Thursday, July 2, 2015 4:37:47 PM
HÀ NỘI 2-7 (NV) .- Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập bang giao giữa hai kẻ cựu thù, gặp cả các lãnh tụ đỏ và giới bất đồng chính kiến.
Cựu tổng thống Bill Clinton và một số hoạt động đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-VNCS tại Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội. (Hình: FB Tòa Sịai sứ Mỹ) |
Cựu tổng thống Bill Clinton là một trong những người khởi xướng mối quan hệ giữa hai nước mà chính ông loan báo ngày 11/7/1995 . Nhiều người tưởng rằng khó có thể hàn gắn vì trở ngại chính yếu là sự nghi kỵ giữa một bên là nước dân chủ, tư bản, một bên bám chặt vào ý thức hệ Cộng Sản dù thời gian đó các nước Cộng sản Đông Âu và Liên Xô đã sụp đổ.
Nhân dịp hai nước tổ chức các buổi lễ và sự kiện đánh dấu 20 năm thiết lập bang giao, cựu tổng thống Bill Clinton đọc một bài diễn văn ở Hà Nội mô tả việc thiết lập bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Sản “là một trong những thành quả quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống” của ông. Ông cho hay điều này đã gỡ bỏ gánh nặng vốn đè lên tinh thần người Mỹ kể từ khi chiến tarnh chấm dứt.
“Hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bằng hữu đích thực và cung cấp bằng chứng trong một thế giới ngày càng chia rẽ để người ta thấy rằng sự hợp tác tốt hơn rất nhiều sự chia rẽ”. Ông Clinton nói.
Đây là lần thứ 5 ông Clinton đến Việt Nam. Cuối nhiệm kỳ tổng thống, vợ chồng ông và con gái đã thăm Việt Nam lần đầu tiên, được dân chúng khắp nơi từ Hà Nội đến Sài Gòn chào đón nồng nhiệt.
Khi ông Clinton loan báo thiết lập mối quan hệ ngoại giao với CSVN, mậu dịch hai chiều giữa hai nước chưa quá nửa tỉ đô la. Hai mươi năm sau, con số này đã tăng lên khoảng 35 tỉ USD và còn tiếp tục tăng dù chưa ký kết Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 28 tỷ USD; chiếm hơn 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đạt hơn 6 tỷ USD; chỉ chiếm khoảng hơn 4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước năm 2014.
Nhìn chung cả năm 2014, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ hơn 22 tỷ USD – con số cao kỷ lục và đóng góp tỷ trọng lớn vào thặng dư thương mại của cả nước năm 2014.
Nhiều phái đoàn cao cấp Hoa Kỳ đã đến Hà Nội cũng như các phái đoàn cấp cao của Hà Nội đã đến Hoa Thịnh Đốn nhất là từ khi hai bên thỏa hiệp “quan hệ toàn diện”. Trở ngại chính yếu để mối quan hệ giữa hai nước tiến nhanh hơn, ngoài mậu dịch, được nhiều giới chức Mỹ đề cập rất nhiều lần là vấn đề đàn áp nhân quyền của chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội.
Đó cũng là một trong những lý do đã thúc đẩy Hoa Thịnh Đốn chỉ gỡ bỏ một phần trong lệnh cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Hiện Hoa Kỳ chỉ đồng ý giải tỏa lệnh cấm vận để Việt Nam có thể mua các loại trang bị bảo vệ an ninh biển.
Theo tin tức của thông tấn xã AP, cựu tổng thống Clinton đã gặp tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngoại trưởng Phạm Bình Minh và một số viên chức cao cấp khác. Ông có mang theo một thông điệp nào từ chính phủ Obama không, không thấy gì được tiết lộ.
Ngoài tham dự các buổi lễ chính thức đánh dấu bang giao 20 năm giữa hai nước và mặt mặt các lãnh tụ Hà Nội, ông Clinton còn gặp một số nhân vật đấu tranh dân chủ, xã hội dân sự của Việt Nam.
Trên trang facebook của Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ngày 25/6/2015 thấy có đăng tải một bản tin ngắn từ tổ chức thăm dò dư luận quần chúng PEW. Phần Việt ngữ của bản tin này như sau:
“Việt Nam yêu mến Hoa Kỳ! Theo kết quả khảo sát thái độ mới nhất của Pew Global, 78% người dân Việt Nam yêu mến Hoa Kỳ. Con số này đã tăng lên 88% trong số những người trẻ tuổi. Gần 9 trong 10 người Việt ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Việt Nam cũng mong muốn Hoa Kỳ hiện diện quân sự ở châu Á với 71% người được khảo sát cho biết sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ là “một điều tốt đẹp.” Hãy tìm hiểu thêm xem người Việt và Mỹ nghĩ gì về nhau và về thế giới ở đây: http://www.pewglobal.org/2015/06/23/3-asia-in-focus/” (TN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=209731&zoneid=1#.VZZbuekVi70
Geen opmerkingen:
Een reactie posten