“Lợi ích nhóm" trong các văn bản, chính sách?
Trong phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội mới đây, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi thẳng thắn, công khai cho Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về những sơ hở và sự thiếu khoa học trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam. Câu hỏi về “lợi ích nhóm” trong các văn bản chính sách bắt đầu được dư luận đặt câu hỏi.
Chỉ trong hơn một tuần trở lại đây, người dân Việt Nam liên tục được “đón nhận” những công văn hay những dự luật vừa thiếu cả tính pháp lý lẫn thực tế, đó là chuyện phải “xin phép” ghi hình cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ, hay quy định người điều khiển xe gắn máy phải có vòng ngực tối thiểu là bao nhiêu…
Thực ra, thì chuyện văn bản trái khoáy tại Việt Nam không có gì là mới, nhưng khi nó trở nên ngô nghê đến mức khó hiểu, khiến cả người dân lẫn người thi hành công vụ không biết thế nào để tuân thủ thì dư luận mới thực sự dậy sóng.
Một bài viết mới đây có tên Những văn bản mang tên “lợi ích nhóm” được đăng tải trên báo Dân Trí, tác giả chia các văn bản vi phạm làm ba loại: Thứ nhất, đó những văn bản được soạn thảo bởi những công chức yếu kém về nghiệp vụ, điển hình như các qui định ngực lép không được cấp bằng lái xe, ghi họ tên cha mẹ trong chứng minh thư nhân dân, quy định về tang lễ cán bộ công chức, hay cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng… Loại thứ hai là những văn bản không thực hiện được nhưng vẫn ban hành với mục đích chiếu lệ“chúng tôi ban hành rồi đấy nhé,” đó là những quy định phạt người hút thuốc nơi công cộng, cấm sử dụng điện thoại khi mua xăng… Và loại thứ ba, chính là những văn bản mà người ban hành giành cho mình những đặc quyền, đặc lợi, để thông qua các cơ chế, chính sách đó, người ta có thể trục lợi, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Trước phản ứng về đề xuất “ngực nhỏ” không được lái xe máy, một trong những dự thảo được đánh giá là thể hiện sự tối kiến của những người soạn thảo - những người chỉ biết “ngồi trong phòng máy lạnh đẻ ra quy định giấy tờ” - bà Thu Giang, người dân Hà Nội cho biết quan điểm của bà:
Tôi thấy văn bản mới ra nghe rất lạ, không hiểu tại sao những người ngực nhỏ, rồi những người thấp bé nhẹ cân lại không được đi xe máy, đương nhiên mọi người biết là phải đủ sức khỏe, nhưng cơ thể người Việt Nam không phải là to tát lắm, nó cũng sàn sàn như nhau vậy thôi, tôi thấy yêu cầu như vậy là không thực tế, và từ đó sẽ ảnh hưởng đến chuyện đi lại của chúng tôi rất nhiều, không phải chỉ cá nhân tôi mà nhiều người nữa, người ta cũng có ý kiến phản hồi không hiểu tại sao lại đưa ra một văn bản như vậy, không biết có hiệu quả hay không?
Tính hiệu quả và hợp lý
Để hiểu thêm về tính hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tính hợp lý và thực tế của những thông tư, hướng dẫn, chúng tôi trao đổi với một giảng viên dạy luật tại một đại học ở Hà Nội, trước hết ông phân tích về tính hiệu quả trong các văn bản quy phạm pháp luật:
Theo quan điểm của tôi, hiệu quả của các văn bản pháp luật đề cập đến mối quan hệ giữa pháp luật và xã hội, đây là một phạm trù quan hệ rất chặt chẽ, các văn bản pháp luật phải được xây dựng trên thực tế xã hội. Nhưng hiện nay có một số văn bản pháp luật được xây dựng không sát với thực tiễn.
Thực tế thì hiệu quả của một văn bản pháp luật được đánh giá qua phản ánh của xã hội, nếu những văn bản xa rời thực tế xã hội sẽ dẫn đến những phản ánh trái chiều của dư luận. Chính vì thế, những văn bản như vậy sẽ không thể nào đi vào đời sống xã hội được.
Song song với tính hiệu quả là tính hợp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật, vị giáo viên luật giải thích thêm:
Sự hợp lý của văn bản pháp luật nó phải phù hợp với lợi ích của người dân, bởi vì sinh ra pháp luật là để điều tiết các mối quan hệ xã hội và để phục vụ lợi ích của người dân, chính vì vậy, nếu văn bản pháp luật không đi vào đời sống xã hội thì đương nhiên nó sẽ không phục vụ lợi ích của người dân.
Với cách giải thích trên, có thể hiểu rằng tính hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật cần phải vừa đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước, vừa phải hợp lòng dân, thể hiện được ý chí và lợi ích chung của xã hội. Tính hợp lý của một quy định sẽ mang lại khả năng thực thi cao vì nó thể hiện được nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đại đa số người dân:
Thực tế thì hiệu quả của một văn bản pháp luật được đánh giá qua phản ánh của xã hội, nếu những văn bản xa rời thực tế xã hội sẽ dẫn đến những phản ánh trái chiều của dư luận.
- Một giảng viên ở Hà Nội
Tôi thấy một số văn bản lúc mới đầu ban hành nghe cũng gượng ép, mọi người cũng xôn xao, nghe có vẻ không thực thi, lâu ngày đi vào thực tế, chẳng hạn, chuyện đội mũ bảo hiểm, lúc mới đầu mọi người khó chịu, đến giờ nhân dân thấy thấm nhuần và thực thi văn bản đó rất tốt và tôi thấy đó là những văn bản khi đề ra, có chủ trương đúng đắn, mang lại thiết thực cho bà con, rõ ràng người ta sẽ thực hiện tốt, như vấn đề đội mũ bảo hiểm.
Với lời chia sẻ của bà Thu Giang có thể thấy, nếu một quy định hướng dẫn hay một văn bản pháp luật có tính hợp lý, nó sẽ giúp cho người dân tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc và tự nguyện, xóa bỏ được những xung đột lợi ích và để xã hội hoạt động một cách hài hòa, có nguyên tắc.
Về mặt tác động xã hội là vậy, văn bản pháp luật ở tầm vĩ mô hoàn toàn có thể trở thành dụng ý của người soạn luật, để biến những công cụ pháp luật phục vụ cho quyền lợi cá nhân.
Văn bản phục vụ cho ai?
Không phải ngẫu nhiên, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ tư pháp mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền đã đặt nghi vấn: liệu có vấn đề “tham nhũng chính sách, pháp luật” bởi nhiều bộ ngành vẫn ban hành những văn bản, thông tư “đá” nhau, người ta soạn ra luật để bảo vệ và làm lợi cho bộ ngành của chính mình.
Qua câu hỏi “có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm?” của đại biểu Chu Sơn Hà, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường đã phải thừa nhận “không loại trừ khả năng có lỗ hổng trong kiểm soát.” Tuy nhiên, ông giải thích thêm điều này ở Việt Nam là rất hãn hữu vì chế độ chính trị, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nên pháp luật sẽ không bị chi phối, ảnh hưởng bởi các phái chính trị khác.
Tôi thấy một số văn bản lúc mới đầu ban hành nghe cũng gượng ép, mọi người cũng xôn xao, nghe có vẻ không thực thi, lâu ngày đi vào thực tế, chẳng hạn, chuyện đội mũ bảo hiểm...Nhìn một cách khách quan, “lobby chính sách” hay “vận động chính sách” đã ra đời từ rất lâu ở các nước phát triển, mục đích chính của việc này là thông qua chính sách của Chính phủ để những công ty vận động được hưởng lợi. Nhưng sự khác biệt giữa các quốc gia tiên tiến và Việt Nam là sự minh bạch. Ở nước ngoài, những khoản tiền “vận động” được công khai và thường thì không làm hại đến phúc lợi chung toàn xã hội, trong khi tại Việt Nam, vì trục lợi cá nhân, vì lợi ích cho từng ban ngành, mà “vận động chính sách” biến thành tham nhũng, móc ngoặc, gây thất thoát tài sản quốc gia. Những thí dụ điển hình là các nghị định về hoạt động độc quyền kinh doanh vàng, vận hành kiểm soát giá xăng dầu, điện lực và ngân hàng.
- Một giảng viên ở Hà Nội
Có thể nói, mục đích của các văn bản pháp luật là nhằm tạo thuận lợi và là thước đo quy chiếu cho các quan hệ xã hội được vận hành một cách bình đẳng, có quy tắc, dựa theo đó, Nhà nước ban hành những chế tài xử phạt. Thế nhưng câu hỏi đặt ra liệu ai sẽ xử phạt những người soạn luật vì sự yếu kém kiến thức và tư lợi cá nhân? Hẳn câu hỏi này sẽ còn bỏ ngỏ rất dài…
Geen opmerkingen:
Een reactie posten