vi coi thường luật lệ quốc tế của Bắc Kinh trong vùng. Và sắp tới đây, sẽ có thêm nhiều động thái khác từ phía Mỹ.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP ngày 06/03, hải đội tác chiến của tàu sân bay USS Carl Vinson, đang có mặt ở vùng Biển Đông, chỉ là một trong những hoạt động nhằm phô trương uy lực của Hải Quân Mỹ vào lúc chính quyền Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp vừa để trấn an các đồng minh trong khu vực, vừa để đáp trả một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Dụng ý phô trương uy lực được thấy rõ qua việc ngày 03/03 vừa qua, Hải Quân Mỹ đã tổ chức cho phóng viên báo chí lên tham quan hàng không mẫu hạm Carl Vinson khi chiếc tàu này đang tuần tra trên một khu vực của Biển Đông nằm giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh đã chiếm lấy từ tay Philippines vào năm 2012.
Nhóm tàu sân bay Carl Vinson nhận lệnh trực tiếp từ Hạm Đội 3
Phát biểu nhân dịp đó, chuẩn đô đốc James Kilby, chỉ huy trưởng hải đội tác chiến tàu sân sân bay Carl Vinson khẳng định : « Chúng tôi đã hoạt động ở đây trong quá khứ, chúng tôi sẽ hoạt động tại đây trong tương lai và sẽ tiếp tục trấn an các đồng minh của chúng tôi ». Theo ông Kilby, Mỹ sẽ « tiếp tục cho thấy rằng vùng biển quốc tế là nơi mà bất kỳ ai cũng được quyền tự do lưu thông và giao thương ».
Sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông không phải là điều mới lạ. Cái mới là ở chỗ hải đội tác chiến của chiếc Carl Vinson nhận lệnh trực tiếp từ bộ chỉ huy Hạm Đội 3 đặt tại San Diego, tiểu bang California (Hoa Kỳ). Nhật báo Mỹ San Diego Union Tribune ngày 01/03 đã trích lời chuẩn đô đốc Kilby xác nhận rằng đích thân phó đô đốc Nora Tyson, tư lệnh Hạm Đội 3 hoặc là ban chỉ huy hạm đội luôn theo dõi hoạt động của hải đội Carl Vinson 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Với hai Hạm Đội 3 và 7 cùng có mặt trên hiện trường, có thể nói là uy lực của Hải Quân Mỹ trong vùng Biển Đông đã được tăng cường đáng kể. Và đà tăng cường sẽ được tiếp tục.

Hải đội Carl Vinson sắp được tăng cường thêm hai khu trục hạm
Hiện thời, chiếc tàu sân bay Carl Vinson chỉ có ba chiến hạm hộ tống : tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường Lake Champlain và hai tàu khu trục cũng mang tên lửa dẫn đường Wayne E. Meyer và Michael Murphy. Tuy nhiên, theo tiết lộ của báo San Diego Union Tribune, vào cuối mùa hè này, sẽ có thêm hai khu trục hạm rời căn cứ ở San Diego để qua khu vực Tây Thái Bình Dương gia nhập nhóm tác chiến của chiếc Carl Vinson.
Trong khi chờ đợi, tư lệnh Hạm Đội 3 đã có kế hoạch cho hải đội của hàng không mẫu hạm Carl Vinson tiến hành hai cuộc tuần tra Biển Đông khác trong vòng 3 tháng tới đây.
Nhận xét chung về các động thái phô trương uy lực của Hải Quân Mỹ trong vùng Biển Đông gần đây, hãng AP đã nêu bật sự kiện tàu cận chiến duyên hải USS Coronado, đã đến đặt căn cứ tại Singapore và đã bắt đầu một chuyến tuần tra Biển Đông mới vào tuần trước.
Bên cạnh đó, Hải Quân Mỹ cũng cho tàu vận tải đổ bộ USS Green Bay tiến hành các hoạt động thường nhật ở Biển Đông sau khi tham gia tập trận ở Vịnh Thái Lan.
Một cách kín đáo hơn, theo hãng truyền thông Mỹ NBC News, các báo cáo lưu hành nội bộ trong quân đội Mỹ đã cho biết là ba chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ - USS Alexandria, USS Chicago và USS Louisville - đã được triển khai tại khu vực Tây Thái Bình Dương vào tháng hai và ít nhất một chiếc đã vào tiến vào Biển Đông.
Với lực lượng được tăng cường như vậy, phải chăng Hải Quân Mỹ sắp tung ra những chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông để thách thức Trung Quốc ? Hoa Kỳ đã thách thức Bắc Kinh bốn lần từ năm 2015 bằng cách cho chiến hạm áp sát các thực thể do Trung Quốc nắm giữ ở vùng biển tranh chấp.
Nhiều chuyên gia đã cho rằng các hoạt động đó dưới thời chính quyền Obama quá ít và quá yếu cho nên đã không ngăn được việc Bắc Kinh xây dựng bảy tiền đồn ở Trường Sa, hiện đang được trang bị radar và hệ thống vũ khí. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Trump có cứng rắn hơn hay không ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170310-chu-bai-moi-cua-my-tai-bien-dong-ham-doi-3

Philippines : Tầu khu trục Mỹ đến Subic khẳng định lịch sử quan hệ đối tác

media
Tầu khu trục USS Fitzgerald, trên Thái Bình Dương năm 2012.Wikimedia
Tầu USS Fitzgerald, được triển khai ở Biển Đông, thuộc Hạm Đội Tác Chiến 5 Hoa Kỳ (US Carrier Strike Group 5) đã cập cảng Subic, ở Zambales ngày 01/04/2017. Chuyến viếng thăm nhằm khẳng định mối quan hệ giữa hải quân hai nước trước khi tầu khu trục Mỹ tiếp tục hành trình đến tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc.
Trang Philstar ngày 02/04, trích thông cáo của sứ quán Hoa Kỳ tại Manila, cho biết : « Tầu khu trục có tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke ghé thăm cảng Subic để nhấn mạnh mối liên kết cộng đồng và quân sự mạnh mẽ giữa Philippines và Hoa Kỳ. Thủy thủ đoàn sẽ tiến hành một vài sửa chữa nhỏ với sự hỗ trợ của các nhóm thủy thủ Philippines ».
Vẫn theo sứ quán Hoa Kỳ, « Mỹ và Philippines tiếp tục xây dựng lịch sử quan hệ đối tác có từ 70 năm nay, thông qua hợp tác quốc phòng, thăm viếng cảng và các hoạt động huấn luyện quân sự. Quân đội Philippines và Hoa Kỳ đã hoạt động cùng nhau trong nhiều lĩnh vực mang lại lợi ích chung, như trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố, an ninh trên mạng và an ninh hàng hải ».
Hải quân Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông để giám sát vùng biển có tranh chấp trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch đưa một trạm quan sát đến bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bãi cạn Scarborough là lằn ranh đỏ cho lợi ích kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ vì đây là khu vực chiến lược cho các hoạt động lưu thông hàng hải quân sự, dân sự cũng như là hàng không tại Biển Đông và Thái Bình Dương.
Giới phân tích về quốc phòng và quân sự từ lâu cảnh báo rằng các hoạt động không kiểm soát được của Trung Quốc tại Scarborough sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về an ninh hàng hải trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170402-philippines-tau-khu-truc-my-den-subic-khang-dinh-lich-su-quan-he-doi-tac

Geen opmerkingen:

Een reactie posten