donderdag 13 april 2017

Đài Loan : Đất lành cho các tôn giáo + Trung Quốc: Giáo hội chính thức họp lần đầu tiên từ 6 năm nay

Đài Loan : Đất lành cho các tôn giáo

mediaTrụ sở Hội Phật Giáo Từ Tế (Tzu Chi) tại Đài Loan. Ảnh minh họa.Flickr by Ryan Ho @ pastwind
Về châu Á, căng thẳng gia tăng xung quanh bán đảo Triều Tiên, nguy cơ chiến tranh lơ lửng là tâm điểm thời sự số một. Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Nga trong bối cảnh xung đột tại Syria nóng thêm một nấc, sau vụ không kích của Hoa Kỳ nhắm vào một sân bay Syria là một chủ đề lớn khác. Nhưng trước hết xin giới thiệu một bài viết đáng chú ý "Đài Loan : Hàng không mẫu hạm của các tôn giáo", do đặc phái viên của báo La Croix gửi về từ Đài Bắc.
Đài Loan là "một vườn ươm tôn giáo" là nhận định của bài viết. Tất cả mọi tôn giáo đều có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại đây. Từ Công Giáo, một tôn giáo chiếm hơn 1% dân số, đến các phong trào Khổng Giáo, Đạo Giáo hay Phật Giáo mới, phần lớn bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đặc điểm nổi bật là không khí cởi mở của các hoạt động tôn giáo ở Đài Loan.
La Croix đưa độc giả đến với Đại học Công Giáo Fu Jen ở Đài Bắc (Fu Jen/Phụ Nhân có nghĩa là "Giúp cho đạt đến đức nhân". Cụm từ trích trong Luận Ngữ, một cuốn kinh của đạo Nho). Khoa thần học của Đại học này, mỗi năm dành một nửa số ghế cho sinh viên đến từ Hoa Lục. Liên tục từ bảy năm nay, mỗi năm khoảng 30 linh mục, nhà tu hành Trung Quốc đến Đài Bắc để theo học khóa thần học ba năm, được Vatican công nhận. Trong số các sinh viên Trung Quốc, có những người thuộc Giáo hội được Nhà nước công nhận, có người thuộc Giáo hội thầm lặng.
Trong số 26.000 sinh viên Đại học Công Giáo Fu Jen, nhóm sinh viên trên chỉ như muối bỏ bể. Nhưng theo người phụ trách khoa, cha Louis Gendron theo dòng Tên, một người Canada, "không có ai trong số họ từ chối quay về Trung Quốc. Một số người thậm chí tiếp tục giảng dạy tại chủng viện ở Trung Quốc".
Theo chân phóng viên La Croix, độc giả có thể đến với cộng đồng người bản xứ Amis, được coi là một trong "13 bộ tộc bản địa đầu tiên", sinh sống tại Đài Loan cách đây bảy thế kỷ, trước khi người Hoa Lục tới. Cộng đồng Amis bắt đầu theo đạo Thiên Chúa từ ba thế hệ. La Croix gặp một linh mục trẻ, đến từ Ấn Độ, nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và Amis, và tất nhiên là Tamul, tiếng mẹ đẻ của ông. Linh mục trẻ gốc Ấn Độ chia sẻ một nỗi lo lớn của ông là giới trẻ Amis hiện nay không còn gắn bó nhiều với đức tin Công Giáo, như các thế hệ trước.
La Croix chú ý đến một linh mục người Pháp Yves Moal, được mệnh danh là "Abbé Pierre" của Đài Loan (tu viện trưởng Pierre là một nhà tôn giáo Pháp, đã qua đời, rất nổi tiếng về các hoạt động từ thiện). Kể từ năm 1966 đến nay, ông dấn thân vào các hoạt động trợ giúp người tàn tật, bảo vệ môi trường. Uy tín của Yves Moal rất lớn tại đảo quốc. Linh mục Pháp vừa được trao tặng quốc tịch Đài Loan.
Nở rộ nhất là các phong trào Phật Giáo
Ví Đài Loan như "một hàng không mẫu hạm của các tôn giáo" là hình ảnh của nhà nghiên cứu Pháp Sébastian Billioud, Đại học Paris Diderot. Chuyên gia về các tôn giáo Trung Quốc nhận xét : "Tại Đài Loan, tôn giáo là một quyền lực mềm (soft power)", "các phong trào mạnh nhất là Phật Giáo và mang tính quốc tế".
Hội Phật Giáo Từ Tế (Tzu Chi), xuất xứ từ Đài Loan, do pháp sư Chứng Nghiêm (Cheng Yen) nay đã trở một phong trào nhân đạo có ảnh hưởng rộng trên thế giới. Phong trào, ít được biết đến tại châu Âu này, hiện có hai triệu tình nguyện viên, 10.000 nhân viên, 10 triệu mạnh thường quân tại 96 quốc gia. Riêng tại Đài Loan, phong trào có khoảng 1.200 quán ăn chay, sáu bệnh viện và hai kênh truyền hình.
Ông Chad Liu, vốn theo Công Giáo, phát ngôn viên của Từ Tế, chia sẻ : các thành viên của phong trào muốn thực hành một đạo Phật dấn thân, cứu người, những nơi nào có tai ương, kể cả tại Hoa Lục, các tình nguyện viên Từ Tế sẵn sàng có mặt. "Tu học để phụng sự, phụng sự để tu học" là tâm niệm của ông.
Bán đảo Triều Tiên : Hàn Quốc lo ngại chiến tranh
Vẫn tại châu Á, ngược lên phía đông bắc vài ngàn cây số, căng thẳng xung quanh bán đảo Triều Tiên dâng cao chưa từng thấy kể từ nhiều năm nay. Le Monde cho biết "Nguy cơ căng thẳng leo thang giữa Trum và Kim Jong Un. Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại đối đầu".
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đổi kế hoạch đi Úc, tiến vào vùng biển Triều Tiên, Hoa Kỳ không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa nhân dịp sinh nhật Kim Nhật Thành ngày 15/4 tới. Mà điều này là gần như chắc chắn.
Trong khi Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn, "dường như không có gì cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên run sợ". Seoul là phía lo ngại nhất về các hệ quả, nếu xung đột bùng phát. Trong khi đó, một lần nữa Hàn Quốc "cảm thấy bất lực", khi không hề được đồng minh Hoa Kỳ tham khảo ý kiến. Ứng viên tổng thống Moon Jae-in, người có nhiều khả năng đắc cử phê phán việc hai lãnh đạo Mỹ - Trung bàn bạc riêng rẽ về hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Báo chí Hàn Quốc cũng "lấy làm tiếc về việc chính phủ không có thông tin gì về ý định của Mỹ". Tờ báo bảo thủ Joong Ang ví tình trạng hiện nay với năm 1994, khi chính quyền Mỹ của Bill Clinton chuẩn bị kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Báo trung tả Hankyoreh nói thẳng : "chính quyền Trump có thể đưa bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh".
Vẫn theo Le Monde, hiện tại lãnh đạo Trung Quốc chưa hề có cam kết gì cụ thể để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, trong khi Bắc Kinh được coi là thế lực duy nhất có thể có ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng.
Án tử hình : Amnesty tố thái độ giả dối của Trung Quốc
Liên quan đến Trung Quốc, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International lên án thái độ giả dối của chính quyền Bắc Kinh trong lĩnh vực án tử hình, nhân dịp công bố báo cáo mới nhất về tình trạng án tử hình trên toàn thế giới, trong đó số lượng người bị tử hình tại Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nước còn lại.
Số lượng án tử hình là con số được giữ bí mật tại Trung Quốc. Theo Amnesty, trong thời gian gần đây, chính quyền Bắc Kinh, một mặt tiếp tục coi đây là vấn đề bí mật quốc gia, mặt khác, tìm cách chứng tỏ minh bạch và có xu thế giảm bớt án tử hình.
Để tỏ ra minh bạch, Tòa án tối cao Trung Quốc kể từ năm 2007 được giao nhiệm vụ đưa ra quyết định cuối cùng. Theo các số liệu của Amnesty, nếu như từ năm 2011 đến 2016, có 701 trường hợp được Tòa án ra quyết định thi hành, thì năm 2014, chỉ có 85 trường hợp. Thế nhưng, nếu thống kê các trường hợp bị tử hình được báo chí Trung Quốc thông tin thì con số này lên đến 931 người.
Tổng thư ký Amenesty lên án Trung Quốc "giả điếc trước các yêu cầu minh bạch số lượng người bị hành quyết, mà Liên Hiệp Quốc liên tục đưa ra", cùng lúc đó là việc nhỏ giọt tung ra "một số tiết lộ" và "các tuyên bố không thể kiểm chứng".
Amnesty cũng tố cáo Trung Quốc sử dụng tội danh khủng bố để kết án tử hình nhiều người tranh đấu thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi. 4% số người bị hành quyết trong những năm 2011-2016 là người Duy Ngô Nhĩ, trong khi cộng đồng này chỉ chiếm 0,7% dân số.
Bắc Kinh treo thưởng bắt gián điệp
Lo sợ bị phản kháng tại các vùng xa xôi, chính quyền Trung Quốc cảm thấy không yên ngay chính tại thủ đô. Theo Le Monde, Bắc Kinh vừa quyết định treo thưởng từ 10.000 đến 500.000 yuan (tương đương 1.400 euro đến 68.000) cho những ai cung cấp thông tin về các gián điệp nước ngoài.
Cách nay một năm, Bắc Kinh đã sôi động với chiến dịch áp phích "Những mối tình nguy hiểm", báo động về những nguy cơ do liên hệ tình cảm với người nước ngoài. Áp phích được dán khắp các đường phố, trạm xe điện ngầm.
Theo Le Monde, tố cáo gián điệp là một biện pháp từng được sử dụng nhiều trong thời kỳ "Cách mạng Văn hóa"(những năm 1960), với mục tiêu kích động tinh thần dân tộc.
Lần này, thông cáo của thủ đô Bắc Kinh được đăng tải trên tờ Nhân Dân Nhật Báo nhấn mạnh : "việc huy động đông đảo dân chúng tham gia" chiến dịch này "cho phép xây được một bức trường thành sắt thép" chống lại "các thế lực thù địch".
Tillerson đến Nga thuyết phục Kremlin từ bỏ Assad
Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Nga là tâm điểm thời sự quốc tế. Le Figaro cung cấp hai góc nhìn. Đứng từ phía Hoa Kỳ, có bài "Lãnh đạo ngoại giao Mỹ tới Nga để thuyết phục bỏ rơi Assad".
Cuộc hội kiến giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Nga hôm nay hứa hẹn sẽ căng thẳng, sau cuộc không kích bất ngờ của Mỹ nhắm vào một sân bay của chính quyền Syria nhằm trả đũa vụ "tấn công bằng vũ khí hóa học". Nga đã thông báo hủy bỏ cuộc gặp dự kiến của ngoại trưởng Mỹ với tổng thống Putin. Trong khi đó, hôm qua, Washington thông báo sẽ tiến hành điều tra về khả năng Nga đứng đằng sau trong vụ này.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, nhiều chuyên gia Hoa Kỳ vẫn tỏ ra thận trọng trước viễn cảnh được dự báo là hết sức u ám trong quan hệ song phương. Một điều ít được chú ý, đó là chính tổng thống Nga cũng đã cảm thấy lập trường cứng rắn của tổng thống Syria ngăn cản đàm phán tiến triển. Chính ở điểm này mà Washington và Matxcơva có thể đạt được một thỏa hiệp.
Đằng sau cuộc đấu khẩu sôi động giữa ngoại giao hai nước, ngoại trưởng Mỹ - Nga có thể đàm phán để gây áp lực bắt buộc ngừng bắn, và hậu thuẫn mạnh hơn cho vòng đàm phán tại Genève sẽ nối lại vào tháng 5 tới, để thảo ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.
Cũng về vấn đề này, trong một bài viết khác, Le Figaro nhận xét : Matxcơva hiện tại đang rất tức giận, và sẵn sàng trả đũa Hoa Kỳ một cách tương thích. Sau ngoại trưởng Mỹ, chính quyền Nga sẽ tiếp các ngoại trưởng Syria và Iran tại Matxcơva.
Ngày N-11 bầu cử tổng thống Pháp : Sáu khả năng để ngỏ
Mười một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, báo Libération có bài bình luận trên trang nhất với vẻ hóm hỉnh : "Một phụ nữ, ba đàn ông, và sáu khả năng".
Người phụ nữ là ứng cử viên cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen. Ba người đàn ông là ba trong số bốn người đứng đầu trong danh sách ứng cử viên vào vòng hai, theo các thăm dò dư luận. Cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron, lãnh đạo phong trào Tiến Bước không tả-không hữu, cựu thủ tướng François Fillon, lãnh đạo cánh hữu và trung hữu, và lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon.
Bởi cả bốn người đều có cơ hội lọt vào vòng hai, nên có đến sáu kịch bản chung kết, thay vì kịch bản từ nhiều tháng nay : Marine Le Pen đối mặt với một hay hai trong số những ứng viên nhiều triển vọng nhất.
Vẫn về bầu cử tổng thống Pháp, trong khi Le Figaro dành trang nhất để lên án dự án "điên rồ" của Mélenchon, người được mệnh danh là lãnh đạo Chavez (Venezuela) của nước Pháp, thì Le Monde xem xét kỹ lưỡng, so sánh cam kết của các ứng cử viên tổng thống trong các vấn đề "thuốc lá, rượu, dược phẩm và thực phẩm".

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170412-dai-loan-dat-lanh-cho-cac-ton-giao

Trung Quốc: Giáo hội chính thức họp lần đầu tiên từ 6 năm nay

mediaMột nhà thờ Công giáo tại thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Tây Sơn. Ảnh chụp ngày 24/12/2016.REUTERS/Jason Lee
Vào lúc Vatican và Trung Quốc đang thảo luận nhằm tìm ra một thỏa hiệp trên vấn đề bổ nhiệm các giám mục, vốn vẫn gây bất hòa giữa hai bên, Giáo hội Công giáo chính thức của Trung Quốc trong tuần này đã mở cuộc họp đầu tiên từ 6 năm nay. Tòa Thánh dĩ nhiên là sẽ theo dõi rất sát cuộc họp này trong bối cảnh giáo hoàng tìm cách thúc đẩy tiến trình xích gần lại Trung Quốc.  
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt tường trình :
Chúng tôi thật tình muốn cải thiện quan hệ với Vativan và chúng tôi vẫn nỗ lực liên tục theo hướng này. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bảo đảm như vậy.
Sau 65 năm cắt đứt quan hệ, Bắc Kinh và Vatican dường như đã gần đạt được một thỏa hiệp về việc bổ nhiệm các giám mục. Nhưng theo lời giám đốc về nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học Nhân dân, Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục kiểm soát đời sống tôn giáo và sẽ vẫn không chấp nhận mọi sự can thiệp của giáo hoàng.
Ông nói : "Từ lâu Trung Quốc vẫn nhấn mạnh đến quyền tự do tín ngưỡng và chủ quyền của họ. Duy trì đối thoại với Vatican là điều quan trọng, nhất là Roma kể từ nay chấp nhận mô hình Việt Nam, tức là trên danh nghĩa thì giáo hoàng bổ nhiệm các giám mục, nhưng trên thực tế chính Nhà nước Trung Quốc quyết định".
Trong lúc Vatican thương lượng việc xích gần lại Bắc Kinh, 7 triệu giáo dân thuộc Giáo hội thầm lặng, vốn không chấp nhận sự quản lý của Đảng Cộng sản, đã vẫn lén lút làm lễ Noel, như ở Quảng Đông, 300 tín đồ đã mừng Chúa Giáng sinh trong căn hầm của một nhà máy. Các giáo dân này sợ rằng nếu Bắc Kinh đạt thỏa thuận với Vatican họ sẽ không thể tiếp tục sống đức tin theo cách của họ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161227-trung-quoc-giao-hoi-chinh-thuc-hop-lan-dau-tien-tu-6-nam-nay

Geen opmerkingen:

Een reactie posten