woensdag 4 mei 2016

Không gian : Tìm được ba hành tinh “ có thể có sự sống”


Không gian : Tìm được ba hành tinh “ có thể có sự sống”


mediaBa hành tinh nằm trên quỹ đạo xung quanh một ngôi sao "lùn".ESO/M. Kornmesser/N. Risinger/Handout via Reuters
Theo một công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature ngày 02/05/2016, các nhà khoa học vừa tìm được ba hành tinh “có thể có sự sống” trên quỹ đạo của một ngôi sao nhỏ. Phát hiện này lần đầu tiên mang đến cho con người khả năng tìm được các dấu vết hóa học của sự sống bên ngoài Thái dương hệ.
Ba hành tinh này, nằm trên quỹ đạo của một ngôi sao “lùn”được đặt tên là TRAPPIST-1, có kích thước và nhiệt độ như Trái Đất và Sao Kim. Một êkíp quốc tế các nhà nghiên cứu, đứng đầu là ông Michael Gillon thuộc đại học Liège, Bỉ, đã phát hiện bộ tam hành tinh này ở cách Trái đất 39 năm ánh sáng.
Cho tới nay, người ta vẫn không biết là có những hành tinh tương tự như Trái Đất nằm trên quỹ đạo của một ngôi sao nhỏ. Việc tìm kiếm các hành tinh có thể có sự sống cho tới nay thường tập trung vào khu vực chung quanh các ngôi sao lớn hơn, giống như là Mặt trời.
Trong ba hành tinh nằm trên quỹ đạo ngôi sao TRAPPIST-1, có một hành tinh nằm ở khu vực không quá nóng, không quá lạnh, nhờ vậy mà nước có thể được giữ ở thể lỏng, cho phép phát triển một dạng sự sống giống như là trên Trái Đất. Hai hành tinh kia nằm gần ngôi sao hơn, có nhiệt độ nóng hơn nhiều, nhưng vẫn có những vùng mà sự sống có thể phát triển.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, cần phải tìm hiểu thêm về trọng lượng, các đặc tính của bầu khí quyển ( nếu các hành tinh nói trên có một bầu khí quyển ), nhưng thông tin mà họ hy vọng có thể nhanh chóng đạt được nhờ công nghệ tiên tiến hiện nay, nhất là nhờ viễn vọng kính không gian James Webb sẽ được phóng lên vào năm 2018.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160503-khong-gian-tim-duoc-ba-hanh-tinh-%E2%80%9C-co-the-co-su-song%E2%80%9D


NASA phát hiện được ‘‘chị em sinh đôi’’ của Trái đất


mediaMinh họa so sánh Trái đất với Hành tinh Kepler-452b.REUTERS/NASA/Ames/JPL-Caltech/T. Pyle
Theo Reuters, hôm qua 23/07/2014, các nhà khoa học của NASA, cơ quan không gian Hoa Kỳ, vừa phát hiện thêm được một hành tinh có sự sống. Hành tinh này được nhiều người coi là giống Trái đất nhất, so với tất cả những thiên thể được phát hiện từ trước tới nay.
Nhà nghiên cứu Jeff Coughlin, viện SETI (California), rất vui mừng : « Việc phát hiện được một hành tinh tương tự Trái đất, về kích thước và nhiệt độ, quay xung quanh một ngôi sao tương tự Mặt trời, là một bước tiến lớn ». Các nghiên cứu về Kepler-452b sẽ được công bố trên tạp chí Astronomical Journal.
Hành tinh mới được tìm ra có thể tích lớn hơn Trái đất của chúng ta khoảng 60%, nằm trong chòm sao Thiên Nga, cách hệ Mặt trời 1.400 năm ánh sáng.
Thiên thể do kính thiên văn Kepler phát hiện được đặt tên là Kepler-452b. Hành tinh này quay xung quanh một ngôi sao rất giống với Mặt trời, và ở một cự ly tương tự như Trái đất. Theo các nhà khoa học, Kepler-452b ở một khoảng cách phù hợp, cho phép hành tinh có nước lỏng trên bề mặt, một điều kiện cho phép hình thành sự sống.
Ngoài Kepler-452b, kính Kepler đã xác định được hơn 1.000 hành tinh và gần 5.000 thiên thể tương tự hành tinh. Tuy nhiên, Kepler-452b lại có một « Mặt trời » hơi lớn hơn và hơi nóng hơn so với các hành tinh được phát hiện trước đó.
Căn cứ trên kích thước biết được, các nhà khoa học dự báo bề mặt của hành tinh được cấu thành từ đá, giống như Trái đất. Tuy nhiên, đây chưa phải là quan sát trực tiếp. Để xác định trên Kepler-452b có khí quyển hay không, cần phải có một thế hệ kính thiên văn mới hoàn thiện hơn.
Ngôi sao của Kepler-452b có tuổi khoảng 6 tỷ năm, tức là « già » hơn Trái đất hơn 1 tỷ năm. Đây là một khoảng thời gian thuận lợi cho việc xuất hiện sự sống, bên cạnh các yếu tố quan trọng khác nêu trên.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150724-nasa-phat-hien-duoc-%E2%80%98%E2%80%98chi-em-sinh-doi%E2%80%99%E2%80%99-cua-trai-dat


Phát hiện một hành tinh giống Trái đất ngoài Thái Dương hệ


mediaHành tinh Kepler-186fNASA/JPL-Caltech

Một êkíp các nhà thiên văn học quốc tế hôm qua, 17/04/2014, loan báo đã phát hiện hành tinh đầu tiên ngoài Thái Dương hệ có kích thước tương đương với Trái đất và có nhiệt độ giúp cho nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng và như vậy sự sống có thể tồn tại. Hành tinh này nằm cách Mặt trời 490 năm ánh sáng ( 1 năm ánh sáng = 9.460 tỷ km ).
Hành tinh này, được đặt tên là Kepler-186f, đã được phát hiện nhờ kính viễn vọng không gian Kepler. Kepler-186f nằm trên một quỹ đạo chung quanh một ngôi sao, nhỏ hơn và ít nóng hơn Mặt Trời, trong một vùng mà nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Theo các nhà khoa học, đứng đầu là một nhà thiên văn học của cơ quan không gian Hoa Kỳ, phát hiện nói trên càng làm tăng thêm khả năng tìm thấy các hành tinh tương tự như Trái Đất trong Giải Ngân Hà.
Trong số gần 1.800 hành tinh ngoài Thái Dương hệ được phát hiện từ năm 1994, có khoảng 20 hành tinh xoay quanh ngôi sao nằm trong vùng có thể có sự sống. Nhưng các hành tinh đó lớn hơn Trái Đất nhiều và như vậy khó mà xác định là chúng được cấu tạo bằng đá hay bằng khí.
Vào cuối năm 2013, các nhà thiên văn học đã thẩm định có hàng tỷ hành tinh có kích thích tương đương với Trái đất nằm trên quỹ đạo chung quanh các ngôi sao tương tự như Mặt trời trong Giải Ngân Hà.

http://vi.rfi.fr/khoa-hoc/20140418-phat-hien-mot-hanh-tinh-giong-trai-dat-ngoai-thai-duong-he

Geen opmerkingen:

Een reactie posten