maandag 7 maart 2016

Vì sao Việt Nam in sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình? + Đặng Tiểu Bình có công với Trung Quốc nhưng “giảo hoạt” với Việt Nam.

Vì sao VN in sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình?

  • 6 tháng 3 2016
Image copyright Reuters
Image caption Đặng Tiểu Bình (thứ hai, từ trái) là lãnh tụ của thời kỳ đổi mới thời kỳ hậu Mao của TQ, năm 1979 ông đã chỉ đạo mở một cuộc chiến để 'dạy cho VN một bài học'.
Dư luận cả nước Việt Nam mới đây xôn xao về cuốn sách do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2015, nhan đề "Đặng Tiểu Bình – một trí tuệ siêu việt."
Tò mò, tôi tìm đọc và ngã ngửa bởi thấy thật hổ thẹn cho sự kém cỏi, u mê của mình: Cuốn sách thảm họa ấy thực ra là tái bản.
Cuốn tôi có trên tay do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin in từ năm… 2003(!), dày 600 trang, giá 60.000 đồng. Các tác giả là Lưu Cường Luân, Uông Đại Lý; dịch giả là Tạ Ngọc Ái, Nguyễn Viết Chi.
Thế mới biết cái gọi là sự “quan tâm” đối với vận nước, nỗi nhà của trí thức thời nay (trong đó có tôi) đáng thất vọng đến mức nào…
Trước hết, phải ghi nhận rằng Đặng Tiểu Bình là một trong những nhân vật chính trị nổi bật của nửa sau thế kỷ XX, công lao và tài năng của ông ta "rất đáng được ca ngợi" – dĩ nhiên, khi kẻ dịch, kẻ cho in đều là người… Trung Quốc.
Vì tài năng của Đặng không phải là mục đích phân tích của bài viết này nên tôi sẽ nhìn nhận dưới góc độ của một độc giả - về cái tinh thần cốt lõi: ca ngợi kẻ thù của dân tộc, kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 và cũng là kẻ đã ra lệnh cho quân xâm lược tấn công, xâm chiếm Gạc Ma, thuộc Trường Sa năm 1988 – chủ quyền đương nhiên của Việt Nam là vì mục đích gì để, từ đó, thử xem việc nói tài năng của Đặng là "siêu việt" có thỏa đáng hay không?

Thú nhận bàng hoàng

Điều phải thú nhận đầu tiên đó là sự bàng hoàng: Một người đọc với ý định phê phán như tôi, cũng là một người có 40 năm giảng dạy lịch sử Trung Quốc mà vẫn bị cuốn hút, không ít khi bị đánh lừa bởi cách viết, cách dẫn chuyện thì, đối với những người “đọc cho biết, cho vui”, mức độ gây hại của nó sẽ ghê gớm đến mức nào!
Thứ nhất, tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách ngoài chuyện tài năng của Đặng ra thì đó là ca ngợi hết lời về tài năng, bản lĩnh, sự không thể thay thế được, không có nó là không thể được của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nói như thế để thấy đã hiện ra đâu đó từ đường chân trời những giả định mịt mù của những người in sách: Họ bất chấp tất cả sự thật, bất chấp cái chết của hàng vạn con dân nước Việt do Đặng gây ra; chỉ cần bảo vệ một điều duy nhất, đó chính là sự ổn định trên cương vị lãnh đạo của ĐCSTQ…
Bất chấp những sai lầm khủng khiếp do Mao và ĐCSTQ làm chết cả 100 triệu người (tr. 483), các tác giả liên tục nhắc đi nhắc lại lời Đặng là sống chết gì cũng phải bảo vệ ĐCSTQ, rằng “mấu chốt là ở Đảng, ở người, ở lớp kế tục” (tr.484), rằng “…không được vứt bỏ Mác, không vứt bỏ Lê Nin, cũng không vứt bỏ Mao Trạch Đông, cụ tổ không được vứt đi nhé!” (tr.168).
Image copyright Getty
Image caption Pháo binh của phía Việt Nam trong cuộc chiến biên giới 17/2/1979 đối phó với quân Trung Quốc.
Thứ hai, cuốn sách đã đạt đến mức thượng thừa của những kẻ có tài ngoa ngôn đến mức không còn sợ thị phi, không quan tâm đến sự thật lịch sử khi liên tiếp cố tình phạm các sai lầm logic để “chứng minh” tài Đặng là tuyệt luân, chấp cả hàng tỷ người trong thời ông ta sống.
Người viết khẳng định Đặng là người “… đã vượt lên trên tất cả các nhà kinh tế học phương Tây, với tinh thần sáng tạo và tính quyết đoán đáng kinh ngạc…” (tr 295, chúng tôi nhấn mạnh – HVT).
Người viết sàm ngôn và lú lẫn đến mức: Để ca ngợi Đặng, coi cái chết của 8.000 bộ đội Trung Quốc (tr. 483) trong chiến dịch Hoài Hải (1948) chỉ là tổn thất không đáng kể(!) so với việc tổ chức vượt sông cho cả “trăm ngàn hùng binh” chỉ nhằm đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi(?) Thế mới biết mạng người dân đen trong tay nhào nặn của đảng cộng sản Trung Quốc e chưa bằng cỏ rác…
Thứ ba, Đặng – y chang đảng cộng sản Trung Quốc, tìm mọi cách để bôi đen lịch sử miễn là có lợi cho đảng để cầm quyền vững chắc. Đặng thừa nhận Mao có 27 năm cống hiến (1949-1976) cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó 7 năm đầu thành công, 10 năm tiếp theo 5 năm có công, 5 năm có tội; 10 năm tiếp nữa thì “không tính” (tội lỗi ngập tràn) nhưng không được phanh phui ra:
“Không nên viết quá về những sai lầm của Mao Trạch Đông. Nếu không, như thế thì sẽ bôi đen Mao Trạch Đông, đồng thời bôi đen cả Đảng và Nhà nước…” (tr.433). Đọc đến đây, ai cũng hiểu vì sao khoa học lịch sử trong một nhà nước cộng sản còn tệ hơn cả một tuồng hề.
Đặng đã biển lận khi trơ tráo cho rằng mặc dù tội nhiều, công lắm như thế nhưng Mao vẫn là người… siêu phàm: “Đồng chí Mao Trạch Đông phạm sai lầm, đó là một nhà cách mạng vĩ đại phạm sai lầm, là một người Mác-xít vĩ đại mắc sai lầm” (tr.435).

Tham quyền hay vì dân?

Thứ tư, các tác giả biện minh cho việc Đặng tham quyền cố vị khi “lui dần từng bước quyền lực” là vì… nhân dân(!); cố bào chưa bằng mọi giá cái chuyện dẫu đã về hưu vẫn còn đi thị sát, chỉ đạo miền Nam năm 1992, khi đã… 88 tuổi!
Những ngôn từ có cánh của loài hoa dại dọc đường tàu tha hồ bay bay đuổi theo con tàu bảo thủ, trì trệ cứ cố tăng tốc như để giễu cợt người đọc: Sau mỗi bước rút lui của ông thì sự nghiệp do ông sáng tạo lại tiến thêm một bước. Trí tuệ thật uyên thâm, chất nghệ thuật thật tuyệt diệu (tr. 490). Nói vậy rồi, chỉ trong 2 trang sau đó, những người viết lại tự mâu thuẫn rằng “Năm 1985, Đặng Tiểu Bình từ chức Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện, và tiết lộ năm 1985 sẽ chỉ làm cố vấn “ (tr. 492).
Dối trá không có giới hạn hình như là nguyên tắc của cuốn sách này: Tại sao lại “quên” cái chuyện phải đến ngày 9.11.1989, sau khi thảm sát xong hàng ngàn sinh viên Trung Quốc ở Quảng trường Thiên An Môn, Đặng mới chính thức rời khỏi chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương?
Thứ năm, Đặng có thực tài trong biến hóa ngôn từ, biến cả cái của người ta thành của mình. Các tác giả đã khẳng định rằng, theo Đặng, cái thứ chủ nghĩa Mác của tất cả những người khác chỉ là “chủ nghĩa Mác trong khe núi” (tr. 123); còn Đặng, cái mà ông có, là “chủ nghĩa Mác chân chính”(?)
Image copyright Other
Image caption Sử gia Hà Văn Thịnh nêu 9 điểm phê phán cuốn sách 'Đặng Tiểu Bình - một trí tuệ siêu việt' mới tái bản ở Việt Nam.
Làm sao lý giải rằng đó là “chân chính” trong khi xây dựng, hướng tới “chủ nghĩa đại đồng” lại phát động chiến tranh xâm lược Nước Việt Nam XHCN năm 1979, rồi 9 năm sau lại đánh chiếm Gạc Ma, bắn chết 64 chiến sĩ công binh Việt Nam không được lệnh nổ súng? Làm sao “chân chính” khi đàn áp biểu tình năm 1989 bằng cái cách ngay cả Hitler cũng không dám (chỉ có cộng sản dám) là dùng xe tăng nghiền nát hàng trăm sinh viên trẻ trung, trong trắng?...
Thứ sau, có thể là vô ý, nhưng các tác giả đã cho người đọc biết rõ bộ mặt thật của những người cộng sản Trung Quốc khi đã làm “lóe lên” những tia sáng ít ỏi, hiếm hoi của sự thật; theo tôi, đây là cái TỐT đáng kể. Ở trang 390, các tác giả khẳng định rằng chủ ngĩa bè phái (lợi ích nhóm) dường như là thuộc tính của công sản: “trong nhiều đơn vị, không cầm quyền theo tính đảng mà là theo tính bè phái”.
Ghê gớm hơn, ở trang 483, cuốn sách cho người đọc biết rõ chuyện: Chỉ để chống lại một bí thư tỉnh ủy, “người ta” có thể làm chết vài vạn người: “Năm 1968, vụ án do Khang Sinh tạo ra nhằm chống lại Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Triệu Kiến Dân làm chết 16.000 người, trong khi năm 1948, Đặng chỉ huy “trăm vạn hùng binh” vượt sông Hoài chỉ thương vong có… 8.000 (tr. 483). Tiếp đó, là chuyện Trần Bá Đạt chỉ vì… “nghi” đảng bộ Khu Ký Đông có liên hệ với Quốc dân đảng, mà tổng cộng 84.000 người đã bị bức hại, trong đó có 2.955 người chết chỉ nhằm mục đích… “trị loạn cứu ổn”?
Trời hỡi trời là câu người viết bài này phải thốt lên khi nghĩ, bàn về chuyện “cứu ổn định” cho chế độ cộng sản có thể làm tán gia bại sản, làm chết hàng vạn con người…

Biến hóa hay siêu việt?

Thứ bảy, cuốn sách của người viết cho người đọc biết rõ trong ba luận điểm nổi tiếng của Đặng được người đời truyền tụng là luận thuyết không tranh luận, luận thuyết mò đá qua sông, luận thuyết mèo trắng mèo đen thì có đến 2/3 là tư tưởng, ý nghĩ, hành động của Lưu Bá Thừa (tr. 507). Tài năng của Đặng so với Lưu chỉ bằng 1/3; 2/3 là biến hóa thì làm sao có thể gọi là siêu việt?
Đặng có thực tài đến cỡ siêu quần không khi cả ba lần lên - xuống, vào – ra Trung Nam Hải của ông ta đều có sự tài trợ của Chu Ân Lai? ( từ tr. 495 đến tr. 507)
Người xưa nói “quân tử cậy mình mà thành” nhưng Đặng thì đã biết cách lợi dụng người mà thành. Ca ngợi đó là trí tuệ siêu việt thì chẳng khác chi tiếp nối bước đi của Trạng Quỳnh vẽ 10 con vật sau 3 tiếng trống…
Tiếp theo, thứ tám, đọc cuốn sách này mới biết chuyện lan truyền trên mạng xây dựng CNXH đến cuối thế kỷ này có khi vẫn “chưa biết được” có thành công hay không, có xuất xứ từ Đặng nói. Chính Đặng đã khẳng định là xây dựng CNXH phải mất vài trăm năm: “Đường lối cơ bản (xây dựng CNXH) phải theo đuổi hàng trăm năm, không được dao động…” (tr. 357).
Cũng biết thêm rằng lời ‘đồn” về việc cho rằng Mao từng coi trí thức chỉ là cục phân là có thật. Các tác giả cuốn sách đã khẳng định điều này – chỉ có điều không hiểu nổi là vì sao những người dịch lại chuyển ngữ thành “sự thối tha”: “Mao Trạch Đông rõ ràng có cách nhìn không đúng với giới trí thức, những phần tử trí thức thành ‘thối tha’” (tr. 361)…
Sử gia Hà Văn ThịnhImage copyright FB Ha Van Thinh
Image caption Ông Hà Văn Thịnh cho rằng Việt Nam không nên 'vui mừng' khi mà từ năm 2003 cuốn sách mà ông phê phán đã 'thao túng' hàng vạn người dân Việt.
Thứ chín và cũng là cuối cùng, những người dịch chắc hẳn nằm trong đội ngũ đặc thù vì họ phiên âm tên người nước ngoài một cách quái đản mà chỉ có trong nội bộ mới hiểu được. Ví dụ, Ngoại trưởng Mỹ Zbignew. Brzezinsky (1977-1981) thì được phiên âm là Brêzinsky 9tr. 71), TS H. Kissinger, ngoại trưởng Mỹ (1971-1974) thì được phiên âm là Kítxingiơ (tr. 63).
Chỉ có những người vừa ta đây “tân tiến” lại vô cùng bảo thủ mới có thể có cách phiên âm kì quặc thế. Thật tiếc là Nhà xuất bản không dám sửa?...
Có một lời bình trong cuốn sách chắc là phù hợp khi dẫn ra để kết thúc bài viết này: “…nếu bức tượng đồng Đặng Tiểu Bình có lý trí, hẳn cũng sẽ mỉm cười hài lòng” (tr 287).
Đặng sẽ sung sướng vô cùng ở nơi suối vàng khi biết Việt nam cho in cuốn sách, tái bản nhiều lần để ca ngợi kẻ đã CHÂM ngòi lửa chiến tranh, thôn tính dần đất nước Việt Nam.
Trong lịch sử loài người ít khi gặp những kẻ tội đồ trơ lì và ngạo ngược đến thế. Cách đây vài ngày, tôi có đọc được những sự tán tụng rằng đã có “lệnh miệng” cho thu hồi cuốn sách trên in năm 2015? Vui mừng cái nỗi gì khi từ năm 2003, cuốn sách độc hại này đã thao túng hàng vạn người dân Việt?
Thành thật xin lỗi mọi người vì lẽ: Tuy mang danh dạy sử mà chỉ biết đến sự thật trụi trần, dơ dáy này sau những… 13 năm(!)…
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu và giảng dạy sử học từng có nhiều năm làm việc tại Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học, Đại học Huế, Việt Nam.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/03/160306_havanthinh_dengxiaoping_book

Đặng Tiểu Bình với Việt Nam

  • 23 tháng 8 2014
Image caption Đặng Tiểu Bình có ảnh hưởng lớn đến quan hệ Việt - Trung
Một cựu Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc nói lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình có công với Trung Quốc nhưng “giảo hoạt” với Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh từ 1974 đến 1987, chứng kiến thăng trầm trong quan hệ Việt – Trung.
Ngày hôm nay ông là một trong những tiếng nói phê phán trong nội bộ Đảng Cộng sản, kêu gọi cải cách thể chế và cáo buộc Đảng quá lệ thuộc Trung Quốc.
Cuối tháng 7, Tướng Vĩnh là một trong 61 nhân vật có tiếng gửi thư ngỏ cho Ban Chấp hành Trung ương, thúc giục kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì tranh chấp Biển Đông.
Nói chuyện với BBC nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình, Tướng Vĩnh nói ông Đặng “là người giỏi” với Trung Quốc.
“Ông ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, rẽ đi con đường tư bản nên Trung Quốc phát triển rất nhanh.”

'Giảo hoạt'

Nhưng Tướng Vĩnh nói cố lãnh tụ Trung Quốc là con người “thực dụng, giảo hoạt”.
“Ông ta trang bị cho diệt chủng Pol Pot đánh chúng tôi, thì Việt Nam phải đánh trả tiến vào Phnom Penh. Ông ấy lại đánh chúng tôi để cứu Pol Pot, bảo là trừng phạt chúng tôi.”
Cách nhìn của Tướng Vĩnh về Đặng Tiểu Bình khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù nhiều người trong nước đánh giá cao cải tổ kinh tế của ông Đặng từ thập niên 1970, người Việt không thể tha thứ cho lãnh tụ Trung Quốc vì cuộc chiến biên giới đẫm máu năm 1979.
Đối với thế hệ đảng viên kỳ cựu như Tướng Vĩnh, quan hệ Việt – Trung là sự tổng hòa phức tạp của ý thức hệ và lợi ích dân tộc.
Sinh năm 1916, ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1937, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong giai đoạn non trẻ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự ủng hộ của Trung Quốc mang tính cốt lõi. Quan hệ của hai đảng cũng thân thiết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, quan hệ hai nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em.” Trong cuộc chiến Đông Dương lần hai khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc, tiếp tục cùng Liên Xô, cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho nỗ lực thống nhất của Hà Nội.
Tướng Vĩnh vẫn còn nhớ ông Đặng Tiểu Bình, khi đó là Phó Thủ tướng, dẫn đoàn đại biểu Trung Quốc đến Sứ quán Việt Nam, nơi Tướng Vĩnh là đại sứ, sau chiến thắng của miền Bắc năm 1975.
“Sang ngày hôm sau, họ tổ chức cuộc mít tinh ở Quảng trường Thiên An Môn để chúc mừng thắng lợi của Việt Nam. Tôi cũng phải có bài đáp từ cảm ơn Trung Quốc.”
“Vừa mừng nhau như thế, ba năm sau lại tiến quân vô cớ đánh chúng tôi, tàn phá triệt để mấy tỉnh biên giới.”
Căng thẳng Việt – Trung còn tiếp tục trong thập niên 1980, khi Tướng Vĩnh làm đại sứ tại Bắc Kinh.
“Chúng tôi làm gì, họ cũng phá. Cứ thỉnh thoảng lại triệu tập lên bộ ngoại giao phản đối cái gọi là ‘truy bức’ Hoa kiều.”
“Chúng tôi đi đâu, họ theo dõi đấy. Nhiều khi cản trở, Đại sứ đi ngoài đường, họ chặn lại bảo lái xe đi sai.”
“Hay nếu chúng tôi chiếu phim nhân ngày kỷ niệm Hồ Chủ tịch, chúng tôi mời các đại sứ đến sứ quán xem phim. Ví dụ tôi hẹn 7h chiều, họ lại mời mọi người cùng giờ đến xem triển lãm khác để phá.”
Mặc dù Tướng Vĩnh còn làm đại sứ đến năm 1987, hội đàm cấp cao song phương chỉ nối lại vào năm 1989. Việc bình thường hóa quan hệ được loan báo tháng 11 năm 1991.

Nghi ngờ

Quan hệ hai nước kể từ đó đã phát triển nhanh chóng – hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tuy vậy, các vấn đề lịch sử, như cuộc chiến 1979 và tranh chấp trên biển, khiến quan hệ hai nước không thể “bình thường”.
Phần nào đó, Đặng Tiểu Bình là biểu tượng cho quan hệ phức tạp giữa hai quốc gia.
Người Việt có thể đánh giá cao, thậm chí ngưỡng mộ tầm nhìn của ông Đặng đã giúp mở cửa Trung Quốc và có tác động đến cải tổ tại Việt Nam.
Nhưng nhiều người Việt cũng cảm thấy đã bị Đặng Tiểu Bình phản bội, và hôm nay, cũng như mấy chục năm trước, họ không thể tin tưởng Trung Quốc.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/08/140822_dang_tieu_binh_nguyen_trong_vinh

Công tội Đặng Tiểu Bình với VN?

22 tháng 8 2014 Cập nhật lúc 19:52 ICT


Một cựu Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc nói lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình có công với Trung Quốc nhưng “giảo hoạt” với Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh từ 1974 đến 1987, chứng kiến thăng trầm trong quan hệ Việt – Trung.
Nói chuyện với BBC nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình, Tướng Vĩnh nói ông Đặng “là người giỏi” với Trung Quốc.
“Ông ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, rẽ đi con đường tư bản nên Trung Quốc phát triển rất nhanh.”
Nhưng Tướng Vĩnh nói cố lãnh tụ Trung Quốc là con người “thực dụng, giảo hoạt”.
“Ông ta trang bị cho diệt chủng Pol Pot đánh chúng tôi, thì Việt Nam phải đánh trả tiến vào Phnom Penh. Ông ấy lại đánh chúng tôi để cứu Pol Pot, bảo là trừng phạt chúng tôi.”

Geen opmerkingen:

Een reactie posten