woensdag 9 maart 2016

Tàu sân bay Trung Quốc chỉ là... phế phẩm trong mắt tướng lĩnh Mỹ + Tàu ngầm Trung Quốc chạy như... 'khua chiêng gõ trống'

Thứ hai, 7/3/2016 | 15:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 7/3/2016 | 15:00 GMT+7

Tàu sân bay Trung Quốc - phế phẩm trong mắt tướng lĩnh Mỹ

Lầu Năm Góc tin rằng tàu sân bay Trung Quốc không sở hữu những công nghệ cần thiết để có thể đe dọa trực tiếp đến lực lượng Mỹ trên các vùng biển sâu.
tau-san-bay-trung-quoc-phe-phm-trong-mat-tuong-linh-my
Tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PA
Ngày 3/3, Xinhua dẫn lời Chuẩn Đô đốc Yin Zhuo, cố vấn chính trị quốc gia, thành viên hội đồng cố vấn của hải quân về an ninh mạng, cho biết mục tiêu "bảo vệ chủ quyền với các đảo, rặng san hô, quyền lợi hàng hải và lợi ích ở nước ngoài" của Trung Quốc đòi hỏi phải có hải lực mạnh, buộc nước này phải lên kế hoạch xây dựng các cụm tàu sân bay chiến đấu, điều mà hải quân Mỹ đã thực hiện cách đây hàng chục năm.
Tuyên bố trên của ông Yin được đưa ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc vừa điều một cụm tàu sân bay chiến đấu thuộc Hạm đội 7 tới tuần tra ở Biển Đông nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải của cường quốc này, sau khi Trung Quốc bị tố đưa tên lửa, chiến đấu cơ xuống quần đảo Hoàng Sa và xây dựng các trạm radar cao tần trên những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) thuộc Lầu Năm Góc, các chiến lược gia Mỹ cho rằng tàu sân bay của Trung Quốc hiện nay và trong tương lai gần không có khả năng tác chiến ở các vùng biển sâu như các cụm tàu sân bay chiến đấu hải quân Mỹ. Hải quân Trung Quốc (PLAN) cũng khó có thể triển khai được sức mạnh trên toàn cầu như những gì hạm đội siêu tàu sân bay của Mỹ đang thực hiện.
"Các tàu sân bay họ đang đóng không có năng lực biển sâu tương tự như tàu của chúng ta. Chúng cũng sẽ không thực hiện được các chiến dịch tập kích đường không từ tàu sân bay quy mô như những gì chúng ta đã làm", trung tướng Vincent Stewart, giám đốc DIA, tuyên bố trong phiên điều trần trước Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện hôm 2/3.
Khi xem xét kỹ kế hoạch triển khai tàu sân bay của PLAN, các chuyên gia phân tích quân sự của chuyên trang quốc phòng IHS Jane’s cho rằng những tàu sân bay mà lực lượng này sắp đóng sẽ chỉ được sử dụng với vai trò chiến thuật và phạm vi hạn chế hơn rất nhiều so với hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Thay vì sử dụng các cụm tàu sân bay tiến công để thực hiện các chiến dịch không kích ở những vùng đất xa xôi như hải quân Mỹ đang làm, Trung Quốc nhiều khả năng chỉ điều tàu sân bay của mình đến những vùng biển xung quanh, nơi Bắc Kinh muốn sử dụng chúng làm công cụ để hỗ trợ cho những tuyên bố chủ quyền phi lý của mình và phục vụ các mục đích kinh tế, theo tướng Stewart.
Hai mục tiêu khả dĩ nhất để tàu sân bay Trung Quốc hoạt động là Biển Đông và biển Hoa Đông, những nơi không được coi là "biển xanh", vốn là lãnh địa thống trị của các cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ suốt nhiều thập kỷ. Theo IHS Jane’s, trên các vùng biển này, tàu sân bay Trung Quốc sẽ đóng vai trò là những phi trường nổi nhằm lấp khoảng trống giữa các đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp, với mục đích tạo ra một mạng lưới phòng không liên tục, không bị đứt quãng.
Mục tiêu thứ hai của những tàu sân bay này là bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt là những cơ sở quân sự xa xôi mà nước này vừa xây dựng. Hồi tháng 11/2015, Trung Quốc tuyên bố sẽ xây căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại quốc gia Đông Phi Djibouti. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, Trung Quốc phải thực hiện một kế hoạch dài hơi và đóng thêm nhiều tàu sân bay nhằm duy trì hiện diện liên tục tại các căn cứ xa xôi đó.
'Con vịt ngồi chờ bị bắn'
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest, tuyên bố trên của tướng Stewart chứng tỏ các tướng lĩnh và chiến lược gia của Lầu Năm Góc không coi trọng khả năng tác chiến biển xanh của tàu sân bay Trung Quốc, những vũ khí được coi là lạc hậu hơn rất nhiều so với tàu sân bay Mỹ hiện nay.
tau-san-bay-trung-quoc-phe-phm-trong-mat-tuong-linh-my-1
Tiêm kích J-15 cất cánh từ đường băng dạng nhảy cầu của tàu Liêu Ninh. Ảnh: News.cn
Trong thực tế, tàu sân bay duy nhất mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc hiện tại là bản cải hoán của một tàu sân bay mà Ukraine đang đóng dở trước khi Liên Xô tan rã, và nó có kích thước chỉ bằng một nửa so với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Điều đáng chú ý là tàu sân bay Liêu Ninh có đường băng cất cánh dạng "nhảy cầu" (ski-jump), không sử dụng các hệ thống phóng máy bay hiện đại như của Mỹ, khiến các máy bay nặng hơn chở nhiều bom đạn hơn không thể hoạt động trên con tàu này.
Giáo sư Peter Navarro thuộc Đại học California-Irvine, cho rằng tàu Liêu Ninh không thể gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với hải quân Mỹ. Đường băng ngắn dạng nhảy cầu khiến nó chỉ có thể phóng những chiếc chiến đấu cơ thế hệ cũ, không thể đọ lại được tiêm kích tàng hình F-35C của Mỹ. Bản thân tàu Liêu Ninh cũng không được trang bị những hệ thống và tác chiến điện tử vũ khí hiện đại có thể chống lại được những cuộc tấn công từ bên ngoài.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng tàu Liêu Ninh chỉ có giá trị là một biểu tượng cho lòng tự hào dân tộc của Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng phải trải qua một quá trình rất truân chuyên mới có thể đạt được niềm tự hào này.
Năm 1998, tàu Liêu Ninh – lúc đó có tên là Varyag – chỉ là một bộ khung han rỉ bị tháo bỏ động cơ nằm im lìm trong một xưởng đóng tàu của Ukraine. Đúng lúc đó, một nhóm cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc quyết định bỏ tiền mua con tàu cũ này về, với mục đích để biến nó thành một "sòng bạc nổi" ở Macao.
Tuy nhiên, động thái của các doanh nhân kiêm cựu sĩ quan Trung Quốc này không qua mặt được tình báo và Bộ Ngoại giao Mỹ. Vài năm trước, một công ty bình phong tương tự của Trung Quốc cũng đã mua tàu HMS Melbourne của Australia để lấy sắt vụn, nhưng phần sàn tàu lại được giữ nguyên để các phi công Trung Quốc có thể luyện tập cất hạ cánh từ tàu sân bay.
Để ngăn chặn Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng sở hữu tàu sân bay, các quan chức Mỹ đã âm thầm gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ cản trở quá trình kéo tàu chiến cũ này qua eo biển Bosphorus. Thế nhưng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được các doanh nhân Trung Quốc "vận động" đã nhất trí mở cửa eo biển, và con tàu được tự do.
Hành trình kéo con tàu này về Trung Quốc gặp rất nhiều gian nan, có lúc chiếc tàu kéo đã bị hỏng máy và trôi dạt khi biển động, tuy nhiên cuối cùng nó cũng cập cảng Đại Liên. Tại đây, tàu Varyag được cải hoán, tân trang và lột xác thành tàu Liêu Ninh, thực hiện chuyến thử nghiệm đầu tiên trên biển vào tháng 8/2011.
Dù năm 1970, một quan chức Trung Quốc từng tuyên bố nước này sẽ "không bao giờ đóng tàu sân bay, bởi nó là công cụ của chủ nghĩa đế quốc, và chúng như những con vịt ngồi chờ bị bắn", sự xuất hiện của tàu Liêu Ninh lập tức gây ra cơn sốt trong xã hội Trung Quốc.
Nhưng trong mắt các tướng lĩnh Mỹ, tàu Liêu Ninh chỉ là một đối thủ không hề xứng tầm cả về kích thước, vũ khí và hệ thống điều khiển. Tàu sân bay thứ hai mà Trung Quốc đang đóng cũng không khiến Lầu Năm Góc phải lo ngại, khi những tiết lộ gần đây cho thấy thiết kế của nó sẽ không khác gì tàu Liêu Ninh. Điều đó có nghĩa là nếu Trung Quốc chưa phát triển được hệ thống phóng máy bay bằng khí nén hoặc điện từ, PLAN sẽ không thể nào sở hữu được một tàu sân bay có thể so sánh được với tàu lớp Nimitz hoặc lớp Ford của Mỹ.
tau-san-bay-trung-quoc-phe-phm-trong-mat-tuong-linh-my-2
Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Nimitz của hải quân Mỹ. Ảnh: USNI
Cùng với việc Trung Quốc lần đầu tiên trong nhiều năm không tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số, khoản đầu tư cho việc nghiên cứu, chế tạo tàu sân bay công nghệ mới chắc chắn sẽ không nhiều như kỳ vọng, ảnh hưởng rất lớn đến tham vọng tác chiến biển xanh của hải quân nước này.
Tuy nhiên, ưu thế về công nghệ sẽ không tồn tại vĩnh viễn trong thời đại hiện nay. Khi Trung Quốc phát triển các công nghệ quân sự tốt hơn và triển khai được lực lượng quân sự tới những tiền đồn trên biển, phạm vi ảnh hưởng của PLAN sẽ mở rộng đáng kể, qua đó gia tăng nguy cơ xung đột với hải quân Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuyên gia Majumdar nhấn mạnh.
Trí Dũng
72
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/tau-san-bay-trung-quoc-phe-pham-trong-mat-tuong-linh-my-3365658.html

Thứ tư, 14/10/2015 | 00:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 14/10/2015 | 00:00 GMT+7

Tàu ngầm Trung Quốc chạy như 'khua chiêng gõ trống'

Dù được đầu tư mạnh tay, nhiều lớp tàu ngầm mới, hiện đại nhất Trung Quốc vẫn không thể bắt kịp các đối thủ Mỹ và Nga.
tau-ngam-trung-quoc-chay-nhu-khua-chieng-go-trong
Một chiếc tàu ngầm lớp Jin của Trung Quốc. Ảnh: Military-Today
Trung Quốc hơn hai thập kỷ qua đạt được hàng loạt bước tiến lớn về quân sự, quốc phòng. Tuy nhiên, năng lực phát triển tàu ngầm hạt nhân của nước này vẫn không có nhiều đột phá, theo National Interest. Vấn đề mà Bắc Kinh gặp phải là họ còn thiếu các công nghệ phù hợp về động cơ cũng như khả năng giảm tiếng ồn cho tàu ngầm. Trở ngại trên khiến Trung Quốc chưa thể cho ra lò những chiếc tàu ngầm đủ sức cạnh tranh với Nga hay Mỹ.
Thậm chí tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin mới nhất của Bắc Kinh cùng tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang cải tiến cũng bị nhận xét là hoạt động ồn hơn cả tàu ngầm lớp Victor III sản xuất từ thập niên 70 của Nga hay tàu ngầm lớp Delta III của Mỹ, theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ.
Ngay cả lớp tàu ngầm tương lai Type-95 cũng bị đánh giá là ồn hơn các tàu ngầm lớp Schuka-B thuộc Dự án 971 của Liên Xô trước đây. Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type-96 hay tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel cũng lâm vào tình cảnh tương tự, quan sát viên Dave Majumdar nhận xét.
Chuẩn đô đốc Sumihiko Kawamura, nguyên chỉ huy đơn vị chống ngầm thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, cũng từng nêu ý kiến rằng tàu ngầm Trung Quốc khó lòng thoát khỏi các hệ thống phát hiện dưới đáy biển, nhất là khi đi qua "chuỗi đảo thứ nhất" để tiến ra Thái Bình Dương.
"Tàu ngầm Trung Quốc khi hoạt động cứ như là đang khua chiêng gõ trống vậy", ông Kawamura nói.
tau-ngam-trung-quoc-chay-nhu-khua-chieng-go-trong-1
Vị trí "chuỗi đảo thứ nhất" và "chuỗi đảo thứ hai". Đồ họa: BBC.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc lại tụt hậu trên phương diện phát triển tàu ngầm hạt nhân trong khi các lĩnh vực liên quan đến khoa học, kỹ thuật quân sự khác vẫn tiến bộ vượt bậc.
Jerry Hendrix, cựu chỉ huy hải quân, chủ nhiệm Chương trình Đánh giá và Chiến lược Quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ, cho rằng vấn đề trên xuất phát từ thực tế công nghệ giảm tiếng ồn luôn là một trong những lĩnh vực tuyệt mật, rất ít khi được tiết lộ ra ngoài. Nhưng hơn cả, kỹ thuật chế tạo hàng hải của Trung Quốc chưa thể đáp ứng các quy trình sản xuất tàu ngầm tân tiến.
Theo Bryan McGrath, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Sức mạnh Hải quân thuộc Viện Hudson, kiêm giám đốc điều hành nhóm tư vấn hải quân The FerryBridge Group, sự chậm tiến của công nghệ tàu ngầm Trung Quốc bắt nguồn từ hai nguyên nhân.
Trước đây khoảng 20 năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề đặt việc thiết kế và chế tạo tàu ngầm làm ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, đây là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Mới chỉ hai thập kỷ trôi qua kể từ khi Bắc Kinh quyết định tập trung cho tàu ngầm hạt nhân. Khoảng thời gian này quá ngắn, không thể đủ cho Trung Quốc hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để cho ra những sản phẩm tàu ngầm hạt nhân hiện đại tương tự Mỹ hay Nga.
"Quá trình này tốn nhiều thời gian, công sức và đôi khi còn cần cả một chương trình gián điệp công nghiệp tinh vi mới có thể đạt được", ông McGrath nói.
Bryan Clark, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, thì nhận định tàu ngầm hạt nhân đến nay vẫn chưa phải là trọng tâm phát triển của Trung Quốc. Lý do là những ưu điểm của tàu ngầm động cơ diesel hay động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP), như khả năng hoạt động lâu dài, tốc độ cao, công suất lớn, không quá quan trọng đối với những nhiệm vụ mà Bắc Kinh thường thực hiện, ví dụ bảo vệ bờ biển chống lại tàu mặt nước hoặc tuần tra.
"Tàu ngầm diesel của Trung Quốc không được hiện đại như các đối thủ châu Âu nhưng chúng đang thực hiện tốt vai trò của mình", Clark bình luận. Tàu ngầm AIP mới nhất của họ được cho là sở hữu những hệ thống chiến đấu hiện đại, có khả năng trang bị tên lửa, ngư lôi và thủy lôi, ông cho biết thêm.
Đối với Andrew Erickson, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ, hạn chế về động cơ chính là nhược điểm chết người của tàu ngầm Trung Quốc.
"Những tàu ngầm có khả năng hoạt động toàn diện trong các vùng nước sâu phải chạy bằng năng lượng hạt nhân, tiết kiệm nhiên liệu và không ồn ào", Erickson cho hay. "Trung Quốc hiện gặp nhiều thách thức trên phương diện này cũng như ở một số lĩnh vực khác. Họ không thể chỉ đơn giản dựa vào nền công nghiệp hạt nhân dân dụng đang bùng nổ của mình bởi yêu cầu công nghệ và kỹ thuật rất khác nhau", ông nhấn mạnh.
tau-ngam-trung-quoc-chay-nhu-khua-chieng-go-trong-2
Tàu ngầm Trung Quốc neo tại căn cứ hải quân Ngong Shuen Chau của Hong Kong. Ảnh: AFP
Vũ Hoàng
136
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Geen opmerkingen:

Een reactie posten