vrijdag 3 juli 2015

Nhật Bản nghênh tiếp lãnh đạo 5 nước vùng Mêkông, nhằm xây dựng « hạ tầng cơ sở chất lượng cao »

Nhật BảnChâu ÁMêkôngKinh tế

Nhật Bản nghênh tiếp lãnh đạo 5 nước vùng Mêkông

mediaThủ tướng Nhật Bản và lãnh đạo 5 nước vùng Mêkông tại Thượng đỉnh Nhật Bản-Mêkông lần 7, ngày 03/07/2015.REUTERS/Toru Hanai
Lãnh đạo năm nước vùng Mêkông đã tề tựu về Tokyo, chuẩn bị tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Mêkông lần thứ bảy mở ra vào ngày mai, 04/07/2015. Hãng tin Pháp AFP đã lồng hội nghị này vào trong bối cảnh Tokyo đang ra sức tăng cường sự hiện diện của mình trong một khu vực ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Như thông lệ, bên cạnh hội nghị toàn thể của lãnh đạo 6 nước Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Miến Điện, sẽ có một loạt những cuộc họp song phương. Nước chủ nhà đã không che giấu ý định thúc đẩy việc phát triển các quan hệ đối tác với các quốc gia Mêkông trong lãnh vực xây dựng « hạ tầng cơ sở chất lượng cao », như lời công nhận của ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản.
Nói cách khác, Nhật Bản muốn gia tăng khối lượng đường cao tốc, hệ thống xe lửa và nhà máy điện bán qua các nước vùng Mêkông. Từ ngữ « chất lượng cao » được cho là nhằm đối lập với các sản phẩm Trung Quốc đang tràn ngập vùng Mêkông, thường bị coi là rẻ nhưng chất lượng kém. Quan hệ chặt chẽ giữa Nhật Bản với các nước khu vực sông Mêkông không phải là điều mới lạ. Theo ông Yoshinobu Yamamoto, giáo sư tại Đại học Tỉnh Niigata, « Tokyo vẫn có truyền thống duy trì quan hệ hữu hảo với các nước Mêkông, nơi vẫn là điểm đến quan trọng cho đầu tư Nhật Bản ».
Tuy nhiên, Tokyo đang lo ngại bị mất ảnh hưởng về tay Trung Quốc trong một khu vực mà Bắc Kinh ngày càng tăng cường sức mạnh tài chánh, cũng như ngoại giao để đánh bật Nhật Bản. Trong tình hình đó, theo giáo sư Yamamoto : « Hội nghị thượng đỉnh lần này nằm trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm duy trì các mối quan hệ quan trọng vào lúc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực ».
Việc đẩy mạnh hợp tác với vùng Mêkông cũng nằm trong chính sách Đông Nam Á mới của Nhật Bản, theo đó Tokyo rất muốn được xem là một người khổng lồ hiền từ trong khu vực, và đang cố gắng xây dựng uy tín của một quốc gia đủ mạnh dạn để kháng lại Trung Quốc trong các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền. Chính trong chủ trương đó mà Tokyo ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc bênh vực các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh lấn lướt tại Biển Đông. Trong số năm quốc gia Đông Nam Á là thành viên cơ chế Thượng đỉnh Nhật Bản-Mêkông, Việt Nam là nước có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150703-nb-mekong-kt/

Nhật BảnMêkôngHợp tác / Phát triển

Nhật Bản và 5 nước Mêkông dự trù nhiều đề án hợp tác phát triển

mediaCuộc họp các thủ tướng Nhật Bản và 5 nước Mêkông tại Tokyo, ngày 07/11/2009Reuters
Nhật Bản và 5 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, xác định một sồ đề án hợp tác ưu tiên để phát triển vùng lưu vực sông Mêkông.
Theo hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo, mới đây năm quốc gia vùng lưu vực sông Mêkông cùng với Nhật Bản đã bước đầu cụ thể hóa sáng kiến hợp tác do lãnh đạo 6 nước đổng ý vào năm ngoái, nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh Nhật Bản – Mêkông lần thứ nhất diễn ra tại Tokyo.
Các lãnh vực hợp tác ưu tiên đã được khu vực tư nhân tại 6 nước Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam và Nhật Bản đồng ý thúc đẩy bao hàm việc xây dựng các hải cảng nước sâu, hệ thống đường sắt và đường bộ, thiết lập một màng lưới điện chung cho cả 5 nước vùng lưu vực sông Mêkông, cũng như tăng cường việc xuất khẩu công nghệ năng lượng sạch của Nhật Bản qua các quốc gia Đông Nam Á, kể cả năng lượng hạt nhân.
Theo Kyodo, các ưu tiên trên đây đã được thống nhất nhân cuộc đối thoại đầu tiên giữa các doanh nghiệp tư nhân và chính phủ trong khối Nhật Bản – Mêkông tổ chức tháng Năm vừa qua. Cuộc họp tập hợp khoảng 80 công ty Nhật Bản và các tập đoàn chủ chốt tại các quốc gia Đông Nam Á. Trong số khoảng 30 đại diện Nhật Bản, có các hãng như Honda, Hitachi, Itochu, Mitsui cùng với Nghiệp Đoàn Giới chủ nhân và Phòng Thương mại và Công Nghiệp Nhật Bản.
Liên quan một cách cụ thể đến Việt Nam, Kyodo nêu lên đề án nhanh chóng xây dựng hải cảng nước sâu Lạch Huyện ở vùng Cát Hải (Hải Phòng), song song với tuyến đường nối cảng này với Hà Nội. Đây là một đề án cũng được chính quyền Việt Nam mong muốn.
Theo bản tin trên trang Web sở Ngoại vụ Hải Phòng : “Cảng Lạch Huyện hội tụ được đầy đủ các yếu tố để có thể xây dựng thành cảng cửa ngõ chính đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các tỉnh phía Bắc... một cảng tổng hợp có quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận hàng hoá của các tàu hàng có trọng tải lớn cũng như nhu cầu thông qua hàng quá cảnh trong hành lang kinh tế Hải Phòng-Hà Nội-Côn Minh”.
Một ưu tiên khác là vấn đề phát huy năng lượng sạch. Trong lãnh vực này, phía Nhật Bản cũng muốn xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự của mình qua các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, quốc gia đã khởi sự việc xây dựng một nhà máy điện nguyên tử.
Theo hãng Kyodo, hai bên Nhật Bản và 5 nước vùng lưu vực sông Mêkông đang hoàn chỉnh những kế hoạch cụ thể nhằm thực thi bản hiệp định khung về “Sáng kiến Hợp tác Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản – Mêkông” đã được lãnh đạo hai bên thông qua vào tháng 11 năm 2009. Các lãnh vực ưu tiên hợp tác vừa do khu vực tư nhân đề xuất sẽ được hội nghị các bộ trưởng kinh tế toàn khối duyệt xét nhân cuộc họp tại Đà Nẵng vào tháng 8 năm nay.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20100626-nhat-ban-va-5-nuoc-mekong-du-tru-nhieu-de-an-hop-tac-phat-trien/

Nhật Bản cam kết viện trợ 7,4 tỷ đôla cho năm nước vùng Mêkông

mediaThủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (Reuters)
Hôm nay, 21/04/2012, trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp thượng đỉnh giữa Nhật Bản với năm nước vùng sông Mêkông Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Miến Điện, thủ tướng Yoshihiko Noda thông báo là Tokyo đã cam kết sẽ cấp viện trợ phát triển 7,4 tỷ đôla trong ba năm cho năm nước nói trên.
Ngoài khoản trợ giúp 7,4 tỷ đôla, Nhật Bản còn đưa ra danh sách 57 dự án phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước trong vùng Mêkông, được ước tính khoảng 2,3 tỷ tỷ yen. Một thông báo chính thức của Nhật cho biết là Tokyo sẽ đặc biệt hỗ trợ các dự án phát triển « Hành lang Kinh tế Đông – Tây » và « Hành lang Kinh tế phía Nam ». Những hành lang này sẽ gắn liền các quốc gia vùng sông Mêkông nhằm thúc đẩy mậu dịch và kết nối viễn thông.
Cam kết viện trợ và những dự án cơ sở hạ tầng nói trên được xem là một nỗ lực của phía Nhật Bản nhằm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực sông Mêkông. Từ nhiều năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đã viện trợ và đầu tư rất nhiều vào khu vực này, một vùng rất giàu tài nguyên và là một thị trường với hơn 200 triệu dân.
Là một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, Nhật Bản rất cần những quốc gia có giá nhân công rẻ và nhiều cơ hội đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Toàn bộ năm quốc gia sông Mêkông đều là thành viên của ASEAN, một khối đang cố gắng đạt mục tiêu trở thành một thị trường chung vào năm 2015.
Sau cuộc họp thượng đỉnh với 5 nước sông Mêkông, thủ tướng Noda hôm nay cũng đã hội đàm với tổng thống Miến Điện Thein Sein và theo dự kiến ông sẽ loan báo quyết định của Tokyo xóa 3,7 tỷ nợ cho Miến Điện.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20120421-nhat-cam-ket-vien-tro-74-ty-dola-cho-nam-nuoc-vung-mekong/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten