donderdag 5 mei 2016

Trung Quốc dẫn đầu phong trào mua đất nông nghiệp tại các nước giầu

Trung Quốc dẫn đầu phong trào mua đất nông nghiệp tại các nước giầu

mediaQuỹ đầu tư Trung Quốc đã mua 1 700 ha đất ở vùng Berry, Pháp.GettyImages / Cyrille Gibot
Phong trào đổ xô đi mua đất nông nghiệp ở các nước nghèo Châu Phi và Châu Á phải chăng đã kết thúc vì không mang lại nhiều lợi lộc, và một số nước, đi đầu là Trung Quốc, đang vung tiền tìm mua đất tại những nước giầu hơn, như Pháp, Úc, thâm chí cả Hoa Kỳ. Trong một bài phân tích công bố hôm 04/05/2016, hãng tin Pháp AFP đã giải thích sự chuyển hưóng đó bằng lý do : đất ở các nước giầu tuy đắt, nhưng ít rủi ro hơn cho bên mua.
Từng nổi tiếng với những hợp đồng mua đất tại châu Phi trong thời gian trước đây, Trung Quốc trong thời gian gần đây đã lại được nhắc đến trong những thương vụ thu mua đất tại các nước như Úc, Canada và nhất là tại Pháp.
Theo ghi nhận của AFP, mới đây, một số tiết lộ về những hợp đồng mua đất khổng lồ tại Pháp hay Úc, Canada đã gây ngạc nhiên trong công luận, và nhất là đã làm cho giới lãnh đạo chính trị chưng hửng vì không hay biết gì về các thỏa thuận đã ký kết.
Tại Pháp chẳng hạn, chính quyền đã được biết một cách muộn màng là một quỹ đầu tư Trung Quốc đã mua 1.700 ha đất ở vùng Berry, miền trung bộ nước Pháp, để trồng lúa mì.
Tại Úc, nông trại lớn nhất thế giới - hơn 100 000 ha đất, tương đương với 2,5% đất nông nghiệp của quốc gia này, vào tháng tư vừa qua cũng đã suýt lọt vào tay Trung Quốc cùng với đàn gia súc 185 000 con, nhưng cuối cùng chính phủ Canberra đã chặn hợp đồng này lại, với lý do "trái với quyền lợi quốc gia của Úc".
Tại Canada, những vụ doanh nhân Trung Quốc vung tiền mua đất, như ở vùng Québec chẳng hạn, với mục tiêu trồng cỏ, xấy khô, rồi xuất khẩu qua Trung Quốc cũng đã khuấy động dư luận vào đầu năm.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng lọt vào tầm nhắm của giới tìm mua đất nông nghiệp, dù đó không phải là người Trung Quốc. Theo AFP, các nhà đầu tư Ả Rập Xê Út đã nhắm vào các cánh đồng cỏ tại hai bang California và Arizona để có cỏ nuôi đàn bò sữa 170.000 con của họ.
Đối với các nhà quan sát, phong trào mua đất nông nghiệp đã rộ lên vào khoảng năm 2008, với cuộc khủng hoảng giá nông sản và việc đóng cửa một số thị trường xuất khẩu. Vào khi ấy, Trung Quốc và một số nước vùng Vịnh đã nhận thấy là phải đi mua đất nông nghiệp ở nơi khác để trồng trọt, và chuyển sản phẩm trở lại nước mình, hầu bảo đảm nguồn cung ứng lương thực.
Theo một nhóm chuyên gia, Land Matrix, nghiên cứu việc mua đất nông nghiệp, trên thế giới đã có hơn 42,4 triệu ha nằm trong hợp đồng của các nhà đầu tư nước ngoài và phân nửa đất mua là ở Châu Phi (22,9 triệu).
Thế nhưng, từ hơn 10 năm nay, theo ông Ward Anseeus, môt nhà nghiên cứu của viện Cirad ở Pretoria (Nam Phi), trên toàn bộ số đất nói trên, chỉ có 6% được khai thác tốt và chỉ 4% ở Châu Phi. Phần lớn còn lại bị phá sản và các nhà đầu tư đã mất rất nhiều tiền, trong lúc sản xuất không hề bắt đầu.
Hệ quả, theo ông Ward Anseeus, rất rõ ràng : " Sau 3 hay 5 năm bế tắc, rõ ràng là việc mua đất ở Châu Âu hay Mỹ vì tuy giá có đắt hơn, nhưng có lợi hơn, với hạ tầng cơ sở tốt và nhất là bảo đảm có nước để sử dụng. "
Chuyên gia Devlin Kuyet, tổ chức phi chính phủ Grain, tại Montréal, Canada, giải thích là giới đầu tư vào đất nông nghiệp hiện chủ trương chọn những nơi ít rủi ro hơn, với quyền sở hữu được bảo đảm, và quay sang Úc, Mỹ hay châu Âu.
Thế nhưng, sự việc cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Theo ông Kuyek, tại Canada chẳng hạn, " tỉnh Saskatchewan đã tổ chức xin ý kiến và sửa đổi luật pháp dưới áp lực của dân chúng, và cấm các quỹ hưu trí thu mua các trang trại. "
Đối với chuyên gia này, trong số các quỹ đầu tư tìm mua đất, các quỹ Trung Quốc vẫn quan trọng: " Trước đây họ tìm mua lâu đài ở Pháp. Bây giờ thì là đất nông nghiệp."

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160504-trung-quoc-dai-gia-trong-lan-song-thu-mua-dat-nong-nghiep-tai-cac-nuoc-giau

Trung Quốc mua ruộng của nông dân Pháp gây lo ngại

mediaBò nuôi tại vùng Canche, miền bắc nước Pháp.REUTERS/Pascal Rossignol/Files
Tổng thống Pháp Hollande và đồng nhiệm Nga Putin bị dân chất vấn và cùng bối rối. Tại Nam Mỹ, nữ tổng thống Brazil trong gọng kềm truất phế, tại Hàn Quốc, đảng của nữ tổng thống Park Geun Hye thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội là những chủ đề trên báo Pháp hôm nay bên cạnh « chuyến đò vớt xác trên sông Dương Tử », phóng sự của Le Figaro và chuyện Trung Quốc mua đất ruộng của Pháp, trên báo La Croix.
Khác với các đồng nghiệp, L’Humanité đưa lên trang nhất hình ảnh biểu tượng giới trẻ năm châu xuống đường làm cách mạng. Hôm nay là sinh viên học sinh Pháp với « đêm không ngủ » chống dự luật lao động bị xem là bất lợi cho công nhân viên. Theo nhật báo cộng sản, từ quảng trường Zucotti ở New York cho đến Bardo ở Tunisie và Tahrir ở Ai Cập, chính giới trẻ tự mình đứng lên đòi công lý.
Nhật báo Công giáo La Croix dành trang nhất để nhắc nhở độc giả là ngày mai Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đên đảo Lesbos, Hy Lạp làm dấy lên hy vọng đánh động dư luận và buộc Liên Hiệp Châu Âu mở rộng thêm vòng tay đón thuyền nhân. Tuy nhiên, giải pháp cốt lõi vẫn là « chấm dứt chiến tranh và tái thiết các nước » từ Syria cho đến Irak, Afghanisstan, nơi xuất phát làn sóng di dân, theo nhận định của một nhân viên thiện nguyện cứu trợ thuyền nhân ở trại tạm cư Lesbos.
Không phải công ty nông nghiệp mua ruộng làm gì ?
Một vấn đề khác, theo La Croix đang gây lo ngại cho nông gia và chính quyền Pháp là hiện tượng tập đoàn Trung Quốc mua đất canh tác ở Pháp. Sau khi hàng chục lâu đài trồng nho làm rượu ở miền tây nam lọt vào tay tài phiệt Trung Quốc, đến lượt ruộng lúa mì ở miền trung mà mối nguy hiểm nhất đe dọa khả năng tự túc lương thực của Pháp. Một tập đoàn Trung Quốc chuyên về trang thiết bị trạm bán xăng, không rõ toan tính gì, mua cùng một lúc 1.700 hecta đất trồng lúa mì với giá 11.000 euro mỗi hecta, gấp ba lần giá thị trường.
Theo Hervé Coupeau, chủ tịch nghiệp đoàn nông dân Pháp FNSEA tại vùng Indre, mục tiêu của công ty Hồng Dương (Hong Yang) là mua tổng cộng 10.000 mẫu tây. Với giá cao như thế, người nông dân đang bị khủng hoảng thuận bán đất là chuyện dễ hiểu. Nhưng điều gây hoang mang là : công ty bán vật liệu làm trạm xăng của Trung Quốc mua đất ruộng của Pháp để làm gì và mua với giá thật cao ?
Ban lãnh đạo và chủ nhân không bao giờ xuất hiện. Chỉ biết công ty này do một phụ nữ Hoa lục điều hành và đang sống chung với một người Pháp và chính công dân Pháp này làm môi giới giao dịch. Mối nguy không phải là quốc tịch người đầu tư mà là cách làm ăn của họ : đem nông cơ, phân bón, thuốc trừ sâu từ Trung Quốc sang là một. Thứ hai là canh tác theo kiểu « chủ thợ » đem « công nhân » từ nơi khác ( Hoa lục) đến. Thứ ba là xuất khẩu lúa mì vượt ngoài khuôn khổ của hợp tác xã nông nghiệp địa phương, không kể làm chết đi ngành công nghiệp chế biến nông phẩm trong vùng .
Thật ra, theo một chuyên gia Pháp thì hiện nay người Trung Quốc chỉ là thiểu số, còn đa phần là giới tư bản Pháp. Do tình trạng nông nghiệp gặp khó khăn, không loại trừ khả năng trong tương lai, chính các đại siêu thị hay tập đoàn « đầu mối » sẽ thay thế nông gia. Nếu chủ nhân là người nước ngoài thì còn có thêm nguy cơ Pháp mất khả năng tự túc lương thực.
Một loạt nguyên thủ thế giới bị dân phản đối
Bốn năm sau ngày đắc cử, đêm hôm qua tổng thống Pháp lên đài truyền hình đối thoại với một số cử tri trẻ tuổi. Những người này và các nhà bình luận đều cho rằng những lời hứa của ứng cử viên François Hollande cách nay bốn năm đều không được thực hiện hoặc quá chậm. Tổng thống Pháp kiên nhẫn giải thích nỗ lực của chính phủ và của cá nhân ông và nói là sẽ tiếp tục cải cách cho đến hết nhiệm kỳ.
Tuy có một vài nhà bình luận cho rằng nước Pháp « bất trị », chính phủ luôn bị chống đối mỗi khi đưa ra biện pháp cải cách, Le Figaro vẫn mỉa mai : Đối với François Hollande, nước Pháp đã khá hơn trước. Libération cánh tả cũng cùng nhận định : các đảng chính trị ngày càng rời xa mối ưu tư của dân chúng. Tổng thống Hollande nhìn nhận nước Pháp « không khỏe » nhưng ông cho là « đã khá hơn ».
« Ông Putin nhìn đây : Ổ gà đầy đường, lương thì không trả »
Vị tổng thống thứ hai nhìn nhận đất nước do mình lãnh đạo từ 20 năm nay « không khá » là Vladimir Putin. Không hẹn mà nên, ngày 14/04, tổng thống Nga cũng lên đài truyền hình « đối thoại » với dân chúng, trong bối cảnh Nga sắp bầu lại Quốc hội. Theo Les Echos, kịch bản dàn dựng quen thuộc không che dấu được thực trạng kinh tế xuống dốc của nước Nga.
Ngay giây phút đầu tiên, chủ nhân điện Kremli đối mặt với « thực trạng » của đất nước và thái độ bất mãn của người dân. Qua điện thoại di động, một phụ nữ quay cảnh con đường đầy ổ gà : tổng thống nhìn đây, đường xá nát bấy, xe cộ hư gãy…nhìn đây. Từ một nhà máy đóng cá hộp ở đảo Sakhaline, các công nhân than thở : từ mấy tháng nay chúng tôi không có lương. Sau khi tuyên bố « chia sẻ 100% âu lo » của dân chúng, tổng thống Nga thông báo cung cấp 40 tỉ rúp để tái thiết đường giao thông, cam kết trợ giúp các xí nghiệp gặp khó khăn.
Les Echos bình luận : thái độ hào phóng của Putin mâu thuẫn với chính sách thắt lưng buộc bụng, ngân sách eo hẹp vì kinh tế bị cấm vận, dầu hỏa mất giá. Cũng như thông lệ, tổng thống Nga một lần nữa cam kết « cải cách cấu trúc kinh tế » hiện quá lệ thuộc vào dầu khí. Tuy nhiên, ông không thuyết phục đuợc ai. Các chủ nhân xí nghiệp nhỏ được mời tham dự « đối thoại » với tổng thống Putin đã mạnh mẽ lên án guồng máy nhà nước cồng kềnh và tham ô.
Cũng trong dịp đối thọai này, theo tường thuật của Libération, tổng thống Nga nhìn nhận các dữ liệu trong vụ « Panama Papers » là chính xác. Giới thân cận của ông có cất giấu tài sản ở các thiên đường thuế. Tuy nhiên, một lần nữa, Putin quy cho tình báo Mỹ giựt dây vụ tiết lộ này để khiêu khích và bôi nhọ uy tín Nga.
Hàn Quốc: Đảng của tổng thống thất bại
Ở châu Á, cũng có một nguyên thủ bị dân chúng bài tỏ bất mãn nhưng qua lá phiếu. Tổng thống Park Geun Hye mất đa số, đảng Thế Giới Mới (122 ghế) bị đảng đối lập Dân Chủ Đồng Hành (123 ghế) qua mặt . Một sự kiện nữa là tổ chức có tên là đảng Vì Nhân Dân, mới thành lập, đã được 30 dân biểu. Theo Le Monde, kết quả này buộc tổng thống Park Geun Hye phải bỏ thái độ đối đầu sang hợp tác với đối lập từ nay cho đến khi mãn nhiệm kỳ năm 2017. Trái với đảng bảo thủ, hai đảng đối lập chủ trương mở lại khu công nghiệp Keasong và đối thoại với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Brazil tứ bề thọ địch
Những khó khăn của ba nhà lãnh đạo Pháp, Nga, Hàn Quốc so ra không là bao so với bà Dilma Roussef, tổng thống Brazil. Le Monde ghi tựa : "Phó tổng thống Michel Temer thấy thời cơ đã đến". Bà Dilma Roussef tố cáo ông phó của mình cầm đầu âm mưu lật đổ. Số phận tổng thống cánh tả Brazil sẽ được định đoạt và chủ nhật tại quốc hội.
Nhật báo Libération nhấn mạnh « phe hữu đẩy bà Dilma Rousseff ra cửa ». Đảng Người Lao Động lên án báo chí, truyền hình, đài phát thanh, hầu hết thuộc xu hướng bảo thủ, đánh đòn thù lên chính phủ cánh tả. Tuy cũng thuộc cảnh tả, nhật báo Libération giữ lập trường khách quan. Bài phóng sự dài ghi lại các quan điểm các chuyên gia độc lập tại Brazil đưa ra hai nhận xét : đảng Người Lao Động cầm quyền không ý thức rằng vai trò của báo chí là cung cấp cho công luận những thông tin mà chế độ muốn che giấu.
Nhận xét thứ hai, là sau bốn chiến thắng liên tiếp trong các cuộc bầu cử tổng thống, cánh tả Brazil đã mất cảnh giác bất chấp những tố giác của truyền thông. Chính quyền chọn kinh tế làm chiến trường đấu đá với báo chí với suy luận sai lầm là « các tổ hợp truyền thông, gặp khó khăn tài chính sẽ tự chết ». Cuối cùng, chính tổng thống bà Dilma Rousseff tứ bề thọ địch, từ báo chí đến tư pháp và ngay trong nội bộ.
Anh Quốc IN hay OUT ?
Tại Anh Quốc, hai phe chống và ủng hộ Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đang ra sức vận động. Les Echos cho là Công đảng Anh kêu gọi cử tri chống Brexit ( đi ra).
Nhưng theo Le Figaro, « chủ tịch Jeremy Corbyn chỉ phục vụ châu Âu cho có lệ ». Trong tình thế bất trắc này, đông đảo dân châu Âu làm việc tại Anh chạy đua xin quốc tịch. Bài xã luận của nhật báo thân hữu khá bi quan: Kết quả trưng cầu dân ý ở Hà Lan vào tuần trước cho thấy công dân ủng hộ những ý tưởng về châu Âu hết mộng mơ. Cho dù có phép lạ giữ Anh ở lại thì châu Âu phải tìm một con đường mới, nếu không thì không tránh được đổ vỡ trong một dịp khác.
Con thuyền vớt xác trên sông Dương Tử
Đây là đề tài ớn lạnh trên trang phóng sự của Le Figaro. Ngư dân Chen Song cho biết: năm 2015, vớt khoảng 100 xác, năm nào được mùa 200 xác.
Trong đoạn sông nên thơ chảy qua Trùng Khánh, có một « ngư dân » hành nghề vớt xác người : nạn nhân của xã hội đen, tự tử, chết chìm vì tai nạn. Đây là một trong những bộ mặt tối đen của chính sách đô thị hóa bằng mọi giá của Trung Quốc. Cảnh sát trả công khoảng 70 đô la mỗi xác. Ngư dân đòi thân nhân trả thêm một số tiền tương tự để nhận xác. Có lẽ ăn nên làm ra, Chen Song cho biết bây giờ có thêm nhiều «đồng nghiệp». Mùa đông «khách» nhất là sau mùa đông, trời tương đối ấm và người Trung Hoa bắt đầu xuống sông tắm rửa.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160415-trung-quoc-mua-ruong-cua-nong-dan-phap-gay-lo-ngai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten