HÀ NỘI 28-8 (NV) - Lực lượng Cảnh Sát Biển CSVN được đổi tên từ 'Cục Cảnh Sát Biển' thành 'Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển' và đổi cả tên gọi bằng Anh ngữ.
Tàu Cảnh Sát Biển 1400 tấn mang số hiệu 8003 mới được tân trang cải biến từ tàu tuần và bắt đầu hoạt động chính thức từ ngày 26/8/2013. (Hình: QĐND) |
Theo nghị định mang số 96/2013/NĐ-CP do ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, cơ quan cảnh sát bảo vệ vùng biển của Việt Nam coi như được “nâng cấp” thành một tổ chức to hơn, quan trọng hơn khi trở thành một bộ tư lệnh. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2013.
Trong nghị định nói trên, tên tiếng Anh của nó trước đây là "Vietnam Marine Police” nay được đổi thành “Vietnam Coast Guard” (lực lượng phòng vệ bờ biển) giống tên gọi của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore, Indonesia, Nam Hàn v.v...
Những tháng gần đây, Trung quốc cũng đã gom các lực lượng bán quân sự trên biển như Hải Tuần, Hải Giám của các bộ khác nhau vào thành một cơ quan duy nhất và cũng gọi là Lực Lượng Phòng Vệ Biển Trung quốc hay Hải giám Trung quốc (China Coast Guard).
Nhiệm vụ của Cảnh Sát Biển CSVN được mô tả là “tham gia quản lý, giám sát hoạt động nghề cá”, “duy trì trật tự, an toàn, an ninh trên biển.”
Khác với Cảnh Sát Biển của nhiều nước là cơ quan bán quân sự thuộc cơ quan Cảnh sát, khi đổi tên, lực lượng Cảnh Sát Biển của Việt Nam vẫn là một bộ phận trực thuộc Bộ Quốc Phòng CSVN như trước đây. Bởi vậy, trong cái nghị định 96/2013/NĐ/CP, điều 3 vẫn nói rằng “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý nhà nước đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam."
Nói khác, chỉ có thay tên và cho phù hợp với khả năng ngày càng được tăng cường nhân sự và tàu tuần, không đưa cơ quan này sang Bộ Công An hay cảnh sát như các nước khác.
Mới ngày 26/8/2013, nhiều báo cho hay lực lượng Cảnh Sát Biển CSVN tiếp nhận thêm 3 tàu từ nhà máy đóng tàu của Bộ Quốc Phòng CSVN. Một tàu trọng tải 1,400 tấn và hai tàu nhỏ trọng tải chỉ có 280 tấn.
Cả ba tàu này không phải đóng mới mà chỉ là các tàu tuần quân sự cũ được sửa chữa, tân trang lại và thay đổi rồi bàn giao cho lực lượng Cảnh Sát Biển.
Tuần lễ đầu Tháng 5 vừa qua, hãng thông tấn Nhật Kyodo News tiết lộ rằng chính phủ Nhật dự tính khuyến cáo Hà Nội tách lực lượng Cảnh Sát Biển ra khỏi quân đội để nước này có thể bán cho Việt Nam một số tàu. Một trong những lý do chính là luật lệ Nhật vẫn còn cấm bán các loại võ khí, trang bị quốc phòng cho các nước cộng sản.
Cũng giữa tháng 5 vừa qua, chính phủ Mỹ hợp tác với Việt Nam tổ chức huấn luyện để cải thiện năng lực thực thi pháp luật cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam và một số nước khu vực. Trong hai tuần lễ huấn luyện, các giảng viên và tham dự viên trao đổi các kỹ thuật hành động để khám phá và ngăn chặn các hoạt động phi pháp trên biển của khu vực.
Các tham dự viên sẽ được hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp lên các tàu khả nghi một cách an toàn để khám phá các vụ buôn lậu, buôn người, đánh cá bất hợp pháp, cũng như cách nhận dạng ma túy, buôn lậu các loại thú hoang dã hay gỗ quý, võ khí, các loại hàng hóa “lưỡng dụng” (có thể ám chỉ sử dụng cho cả quân sự và dân sự) và những loại hàng hóa bất hợp pháp khác.
Việc Việt Nam đổi tên và nâng tầm cho lực lượng Cảnh Sát Biển vào lúc các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung quốc ngày một gay gắt hơn và nhờ các nước như Mỹ, Nhật, Hàn giúp huấn luyện Cảnh Sát Biển, có vẻ như Hà Nội muốn các hoạt động của ngành này tuân thủ theo các thông lệ quốc tế.
Hà Nội đang có gắng cải thiện khả năng hoạt động của Cảnh Sát Biển qua việc mua một số máy bay Casa-212-400 của bộ phận Airbus quân sự cũng như mua một số máy bay tuần tiểu cánh quạt (gồm cả thủy phi cơ) loại nhỏ của hãng Viking, Canada. (TN)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten