zaterdag 19 maart 2016

Charlie Chaplin (Charlot / Sác-lô) : Từ kẻ lang thang tới giấc mơ thiên thần

Charlie Chaplin : Từ kẻ lang thang tới giấc mơ thiên thần

Charlie Chaplin : Từ kẻ lang thang tới giấc mơ thiên thần
 
Charlie ChaplinDR

    Chắc hẳn mỗi người Việt chúng ta đều đã từng một lần ôm bụng cười trước hình ảnh vua hề Charlot (Sác-lô). Anh chàng hậu đậu nhưng lại hay gặp may và có số đào hoa quyến rũ được rất nhiều người hâm mộ tại Việt Nam trong thập niên 1980-1990. Trong giai đoạn này, anh hề Charlot liên tục xuất hiện trên màn ảnh nhỏ vì truyền thông thời đó vẫn là một phương tiện giải trí xa xỉ với thời lượng phát sóng hạn hẹp và chương trình không phong phú như hiện nay.

    Tiểu sử và sự nghiệp của vua hề Charlot, tên thật là Charles Spencer Chaplin (16/04/1889-25/12/1977), vừa được tổng hợp trong cuốn The Charlie Chaplin Archives (Tài liệu lưu trữ về Charlie Chaplin), nặng tới 6 kg, dưới sự chỉ đạo của nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh Anh Paul Duncan và được phát hành tại nhà xuất bản Taschen.
    Theo nhật báo Libération (18/12/2015), cuốn sách không tiết lộ những chi tiết mới, song trình bày công phu hơn và phong phú hơn về cuộc đời còn nhiều bí ẩn của Charlie Chaplin ; bắt đầu từ tuổi thơ bần hàn tới đỉnh vinh quang và đến tác phẩm cuối cùng A Countess from Hong Kong (Nữ bá tước từ Hồng Kông, 1967) trước khi lui về ở ẩn tại Thụy Sĩ.
    Cuốn sách khai thác triệt để kho lưu trữ gồm tài liệu làm việc của Charlie Chaplin, những bài báo và áp phích quảng cáo thời kỳ đó cùng với hồi tưởng của những người từng cộng tác với diễn viên hài. Qua đó, độc giả có thể hiểu được làm thế nào nghệ sĩ hài nổi tiếng lại dựng nên được những tác phẩm để đời. Từ những ý tưởng rất cụ thể, thậm chí là bị ám ảnh về những gì xuất hiện trong đầu, ông bắt tay vào viết kịch bản, lựa chọn dàn diễn viên, cách bài trí hay những đòi hỏi khắt khe trên trường quay để có những thước phim hay nhất.
    Thế nhưng, trái với hình ảnh “ độc đoán ”  trên trường quay, trong giờ nghỉ giải lao, ông lại " vui đùa cùng với lũ trẻ nghèo cũng như ông. Đa số đi chân đất, nhưng chúng tỏ vẻ hạnh phúc và thán phục những màn tấu hài nhỏ của Charlie Chaplin ".
    Trang phục và quá khứ tạo dấu ấn cho  “Vua hề Charlot ”
    Nhắc đến anh hề Charlot là người ta nghĩ ngay tới hình ảnh một người đàn ông có dáng đi loắt choắt với chỏm rỉa mép đặc trưng cùng với đôi mắt luôn trợn tròn. Người xem có cảm giác chẳng bao giờ anh ta thay quần áo, luôn trung thành với chiếc quần rộng thùng thình có dây đeo, một chiếc áo vét quá chật cùng với đôi giầy to quá khổ khiến nhân vật hề Charlot luôn phải bành bước chân. Charlot hiếm khi rời chiếc mũ đen nhỏ xíu và tay luôn huơ một chiếc gậy ba-toong.
    Ý tưởng về trang phục xây dựng nên hình ảnh anh hề Charlot nảy sinh vào năm 1913 khi ông vô tình khoác lên mình trang phục trên. Và Charlot đã đem lại tiền tài, danh vọng cho Chaplin, đặc biệt kể từ bộ phim The Tramp (Kẻ lang thang, 1915). Charlie Chaplin giải thích về phục trang đã giúp ông thể thiện " một công dân bình thường " : " Chiếc mũ hình trái dưa thể hiện tham vọng phẩm tước. Chòm ria mép thể hiện sự kiêu căng. Chiếc áo măng tô cài khuy tới tận cổ, hay chiếc gậy và dáng đi nhằm diễn tả một người đàn ông tìm cách “loè” người khác và tự khẳng định bản thân. Người đàn ông này đuổi theo những ảo vọng và anh ta biết điều đó ".
    Nhân vật Charlot xuất thân từ tuổi thơ cùng cực mà ông đã trải qua trên đường phố Luân Đôn. Cha ông là một ca sĩ nghiện rượu, thường xuyên vắng mặt và chết sớm. Mẹ ông là một nghệ sĩ muốn nuôi dạy các con, nhưng thường xuyên phải nhập viện điều trị tâm thần. Cậu bé Charlie thường lẽo đẽo theo người anh trai Sydney tới viện tế bần giành cho trẻ nghèo. Qua những dòng hồi ký sau này, vua hề Charlot không thấy một chút lãng mạn nào trong cảnh đói nghèo : " Nghèo đói là một quá trình thụt lùi, đáng lẽ phải bị cấm và bãi bỏ tại mọi quốc gia. Tôi chẳng tự hào xuất thân từ nghèo đói. Nếu tôi viết về chủ đề này, đó là để chỉ trích thời kỳ mà tôi sinh ra.Thay vì dạy tôi điều gì đó, nghèo đói đã bóp méo quan niệm của tôi về phẩm giá và thấm nhuần trong tôi một quan niệm sai lầm về sự tồn tại. Nghèo đói cũng không gợi lòng trắc ẩn của tôi đối với người nghèo hay một chút lương tâm xã hội ".
    Hành động chống nghèo đói và vì nhân đạo
    Thế nhưng, lời nói của ông lại không đi đôi với việc làm ! Cả cuộc đời, ông luôn bận tâm tới mọi vấn đề xã hội, công dân và chính trị. Năm 1915, ông từ chối chiếu phim của mình tại những rạp chiếu thu vé vào cửa trên 5 xu. Ông nói : " Tôi thuộc tầng lớp thấp và tôi làm việc vì thành phần này thay vì làm cho bất kỳ tầng lớp xã hội nào khác ".
    Năm 1918, ông đến phố Wall diễn thuyết hô hào hàng nghìn người mua liberty bonds (trái phiếu tự do) ủng hộ thế chiến. Năm 1942, ông lại hô hào người Mỹ hỗ trợ quân sự cho nước Nga trong cuộc chiến chống phát xít Đức.
    Ông nói : " Hỡi các đồng chí ! Tôi không theo cộng sản, tôi là con người và tôi biết con người hành động như thế nào. Khi một người mẹ cộng sản nhận được tin con trai mình mất, bà khóc như mọi bà mẹ khác… Người Nga đang một mình chống lại 200 sư đoàn phát xít. Chúng ta hãy kêu gọi mở ngay một mặt trận thứ hai ! ".
    Charlie Chaplin cũng trăn trở về việc quân phát xít Đức đang từng bước chiếm châu Âu. Khi nói chuyện với nhà biên kịch Konrad Bercovici, ông cho rằng cần phải làm một bộ phim về chủ đề này, đặc biệt là nhà lãnh đạo độc tài Hitler.  Năm 1938, ông bắt tay vào làm phim The Great Dictator (Kẻ độc tài). Bộ phim khiến những người Mỹ ủng hộ chủ nghĩa phát xít vô cùng giận dữ.
    Theo lời kể của nhà viết kịch Dan James được trích trong cuốn sách, Charlie Chaplin còn phải chịu áp lực từ mọi phía, kể cả các nhà sản xuất Do Thái ở Hollywood, vì cho rằng bộ phim sẽ làm cho cuộc sống của những người cùng chiến tuyến ở châu Âu càng trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn Hitler sẽ giận dữ phát điên. Chaplin cũng bị lung lay nhưng cuối cùng ông vẫn giữ lập trường. Một mình ông thực hiện bộ phim, bất chấp mọi lời can ngăn. Ông giải thích : " Nếu tôi thực hiện bộ phim này, đó là vì tôi nhận thấy sự bất nhân vô bờ bến và hoàn toàn chống lại quy luật tự nhiên khi người ta đi đàn áp một cộng đồng người thiểu số. Đây là niềm tin không gì lay chuyển được của tôi ".
    Cuốn sách còn kể lại nhiều chi tiết ngạc nhiên khác về nguồn gốc bộ phim Kẻ độc tài. Ông kể : " Lần đầu tiên nhìn thấy Hitler cũng có chỏm râu nhỏ, tôi nghĩ là ông ta bắt chước tôi, ông ta lợi dụng thành công của tôi ".
    Thực vậy, nhân vật Charlot với chỏm ria mép đặc trưng ra đời vào năm 1913, còn theo bài báo trên tờ New Statesman của Williman Walter Crotch, một giảng viên đại học chuyên nghiên cứu về nhà văn Dickens, thì : " Năm 1921, ngoài đường phố tại Munchen, tôi thường nhìn thấy một người đàn ông khiến tôi liên tưởng tới phiên bản hung hăng của Charlie Chaplin, do chòm râu đặc trưng và dáng đi loắt choắt… Đó là Adolf Hitler ".
    Những cuộc tình trong đời…
    Cũng như các tác phẩm trước đây, chuyện tình của vua hề Charlot cũng được nêu lên trong cuốn sách cùng với nhiều hình ảnh minh họa. Phải nói là ông rất“ đào hoa ”, dù là vợ hay người tình thì gần như tất cả nữ nghệ sĩ trong thời kỳ đó, từ Edna Purviance (cùng đóng khoảng 35 phim), tới Mildred Harris (trở thành vợ đầu tiên của Chaplin), Lita Grey (vợ thứ hai) hay Paulette Goddard (vợ thứ ba) đều có một khoảng thời gian sống cùng ông. Đóng chung trong bộ phim dài nổi tiếng Modern Times (Thời đại tân kỳ, 1936), bà Paulette Goddard nhớ lại :
    " Tôi đi làm tóc : kết quả tuyệt vời. Charlie nói với tôi : « Trông chẳng ổn tí nào, em yêu ! ». Thế là ông đổ cả xô nước lên đầu tôi. Trái tim tôi tan nát và tôi khóc, khóc rất nhiều. Nhưng chính nhờ thế mà kiểu tóc của tôi ra đời ".
    Người vợ thứ tư Oona O’Neil là người vợ cuối cùng trong cuộc đời của Charlie Chaplin. Họ kết hôn năm 1943 khi nàng mới 18 tuổi còn chàng đã 54. Ông nói : " Cuối cùng tôi đã có một người vợ, chứ không phải là một nữ diên viên trẻ muốn phát triển sự nghiệp ". Họ có tám người con.
    " The Freak " (Quái vật), tác phẩm cuối cùng còn dang dở
    Sau chiến tranh, bối cảnh chính trị không mấy sáng sủa lắm cho diễn viên Anh sống tại Mỹ. Xu hướng bài cộng sản lan rộng khắp nước Mỹ, còn Chaplin bị nghi ngờ là theo cộng sản. Tại buổi chiếu trước khi ra mắt chính thức bộ phim Monsieur Verdoux (Ngài Verdoux, năm 1947), bầu không khí khá căng thẳng, cánh nhà báo liên tục chất vấn ông : " Có đúng ông là thành viên của một hiệp hội điện ảnh được thành lập với mục đích chuyển các bộ phim Mỹ sang Liên Xô hay không ? ".
    Cuối cùng, ông quyết định rời Hoa Kỳ và lui về " ở ẩn " tại Thụy Sĩ, sống 25 năm còn lại của cuộc đời, từ năm 1953 đến khi mất vào năm 1977. Trong khoảng thời gian này, Charlie Chaplin tiếp tục viết kịch bản, theo công trình nghiên cứu mới được công bố của nhà văn Thụy Sĩ Pierre Smolik. " The Freak " (Quái vật) lẽ ra trở thành kiệt tác cuối cùng của vua hề Chaplin, nhưng do quá già yếu, thiên tài ngành điện ảnh đã không thể bấm máy bộ phim.
    Tác giả Pierre Smolik, tiết lộ với phóng viên AFP rằng, lẽ ra Victoria, con gái của Charlie Chaplin, là người hoá thân thành một thiên thần phiêu lưu khắp chốn trong bộ phim. Những chiếc cánh được làm từ lông thiên nga để thiếu nữ khoác lên người, vẫn nằm trên căn phòng áp mái cổ ở Thụy Sĩ từ đó tới nay.
    Ông Michel, hiện 69 tuổi, là một trong số các con trai của diễn viên, ánh mắt chợt bừng sáng khi nhớ lại : " Tôi đọc bản thảo kịch bản khi cha tôi viết xong. Đó là một câu chuyện cổ tích kỳ diệu. Một giấc mơ tuyệt vời ! ".
    Nhờ sự giúp đỡ của gia đình Charlie Chaplin, tác giả Smolik mày mò nghiên cứu trong kho tài liệu chưa từng được công bố, như những hình ảnh, các cuộc thảo luận, ghi chép chuẩn bị, tóm tắt nội dung kịch bản và nhiều văn bản khác.
    Ông Smolik cho biết : " Vào năm 1967, bộ phim cuối cùng của Charlie Chaplin, mang tên “ Nữ Bá tước từ Hồng Kông ” không gặt hái được thành công thương mại như mong đợi " và cha đẻ ra anh hề Charlot " lập tức vùi mình trong một bộ phim khác ", The Freak. "
    Vua hề Charlot viết bản đề cương chi tiết vào năm 1969, lúc 80 tuổi, và còn tiếp tục viết trong vòng hai năm tại Manoir de Ban, ở Corsier-sur-Vevey, một biệt thự tuyệt đẹp nằm bên hồ Léman (Thụy Sĩ).
    • Paris, thành phố sứ giả vì khí hậu

      Paris, thành phố sứ giả vì khí hậu

      Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP21 tại Paris (30/11-11/12/2015) là dịp để thành phố thể hiện là một chủ nhà hiếu khách. …
    • Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đăng-cổ tùng-báo

      Nguyễn Văn Vĩnh và tờ Đăng-cổ tùng-báo

      Sau khi hết hạn hợp đồng với chính quyền Đông Dương, tờ Đại-Nam đồng-văn nhật-báo trở thành một tờ báo tư nhân, với tên …
    • Khám phá nhà thờ Thánh Tâm Montmartre Paris - Basilique du Sacré-Cœur

      Khám phá nhà thờ Thánh Tâm Montmartre Paris - Basilique du Sacré-Cœur

      Để lên tới nhà thờ Thánh Tâm, cần phải đi hết 237 bậc thang, tương đương với một toà nhà hơn 10 tầng. Nhưng công sức bỏ …
    • Đại-Nam đồng-văn nhật-báo, tờ báo chữ Hán đầu tiên tại Bắc Kỳ

      Đại-Nam đồng-văn nhật-báo, tờ báo chữ Hán đầu tiên tại Bắc Kỳ

      Sau cuộc viễn chinh Bắc Kỳ lần thứ hai (20/02/1884-13/02/1885), giai đoạn 1885-1897 được thực dân Pháp coi là cuộc chiến “bình định” …
    • Phim ảnh nhân Năm Hàn Quốc tại Pháp

      Phim ảnh nhân Năm Hàn Quốc tại Pháp

      Đối với khán giả Pháp, làn sóng điện ảnh Hàn Quốc như thể bị chựng lại sau giai đoạn cao trào cách đây một thập …
    • Giải piano quốc tế Chopin 2015 : Châu Á thăng hoa

      Giải piano quốc tế Chopin 2015 : Châu Á thăng hoa

      Giải dương cầm quốc tế Frédéric Chopin lần thứ 17 vừa khép lại tại thủ đô Vacxava hôm 23/10/2015. Giải nhất về tay thí sinh Hàn …
    • Nhà thờ Đức Bà Paris

      Nhà thờ Đức Bà Paris

      Nghiêng mình thả một đồng tiền xu vào "Cột mốc số Không" trên quảng trường Nhà thờ Đức Bà, một nữ du khách …

    •  http://vi.rfi.fr/van-hoa/20160122-charlie-chaplin-tu-ke-lang-thang-charlot-toi-giac-mo-thien-than

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten