Nguyễn Quang Duy
Về xu hướng Dân chủ Xã hội cho VN
Cập nhật: 09:09 GMT - thứ
năm, 29 tháng 8, 2013
Bài viết này mong làm rõ hơn con đường xã hội dân chủ để xem con đường này có thích hợp với Việt Nam hay không?
Khuynh hướng Dân Chủ Xã Hội
Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng con đường xã hội dân chủ như đường lối của Đệ Nhị Quốc tế và dựa trên chủ nghĩa Marx, đó là điều thiếu chính xác.Các đảng theo khuynh hướng dân chủ xã hội Âu Châu về tư tưởng và phương cách họat động chịu nhiều ảnh hưởng của Ferdinand Lassalle (1825–1864). Ông là người sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội Đức năm 1863 và là chủ tịch đầu tiên của tổ chức này.
Theo ông nhà nước là tổ chức của mọi thành viên trong xã hội. Để xây dựng xã hội mới thay vì đấu tranh cách mạng lật đổ chế độ cũ, giai cấp công nhân phải tích cực cải cách xã hội cũ qua đấu tranh nghị trường, đấu tranh giành quyền bằng phương thức bầu cử tự do.
Ngay sau đó năm 1869, Đảng Dân chủ Xã hội Đức tham gia cuộc tranh cử tự do, với chủ trương không phân biệt nguồn gốc của cử tri, cấm trẻ em lao động và cổ vũ sự độc lập của tòa án.
Mãi trên 30 năm sau, đến năm 1889 Engels và một số người khác mới đứng ra thành lập Liên Minh Quốc Tế Các Đảng Xã Hội còn gọi là "Đệ Nhị Quốc tế". Liên minh này thu hút được một số đảng xã hội, trong đó có Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Nhưng vì không thống nhất về tư tưởng chiến lược và chia rẽ về phương cách đấu tranh Liên minh này phải giải tán năm 1914.
Chủ nghĩa Marx
Theo Karl Marx lịch sử nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp và nhà nước là công cụ nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Từ đó Marx chủ trương giai cấp công nhân phải đòan kết lại và phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan bộ máy nhà nước cũ, xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản.Tư tưởng Marx kết hợp với phương cách tổ chức Đảng Bolshevik của Vladimir Lenin đã dẫn đến cuộc vũ trang cướp chính quyền tại Nga vào tháng 10 năm 1917. Khi đó nhiều người tin rằng “cách mạng vô sản” sẽ nhanh chóng lan sang nước Đức và các quốc gia Âu châu, nhưng sự việc đã không bao giờ xẩy tới.
Năm 1919, Lenin phải cho thành lập Đệ Tam Quốc Tế nhằm “xuất cảng cách mạng vô sản”. Nhưng cũng không như Karl Marx tiên đóan, giai cấp công nhân chưa bao giờ đứng lên giành chính quyền. Một số quốc gia đã trở thành các quốc gia cộng sản lại do thế chiến thứ hai hay do các cuộc nội chiến xẩy ra.
Để xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu Marx, một nhà nước chuyên chính và tòan trị đã xây dựng tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản: nhà tù, đàn áp, khủng bố, đói kém và chiến tranh. Cũng chỉ vì sai lầm đấu tranh giai cấp kiểu Marx Phong trào Cộng sản đã khiến hằng trăm triệu người thiệt mạng và hằng tỷ người bị ảnh hưởng thể xác hay tinh thần.
Mặt khác chủ nghĩa Marx là tước bỏ quyền tự do cá nhân, đặc biệt là quyền tư hữu, nên hầu các nước theo cộng sản dân chúng đều sống trong nghèo đói, bất bình đẳng, bình quyền. Năm 1989 người dân các nước Liên Xô và Đông Âu đã phải đứng lên để giành lại chính quyền. Hiện chỉ còn vài quốc gia theo cộng sản và tất cả đều đang trong tình trạng khủng hỏang tòan diện.
Trong bài diễn văn kỷ niệm 150 năm thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức, ngày 23-5-2013 vừa qua, Tổng Thống Đức Joachim Gauck đã nêu rõ sự khác biệt giữa khuynh hướng dân chủ xã hội và Phong Trào Quốc Tế Cộng sản. Ông Gauck nhận xét “Những đảng viên Dân chủ Xã hội đã giữ vững lý tưởng tự do, công bằng, đoàn kết và quyết tâm chống lại những ai đi ngược với tự do và cổ võ chiến tranh.”
Rồi ông so sánh: “Phong trào Cộng sản Thế giới đã quyết định khác và tất yếu đã dẫn tới những hậu quả khốc hại. Nó tạo ra một giai cấp mới của những người cai trị để thay thế giai cấp cũ nay không còn quyền lực. Ở đó những người lao động uổng công chờ đợi tự do, công bằng xã hội và hạnh phúc!”.
Khởi đầu bằng tự do
Tự do và bình đẳng là hai mục tiêu mà nhân lọai luôn muốn đạt đến. Nhưng tự do đến một mức độ lại tiêu diệt bình đẳng của các cá nhân các nhóm khác trong xã hội.Ngược lại mọi thành viên xã hội nếu ai cũng như ai, sẽ mất đi động năng khích lệ phát triển xã hội, thăng tiến xã hội sẽ bị chậm lại thậm chí bị kéo lùi.
Dân chủ vừa là mục tiêu, lại vừa là phương tiện để cân bằng giữa tự do và bình đẳng.
Từ đó các xã hội dân chủ phát sinh hai khuynh hướng chính trị: tự do và xã hội. Những người theo khuynh hướng xã hội cổ vũ và đấu tranh cho sự bình đẳng: bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về quyền lợi chính trị, kinh tế, giáo dục và xã hội, bình đẳng về nhân phẩm và giới tính.
Các đảng dân chủ xã hội sử dụng nghị trường Quốc Hội, truyền thông tự do và hệ thống chính trị để tranh luận và tìm sự ủng hộ cho chiến lược và chính sách từng thời điểm.
Họ đấu tranh không theo chủ thuyết, không dựa vào ý thức hệ, mà hướng đến phục vụ con người, hướng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, sự tái phân phối lợi ích quốc gia tạo công bằng cho mọi thành viên trong xã hội.
Các đảng thắng cử sẽ có cơ hội để thực hiện các chính sách thính hợp với hòan cảnh đất nước trong từng thời kỳ. Nhờ đó xã hội càng ngày càng trở nên tiến bộ, đời sống dân chúng được cải thiện và đất nước mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn.
Trong khi ấy chủ nghĩa Marx chỉ là những lý thuyết không tưởng, không thể làm căn bản để đề ra các chiến lược, các chính sách có thể thuyết phục được cử tri nên trên thực tế không một đảng chính trị nào sử dụng nó trong cuộc đấu tranh nghị trường.
Từ ý thức nói bên trên ông Đằng nhận định rằng theo con đường xã hội dân chủ là chỗ dựa vững chắc ở bạn bè quốc tế. Thực ra các quan hệ quốc tế không đơn giản như thế.
Rõ nhất là Tổ Chức Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Socialist International) gồm 143 các đảng chính trị theo khuynh hướng xã hội thuộc 140 quốc gia trên thế giới, không có sự hiện diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tại Âu châu, các chính phủ Âu Châu hầu hết do các đảng xã hội trực tiếp cầm quyền, nhưng đa số lại không ngừng lên án vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Thụy Điển còn công khai ý định đóng cửa Tòa Đại Sứ tại Hà Nội.
Tháng 7 vừa qua Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bob Carr, thuộc đảng Lao Động công khai yêu cầu giới chức cộng sản phải trả tự do cho ba người hoạt động công đoàn, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương.
Ông Bob Carr cho biết: “Chúng tôi đặt nặng tầm quan trọng cho việc bảo vệ quyền tự do lập hội và tự do thành lập công đoàn”.
Quá khứ và hiện tại
Như đã trình bày bên trên những người đấu tranh cho tự do chính trị và bình đẳng xã hội đều có thể xem như những người theo khuynh hướng xã hội. Lịch sử phát triển chính trị tại Việt Nam đang được viết lại.Gần đây ông Hà Sĩ Phu và một số người khác cho rằng Cụ Phan Chu Trinh là người đầu tiên mang khuynh hướng dân chủ xã hội vào Việt Nam. Nhưng theo tôi khuynh hướng này có thể trước đó đã được những người Âu Châu trực tiếp giới thiệu vào tầng lớp trí thức tại Việt Nam.
Chúng ta biết đến tên Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội nhưng các tài liệu về 2 đảng này quả thật hiếm hoi. Theo Bản “Báo cáo về công tác mặt trận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV (25 – 30-1-1953)” thì hai đảng do Đảng Cộng sản “xây dựng”.
Trước năm 1952, riêng tại Liên khu 5 Đảng Xã hội đã có hơn 3.000 đảng viên và đa số là những người trí thức. Đảng Dân chủ có cơ sở khắp nơi, số lượng đảng viên lúc cao nhất là gần 3 vạn, đa số là nông dân hay tiểu thương.
Nhưng vì thiếu kiểm soát nên Đảng Cộng sản không thực hiện ý định đã đề ra. Để sửa soạn tiến hành Cải cách Ruộng đất và để có thể trấn an các tầng lớp trí thức, nông dân và tiểu thương, bản Báo Cáo cho biết hai đảng cần được tổ chức lại.
Trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, đảng viên của hai đảng nói trên chịu chung một số phận với đồng bào miền Bắc nên gần như tan rã, và đã thực sự bị Đảng Cộng sản giải tán năm 1986.
"Sẽ không ai chấp nhận ý kiến của ông Đằng thành lập một đảng chỉ với mục tiêu góp ý cho đảng cầm quyền được hoàn thiện hơn."
Do hoàn cảnh đất nước, may ra chúng ta chỉ biết đến Giáo Chủ Hùynh Phú Sổ đã sáng Phật Giáo Hòa Hảo, ít người biết Đức Thầy còn sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội vào ngày 21/9/1946.
Dân Xã Đảng hiện vẫn công khai họat động tại hải ngoại và trong nước Đảng vẫn âm thầm sinh họat với cụ Lê Quang Liêm là người được lãnh đạo.
Trong khi ấy Luật sư Lê Hiếu Đằng cho biết ý định muốn nhập chung tên của hai Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội thành tên của đảng mới nên suy nghĩ của ông khó có thể thuyết phục được những người muốn thực sự dân chủ hóa nền chính trị tại Việt Nam.
Có chăng chỉ là khuynh hướng của những người đang muốn từ bỏ tư tưởng cộng sản để từ bỏ Đảng Cộng sản.
Ông viết lời kêu gọi trên giường bệnh, có thể ngầm ám chỉ cơn bệnh của Đảng Cộng Sản, của chế độ cộng sản hay của cả dân tộc Việt Nam.
Tóm lại, khuynh hướng của ông Lê Hiếu Đằng chưa phải là khuynh hướng của người dân chủ xã hội.
Điều mà các đảng xã hội và chính phủ các quốc gia dân chủ cũng mong muốn là Việt Nam có tự do, có dân chủ, có đa đảng chính trị thực sự.
Sẽ không ai chấp nhận ý kiến của ông Đằng thành lập một đảng chỉ với mục tiêu góp ý cho đảng cầm quyền được hoàn thiện hơn.
Ôn lại lịch sử để rút ra bài học: một đảng chính trị mới muốn vững chắc cần có tư tưởng chỉ đạo, có mục tiêu và mục đích rõ ràng, và phải độc lập với Đảng Cộng sản.
Bài viết của ông Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Australia phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra và phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/blogs/2013/08/130828_socialdemocrats_vietnam.shtml
Geen opmerkingen:
Een reactie posten