woensdag 28 augustus 2013

Ngư dân Thái rên xiết vì đập thủy điện, kể cả đập tận trên Trung Quốc

Thứ ba 27 Tháng Tám 2013

Ngư dân Thái rên xiết vì đập thủy điện, kể cả đập tận trên Trung Quốc

Việc xây đập Xayaburi ngăn 90% dòng nước và có nguy cơ ngăn các loài cá lên thượng nguồn đẻ trứng - International Rivers
Việc xây đập Xayaburi ngăn 90% dòng nước và có nguy cơ ngăn các loài cá lên thượng nguồn đẻ trứng - International Rivers

Arnaud Dubus / Trọng Nghĩa
Đầu tháng Tám vừa qua, ký giả của hãng tin Pháp AFP đã ghé Thái Lan tìm hiểu thêm về đời sống cư dân hai bên bờ sông MêKông. Điều mà nhà báo Pháp mắt thấy tai nghe, chính là đời sống ngày càng khó khăn của dân chài do việc cá ngày càng khan hiếm.


Thông tín viên Arnaud Dubus
 
27/08/2013
 
 
Giới bảo vệ môi trường tại chỗ đã khẳng định với AFP rằng nguyên do đến từ các con đập của Trung Quốc xa tít trên thượng nguồn, nhưng tương lai còn có nguy cơ ảm đạm hơn với một dự án mới tại Lào.
Phát biểu với ký giả AFP, ông Pat Chaiwong, 67 tuổi, một trong 23 ngư dân trong cộng đồng làng chài Wiang Kaen, ở tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan than thở : « Có những ngày mà tôi bắt được vài con cá, nhưng cũng có những hôm chẳng bắt được con nào ».
Theo ngư dân này, ngày hôm đó ông gặp may, bắt được 4 con cá lớn, ngoài các con cá nhỏ. Vào buổi chiều, một người khách đã ghé mua một con với giá 150 baht (gần 4 euro).
Ngư dân này không hiểu vì sao dạo sau này ông thường xuyên trở về tay không, nhưng các bạn chài khác thì buộc tội thẳng thừng các đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn sông Mêkông, tại tỉnh Vân Nam, đã phá vỡ chu kỳ tự nhiên của dòng sông.
Theo ngư dân Decha Chaiwong, 48 tuổi : « Trước đây, mực nước tăng (và giảm) tùy theo mùa ». Thế nhưng giờ đây, các van đóng hay mở nước đã thay thế thiên nhiên, và « đó là lý do tại sao số lượng cá đã giảm sụt. »
Đối với Arnaud Dubus, Thông tín viên RFI phụ trách khu vực Đông Nam Á, tác hại của các con đập Trung Quốc trên thượng nguồn đã rõ, nhưng tương lai còn u ám hơn với các dự án ở hạ nguồn sông Mêkông với các hậu quả nghiêm trọng về xã hội và môi trường đối với cư dân sống dọc bên sông.
Hiện có 11 dự án xây đập trên dòng chính con sông ở vùng Hạ Mêkông : 9 ở Lào và 2 ở Cam Bốt, trong đó chỉ có một con đập đang xây dựng: đập Xayaburi ở Lào. Theo các tổ chức bảo vệ môi sinh, hệ quả tiêu cực của công trình này đã thấy rõ, trong lúc Ủy hội Sông Mêkông tập hợp các chính quyền Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam đã không tiến hành được một cuộc tham khảo ý kiến lẫn nhau thực thụ về việc xây con đập này.
Từ Bangkok, Arnaud Dubus nhắc lại các vướng mắc chính trong tiến trình gọi là hội ý về công trình này:
Arnaud Dubus : Thái Lan và Lào đã bắt đầu gợi lên dự án đập Xayaburi trước Ủy ban sông Mêkông vào năm 2010. Đây là một đề án rát quan trọng với khả năng to lớn : 1285 MW, trị giá 3 tỷ rưỡi đô la. Đập do tập đoàn Thái Karnchang thầu xây dựng và 95% điện sản xuất sẽ được bán cho Thái Lan.
Trong các cuộc tham khảo sơ bộ ở Ủy hội Sông Mêkông, các chính quyền Việt Nam và Cam Bốt đã yêu cầu không bắt đầu công trình xây dựng đập trước khi có những nghiên cứu nghiêm chỉnh do các cơ chế độc lập thực hiện về tác động trên môi trường và hệ quả xã hội.
Tuy nhiên Lào và Thái Lan đã cho khởi công, khẳng định đấy chỉ là công việc chuẩn bị ban đầu mà thôi. Đến năm 2012, họ đã công khai khai trương công trình thực sự. Hiện nay thì việc xây dựng đập đã được thực hiện đến mức 10% và ngăn được 90% dòng nước.
Chỉ mới có một bản nghiên cứu về tác động môi trường được thực hiện, do công ty Phần Lan Poyri tiến hành, xem xét khu vực ở hơn 10 cây số phía dưới con đập. Nhưng điều ký quái là chính công ty Poyri này sau đó đã giành được hợp đồng về mặt kỹ thuật của đề án.
RFI : Thế đập Xayaburi đã tác hại thế nào đến phần hạ nguồn con sông và dân chúng sống bên sông ?
Arnaud Dubus : Hệ quả đầu tiên là có 2.100 cư dân đã bị dời đi sống nơi khác, làng của họ đã bị cho ngập nước để xây dựng đập. Họ bị dời đến những nơi cách hàng chục cây số làng họ trước đây.
Cuộc sống của họ khó khăn hơn nhiều. Ở bên dòng sông, họ sống về nghề cá, đất đai thì bằng phẳng, cho phép họ trồng trọt tốt, hoa quả.... Còn tai những nơi ở mới, địa hình không tốt như vậy. Họ cố gắng trồng lúa nhưng kết quả không mấy tốt. Trợ giúp họ nhận được của chính phủ dĩ nhiên là không đủ để xoay sở vì chỉ được hưởng trong một năm thôi, một thời gian quá ngắn để họ có hể tự túc.
Ngoài ra còn 200.000 người sống gần con đập cũng bị ảnh hưởng trên bình diện an toàn lương thực, cho dù họ không bị di dời đi nơi khác.
Nhưng tác hại còn xuống xa hơn nữa, đến tận vùng đồng bằng của Việt Nam. Một mặt do việc trước đây có hàng chục loại cá lội ngược dòng để lên thượng nguồn đẻ trứng, với đập thủy điện điều này không còn được nữa. Theo Ủy ban sông Mêkông, nếu 11 con đập đều được xây trên dòng chính thì lượng cá đánh bắt sẽ giảm 25% từ đây đến năm 2030.
Ngoài ra con đập còn ngăn chặn phù sa chảy xuống vùng đồng bằng làm cho đất đai không còn màu mỡ nữa và năng suất bị ảnh hưởng trực tiếp.
RFI : Như thế thì các hiệp hội phi chính phủ có động viên lực lượng giúp cư dân, nạn nhân của các con đập hay không ?
Arnaud Dubus : Có chứ, nhiều tổ chức, hiệp hội làm việc trên vấn đề này từ nhiều năm nay, nhất là tổ chức International Rivers và FIVAS. Họ đã có những buổi họp với những công ty dính líu đến việc xây dựng các con đập ở Lào, vì phải nói là các đối tác quốc tế trong những đề án này rất ý thức về tác động trên hình ảnh của họ nếu có nhiều đánh giá xấu hay tai tiếng về các đề án.
Riêng về đập Xayaburi, những người thầu công trình cho biết là có những bậc thang, những hành lang được thiết lập để cá có thể ngược dòng đến nơi đẻ trứng, nhưng không ai biết được nó có hiệu quả hay không.
RFI : Anh nghĩ thế nào về hiệu quả hoạt động của Ủy hội Sông Mêkông ?
Arnaud Dubus : Khi Ủy hội này được thành lập năm 1995, mục tiêu là phân chia công bằng tài nguyên con sông và những đề án ảnh hưởng đến sông phải được sự đồng ý của các thành viên trước khi bước vào thực hiện. Rủi ro rất nghiêm trọng đối với những nước ở vùng hạ lưu, Cam Bốt và Việt Nam.
Vấn đề là Ủy hội không có khả năng để áp đặt quyết định của mình đối với các chính phủ. Kinh nghiệm trong đề án đập Xayaburi cho thấy là Ủy hội chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế. Bangkok và Vientiane đã quyết định xúc tiến việc xây đập mặc dù có sự chống đối của hai quốc gia thành viên còn lại.
Đối với một đề án khác trên dòng chính sông Mêkông, đập Don Sahong, ở miền Đông nam Lào, cách biên giới Cam Bốt vài cây số, Vientiane có vẻ muốn tiến hành như đối với Xayaburi.
Và nếu thương lượng với Lào trên các con đập còn khó khăn như thế, thì vấn đề lại càng khó khăn hơn đối với các đập xây ở Trung Quốc, trên vùng thượng nguồn sông Mêkông.
tags: Châu Á - Môi trường - Phỏng vấn - Thái Lan
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130827-ngu-dan-thai-lan-ren-xiet-vi-dap-thuy-dien-ke-ca-dap-tan-tren-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten