zaterdag 19 maart 2016

Năm gương mặt khoa học nổi bật năm 2015

Năm gương mặt khoa học nổi bật năm 2015

Năm gương mặt khoa học nổi bật năm 2015
 
Những nhà khoa học nào đáng chú ý trong năm 2015?Getty Images/Tara expédition/Montage RFI

    Ai cũng có mơ ước làm được điều gì đó trong đời. Chính những mơ ước đó cũng đã làm nên tên tuổi của nhiều nhà khoa học. Nhân dịp năm cũ đã qua, năm mới đến, RFI điểm lại năm gương mặt nổi bật làm nên những « giấc mơ thần kỳ » trong ngành khoa học, mang đến những hy vọng cải thiện cuộc sống nhân loại tốt đẹp hơn.

    ►Alain Carpentier : Mơ ước ghép tim nhân tạo

    Chuyên gia phẫu thuật tim mạch Alain Carpentier.AFP PHOTO /Joel Saget

    Năm 2015 đã mang đến nhiều hy vọng cho các bệnh nhân bị chứng suy tim. Với thành công của ca phẫu thuật ghép tim nhân tạo thứ ba, tên tuổi của ông Alain Carpentier, chuyên gia phẫu thuật và về tim mạch lan rộng trên giới truyền thông ngay từ đầu năm 2015. Liệu có thể nào kéo dài sự sống của những người bị suy tim với một bộ phận giả, có hình dạng và vận hành như là một quả tim thật hay không ? Đó chính là mơ ước của Giáo sư Alain Carpentier, được ấp ủ từ 25 năm qua. Nhưng mơ ước này của ông còn phải vượt qua nhiều thách thức.
    Một dự án gần như hơi điên khùng. Để đặt một quả tim nhân tạo vào cơ thể một con người, ông đã phải mất nhiều năm nghiên cứu bền bỉ. Và phải đợi đến tận năm 2013, cuộc phiêu lưu mới thật sự bắt đầu. Nhưng rủi thay, vài tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân đầu tiên đã qua đời.
    Không nản lòng, ông tiếp tục thực hiện ca ghép thứ hai, và thứ ba, chỉ cách nhau có vài ngày, đó cũng là ca ghép sau cùng. Thế nhưng, niềm vui cũng không được trọn vẹn. Người sau cùng đã ra đi do suy hô hấp vì chứng suy thận, chẳng chút liên quan gì đến trái tim nhân tạo.
    Ngay khi khởi nghiệp, giáo sư Alain Carpentier đã có hứng thú với các bộ phận tim mạch sinh học nhân tạo. Từ các van máu cho đến các động mạch được chế từ các mô động vật. Nhưng mơ ước lớn nhất và đầy tham vọng nhất vẫn là tim nhân tạo. Cùng với tập đoàn Carmat, giáo sư Alain Carpentier thành công cuộc đánh cược của mình: mang lại cuộc sống cho những người bị suy tim.
    Trong vài tháng tới đây, ca ghép tim thứ tư sẽ diễn ra trước khi tiến hành các cuộc thử nghiệm trên quy mô rộng. Đối với tập đoàn Carmat, lĩnh vực ghép tim nhân tạo sẽ là một thị trường tiềm tàng rất lớn. Hiện tập đoàn này cũng đã được niêm yết lên sàn chứng khoán. Theo ước tính của Carmat, tại Châu Âu và Hoa Kỳ, hiện có hơn 20 triệu người mắc chứng suy tim. Dự tính khi đưa vào thị trường, một quả tim nhân tạo sẽ có giá khoảng 150 000 euro.
    Nay tuy đã 82 tuổi, và bất chấp ba ca tử vong, nhưng vị bác sĩ tim mạch Alain Carpentier vẫn không muốn xem xét lại tính khả thi của dự án này.
    ►Emmanuelle Charpentier : Giấc mơ trị liệu bằng gen

    Nhà nghiên cứu sinh học và di truyền Emmanuelle Charpentier.AFP PHOTO/ MIGUEL RIOPA

    Trong số 100 nhân vật tiêu biểu trên thế giới năm 2015, được tạp chí Time của Mỹ bình chọn, nhà nghiên cứu khoa học Emmanuelle Charpentier là người phụ nữ Pháp duy nhất xuất hiện trong danh sách. Chiếc chìa khóa thành công ? Cô chính là người khám phá ra kỹ thuật CRISPR-CAS9 cho phép chỉnh sửa các gen, mở ra một triển vọng chữ trị chứng bệnh di truyền cho đến giờ ngành y khoa vẫn bó tay.
    Emmanuelle Charpentier, là chuyên gia về di truyền và sinh học. Cách đây bốn năm, tên tuổi của cô chẳng ai hay biết. Nhưng với việc khám phá ra kỹ thuật có tên gọi CRISPR-CAS9, cô đã được giới khoa học chú ý và còn được trao một giải thưởng khoa học có uy tín.
    CRISPR-CAS9 là một kỹ thuật Cắt đoạn lặp ngắn xuôi ngược như nhau của gen liên hệ (Cluster Regularly Interspaced Short Palindromic) được kết hợp với một proteein mang tên Cas 9. Nói một cách dễ hiểu, CRISPR-CAS9 có thể được xem như một lưỡi dao bỏ túi kiểu Thụy Sĩ, cho phép bóc tách và trung lập một gen mang mầm bệnh di truyền.
    Nhưng người đầu tiên phát hiện ra cơ chế hoạt động của gen cho phép các vi khuẩn tự vệ chống lại các loại vi-rút là một người Nhật Bản. Emmanuelle Charpentier với sự hợp tác của một nhà khoa học người Mỹ, cô Jennifer Doudna hiểu ra rằng các loài vi khuẩn sử dụng cơ chế đó như là một chiếc kéo để tách rời những « vị khách không mời mà tới ». Cả hai nhà khoa học hiện đang phát triển công cụ này và đang thiết lập một phương pháp đơn giản cho phép can thiệp vào bất kỳ đoạn ADN nào.
    Nhờ vào kỹ thuật CRISPR-CAS9, các nhà khoa học giờ không những hiểu rõ hơn chức năng của từng gen, mà còn có thể chỉnh sửa các khiếm khuyết trong các ca bệnh về di truyền hiểm nghèo chẳng hạn hay như đối với một số ca ung thư.
    Nhưng khám phá này cũng là một con dao hai lưỡi. Một mặt điều đó mở ra những hướng điều trị mới, nhưng mặt khác cũng gây ra quan ngại về việc có những hành động « thao túng » gen dễ dàng hơn. Tổ chức quốc tế Unesco trong năm qua đã yêu cầu thêm thời gian để thẩm định tầm mức của khám phá trên.
    Kỹ thuật CRISPR-CAS9 của Emmanuelle Charpentier năm nay lần thứ hai vẫn được tạp chí La Recherche xếp hạng hai trong số 10 sự kiện khoa học tiêu biểu trong năm 2015. Emmanuelle Charpentier giờ đang là lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu tại Đức và trở thành người được các labo săn lùng nhiều nhất và chấp nhận chi trả với mức cao nhất.
    ►Paul Duan : Công nghệ tin học vì lợi ích con người

    Paul Duan.Youtube/L'Echapée Volée

    Công nghệ tin học nếu biết sử dụng đúng mục đích có thể sẽ làm cho thế giới tốt hơn. Đó cũng chính là tôn chỉ hoạt động của Paul Duan, một doanh nghiệp trẻ người Pháp, gốc Hoa. Tuy chỉ mới 22 tuổi, nhưng Paul Duan đã tạo dựng được một vị thế trong Silicon Valley, khi thành lập cho mình một doanh nghiệp riêng, Bayes Impact. Trọng tâm hoạt động chủ yếu tập trung sáng chế những phần mềm để cải thiện các dịch vụ bệnh viện công hoặc làm công cụ chống thất nghiệp.
    Là những đứa con thuộc thời đại kỹ thuật số, Paul Duan hiện được cho là gương mặt mới nhiều triển vọng tại khu công nghệ cao Silicon Valley. Ngay khi mới bắt tay vào làm việc trong những doanh nghiệp nhiều hứa hẹn như (Paypal, Eventbrite) Paul Duan đã có ý nguyện thành lập một doanh nghiệp phi lợi nhuận, cho dù lúc đầu thiếu thốn phương tiện và nhất là trong một môi trường làm việc khó khăn hơn (chủ yếu phục vụ cho quản lý hành chính công, bệnh viện).
    Không như nhiều người khác, Paul Duan xuất thân từ một gia đình người Hoa di cư, sống tại Trappes, một khu ngoại ô nghèo của Paris. Thời niên thiếu, có những lúc trải qua một giai đoạn trầm cảm. Nhưng rồi anh cho rằng cần phải tìm ra một chân lý sống, và phải là người hữu ích. Anh tự nhận thấy là mình có năng lực, có thiện chí và anh muốn thay đổi mọi thứ. Và thế là anh đã thành lập một tổ chức phi chính phủ sau hai năm làm việc tại Silicon Valley. Đó là những gì anh đã thổ lộ nhân một hội nghị được tờ Huffingtonpost thuật lại.
    Cái tài toán học của anh đã được bộc lộ ra ngay từ khi mới bắt đầu làm việc tại Eventbride, chuyên bán vé qua mạng. Anh đã tạo ra được một phần mềm cho phép giảm thiểu và dò bắt được những trò gian lận trên mạng Internet. Một công cụ ngày nay được nhiều tổ chức tín dụng vi mô sử dụng cho phép giảm bớt thất thoát đến 30% và như vậy có thể cho vay được nhiều người nghèo hơn.
    Bởi vì, anh tâm niệm là các "dữ liệu" này, những kho dữ liệu khổng lồ, dù là thuộc các định chế nhà nước hay tư nhân, đều phải được sử dụng một cách có ý thức. Công ty khởi nghiệp mà anh thành lập, tên gọi là Bayes Impact, có vị thế của một tổ chức phi lợi nhuận. Nhưng điều đó không cản trở được tổ chức của anh trong vòng một năm qua ký kết nhiều hợp đồng lớn.
    Ngày nay, với các phần mềm, công ty khởi nghiệp của anh giúp các bệnh viện của Hoa Kỳ giảm bớt tình trạng đào thải các bộ phận cấy ghép ở các bệnh nhân, hay như là giúp tối ưu hóa lộ trình các xe cứu thương. Nói tóm lại là nhiều dự án có thể giúp cứu được hàng ngàn cuộc sống mỗi năm và mở ra một hướng đi lớn hơn cho việc kỹ thuật số hóa các dịch vụ quản lý hành chính công.
    Hơn nữa, công ty khởi nghiệp Bayes Impact còn tư vấn cho chính phủ Hoa Kỳ về những vấn đề có liên quan đến việc mời gọi các cựu quân nhân làm việc trở lại và trả những khoản trợ cấp. Liệu có ngày nào anh sẽ trở về lại Pháp và như vậy anh có thể cải thiện các dịch vụ tại Pôle Emploi (Một dạng cơ quan môi giới việc làm và quản lý thất nghiệp của nhà nước). Một phần mềm để thay đổi đường cong thất nghiệp chẳng hạn. Tại sao không nhỉ ?
    Eric Karsenti : Một kho dữ liệu vi sinh vật khổng lồ mới

    Hai lãnh đạo cuộc viễn chinh «Tara-Océans» Eric Karsenti (trái), nhà sinh học và Etienne Bourgois.AFP/Patrick FILLEUX

    Ngày 14/12/2015, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp trao huy chương vàng – một trong những tôn vinh khoa học uy tín nhất tại Pháp cho nhà nghiên cứu Eric Karsenti, vì những đóng góp to lớn cho khoa học nước nhà nói chung và cho ngành sinh vật học tế bào nói riêng.
    Với cuộc viễn chinh mang tên Tara Océans do ông đề xướng, Eric Karsenti đã thu thập hơn 35.000 mẫu tế bào và phân loại được hơn 40 triệu loại gen vi khuẩn, hình thành một cơ sở dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay, sau Charles Darwin. Công trình nghiên cứu của ông đã được tạp chí La Recherche có uy tín của Pháp bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học đáng chú ý trong năm 2015.
    Với một dáng vẻ thấp bé, chòm râu xồm, gương mặt hiện ra trong mớ tóc trắng xoăn tít, nhưng đàng sau dáng dấp như là một con sói biển, lại là một nhà khoa học đầy nhiệt huyết. Eric Karsenti là một nhà sinh vật học tế bào, và có một bề dày nghiên cứu đáng nể với hơn 2.000 bài viết khoa học được công bố.
    Được Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp tuyển dụng năm 1976, nhà nghiên cứu được biệt phái sang Trung tâm nghiên cứu của Châu Âu về phân tử sinh vật học EMBL, tại Heidelberg, Đức. Đối với ông, khoa học sẽ còn tiến nhanh hơn nữa nếu con người biết phối hợp với nhiều chuyên ngành lại với nhau. Và vào năm 1996, ông đã thành lập khoa sinh học tế bào và sinh lý tại EMBL.
    Trong những năm 2000, Eric Karsenti, vốn rất đam mê du thuyền, mơ một ngày được ra khơi, đi theo dấu chân của Charles Darwin. Từ đó, ông đã dần hình thành dự án viễn chinh mang tên Tara Oceans. Năm 2009, Eric Karsenti chính thức ra khơi, bắt đầu chuyến du hành vòng quanh thế giới trên biển, với mục đích hiểu rõ vai trò chính của các loài vi sinh vật sống trong đại dương.
    Trả lời phỏng vấn tờ La Recherche, ông cho biết trong suốt bốn năm ông đã thu thập được 35.000 mẫu vi sinh vật, từ trên mặt biển cho đến độ sâu 600 mét. Để tạo điều kiện cho việc thu thập dữ liệu, ông và nhóm nghiên cứu phải xác định 68 khu vực khác nhau, nằm rải rác trên 8 vùng của đại dương, rồi chia ra thành 210 trạm.
    Tại mỗi trạm, nhiều loại mẫu vi sinh khác nhau được thu thập, nhất là theo chức năng kích cỡ của các sinh vật. Chúng có thể đi từ những loài vi-rút cho đến những loài sinh vật nhỏ đa bào có kích thước chỉ vài mm. Với số lượng lớn mẫu vi sinh vật thu thập được, ông đã xác định được 40 triệu loại gen vi khuẩn khác nhau, hình thành nền một cơ sở dữ liệu lớn nhất chưa từng có về các loài vi sinh vật biển.
    Theo quan điểm của Eric Karsenti, cơ sở dữ liệu này sẽ là một trong những yếu tố đầu tiên giải đáp về những vấn đề khác nhau về hệ sinh thái. Mặc dù là môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các hệ sinh thái, nhưng các mối quan hệ tương tác giữa các loài sinh vật cũng góp phần cải thiện cơ cấu hệ sinh thái, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả môi trường, trong việc xác định một thể cộng đồng sinh vật sống trong nước.
    ►Elon Musk : Hoài bão tự chủ nguồn năng lượng hộ gia đình

    Tỷ phú người Mỹ Elon Musk, chủ tịch tập đoàn SpaceX.REUTERS/Mario Anzuoni

    Tự sản xuất và cung cấp điện trong nhà ? Tại sao lại không? Đó chính là mơ ước của Elon Musk. Ông cũng chính là người đang đẩy cả lĩnh vực không gian vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Lời hứa của ông không phải là bình thường, có thể tạo ra cả một cuộc cách mạng trong lãnh vực năng lượng.
    Ông là một trong những người rất thích mạo hiểm và tạo hình ảnh của mình như là một thiên tài xảo quyệt theo kiểu James Bond. Không chỉ là chủ một doanh nghiệp, Elon Musk nổi tiếng là người có tham vọng quá tầm cỡ. Ông chính là chủ nhân của SpaceX, một tập đoàn chuyên sản xuất các loại tên lửa.
    Đáng tin cậy, cách tân, nhưng giá cả mềm hơn so với các đối thủ, SpaceX đã hoàn toàn làm chao đảo lĩnh vực này thậm chí buộc Châu Âu cũng phải thúc đẩy nhanh hơn dự án Ariane 6 để chống lại mối đe dọa này. Tập đoàn của ông còn được NASA ủy nhiệm đưa các phi hành gia lên không gian.
    Nhưng Elon Musk không muốn dừng lại ở đó. Đơn giản là ông còn có tham vọng biến đổi cả thế giới, và để làm điều đó, ông đã tấn công vào lãnh vực năng lượng. Ông vừa trình làng một bộ pin mới, được cho là độc lập không gì sánh bằng.
    Nguyên tắc rất đơn giản : Có kích thước cỡ một chiếc tủ, được lắp đặt trong nhà, ban ngày, bộ pin mới này tự nạp điện từ những tấm bảng năng lượng mặt trời và sau đó cung cấp điện phần thời gian còn lại cho hộ gia đình. Với một hệ thống như vậy, mỗi hộ gia đình có thể tự chủ về nguồn năng lượng : không cần đến mạng lưới điện quốc gia, các trung tâm hạt nhân, hay trung tâm nhiệt điện chạy bằng than nữa…
    Đương nhiên, tham vọng đó vẫn đòi hỏi thêm nhiều thời gian nữa để thực hiện, nhưng Elon Musk luôn thích các thách thức, chẳng hạn như ông vẫn ao ước được làm người đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa và kết thúc những ngày cuối đời tại đó. Tại sao lại không nhỉ ?

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten