dinsdag 7 juli 2015

Champagne và Bourgogne (Pháp) : Di sản văn hóa thế giới + Con đường Rượu vang

Văn hóaPhápRượu vangẨm thựcUNESCODi sản

Champagne và Bourgogne : Di sản văn hóa thế giới

media 
Các đồi nho xung quanh thị trấn Épernay được công nhận là di sản văn hóa thế giới - AFP / F. NASCIMBENI
Các vùng sản xuất rượu Champagne và Bourgogne vừa được UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới. Cả hai vùng này được UNESCO xếp vào hạng mục "cảnh quan văn hóa", tức là những nét đặc thù của ngành sản xuất rượu vang của Pháp.
Nhóm họp từ hôm thứ Bảy 04/07/2015 tại thành phố Bonn (Đức), Ủy ban chuyên trách UNESCO đã tôn vinh ba địa danh tiêu biểu ở vùng Champagne, nơi có truyền thống làm rượu vang từ bốn thế kỷ nay, nhiều hơn là sản phẩm qua hình tượng của chai rượu sủi bọt, lung linh lấp lánh vào các dịp lễ hội.
Đầu tiên hết là Đại lộ Champagne ở thị trấn Épernay. Đại lộ này dài khoảng một cây số và là nơi có đặt cơ sở kinh doanh của các thương hiệu Champagne nổi tiếng nhất, trong đó có Mercier, Moët & Chandon hay là Perrier-Jouët …. Các cửa hàng này nằm trong tay các gia đình thương gia chuyên kinh doanh rượu Champagne từ đời cha ông tới đời con cháu. Mỗi ngôi nhà giống như là biệt thự có hầm rượu khổng lồ, vì tính tổng cộng lượng lưu trữ hiện giờ lên tới hơn một triệu chai.
Địa danh thứ nhì là ngọn đồi Saint-Nicaise ở thành phố Reims, bao gồm cả một hệ thống đường hầm dài ngoằn nghèo hàng chục cây số. Các hầm rượu này có từ thời Trung Cổ được đào trong đá vôi, và là nơi cất giữ lưu trữ các loại rượu vang chế biến từ đời này sang đời nọ. Địa danh thứ ba và cũng là điạ danh quan trọng nhất là ngọn đồi trồng nho Hautvillers, nằm ở ngoại thành thị trấn Épernay.
Chính tại ngôi làng Hautvillers, nơi có tu viện Dòng Tên của vùng Chalons en Champagne, mà vị tu sĩ Dom Perignon đã tình cờ phát hiện ra vào giữa thế kỷ XVII quá trình lên men tự nhiên của rượu Champagne. Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, khi Dom Perignon được đưa vào kinh doanh khai thác, thì thương hiệu này trở thành một trong những loại Champagne đắt nhất thế giới.
Về phía vùng Bourgogne, ủy ban chuyên gia của UNESCO công nhận hai địa danh là Côte de Nuits và Côte de Beaune như di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là nơi có truyền thống trồng nho và làm rượu trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, khí hậu và phong thổ thuận lợi chỉ liên quan tới vài trăm mãnh đất mà thôi, chứ không phải là trên toàn vùng Bourgogne. Trữ lượng sản xuất của các loại rượu vang địa phương thuộc vào hàng thấp nhất nhưng đồng thời cũng là ngon nhất thế giới. Hai loại rượu tiêu biểu cho vùng này là Romanée-Conti hoặc là Montrachet, trở nên nổi tiếng và luôn là loại rượu đắt tiền nhất thế giới, theo bản xếp hạng thường niên của giới thương gia quốc tế.
Hàng năm, giới chuyên ngành vẫn tổ chức cuộc bán đấu giá tại Hospice de Beaune, mỗi chai Romanée-Conti thường xấp xỉ cả chục ngàn euro (giá trung bình là 13.000 euro) tức là còn cao hơn cả các loại rượu vang hảo hạng nhất của các vùng khác như Bordeaux hay là Alsace. Về điểm này, chuyên gia nghiên Michel Veron, tác giả quyển sách hướng dẫn về nguồn gốc lịch sử của các loại rượu vang sản xuất ở vùng Champagne nhận xét :
Rượu vang nói chung, rượu Champagne cũng như rượu Bourgogne nói riêng, không chỉ là những thức uống, những sản phẩm tiêu dùng đơn thuần, mà còn là những sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Từ hồi năm 2014, Quốc hội Pháp đã từng công nhận các sản phẩm của vùng Champagne, thuộc vào hàng di sản quốc gia. Xét về mặt thương mại thì dĩ nhiên là rượu champagne có thể được đem ra bày bán trên thị trường như bao sản phẩm khác, nhưng đằng sau hình tượng của Champagne và Bourgogne, còn có cả một truyền thồng văn hóa lâu đời, một quá trình tìm tòi gần giống như là hình thức nghệ thuật.
Đối với tôi, thì công việc làm rượu, ban đầu nảy sinh trong tư tưởng, trong tâm trí. Nhà chế biến rượu phải nghĩ tới việc kết hợp các giống nho trồng tại chỗ, được xem như là đặc sản địa phương, kết hợp và dung hoà như thế nào để tìm cho ra một loại rượu ngon, điều đó đòi hỏi nhiều lần thử đi thử lại, vì rượu nho do điều kiện khí hậu, thời tiết không thể nào mà giống nhau, từ năm này qua năm nọ. Tùy theo mùa màng, gặt hái được nhiều hay ít, hương vị rất ngọt hay hơi chua, nhà sản xuất rượu phải biết thích nghi cách chế biến trong suốt quá trình làm rượu.
Các nhà sản xuất tìm cách hội tụ tất cả những điều kiện sản xuất thuận lợi nhất hầu tạo ra một lọai rượu hảo hạng, nhưng họ vẫ không biết chắc 100% là rượu sẽ được ngon. Tựa như ngẫu hứng, thành quả cuối cùng trong quá trình làm rượu vẫn là một yếu tố mà con người không thể kiểm soát được. Vì thế cho nên, rượu Champagne cũng như Bourgogne giống như là một tác phẩm nghệ thuật. Điều mà UNESCO công nhận là nét văn hóa đặc thù, các địa danh tiêu biểu, nhiều hơn là thương hiệu hay sản phẩm.
Sự kiện UNESCO công nhận các địa danh Champagne cũng như Bourgogne tạo cơ hội phát triển thêm ngành du lịch cho hai vùng này. Theo ước tính của giới chuyên gia ngành du lịch khách sạn, quyết định của UNESCO sẽ giúp tăng thêm ít nhất là 20% số lượng du khách tới tham quan hai vùng Champagne và Bourgogne.
Hưởng lợi đầu tiên vẫn là các nhà sản xuất rượu, vì du khách lúc nào cũng có tâm lý muốn mua rượu về làm quà tặng cho bạn bè người thân. Kế đến là ngành dịch vụ liên quan tới nghệ thuật ẩm thực. Hiện giờ, hai vùng Champagne và Bourgogne đều tính đến việc phát triển thêm các tuyến du lịch trong vùng gọi là ‘’Con đường Rượu vang’’, hầu lôi kéo du khách về những địa điểm khác, tuy nằm trong cùng một vùng nhưng ít nổi tiếng bằng các địa danh vừa được UNESCO công nhận.
Cũng cần nhắc lại là nước Pháp hàng năm sản xuất 400 triệu chai rượu champagne, trong đó cứ trên 4 chai là có đến 3 chai dành để xuất khẩu sang nước ngoài. Nổi tiếng là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, giới sản xuất champagne do uy tín của sản phẩm, thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn ở một mức cao, trong khi champagne vẫn tiếp tục được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Bằng chứng là trong năm 2010, nước Pháp đã xuất khẩu gần 320 triệu chai champagne sang 196 nước, tăng mạnh nhất vẫn là Trung Quốc.
Được xem từ lâu như là một trong những biểu tượng của nước Pháp, rượu champagne khác với các loại rượu vang đỏ hay trắng, ít bị cạnh tranh nhờ bảo hộ được thương hiệu và nguồn gốc kiểm chứng : chỉ có rượu nho trắng sủi bọt sản xuất tại vùng Champagne, miền tây bắc nước Pháp mới xứng đáng với danh hiệu champagne.
Các loại rượu nho sủi bọt khác đến từ các vùng miền ở Pháp hay ở nước ngoài một là chế biến theo cùng phương pháp (méthode champenoise) hai là được xếp vào loại rượu sủi bọt (pétillant hoặc là mousseux). Chẳng hạn như một trong những hiệu rượu vang trắng có sủi bọt nổi tiếng trên thị trường là lại Prosseco của Ý, giá rẻ từ hai đến bốn lần so với Champagne.
Để tôn trọng truyền thống, bảo đảm chất lượng và hương vị của sâm banh, nước Pháp ra nhiều quy định nghiêm ngặt về các giống nho hợp với phong thổ của vùng Champagne, phương pháp chế biến, cách chọn giống cây và nuôi trồng, thời gian ủ nho làm rượu cũng như việc cất giữ trong thùng. Để sản xuất champagne, một nhà làm rượu ở vùng này buộc phải tuân thủ hơn 60 quy định khác nhau, để có thể gắn trên chai rượu của mình nhãn hiệu champagne.
Theo Ủy ban bảo trợ ngành Champagne, một cơ chế do chính phủ Pháp thành lập để giám sát nghề sản xuất loại rượu này ở Pháp, ngành chế biến champagne ít bị khủng hoảng tác động hơn so với các ngành nghề khác. Với lượng xuất khẩu hàng năm dao động ở mức từ 300 triệu đến 330 triệu chai, ngành sản xuất champagne đem về cho nước Pháp 4 tỷ rưỡi euro mỗi năm.

http://vi.rfi.fr/van-hoa/20150706-champagne-va-bourgogne-di-san-van-hoa-the-gioi/

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Con đường Rượu vang: Chiều sâu bao tử, bề dày văn hóa

Con đường Rượu vang: Chiều sâu bao tử, bề dày văn hóa
 
Con đường Rượu Vang vùng Alsace thu hút mỗi năm hàng triệu lượt du khách (www.vinsalsace.com)


    Nằm cách thủ đô Paris khoảng 400 cây số về phía Đông, vùng Alsace nổi tiếng là một trong những vùng sản xuất rượu nho trắng ngon nhất châu Âu. Nếu như nước Pháp có đến mười bốn Con đường Rượu vang trên toàn lãnh thổ, thì vùng Alsace chính là nơi đã thành lập Con đường Rượu vang đầu tiên, cách đây 60 năm.

    Đặt chân đến vùng Alsace, du khách sẽ khám phá những làng mạc có từ lâu đời, những thị trấn với lối kiến trúc cổ kính, khung cảnh nên thơ giữa chốn thiên nhiên thanh bình, nơi mà rượu nho hảo hạng làm nổi bật các món ăn đặc sản địa phương. Du khách vừa có dịp thưởng thức những món ăn ngon vừa đi thưởng ngoạn các địa danh với nhiều di tích lịch sử.
    Chẳng hạn như Nhà thờ Đức Bà thành phố Strasbourg, thủ phủ vùng Alsace, được xây từ cuối thế kỷ XII (1176). Phố cổ Mulhouse giữ nguyên lối kiến trúc có từ thế kỷ XIII, mà một trong những đặc điểm là khung cửa sổ hầu như lúc nào (ngoại trừ mùa đông) cũng lợp đầy hoa. Thành phố Colmar thì nổi tiếng với Viện bảo tàng Mỹ thuật Unterlinden, dãy hàng buôn (Rue des Marchands) trong góc phổ cổ xưa, xây từ thế kỷ thứ XI cũng như ngôi nhà của dòng họ Bartholdi.
    Thành phố Colmar chính là nguyên quán của Frédéric Auguste Bartholdi (1834-1904), cha đẻ của bức tượng Nữ thần Tự do ở phía nam Manhattan và cũng là tác giả của những bức điêu khắc nổi tiếng như Thiên thần thổi sáo tại nhà thờ Boston, bức tượng của tướng Lafayette tại quảng trường Union Square ở New York, hay bồn nước điện Capitole ở Washingon DC, thủ đô nước Mỹ.


    Con đường Rượu vang (La Route des Vins) do Sở du lịch vùng Alsace thành lập vào ngày 30 tháng Năm năm 1953, nhân dịp tổ chức một cuộc đua xe hơi. Tuyến đường đua chạy dọc vùng Alsace, và cứ mỗi chặng là có một sinh hoạt lễ hội, để giới thiệu các đặc sản của từng miền.
    Từ ngôi làng Marlenheim phía bắc cho tới thị trấn Thann ở phía nam, Con đường rượu vang vùng Alsace băng qua những ngọn đồi trồng nho trên hơn 170 cây số. Vùng Alsace có gần 120 nông trại và ruộng nho, hơn một nửa nằm dọc tuyến đường này. Trong số này, đọan đường giữa hai thị trấn Barr và Rouffach chi chít những ngôi làng chuyên sản xuất rượu nho tiêu biểu của vùng Alsace.
    Các ngôi làng rượu vang như Mittelbergheim, Eguisheim, Hunawihr đều nằm trong danh sách các ngôi làng thơ mộng, xinh xắn nhất nước Pháp, hàng năm sau mùa hái nho, các ngôi làng này đều có tổ chức liên hoan để giới thiệu sản phẩm, mời du khách nếm thử hương vị ‘‘rượu mới’’ ngay sau khi thu hoạch xong (vin primeur).
    Vùng Alsace có trên dưới 60 hiệu rượu vang có kiểm định nguồn gốc và xuất xứ (AOC – Apellation d’Origine Contrôlée). Trái với tên gọi của nó, Pinot Gris lại là rượu vang trắng, trong khi Pinot Noir lại là rượu vang đỏ. Ngọai trừ lọai rượu nho đỏ này, vùng Alsace chủ yếu sản xuất nhiều loại rượu nho trắng như rượu Muscat, Tokay, Chasselas, Sylvaner, Klevener … Nhưng tiêu biểu hơn cả là ba loại rượu Crémant, Riesling và Gewurztraminer.
    Du khách nước ngoài thường gọi lầm rượu Crémant của vùng Alsace là Champagne, do đây cũng là một loại rượu trắng có sủi bọt. Tuy nhiên, Crémant chủ yếu dùng giống nho chardonnay, trong khi Champagne kết hợp đến ba hoặc bốn giống nho khác nhau, trong đó có Pinot Noir và Pinot Meunier. Hai loại rượu đặc trưng nhất của vùng Alsace vẫn là Riesling và Gewurztraminer có mùi vị rất thơm như thể được ướp với hương hoa.


    Chính với những đặc sản không nơi nào có này, mà Alsace vươn lên hàng nhất nhì trong số các vùng nổi tiếng về rượu vang ở Pháp, cũng như Bordeaux và Bourgogne. Những đồi nho ngút ngàn xung quanh các thị trấn và thành phố lớn như Strasbourg, Colmar, Sélestat, Guebwiller, Saverne, Obernai ... tạo nên một khung cảnh khá yên tĩnh và thơ mộng. Chỉ cần rời khỏi các đô thị đông đảo dân cư, du khách thấy ngay các vườn nho san sát lá xanh. Các nông trại dọc con đường rượu vang nối liền với nhau, ở những nơi có cho khách thưởng thức rượu đều có gắn bản hiệu dọc hai bên đường với biểu tượng muôn thuở là một chùm nho trắng.
    Mỗi vườn nho ở đằng sau nông trại thường có một hầm rượu mở cửa tiếp đón du khách, một số nơi còn dành một góc làm nhà hàng để dọn thức ăn cho thực khách. Dù có ăn tại chỗ hay không, bạn vẫn có thể nếm từng lọai rượu trước khi mua. Nhấp thử một ngụm ở đầu môi, hương rượu thoang thoảng ở chót lưỡi, đôi khi mát nhẹ mùi hoa trái, dịu thơm như thảo mộc phảng phất một chút rơm tươi. Lý tưởng nhất là khi bạn có thể gọi một số món ăn đặc sản truyền thống của vùng Alsace để làm nổi bật hương rượu.
    Rượu vang trắng của Alsace rất hợp với fromage (phô mát), nếu bạn cảm thấy không hợp với khẩu vị thì nên dùng rượu trắng với món cá rắc bột chiên bơ (món này không phải là lăn bột như làm beignet mà làm theo kiểu meunière). Người dân vùng Alsace nấu cả hai loại cá : cá chép và cá lờn bơn, còn được gọi là cá lưỡi trâu (sole).
    Có người thích ăn món flammekueche, hình thù giống như bánh pizza nhưng tuyệt đối không có cà chua mà lại có hành tây xắc mỏng, rồi rắc ở trên mặt nhiều fromage và thịt ba rọi ướp muối. Nhưng món này không phải dễ ăn cũng như món tartiflette, nguyên là một món khoai tây trộn fromage, rồi đút lò nướng dòn. Nguồn gốc của món tartiflette đến từ vùng Savoie, nhưng cũng khá phổ biến ở vùng Alsace. Đối với mọi người và đặc biệt là thực khách châu Á, dễ ăn nhất vẫn là món choucroute, tức là món dưa cải chua.
    Đây là một món ăn truyền thống mùa đông của vùng Alsace, của nước Đức và một số quốc gia Đông Âu. Nhưng vùng Alsace chế biến dưa cải công phu hơn : bắp cải cắt thật mỏng ngâm muối và rượu trắng chứ không ngâm với bia, khi nấu thì cho thêm một chút rượu nho thơm ngâm với hạt đỗ tùng, tức là hạt genièvre.
    Một số người không có genièvre dùng hạt ngò ướp thêm với một chút tiêu, nhưng tuỵêt đối không dùng đinh hương, vị mùi đinh hương sẽ át hẳn mùi thơm của cải ngâm rượu trắng. Món choucroute bây giờ thường được dọn với xúc xích và thịt nguội, nhưng đúng địêu thì phải có giò lợn, khi nấu để nguyên đến khi ăn thì mới cắt thành từng miếng. Nếu không thích ăn thịt, thì món choucroute cũng có thể nấu với hải sản, tôm tươi, sò điệp, cá hồi, cá vược hun khói.


    Vùng Alsace đặc biệt là miền thung lũng nằm gần dãy núi Vosges, nhờ vào khí hậu (tương đối) ôn hoà, thổ nhưỡng thuận lợi, nên sản sinh ra nhiều giống nho ngon để làm rượu. Vùng đất màu mỡ trù phú, cộng thêm truyền thống chế biến rượu lâu đời, có từ thời La Mã. Dù có sành điệu hay không, thì hàng năm có cả một triệu lượt khách chọn đi tour du lịch trên Con đường Rượu vang vùng Alsace.
    Thời điểm lý tưởng nhất là từ giữa tháng năm cho đến cuối tháng Mười. Từ thành phố Strasbourg hay là Colmar, bạn đều có thể dùng xe đạp để viếng thăm các vườn nho nằm ở ngoại thành. Đó là cách tốt nhất để thưởng ngọan phong cảnh tại những ngôi làng có lối kiến trúc hình khối, khá vuông vức rắn chắc. Đằng sau những ngọn đồi xanh mướt vào mùa xuân, là những căn nhà rộng mái với gỗ nâu hiện trên mặt tiền, tạo ra những ô vuông với khung cửa sổ tô màu, nên dễ nhìn thấy từ xa. Các ngôi làng xây bằng đá có kèo gỗ thường có cổng chính.
    Từ cổng làng cho đến các khung cửa sổ của mỗi ngôi nhà đều có treo nhiều chậu hoa. Tâm điểm là một ngôi nhà thờ với tháp chuông ở phía trước thường có tổ chức những phiên chợ chủ yếu bán fromage, thức ăn tươi và hoa quả. Nếu như ở trong thành phố, nhà cửa thường có mái hẹp được xây với nhiều tầng cao do ngày xưa người ta có truyền thống đánh thuế trên diện tích mặt bằng, thì những làng mạc vùng Alsace thường có những ngôi nhà mái thấp và rộng hơn. Tường nhà thường được sơn với gam màu dịu : mỡ gà, xanh non hạt điều hay xanh phấn, trong khi bancông và cửa sổ thường dùng gam màu sẫm gần giống với các chất liệu tự nhiên, thường là màu gỗ nâu, màu xám tro, hay màu xanh dương đậm có sắc lục như cổ chim bồ câu.
    Nước Pháp có đến mười bốn Con đường Rượu vang, trên khắp các vùng miền, tức là cao gấp bốn lần so với các quốc gia láng giềng cũng có truyền thống trồng nho làm rượu là nước Ý, nước Đức và Tây Ban Nha. Trong số mười bốn Con đường Rượu vang của Pháp, La Route des Vins d’Alsace luôn luôn đứng nhất nhì trên danh sách bởi vì đây vùng đầu tiên dung hoà di sản kiến trúc với nghệ thuật ẩm thực, nói nôm na là kết hợp chiều sâu bao tử với bề dày văn hóa.

    Cùng chủ đề

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten