woensdag 4 mei 2016

Số phận hẩm hiu của thuyền nhân Hồi giáo Rohingya Miến Điện : tại sao các quốc gia Hồi giáo giàu có trên thế giới không cứu giúp vài ngàn người cùng đạo ?

Số phận hẩm hiu của thuyền nhân Rohingya Miến Điện

mediaMột thuyền chở đầy thuyền nhân Rohingya ngoài khơi Indonesia.AFP PHOTO / JANUAR
Cách nay một năm, vụ khủng hoảng di dân ở Đông Nam Á với hàng ngàn người Rohingya và Bangladesh, kẻ bị trôi dạt trên biển, người chết trong rừng sâu vì bị các đường dây vượt biển, vượt biên bỏ rơi, gây xúc động công luận. Tình trạng thuyền nhân theo Hồi giáo nay ra sao ?
Trong bài phóng sự từ một trại tạm cư ở đảo Aceh, Indonesia, AFP mô tả hoàn cảnh của Sonamia, 42 tuổi, tiêu biểu của cuộc khủng hoảng di dân vào mùa xuân 2015. Không được xem là công dân tại Miến Điện, hàng chục ngàn người Rohingya, mặt mày hốc hác, tuyệt vọng, dồn đống trên các con thuyền cũ kỹ, đi tìm đất nương thân, tạo ra một làn sóng di cư thứ hai, sau thảm nạn thuyền nhân Việt Nam thập niên 70, 80.
Công luận bất bình, Tây phương gây sức ép, chính quyền Malaysia và Indonesia cuối cùng phải cho phép thuyền nhân cặp bến trong khi chờ đợi định cư ở một nước thứ ba. Thế nhưng, ngoài 52 người được Mỹ đón nhận, một năm sau, không một thuyền nhân nào được đi định cư. Hàng trăm người vẫn nằm chờ trong các trại tị nạn.
Sonamia cho biết ông học được tính kiên nhẫn và đợi chờ. Cơn ác mộng bị Miến Điện, Thái Lan, Malaysia thay nhau xua đuổi trong khi thuyền hết xăng, hết nước vẫn còn ám ảnh Sonamia và những người đồng cảnh ngộ. Hồi tưởng lại, họ không thể hiểu vì sao người Rohingya không được đối xử như con người.
Khủng hoảng thuyền nhân Rohingya nổ ra vào giai đoạn này hồi năm 2015 tại Thái Lan, sau khi thi thể của hàng trăm di dân được tìm thấy trong rừng. Bangkok mở chiến dịch truy lùng các tổ chức buôn người. Bị truy đuổi, các tổ chức xã hội đen bỏ rơi « khách hàng » trên biển để thoát thân. Trong số một ngàn thuyền nhân được Indonesia cho tạm trú, chỉ có 400 kiên nhẫn đợi chờ. Phần lớn đã lấy thuyền sang Malaysia chấp nhận bất trắc dành cho di dân bất hợp pháp.
Từ Miến Điện, người Rohingya bắt đầu chấp nhận rủi ro, giao số phận cho các đường dây buôn người. Ngày 20/04, Liên Hiệp Quốc loan báo có 21 thuyền nhân, trong số này có 9 trẻ em, bị đắm tàu chết trên biển. Ngày 27/04, cảnh sát Thái Lan phát hiện nhiều gia đình Rohingya bị đường dây buôn người bỏ rơi trong rừng không xa biên giới Malaysia.
Theo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tìm nơi định cư cho di dân Rohingya rất nan giải. Một mặt, Malaysia và Indonesia không ký Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Thứ hai, làn sóng tị nạn người Syria tràn ngập châu Âu làm các quốc gia Tây phương bớt đi lòng hào hiệp.
Hàng ngàn thuyền nhân vượt biển từ Bangladesh bị xem là tị nạn kinh tế đã và sẽ bị trả về quê hương. Những người ở lại trại tạm cư, một năm sau cũng có nhiều thay đổi. Một số lập gia đình, nhiều trẻ nhỏ chào đời. Họ trồng rau, sửa máy, may mặc, sống ngày qua ngày.
Miến Điện Phật giáo của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ cũng chưa thay đổi chính sách với thành phần công dân hạng hai theo đạo Hồi. Còn các quốc gia Hồi giáo giàu có trên thế giới, sao không cứu giúp vài ngàn người cùng đạo trong cơn hoạn nạn ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160503-rohingya-mien-dien-pt-xh

Miến Điện tống xuất di dân Rohingya về Bangladesh

mediaNgườii tỵ nạn Ronhigya tại một trại tạm cư ở Indonesia. Ảnh chụp ngày 31/05/2015.Reuters
Khoảng 150 thuyền nhân Rohingya được hải quân Miến Điện vớt trên biển đã bị đưa về Bangladesh ngày 08/06/2015. Bị Liên Hiệp Quốc lên án áp bức người Hồi giáo, chính quyền Miến Điện tìm cách chứng minh thảm nạn thuyền nhân không bắt nguồn từ chính sách phân biệt đối xử.
Theo Saw Naing, một viên chức thuộc bộ Di trú Miến Điện, chính quyền Bagladesh đã đồng ý nhận 150 người Hồi giáo Rohingya sau môt cuộc gặp gỡ « thân thiện » giữa hai nước.
Đây là những thuyền nhân đầu tiên trong số 2000 di dân Rohingya được hải quân Miến Điện vớt trên biển trong khuôn khổ chiến dịch cứu trợ thuyền nhân, phối hợp với Indonesia, Thái Lan và Malaysia, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế.
Theo phóng viên của AFP có mặt tại chổ, nhóm 150 thuyền nhân này đều là nam giới, vừa được chuyển từ một trại tạm giam đến bờ sông biên giới Naf. Chính quyền Miến Điện tuyên bố chưa biết rõ xuất xứ của 1850 thuyền nhân còn lại. Chi tiết này làm dấy lên mối lo ngại họ sẽ nhân cơ hội này trục xuất về Bangladesh một số người Hồi giáo trong cộng đồng Rohingya cư trú tại bang Rakhine từ nhiều thế hệ.
Báo chí Miến Điện thân chính phủ cũng loan tin cảnh sát phá vỡ được nhiều đường dây buôn người, bắt được 93 thủ phạm, chuyên dụ dỗ phụ nữ bán sang Trung Quốc hoặc tuyển lao động đưa sang Thái Lan. Một chi tiết gây chú ý là cảnh sát không phá được một đường dây tổ chức vượt biên nào nào hoạt động tại bang Rakhine, nơi có cộng đồng Hồi giáo Rohingya.
Trong khi đó, cảnh sát Bangladesh thông báo một người Rohongya « đứng đầu một tổ chức di dân bất hợp pháp » bị phe đối thủ bắn chết trong một cuộc chạm súng. Tay « trùm » này là một thanh niên 30 tuổi, tên Amanullah, có tên trong sổ bìa đen của an ninh Bagladesh, theo nguồn tin cảnh sát được AFP trích dẫn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo cộng đồng người Rohingya tỵ nạn tại Nayapara, sát biên giới Miến Điện, thì Amanullah bị cảnh sát Bagladesh câu lưu và sau đó anh chết trong cơ quan cảnh sát. Xác nạn nhân bị vất ra lề đường.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150608-mien-dien-tong-xuat-di-dan-rohingya-ve-bangladesh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten