vrijdag 20 mei 2016

Những đặc vụ bảo vệ sát sườn tổng thống Mỹ + Đội cảnh khuyển hộ tống tổng thống Mỹ ở nước ngoài

Chủ nhật, 15/5/2016 | 08:25 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Chủ nhật, 15/5/2016 | 08:25 GMT+7

Những đặc vụ bảo vệ sát sườn tổng thống Mỹ

Các đặc vụ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống Mỹ mang trọng trách đảm bảo an toàn cho người đứng đầu Nhà Trắng bằng mọi giá, dù phải hy sinh cả tính mạng.
nhung-dac-vu-bao-ve-sat-suon-tong-thong-my
Các nhân viên PPD luôn túc trực bên cạnh tổng thống Mỹ, đặc biệt là trong các chuyến công du nước ngoài. Ảnh minh họa: AFP
Từ những năm đầu của thế kỷ XX, Đơn vị Bảo vệ Tổng thống (PPD) đã được điều hành bởi Cơ quan Mật vụ Mỹ, mặc dù mục tiêu hoạt động của họ khi đó hoàn toàn khác nhau. Mật vụ Mỹ lúc này chủ yếu có chức năng thực hiện nghiệp vụ chống tiền giả.
Bộ Tài chính Mỹ năm 1865 thành lập Cơ quan Mật vụ nhằm tiến hành những chiến dịch truy quét các tổ chức sản xuất và tiêu thụ tiền giả. Họ sau đó trở thành một nhóm thực thi pháp luật đa mục đích, chuyên điều tra các lĩnh vực mà Cảnh sát Tư pháp Mỹ không có thẩm quyền can thiệp hay thiếu nguồn lực triển khai.
Năm 1901, sau khi tổng thống William McKinley bị ám sát, quốc hội Mỹ ra quyết định điều động Cơ quan Mật vụ đảm nhận trọng trách bảo vệ tổng thống. Từ đó đến nay, họ luôn là một thành phần không thể thiếu trong đội ngũ an ninh hộ tống tổng tư lệnh nước Mỹ. Các nhân viên mật vụ hay PPD đều là những người vô cùng thiện chiến, có kỹ năng chuyên sâu và giàu kinh nghiệm. Họ am hiểu về các loại vũ khí và nắm vững mọi chiến thuật phòng vệ.
Đúng như tên gọi, nhiệm vụ chính của PPD là bảo vệ tổng thống Mỹ cùng gia đình. Công việc của họ rất đa dạng, từ lập đội xe hộ tống, sắp xếp nhân viên an ninh tháp tùng tổng thống trong các chuyến công du toàn cầu đến túc trực bên cạnh tổng thống ngày này qua tháng khác. Tôn chỉ hành động của họ là bảo vệ tổng thống bằng mọi giá, dù có phải hy sinh tính mạng. Chính vì thế, công việc của một nhân viên PPD thường bị coi là đặc biệt nguy hiểm.
Rất dễ để nhận diện các thành viên PPD. Họ hay mặc vest, có vẻ ngoài lạnh lùng và thường xuyên đứng sát cạnh tổng thống Mỹ mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. Nhiều lúc, họ chạy bám theo đoàn xe của tổng thống như một biện pháp tăng cường an ninh.
Dan Emmett là một cựu nhân viên PPD, từng bảo vệ tổng thống George H.W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush. Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal hồi năm 2014, ông chia sẻ những trải nghiệm của mình khi còn phục vụ cho PPD.
Emmett cho hay, nhiều lúc, ông không được ngủ suốt 24 tiếng, phải bỏ cả bữa trưa lẫn bữa tối, đứng bên ngoài một ngôi nhà, dưới trời mưa, vào lúc 3h sáng, suốt nhiều tiếng đồng hồ, rồi lại vội vã bắt taxi lao tới sân bay để lên đường đến một thành phố nào đó. Quy trình trên có thể  lặp đi lặp lại liên tục.
Các nhân viên mật vụ có một vị trí khá kỳ lạ tại Nhà Trắng. Họ là người ở gần tổng thống nhất, được nghe và nhìn tất cả những thứ mà tổng thống Mỹ nhìn và nghe. Nhưng không như đội ngũ cố vấn hay quan chức dưới quyền tổng thống, họ chỉ lặng lẽ đứng bên lề và quan sát tình hình. Nếu tổng thống hỏi các đặc vụ PPD một việc gì đó, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới chính trị, họ thường trả lời một cách ngắn gọn và tránh nêu ý kiến cá nhân. Những cuộc đối thoại giữa tổng thống và nhân viên PPD hầu hết chỉ diễn ra trong khoảng vài giây, Emmett cho biết.
Emmett gia nhập PPD năm 1992 sau 10 năm phục vụ cho Cơ quan Mật vụ. Ông kể lại với phóng viên WSJ một sự việc khiến ông nhớ mãi. 
"Vào một buổi sáng nọ, khi tôi còn đang làm quen với công việc, tôi được cắt cử đứng gác ở tầng trệt của Nhà Trắng. Đèn thang máy bật sáng, dấu hiệu cho thấy 'Đại bàng', mật danh của tổng thống Clinton, đang đi xuống. Ông ấy bước ra và tôi là người dẫn đầu đoàn", Emmett kể.
"Khi tới Phòng Bầu dục, tôi mở cửa, 'Đại bàng' ở ngay phía sau. Bước chân vào phòng, việc đầu tiên tôi làm là quan sát thật nhanh để chắc chắn rằng tất cả đều ở đúng vị trí. Sau đó, tôi đi ra theo lối mà tôi nghĩ đó là cánh cửa dẫn tới hành lang giữa Phòng Bầu dục và phòng Roosevelt. Nhưng hóa ra không phải vậy, tôi bước vào phòng ăn riêng bên trong Phòng Bầu dục", Emmett thuật lại. "Tôi đứng đó và phân vân không biết nên làm gì tiếp theo. Và tôi đã đưa ra một quyết định sai lầm. Tôi quay lại Phòng Bầu dục. Tổng thống Clinton dường như cảm thấy bất ngờ và có phần khó chịu. Tôi cố tỏ vẻ rằng mọi hành động của mình đều có chủ đích. 'Chào buổi sáng, thưa ngài, tất cả đều ổn', tôi nói rồi nhanh chóng bước ra ngoài, để lại đằng sau là tổng thống Mỹ đang cảm thấy vô cùng khó hiểu".
"Dù bản chất của nhiệm vụ buộc chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng tất cả các đặc vụ từng tham gia PPD đều nói những gì họ trải qua rất đáng giá", Emmett nhấn mạnh.
Xem thêm:
Vũ Hoàng

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhung-dac-vu-bao-ve-sat-suon-tong-thong-my-3402155.html

Thứ sáu, 13/5/2016 | 13:06 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 13/5/2016 | 13:06 GMT+7

Đội cảnh khuyển hộ tống tổng thống Mỹ ở nước ngoài

Những con chó nghiệp vụ đảm nhận việc cảnh giới và phát hiện các dấu hiệu khả nghi trong phạm vi 100 m xung quanh tổng thống Mỹ.
doi-canh-khuyen-thap-tung-tong-thong-my-o-nuoc-ngoai
Chó nghiệp vụ bảo vệ tổng thống Mỹ thường được tuyển chọn kỹ lưỡng và phải trải qua một quá trình huấn luyện gắt gao. Ảnh minh họa: AFP
Mỗi lần tổng thống Mỹ công du nước ngoài, một đội ngũ nhân lực, vật lực hùng hậu lại được huy động. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đứng đầu Nhà Trắng, bên cạnh các nhân viên an ninh, mật vụ tinh nhuệ, những đội chó nghiệp vụ cũng là thành phần không thể thiếu.
Ở các nước phương Tây, người ta thường gọi chung đội chó nghiệp vụ là Đơn vị K9. Những con chó thường được tuyển chọn rất kỹ lưỡng và phải trải qua quá trình huấn luyện gắt gao nếu muốn làm thành viên của lực lượng này.
Hồi đầu năm ngoái, trước chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama, các nhân viên mật vụ Mỹ cũng đưa tới thủ đô New Delhi một Đơn vị K9 vô cùng thiện chiến. Theo tờ Express Tribune, cơ quan an ninh đã triển khai tới 40 chó nghiệp vụ để bảo vệ ông Obama.
Đội chó nghiệp vụ là một lực lượng chủ chốt trong đoàn hộ tống tổng tư lệnh nước Mỹ. Chúng thường đảm nhận nhiệm vụ phát hiện những dấu hiệu khả nghi, tìm kiếm các đầu mối tiềm ẩn nguy hiểm ở phạm vi khoảng 100 m xung quanh tổng thống.
Đơn vị K9 của mật vụ Mỹ thành lập từ năm 1977 và sử dụng ngân sách liên bang để duy trì hoạt động. Lực lượng này sở hữu khoảng 75 con chó, mỗi con có giá khoảng 9.000 USD. Các chuyên gia sẽ huấn luyện chúng tầm 5 tháng tại một cơ sở rộng hơn một triệu mét vuông, đặt ở bang Maryland, trước khi cho gia nhập lực lượng.
Chó nghiệp vụ thuộc Đơn vị K9 của Mỹ chủ yếu thuộc giống bec-giê Đức và Bỉ. Ngoài ra, K9 cũng chỉ chấp nhận những con chó trưởng thành. Kỹ năng nổi bật của chúng là đánh hơi, can thiệp và xử lỷ nhanh chóng những kẻ tấn công.
Chó nghiệp vụ bảo vệ tổng thống Mỹ có thể ngửi thấy cả các dấu vết chất nổ đã cũ, ví dụ như RDX, thuốc nổ đen hay thiết bị nổ cải tiến (IED). Khả năng phản ứng của chúng cũng rất nhanh nhạy và linh hoạt. Ngay khi nhận hiệu lệnh, chúng sẽ lập tức khống chế mục tiêu chỉ trong chớp mắt. Vận tốc chạy trung bình của chó nghiệp vụ K9 Mỹ đạt khoảng 40 - 50 km/h. Cú đớp của chúng được đánh giá là rất nguy hiểm. Một khi đã cắn mục tiêu, chúng chỉ nhả ra nếu có chỉ thị từ người điều khiển.
Theo như lời miêu tả của các mật vụ Mỹ, những con chó nghiệp vụ thường tỏ ra thân thiện, gần gũi khi ở bên cạnh trẻ em nhưng sẽ trở nên hung dữ và hành động quyết đoán lúc đối mặt với các đối tượng gây nguy hiểm. Mắt chúng có phạm vi quan sát lên tới 270 độ và chúng "lao nhanh như một viên đạn". Chính vì thế, ngay cả các binh sĩ quân đội cũng ưa dùng chó nghiệp vụ. Một con chó K9 giống Malinois thậm chí từng tham gia sứ mệnh tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011.
Chó nghiệp vụ Mỹ cũng hưởng lương và được thăng chức trong quá trình làm việc. Chúng sẽ nghỉ hưu sau khoảng 10 năm cống hiến. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, một số con còn có thể lưu trú cùng chủ của chúng tại các phòng khách sạn hạng sang.
Vũ Hoàng


73
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Geen opmerkingen:

Een reactie posten