VN là điểm nhập sừng tê giác lậu
Theo nhận định của TRAFFIC, tên gọi tắt của Mạng Lưới Giám Sát Hoạt Động Buôn Bán Thực Và Động Vật Hoang Dã, Việt Nam là điểm đến và cũng là thị trường tiêu thụ sừng tê giác nhập lậu từ Nam Phi. Đây là bản tin được báo chí trong nước đăng tải lại.
Điểm đến và trung chuyển
Sừng tê giác tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phần lớn nhập về từ Nam Phi. Theo báo cáo của văn phòng đại diện Việt Nam trong CITES, Công Ước Quốc Tế Về Hoạt Động Buôn Bán Động Và Thực vật Hoang Dã, từ năm 2003 đến 2010, khoảng 657 sừng tê giác được nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi vào Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn theo báo cáo này, thực tế chỉ 170 trong số hơn sáu trăm sừng tê giác trên được ghi vào danh sách nhập khẩu, trong lúc số còn lại, chừng 74%, được coi là nhập chui tức là tuồn bất hợp pháp vào Việt Nam.
Vào khi thừa nhận có sự bảo kê để đưa lậu sừng tê giác vào Việt Nam, trưởng đại diện TRAFFIC Mạng Lưới Giám Sát Hoạt Động Buôn Bán Thực Và Động Vật Hoang Dã tại Việt Nam, bà Naomi, nói rằng không hạch toán đầy đủ số lượng sừng tê giác hợp pháp là tạo điều kiện cho việc buôn bán bất hợp pháp mặt hàng này tràn lan trên thị trường nội địa.
Kết quả điều tra của TRAFFIC cho thấy sừng tê giác từ Phi Châu được đưa vào Việt Nam qua ngã hàng không từ Johanesbourg tới Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hong Kong, Bangkok, từ đó vận chuyển bằng đường bộ qua Lào, Thái Lan. Do lợi nhuận to lớn từ việc buôn bán sừng tê giác, mặt hàng quí hiếm ở Việt Nam và Trung Quốc, nhiều số lượng sừng tê giác được đưa vào Việt Nam không qua đường kiểm soát thuế quan mà còn được bảo kê bởi một số cán bộ hay một số nhân viên ngoại giao Việt Nam .
Những số liệu chúng tôi thu thập được cũng cho thấy mỗi năm khoảng một nghìn sừng tê giác được các đường dây buôn bán động vật hoang dã mang vào Việt Nam một cách bất hợp pháp.Từ năm 2009, bà Naomi, trưởng văn phòng TRAFFIC tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đã tịch thu 100 kg sừng tê giác trong giai đoạn 2004 đến 2008, thực hiện ít nhất 10 vụ bắt giữ liên quan đến hành vi buôn bán trái phép sừng tê giác trên thị trường nội địa. Tuy nhiên tính đến lúc này, bà nói tiếp, chưa có ai bị truy tố vì những hành động có tính cách phạm pháp này.
- Ông Tom Milliken
Những dữ kiện và số liệu vừa nói, liên quan đến việc nhập lậu sừng tê giác vào Việt Nam, từng được trình bày tại hội nghị lần thứ 16 của CITES Công Ước Quốc Tế Về Hoạt Động Buôn Bán Động Vật Và Thực Vật Hoang Dã Nguy Cấp, do UNEP - Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc bảo trợ, diễn ra tại Thái Lan tháng Ba năm nay.
Khi đó, bước sang ngày thứ ba của hội nghị CITES, tên Việt Nam nhiều lần được nhắc tới trong báo cáo của các tổ chức quốc tế chuyên theo dõi và bảo vệ động vật hoang dã, cho thấy tệ trạng giết hại và buôn lậu ngà voi cũng như sừng tê giác từ Châu Phi sang Châu Á đã gia tăng nhiều năm qua mà Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn ở Châu Á bên cạnh Trung Quốc.
Nói một cách khác, Nam Phi, Kenya và Congo là những nơi xuất phát ngà voi và sừng tê giác, được chuyển bất hợp pháp đến Việt Nam và Trung Quốc thông qua ngã Thái Lan.
Theo trung tướng Norasak Hemnithi, giám đốc Cơ Quan Điều Tra Tội Phạm Tài Nguyên Và Môi Trường Thái Lan, dính líu đến hoạt động buôn bán vận chuyển ngà voi và sừng tê giác ra khỏi Châu Phi là người Thái và người Việt.
Để mang ngà voi và sừng tê giác ra khỏi Châu Phi, ông nói, những poachers tức những kẻ săn bắn thú hoang trái phép, cung cấp vé máy bay đồng thời trả năm trăm đô la cho từng cá nhân hoặc người Thái hoặc người Việt mà họ thuê được. Người vận chuyển chỉ cần thồ hàng đến Thái Lan trên những chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không Châu Phi.
Và một khi đáp xuống phi cảng Suvarnabhumi, người vận chuyển sẽ đặt túi xách chứa hàng lậu quí hiếm đó trên xe đẩy hành lý, bỏ lại một góc khuất đã định trong phi trường, trước khi đáp vào thành phố Bangkok hoặc đáp chuyến bay tiếp về Việt Nam.
Đến lấy những túi hành lý bỏ lại này chính là nhân viên phi trường hoặc cảnh sát Thái được móc nối và đã nhận tiền hối lộ của bọn buôn lậu.
Vẫn theo lời trung tướng Norasak Hemnithi thì nhiều phần hàng được chở thẳng từ phi trường Suvarnabhumi ra đến cửa khẩu Nakhon Phanom của Thái, từ đó qua Lào rồi chạy thẳng về Việt Nam.
Mặt khác, hai món hàng quí hiếm và đắt tiền này còn được ngụy trang rồi tuồn qua ngã Malaysia, đến tỉnh Songkla của Thái Lan trước khi được đưa bằng cách này cách khác tới Trung Quốc..
Trong phúc trình mang tên Quan Hệ Buôn Bán Sừng Tê Giác Việt Nam-Nam Phi, tổ chức TRAFFIC của Anh Quốc với Mạng Lưới Theo Dõi Việc Buôn Bán Thú Hoang, gọi tắt là ETIS, thì tệ trạng buôn lậu ngà voi và sừng tê giác giữa Nam Phi và Việt Nam gia tăng không ngừng trong mấy năm gần đây.
Buôn lậu có tổ chức
Ông Tom Milliken, chuyên gia của Mạng Lưới Theo Dõi Việc Buôn Bán Thú Hoang, đồng tác giả của phúc trình Quan Hệ Buôn Bán Sừng Tê Giác Việt Nam-Nam Phi, khẳng định:
“Đúng là như vậy, trong ba năm qua Việt Nam đã tịch thu một số lượng gần mười bảy tấn ngà voi nhập lậu. Những số liệu chúng tôi thu thập được cũng cho thấy mỗi năm khoảng một nghìn sừng tê giác được các đường dây buôn bán động vật hoang dã mang vào Việt Nam một cách bất hợp pháp.
Chúng tôi có bằng chứng hiển nhiên về chuyện nhân viên trong các đại sứ quán Việt Nam ở Châu Phi đã nhúng tay vào những hoạt động buôn bán phi pháp này. Theo tôi biết cách đây một năm, một nhân viên tòa đại sứ ở Maputo, Mozambique, đã bị bắt quả tang khi đến phi trường Johanesbourg với sáu cái sừng tê giác trong hành lý.
Trong khi chúng tôi mong muốn giới chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam thực hiện lời tuyên bố là Việt Nam không cho phép việc buôn lậu sừng tê giác trái phép mà cho đến lúc này dường như các nhân viên trong các đại sứ quán Việt Nam ở Châu Phi vẫn lén lút hoạt động, tiếp tay với những đường dây buôn sừng tê giác vào Việt Nam và thỉnh thoảng cũng vẫn có người bị bắt cùng với tang vật.
Chúng tôi vừa hoàn tất phúc trình chi tiết để trình bày trước hội nghị CITES về tình hình buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi cũng như ở Việt Nam, về hoạt động và đường đi nước bước của các tập đoàn buôn lậu có tổ chức của Nam Phi và của Việt Nam. Chúng tôi có đầy đủ tư liệu về số lượng sừng tê giác được bán ra khỏi Châu Phi hàng năm.
Chúng tôi cũng có hẳn một danh sách và tên tuổi của những người trong các đại sứ quán Việt Nam ở Châu Phi, bị bắt từ năm 2004 đến giờ,vì đã dính líu với những đường dây buôn lậu sừng tê giác. Hành động phi pháp của những nhân viên sứ quán ấy đã biến Việt Nam thành trung tâm điểm của nạn buôn lậu sừng tê giác trên thế giới, trong lúc mức cầu về mặt hàng quí hiếm này ở Việt Nam càng ngày càng tăng cao đến nỗi đã xảy ra những vụ mua bán sừng tê giác giả mạo.
Mỗi năm chỉ một hoặc hai người bị bắt trong lúc như tôi đã nói mỗi năm cả ngàn cái sừng tê giác được nhập lậu vào Việt Nam như thế.
- Ông Tom Milliken
Mỗi năm chỉ một hoặc hai người bị bắt trong lúc như tôi đã nói mỗi năm cả ngàn cái sừng tê giác được nhập lậu vào Việt Nam như thế.”
Bà Bussara Tyrakalyapan, thành viên của Freeland Foundation chuyên phòng chống việc buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Thái Lan, nói rằng không chỉ người Việt và người Thái Lan mà cả người Trung Đông cũng liên quan tới những đường dây tội ác chuyên buôn lậu sừng tê giác, ngà voi, cùng một vài loài thú quí hiếm khác nữa từ Châu Phi sang Việt Nam và Trung Quốc:
Tại Việt Nam, bà nói, nhu cầu về sừng tê giác có phần cao hơn ngà voi vì sừng tê giác khó kiếm. Còn tại sao sừng tê giác được ưa chuộng ở Châu Á kể cả Việt Nam, bà Bussara giải thích tiếp, vì ngoài tính cách quí hiếm và siêu lợi nhuận, sừng tê giác còn được coi như thần dược, chất bột mài ra từ sừng tê giác có thể sử dụng như một loại mỹ phẩm. Nhiều người còn cho rằng uống chất bột mài từ sừng tê giác, thậm chí trộn thêm với cocaine, thì khả năng tình dục sẽ tăng lên gấp bội.
Số liệu ước tính từ những buổi hội thảo CITES lần thứ 16 ở Thái Lan cho thấy, chỉ riêng vùng Đông Nam Á, lượng động vật hoang dã và thảo mộc quí hiếm tịch thu được từ những đường dây buôn lậu có tổ chức là gần mười hai triệu đô la.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, trị giá thực tế có thể cao hơn con số mười hai triệu, trong lúc hoạt động của các tổ chức tội phạm ngày càng tinh vi và táo bạo hơn.
Theo tiến sĩ Janse Van Rensburg, giám đốc đặc trách thực thi luật pháp của CITES Công Ước Quốc Tế Về Buôn Bán Động Vật Và Thực Vật Hoang Dã Nguy Cấp, việc săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã không phải việc làm của cá nhân đơn lẻ mà những tập đoàn có tổ chức với lợi nhuận kiếm được là một con số đáng kể:
“Chúng tôi không muốn tiết lộ con số chính xác vì sợ làm vậy là kích thích và khêu gợi lòng tham không đáy nơi những kẻ bất hảo. Cái chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tội các đẫm máu của những tập đoàn nhiều tiền lắm của đó. Chúng có tiền để trang bị vũ khí, thuê mướn những tay săn bắn bất lương làm việc cho chúng, mua chuộc những viên chức hữu trách có quyền thế, sử dụng mọi cung cách và phương tiện tinh vi táo bạo để qua mặt cảnh sát, hải quan và nhân viên công lực.
Ngày nào những tập đoàn tội ác này còn tung hoành mà nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của pháp luật thì ngày ấy hàng loạt động vật hoang dã quí hiếm trên thế giới sẽ lần lượt biến mất trên quả địa cầu này.”
Để có thể đọc và xem hình ảnh cũng như danh sách người bị bắt giữ trong báo cáo Quan Hệ Mua Bán Sừng Tê Giác Việt Nam-Nam Phi, chuyên gia Tom Miliken cho biết co thể truy cập vào website của TRAFFIC theo địa chỉ www.traffic.org /species-reports.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten