Hé lộ chi tiết ướp thi hài Hồ Chủ tịch
- 20 tháng 8 2014
Năm 2014 là tròn 45 năm thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được ướp giữ và bảo quản tại Hà Nội sau khi ông qua đời.
Nhân dịp này, một trong những người tham gia ướp thi hài Hồ Chủ tịch năm 1969, Giáo sư Viện sỹ Iuri Lopukhin, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Moscow số 2, đã hé lộ với báo Quân đội Nhân dân các chi tiết liên quan tới "nhiệm vụ đặc biệt" của nhóm chuyên gia ngày ấy.Một điểm đáng chú ý, là kế hoạch ướp thi hài Hồ Chủ tịch thực ra đã được lên từ trước đó một thời gian vì theo lời kể của ông Lopukhin, ngày 28/8/1969, khi bệnh tình của lãnh đạo Việt Nam trở nên rất nặng, ông và bốn chuyên gia Liên Xô khác từ Viện Lăng Lenin đã được mời sang Hà Nội.
Ông viện sỹ kể lại: "Chúng tôi bay qua Calcutta, Tashkent và tới Việt Nam vào ban đêm. Chúng tôi được đưa đến một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Hà Nội, bên cạnh một cái hồ lớn".
Dường như công việc của nhóm chuyên gia được liệt vào diện tuyệt đối bí mật, vì "Trong mấy ngày đầu chúng tôi chỉ được phép ra ngoài phố khi trời đã tối, còn ban ngày thì không được phép".
Sau đó, các chuyên gia Liên Xô được thông báo là phía Việt Nam "đã chuẩn bị các phương tiện, thiết bị để tiến hành ướp thi hài ngay tại Viện Quân y 108" ở Hà Nội.
Quy trình phức tạp
Việc ướp thi hài của ông Hồ Chí Minh được thực hiện vào bảy ngày sau đó, khi ông vừa qua đời.Viện sỹ Lopukhin thuật lại với phóng viên Quân đội Nhân dân: "Thi hài trông như đang ngủ, được đặt lên trên bàn, có đèn chiếu sáng".
"Công tác ướp đã thành công, thi hài trông rất tốt, giữ được nguyên vẹn nét đặc trưng, đó là giai đoạn I. Công việc kéo dài khoảng 4 - 5 giờ, do phải làm rất cẩn thận để cố định, rửa sạch các thành mạch và các việc của giai đoạn ướp ban đầu. Vậy là kết thúc giai đoạn I."
"Mấy ngày tiếp theo đó, chúng tôi tiếp tục bơm dung dịch vào thành mạch. Thực chất của việc bơm là làm sao để các tổ chức trong thi thể phải ngấm được một lượng dung dịch nhất định, tạo được một môi trường bên trong thi thể, lúc đó thi thể sẽ không bị xẹp, mà giữ nguyên như khi còn sống."
Theo ông Lopukhin, nhóm chuyên gia và các đồng nghiệp Việt Nam đã phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho những ngày để thi hài ông Hồ Chí Minh tại Hội trường Nhà Quốc hội để tổ chức Quốc tang.
"Trong những ngày Quốc tang, thi hài đã được bảo quản rất cẩn thận bởi có hàng nghìn người đến viếng, thời tiết thì nắng, nóng, rất dễ xảy ra thay đổi nào đó."
Sau bốn ngày Quốc tang, thi hài Hồ Chủ tịch được đưa trở lại Viện Quân y 108 và tiếp tục xử lý trong dung dịch ướp đồng thời chỉnh sửa để không thay đổi diện mạo so với khi ông Hồ còn sống, bắt đầu từ đôi mí mắt "để không bị trũng sâu".
Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình gìn giữ bảo quản thi hài diễn ra tốt đẹp trong suốt thời gian qua.
Năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập hội đồng khoa học cấp Nhà nước để kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục công việc bảo quản và gìn giữ lâu dài.
Hồ Chủ tịch qua đời ngày 2/9/1969, nhưng một thời gian dài nhà nước Việt Nam công bố là ngày 3/9.
Tin liên quan
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/08/140820_hochiminh_embalming
Cập nhật: 16:09 GMT - thứ năm, 10 tháng 9, 2009
Quyết định thành lập hội đồng khoa học cấp Nhà nước để kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký sẽ mời vị chuyên gia bảo quản thi hài Lênin sang Việt Nam làm việc.
TTXVN loan tin hội đồng này có 13 vị là các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga.Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh, ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-công nghệ và môi trường của Quốc hội, làm chủ tịch hội đồng.
Sáu nhà khoa học của Liên bang Nga được mời tham gia hội đồng do Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên bang Nga Valery Alexeyevich Bykov dẫn đầu.
Giáo sư Bykov là người phụ trách nhóm chuyên trách bảo dưỡng thi hài của Lênin ở Moscow.
Hội đồng có nhiệm vụ xem xét thi hài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp tu bổ, bảo dưỡng định kỳ công trình lăng vào tháng 9 và 10-2009, và tìm cách giữ gìn lâu dài.
Trước đó vài tuần Lăng Hồ Chủ tịch đã đóng cửa khiến có đồn đoán lo ngại cho tình trạng của thi hài sau 40 năm bảo quản. Thậm chí có người hoài nghi về những gì họ nhìn thấy khi vào viếng trong lăng.
Bảo quản tốn kém
Tháng Hai năm nay, Lăng Lênin ở Quảng trường Đỏ cũng đóng cửa trong hai tháng.
Thường cứ mỗi 18 tháng các chuyên gia phải ngâm thi hài trong bồn hóa chất trong 30 ngày, tẩy các vết mốc trên mặt nếu có, và thay quần áo.
Công việc bảo quản này tốn kém hàng triệu rúp mỗi năm.
Nhưng nhà nước không còn cấp ngân khoản nữa mà phải trông cậy vào lòng hảo tâm của những người còn ngưỡng mộ Lênin.
Giáo sư Bykov quả quyết thi hài của Lênin có thể được giữ gìn nguyên vẹn thêm 100 năm nữa.
''Chúng tôi có phương pháp đặc biệt của chúng tôi,'' ông nói với hãng tin Nga RIA Novosti, ''Phương Tây chỉ ướp xác tạm thời.''
''Thi hài ở trong tình trạng bình thường, chúng tôi có thể kiểm soát được tình trạng của nó,'' Giáo sư Bykov nói.
Đem chôn hay giữ
Người ta mổ thi hài ông ra, lấy hết máu và nội tạng, kể cả não.
Khi lăng Lênin được mở cửa lại cho du khách hồi tháng Tư năm nay, dưới ánh đèn dìu dịu nhìn ông vẫn như đang ngủ trong hòm kính.
''Công việc của chúng tôi là làm sao để thi hài Lênin nhìn như còn sống,'' Giáo sư Bykov giải thích.
Nhưng không phải ai cũng muốn nhìn thấy Lênin tiếp tục nằm ở Quảng trường Đỏ.
Năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, Tổng thống Boris Yelstin đề nghị đem chuyện này ra trưng cầu dân ý, nhưng bị đảng Cộng sản phản đối kịch liệt.
''Không phải chỉ có Lênin nằm ở đây. Trên quảng trường này còn rất nhiều người khác nữa. Chúng ta phải kính trọng tổ tiên của chúng ta, không cần biết họ đúng hay sai,'' Giáo sư Bykov nói.
Thăm dò dư luận gần đây của cơ quan VTsIOM cho thấy 41% người Nga cho rằng giữ thi hài Lênin là ''sai và không tự nhiên''; 37% nói làm vậy không có gì sai và lăng của ông nay đã trở thành một điểm khai thác du lịch; chỉ có 15% nghĩ nên để yên Lênin trong lăng.
Chủ tịch quốc hội Boris Gryzlov nói vấn đề sẽ được giải quyết sau ngày giỗ thứ 100 của Lênin vào năm 2024.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2009/09/090910_hcmembalmment.shtml
Geen opmerkingen:
Een reactie posten