Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang gây xôn xao dư luận vì nhận định về làng ca nhạc Việt Nam hiện thời. (Hình: kenh14.vn)
|
Bài phỏng vấn này xuất hiện trên trang báo VTC News cách nay mấy hôm, có ý chê bai một số ca sĩ "đương đại" của làng ca nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho rằng "Việt Nam hiện nay chỉ để giải trí, chứ không có nghệ thuật, và nhạc bây giờ để xem nhiều hơn là để nghe." Cho rằng nhạc Việt Nam bây giờ "không có hồn, cũng không mang cảm xúc thật của người sáng tác," nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn chỉ trích "đa số ca sĩ hiện nay chỉ chú trọng cách ăn mặc, make up cho đẹp, chứ không để tâm hồn vào bài hát."
Ông Nguyễn Ánh 9 cũng thẳng thắn cho rằng 'hồi xưa có những giong ca để đời như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh…" và phê phán một loạt ca sĩ Việt Nam hiện nay như Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồ Ngọc Hà… hát chỉ để "vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết."
Đây là lần đầu tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị nhạc sĩ Nguyễn Anh 9 nhắc đến với lời nhận xét không mấy thiện cảm. Theo ông, Đàm Vĩnh Hưng chỉ là "một người hát chứ không phải một ca sĩ đúng nghĩa." Ông còn kể: "Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu. Đàm Vĩnh Hưng hát bài "Ai Đưa Em Về" của tôi, tôi bảo "Con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm."
Vẫn trong câu trả lời bài phỏng vấn của VTC News, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho rằng "nếu hồi xưa Đàm Vĩnh Hưng đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót, chứ không được liệt vào hạng ca sĩ chính của phòng trà." Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn nhận định rằng, thực tế có "nhiều ca sĩ hát hay nhưng chưa nổi được vì còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê."
Theo Việt Nam Net, bài phỏng vấn trên đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt trên các trạng mạng xã hội. Việt Nam Net cho rằng đa số ý kiến của cư dân mạng bày tỏ sự ủng hộ nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Họ khen ông là "người can đảm khi dám nói những điều thực tế của làng âm nhạc Việt Nam hiện nay mà không mảy may sợ đụng chạm." (PL)
Thứ ba, 27/8/2013 10:10 GMT+7
Làng nhạc Việt - nơi những lời nói thật bị hắt hủi
Câu chuyện lời qua tiếng lại giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là ví dụ mới nhất cho thấy, những lời phê bình tâm huyết khó tồn tại trong môi trường chuộng sự tụng ca như showbiz Việt.
Nguyễn Ánh 9 - 'công chức' cần mẫn với cây đàn
'Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không cần xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng'
'Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không cần xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng'
Mới đây, trong bài phỏng vấn trên một tờ báo, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ quan điểm riêng về một loạt ca sĩ thế hệ sau như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà... Khi đề cập đến Đàm Vĩnh Hưng, báo dẫn lời nhạc sĩ cho rằng, Đàm không phải là "ca sĩ đúng nghĩa" mà chỉ là "người hát". "Giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà đâu!", bài báo trích lời vị nhạc sĩ.
Trước những đánh giá này, Đàm Vĩnh Hưng đáp trả bằng một bức "tâm thư". Anh đưa ra hai giả thuyết: một, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bị người viết bài phỏng vấn "cài bẫy" và dẫn dắt... Hai: Nếu trong trường hợp Nguyễn Ánh 9 đã nêu ra những nhận xét thực sự như thế, thì đích thực ông là "ngụy quân tử". Bởi theo Đàm Vĩnh Hưng, những hành xử của Nguyễn Ánh 9 từ trước đến nay khác xa với lời nói của ông.
Trả lời VnExpress chiều 26/8, Nguyễn Ánh 9 cho biết, ông đã đọc toàn bộ bức "tâm thư" của Đàm Vĩnh Hưng. Ở giả thuyết đầu do nam ca sĩ đặt ra, ông chia sẻ: bài phỏng vấn có những câu nói được đặt, thêm thắt không đúng chỗ khiến cho lời nhận xét của ông càng thêm nặng nề, "mất cái hay của người nói và làm người nghe cũng mất niềm tin". Tuy vậy, Nguyễn Ánh 9 vẫn bảo lưu các ý kiến của mình: "Tôi nói với lòng thành thật và không hề cố ý xúc phạm ai hết vì họ cũng không làm gì tôi để tôi xúc phạm họ".
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. |
Nhạc sĩ 73 tuổi khẳng định, ông chỉ nêu lên nhận định cá nhân ở góc độ của tác giả ca khúc Ai đưa em về. "Tôi thấy bài hát đó Đàm Vĩnh Hưng hát không hợp, hát không đúng ý tôi mong muốn, chứ tôi không hề chỉ trích. Tôi chỉ bức xúc và nói về vấn đề bài hát của tôi", ông chia sẻ.
Tác giả Buồn ơi chào mi không buồn khi bị gọi là "ngụy quân tử" vì ông cho rằng, có thể Đàm Vĩnh Hưng viết ra những lời này lúc đang nóng giận và "sốc". Nhưng ông khẳng định, ông chưa bao giờ mời Đàm Vĩnh Hưng hát trong chương trình của mình. "Trong đời mình, tôi cũng chỉ từng một lần đệm đàn cho Đàm Vĩnh Hưng hát ở Trống Đồng. Mà thật ra lần đó là tôi đàn cho Dương Triệu Vũ hát Ai đưa em về, Đàm Vĩnh Hưng hát bè theo. Đó là lần duy nhất!", ông nói.
Không chỉ với riêng với Đàm Vĩnh Hưng, trong bài phỏng vấn "gây bão", nhạc sĩ cũng thấy buồn trước hiện tượng ca sĩ bây giờ quá chú trọng vào chuyện ăn mặc, trang điểm cho đẹp, khi lên sân khấu ít đặt cảm xúc vào âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát. Ông cũng nêu ví dụ cụ thể, những người có khả năng thanh nhạc như Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều... ngày càng lạm dụng kỹ thuật, cố khoe giọng mà vô tình làm hỏng tình cảm trong bài hát...
Những chuyện Nguyễn Ánh 9 đề cập đều không mới. Từ nhiều năm nay, làng nhạc Việt Nam vốn phát triển bề rộng mà ít có chiều sâu. Sự hời hợt trong sáng tác ca khúc nhạc nội và sự dễ dãi trong việc đón nhận của một bộ phận công chúng là những yếu tố góp phần tạo nên tình trạng này. Vào đầu tháng 5, trong đêm nhạc của chương trình Tiếng hát mãi xanh, ở tuổi 89, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng chê những ca sĩ thích "hét" hơn là hát và "tưởng như thế là hay". Còn nhạc sĩ Quốc Dũng cũng từng thổ lộ với báo chí, ông không còn cảm hứng âm nhạc: "Những cái tôi làm lạc lõng với thế giới âm nhạc bây giờ chủ yếu dành cho tuổi teen. Ít để ý đến thị trường nhạc Việt bây giờ nhưng tôi thấy rằng, mỗi thời gian, mỗi thế hệ có một sở thích âm nhạc khác nhau mà thế hệ của chúng tôi thì xa rồi. Tôi đã 'rửa tay gác kiếm' lâu lắm rồi...".
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hầu như không có những nhà phê bình âm nhạc đúng nghĩa. Các ca sĩ, nhạc sĩ thường tự đăng đàn nói về nhau, bằng những lời có cánh. Vì thế, thỉnh thoảng, những lời nói thật, không đi kèm sự tụng ca, lập tức bị "ruồng rẫy".
Những quan điểm của Nguyễn Ánh 9 có thể gây tranh cãi, có thể được đồng tình hoặc bị phản đối. Tuy nhiên, thứ gây ồn ào nhất không còn là nội dung của bài phỏng vấn mà là cách hành xử của người nghệ sĩ. Trước những nhận định của nhạc sĩ lão làng, ca sĩ Mỹ Tâm, Tuấn Hiệp, hai trong số những người ông đề cập đến đã lên tiếng với ý chung, chuyện khen chê, thích hay không thích là bình thường, các ca sĩ cũng cần phải xem lại. Ít nhiều, họ đã đón nhận ý kiến của Nguyễn Ánh 9 bằng sự tiếp thu, lắng nghe. Riêng Đàm Vĩnh Hưng có phản ứng khác khiến vị nhạc sĩ lão làng lên tiếng rằng ông sẵn sàng xin lỗi anh.
Nguyễn Ánh 9 (trái) trong lần đệm đàn cho Đàm Vĩnh Hưng và Dương Triệu Vũ. |
Không ít người cho rằng, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã thiếu cân nhắc khi công khai buông lời về đồng nghiệp. Nhưng một bộ phận khác tỏ ra bất bình trước cách đáp trả của Đàm Vĩnh Hưng, đặc biệt là giọng điệu và lời lẽ anh dùng trong bức tâm thư. Một độc giả chia sẻ với VnExpress: "Nhận xét của ông không có chỗ nào sai, có chăng sai ở chỗ đụng trúng tổ kiến lửa showbiz Việt, nơi mà người ta ít chịu tiếp thu, nhìn nhận cái chưa được của mình để hoàn thiện bản thân, suốt ngày gân cổ lên để cãi, thậm chí, dùng những lời lẽ xúc phạm với vị nhạc sĩ già đáng tuổi cha mình". Còn trên trang cá nhân, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh cũng có bài viết bày tỏ về vấn đề này, trong đó có đoạn: "Bác Nguyễn Ánh 9 có gửi lời xin lỗi mọi người, xin lỗi em (Đàm Vĩnh Hưng - PV)... nhưng nếu em từng trải, em hiểu rằng, đó là lời xin lỗi của một người đàng hoàng, đối với lớp cháu con rằng, bác không chấp. Thế đó em nhé. Cái từ xin lỗi của bác nghe nó đau và cay đấy".
Trước đây, trong một bài phỏng vấn, nữ ca sĩ lừng danh một thời - Bảo Yến – cũng từng nêu lên những nhận xét “gây bão” về giới ca sĩ trẻ và showbiz nói chung: “Ca sĩ theo tôi gồm hai loại, loại thứ nhất là ca sĩ thực thụ, chuyên nghiệp và loại thứ hai là những người hát tựa ca sĩ. Với tôi, trời ban cho Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thảo, Hồ Quỳnh Hương... chút tài năng để họ bước lên sân khấu múa may quay cuồng như một con rối. Tên tuổi người nghệ sĩ phải trụ vững và tỏa sáng trên sân khấu 20 năm mới đạt đẳng cấp nghệ sĩ thực thụ".
Đáp lại lời nhận xét này, M. Đàm hỏi ngược: “Tôi biết ở cái thời vàng son nhất của chị Bảo Yến lúc đó, chắc chắn là không thể nào đạt được 20 năm. Vậy thì tất cả mọi người phải dùng danh xưng nào khác ngoài hai từ 'ca sĩ' để nói về tài năng của chị?”. Rồi anh tỏ ra "thông cảm" khi cho rằng: "Bảo Yến đáng thương một phần cũng do bệnh tình của chị".
Năm ngoái, diva Thanh Lam cũng từng có những phát biểu gây tranh cãi khi nghi ngờ khả năng huấn luyện thí sinh của Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng tại The Voice 2012. Đàm lập tức tuyên bố "không nhìn mặt" Thanh Lam. Còn Hà Hồ đã đăng status lên facebook kèm theo bức ảnh "vỗ mông con", được cho là ngầm đáp trả Thanh Lam: “Luôn dạy con rằng đừng bao giờ làm tổn thương người khác dù là điều nhỏ nhất. Ai cũng có quyền yêu thương, ghét bỏ nhưng hãy sống đúng với nó, yêu thì thổ lộ, ghét thì bỏ qua. Hãy nhìn điểm mạnh và tốt của người khác để hoàn thiện bản thân, ai cũng đáng để mình học hỏi không phân biệt già trẻ, lớn bé, màu da, ngôn ngữ nhé Subeo, vỗ nhẹ vào mông cho hiểu, não càng đánh càng tổn thương”.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh từng có bài viết Ai cho mày chê con tao xấu: "Hỡi nghệ sĩ, đừng bắt chước bọn báo tường chúng tôi. Hãy tập câm, tập mù, tập điếc. Ai khen không cười, ai chê không giận, cắm cúi mà làm việc. Người ta không hiểu mình trong khi mình có giá trị thật thì trăm năm sau thể nào cũng có thằng sáng mắt nhìn ra. Mà nếu may thì có khi cũng chẳng phải đến trăm năm sau, ngay tuần sau, số báo sau, đã có người nhận ra mình rồi... Chưa kể còn hàng nghìn khán giả âm thầm khen mà mình không biết (tại họ không viết thành bài), và cũng không loại trừ được trường hợp xấu là có hàng ngàn khán giả khác đang chê ở nhà mà mình không hay. Hì hục phá cái chóp con của tảng băng trôi làm gì cho nó mệt".
Những lời phiếm luận mà Phan Thị Vàng Anh viết vẫn mãi giữ giá trị của nó, nhất là trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn trong các giá trị nghệ thuật, giải trí như hiện nay.
Thất Sơn
Xem thêm trên Ngoisao.net: Đôi lời muốn nói với Mr. Đàm
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/goc-nhin-am-nhac/lang-nhac-viet-noi-nhung-loi-noi-that-bi-hat-hui-2870577.html
Thứ sáu, 30/8/2013 15:29 GMT+7
Thứ ba, 20/8/2013 16:16 GMT+7
Nguyễn Ánh 9 - 'công chức' cần mẫn với cây đàn
Nguyễn Ánh 9 như một công chức cần mẫn, ngày ngày dùng tiếng đàn đưa người ta và cõi mê, tạm quên buồn phiền lo toan thường nhật.
Nguyễn Ánh 9 và tôi chơi nhạc với nhau từ thuở học trò. Tôi chơi guitar còn anh ấy chơi piano. Sau khi rời ghế nhà trường, tôi bỏ đàn đi làm công chức còn Nguyễn Ánh 9 tiếp tục đi sâu vào việc học và chơi piano, sáng tác nhạc.
Tháng 9/2012, tôi về Sài Gòn và ghé thăm Nguyễn Ánh 9 tại một phòng trà trên đường Phan Đăng Lưu. Tôi mừng khi thấy anh vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Tôi hỏi thăm về cuộc sống của anh bây giờ thì anh bảo là đàn cho một khách sạn mỗi đêm như một "công chức".
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. |
Tạm biệt anh, tôi ra về và cứ nghĩ Nguyễn Ánh 9 đúng là một nghệ sĩ đêm đêm mang tiếng đàn giúp người ta quên đi vất vả, buồn phiền trong cuộc sống.
Qua thông tin trên báo chí, tôi được biết đêm 24/8 sẽ có một chương trình nhạc Nguyễn Ánh 9 ở Sài Gòn. Nhớ người bạn tài hoa, tôi trích 6 bài nhạc của anh chia sẻ với mọi người, chia sẻ với cả chính nhạc sĩ - người bạn từ thuở học trò. Đó là các bản Lặng lẽ tiếng dương cầm (ca sĩ Ngọc Hạ, Nguyễn Ánh 9 đệm piano); Một lời cuối cho em (ca sĩ Thái Châu); Không (ca sĩ Hồng Hạnh); Xin như làn mây trắng (nhóm 5 dòng kẻ, Nguyễn Ánh 9 đệm piano); Biệt khúc (Quang Dũng); Mùa thu cánh nâu (Ngọc Anh).
Tuy Can
Thứ ba, 27/8/2013 03:33 GMT+7
'Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không cần xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng'
"Nhạc Việt Nam bây giờ đúng là một nồi lẩu thập cẩm, cả ca sĩ lẫn người nghe đều chạy theo giá trị bên ngoài. Mỗi ngày có hàng chục bài hát mới nhưng không có nhiều sáng tác ấn tượng".
Trong một bài phỏng vấn gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đưa ra những lời nhận xét khá thẳng thắn về giọng hát của những ngôi sao nổi tiếng nhất của giới showbiz Việt hiện nay như Mỹ Linh, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà...
"Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà đâu!” hay "nghe Thanh Lam hát bài Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn, thua một ca sỹ nghiệp dư hát vì hát không có hồn dù giọng đẹp thiệt". Nhận xét này ngay lập tức gây ra những tranh luận trái chiều trong cộng đồng mạng.
Hầu hết mọi người đều bày tỏ quan điểm ủng hộ nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dành cho các sao Việt.
"Nhận xét của ông không có chỗ nào sai, có chăng sai ở chỗ đụng trúng tổ kiến lửa showbiz Việt, nơi mà người ta ít chịu tiếp thu, nhìn nhận cái chưa được của mình để hoàn thiện bản thân, suốt ngày gân cổ lên để cãi, thậm chí, dùng những lời lẽ xúc phạm với vị nhạc sĩ già đáng tuổi cha mình" - một Fabooker phát biểu.
Facebooker Tran Cong Dong bình luận: “Một nhận xét rất chính xác về các ngôi sao nhạc Việt, tuy rằng không phải tất cả. Tôi thấy đây là một điều đáng buồn cho nghệ thuật nước nhà. Hát thì không có hồn, ăn mặc thì nhố nhăng, bài được chọn để trình diễn chạy theo thị hiếu tầm thường, kỹ năng gào là chính”.
Bạn đọc có tên Trần Vũ bình luận: “Một nhạc sĩ có thâm niên 60 năm trong nghề nhận xét về giọng hát của một người được cho là "Ông hoàng nhạc Việt" cũng không được hay sao? Tại sao lại không tiếp thu, lắng nghe mà đúc rút kinh nghiệm? Ông là thế hệ đi trước, trải qua nhiều sóng gió và thăng trầm trong nghề, chả lẽ ông lại không biết mình đang nói gì và không có quyền nhận xét?”.
“Nguyễn Ánh 9 đúng là người sáng tác nhạc tử tế và nghe nhạc tử tế. Ý kiến của ông thật sự là chân lý, mà chân lý thì không thuộc về số đông. Nhạc Việt Nam bây giờ đúng là một nồi lẩu thập cẩm, cả ca sĩ lẫn người nghe đều chạy theo giá trị bên ngoài. Mỗi ngày có hàng chục bài hát mới nhưng không có nhiều sáng tác ấn tượng. Những ngôi sao hàng đầu như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà nên tiếp thu nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh và cống hiến nhiều hơn nữa, đừng dễ dãi với các sản phẩm âm nhạc” – Facebooker Lumi Hoang ý kiến.
Ngay sau đó, Đàm Vĩnh Hưng đã lên tiếng đáp trả nhận xét của vị nhạc sĩ kỳ cựu, gọi ông là "ngụy quân tử" và tuyên bố sẽ không hát bất cứ ca khúc nào của Nguyễn Ánh 9 nữa.
Nhận xét về bài phát biểu này, Facebooker Ngọc Minh bình luận: “Tôi không thích lối ứng xử như vậy. Dù sao nhạc sĩ là người có tuổi đời, tuổi nghề và có uy tín trong nền âm nhạc, ông hoàn toàn có đủ kiến thức để khen hay chê dưới góc độ chuyên môn. Tôi cảm thấy ứng xử như vậy là rất kém, không đúng mực”.
Trước thông tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẵn sàng xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam… vì những nhận xét thẳng thắn của ông, bạn đọc Phương Hồng Nguyễn bức xúc: “Tại sao nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lại buồn? Vì phản ứng dữ dội của những người bị chê sao? Tôi mừng vì nhạc sĩ đã nói thẳng, nói thật về một bộ phận của làng giải trí Việt. Có lẽ những ca sĩ này may mắn, vì giới hâm mộ của nước mình đa phần bình dân quá, thế thôi".
"Nhạc sĩ gạo cội của Việt Nam dần dần rồi sẽ chào thế giới này mà ra đi, nhưng phải có người nói lên trăn trở của nền âm nhạc Việt Nam, nói lên thực trạng ca sĩ Việt Nam. Họ cứ thấy được nhiều giải thưởng và nhiều fan thì tự hào, đâu có chịu nhận rằng nhiều fan thích nghe nhạc bình dân. Họ nên nhìn ra thế giới, rằng đã là Diva, là sao thì phải hát như thế nào?”.
Nhưng bên cạnh đó, cũng nhiều người cho rằng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nặng lời với các ngôi sao ca nhạc Việt Nam và phần đông dư luận đang “tát nước theo mưa”.
Facebooker Pandashop nhận xét: “Ca sĩ cũng là con người. Sinh ra, họ có niềm đam mê riêng, có lượng fan riêng... Giống như chim trong rừng, chúng hót dở thì có ai cấm chúng hót được không? Âm nhạc tùy thuộc vào trái tim và thị hiếu người nghe. Mình là khán giả đơn thuần, thích thì nghe, không thích thì thôi. Đừng cố đạp đổ niềm kiêu hãnh và công sức bao năm gầy dựng của ca sĩ. Nếu được sinh vào thời Đàm Vĩnh Hưng, chưa chắc các bạn có thể tự mình vượt lên hoàn cảnh mà lên sân khấu âm nhạc được như anh ấy”.
“Mình thích suy nghĩ thẳng thắn của Mr Đàm. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lên tiếng dựa theo suy nghĩ của thế hệ trước, ông lấy chuẩn mực của nghệ sĩ ngày xưa mang ra so sánh với nghệ sĩ bây giờ. Nghệ thuật là tự do theo nhiều phong cách khác nhau. Nhiệm vụ của ca sĩ là hát, của nhạc sĩ là sáng tác. Hay dở đã có khán giả quyết định rồi” – bạn đọc Dinh Vinh bình luận.
“Bác 9 có thời của bác và Thanh Lam, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng hay Hà Hồ cũng có thời của họ. Làm nghệ thuật không quan trọng cứ phải thật bác học, thật uyên thâm. Làm nghệ thuật là làm cho khán giả, một người nghệ sĩ được khán giả đón nhận tức là họ đã có được thành công. Ừ thì Đàm Vĩnh Hưng hay Hồ Hà hát chưa hay, nhưng bao nhiêu người thuộc bài của họ, bao nhiêu người bỏ tiền ra đi xem họ hát...".
"Không riêng gì bác 9 mà còn nhiều nhà bác học trong âm nhạc khác cũng luôn tỏ vẻ cao siêu, phê bình các ca sĩ giải trí thị trường mà quên rằng những ca sĩ đó kiếm tiền rất tốt và "vua biết mặt, dân biết tên”" – Facebooker Hà Hoàng lên tiếng.
Bạn đọc Huỳnh Thúy Thanh cho rằng: “Có thể họ không đủ tài, sức hát chưa tới nhưng cũng cần nhìn vào khả năng chinh phục khán giả của họ. Chẳng lẽ hàng triệu khán giả đó là người không có tai nghe nhạc hay sao?”.
"Trong nỗ lực làm mới nhạc xưa theo phong cách thị trường của Đàm Vĩnh Hưng, nhiều khán giả cũng thấy khó chấp nhận, vì nó khiến một số tác phẩm dòng nhạc trữ tình và cổ điển này bị pha tạp không đúng cách, nhiều bài trở nên cũ chẳng ra cũ, mới chẳng ra mới, trữ tình ko ra trữ tình, nhạc trẻ không ra nhạc trẻ... Nhưng phải ghi nhận là Đàm Vĩnh Hưng góp công làm dòng nhạc xưa dần bị lãng quên phần nào được chú ý trở lại hơn" - nickname Pinki nhận xét.
Thông báo
Hãy chọn 1 mục trước khi biểu quyết.
|
>> Xem thêm: Cộng đồng 'ném đá' vụ Mỹ Linh chọn Hoàng Tôn
Tranh cãi nước mắt Đàm Vĩnh Hưng giả tạo hay thật lòng
“Việc phản ứng sau sự tức giận nhất thời giống như bạn đang đóng một cây đinh vào lòng người khác. Khi cây đinh được rút ra bằng những lời xin lỗi thì lỗ đinh vẫn còn đó, để lại những vết sẹo xấu xí”.
'Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không cần xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng'
'Ca sĩ hát lót thành siêu sao vì công chúng quá dễ dãi'
'Ca sĩ hát lót thành siêu sao vì công chúng quá dễ dãi'
Sau gần một tuần khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”, câu chuyện ồn ào giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tưởng chừng như không có hồi kết. Khi sự việc đang ngày càng bị đẩy đi quá xa với những cuộc tranh luận, đánh giá của giới nghệ sĩ lẫn cả dư luận thì bất ngờ tối 29/8 khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang biểu diễn tại một khách sạn, Mr. Đàm tìm đến để nói lời xin lỗi. Nam ca sĩ đã rơi nước mắt và tạ lỗi với người mà anh từng gửi “tâm thư” nói là “ngụy quân tử”.
Sự kiện trên một lần nữa khuấy lên trong cộng đồng mạng những lời bàn tán xôn xao trái chiều về hành động “cháy ở đâu thì dập ở đó” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
“Nước mắt cá sấu quá”
Nhiều người cho rằng lời xin lỗi của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là quá muộn và đây chỉ là hành động "mang tính giả tạo” của Mr. Đàm để che mắt mọi người và lấy lại lòng người hâm mộ.
“Nước mắt cá sấu quá Đàm Vĩnh Hưng ơi. Anh vừa mới chửi xối xả người ta nào là ngụy quân tử, kịch sĩ, rồi tới "chó cứ sủa và đoàn người cứ đi" thì bây giờ lại khóc lóc. Nếu mà biết "hốt nhiên đại ngộ" thì quả là phúc đức cho chính anh và cũng là cho những người xung quanh. Còn nếu không thì đây chỉ là một kịch bản để che mắt thiên hạ mà thôi”, bạn đọc Trần Vinh nói.
Còn độc giả nickname Jennifer nhận xét: “Tôi thấy có sự giả tạo, khi anh bị nhiều người phản ánh thì anh giả bộ rơi vài giọt nước mắt là có thể nói lời xin lỗi. Nếu là người đàng hoàng, biết tôn trọng các thế hệ đi trước dù họ nhận xét ra sao thì cũng im lặng mà học hỏi chứ đâu lên Facebook chửi bậc cha chú mình là ngụy quân tử như vậy được”.
Còn theo facebooker Tommy Bảo chia sẻ thì "Đàm Vĩnh Hưng chỉ cần vài câu nhẹ nhàng hỏi: "Thưa chú, cháu làm sai điều gì mà chú nói cháu như thế?". Vậy có phải đẹp không. Đằng này chửi rồi lại đi xin lỗi thế là thế nào? Sẩy cái gì chứ sẩy cái miệng thì khó lòng mà lấy lại được. Bởi thế ông cha ta vẫn hay nói ‘Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói’ là vậy”.
Bên cạnh đó nhiều người cho rằng việc này đúng ra Mr Đàm phải làm từ đầu chứ không nên để cộng đồng mạng “dậy sóng”, chỉ trích mạnh rồi mới chịu đi nói lời xin lỗi như vậy. “Là phận con cháu, nếu người lớn có nói không đúng đi nữa thì cũng nên đến thưa chuyện để làm sáng tỏ và thấu hiểu nhau hơn. Nhất là mình đang là người của công chúng, mỗi cử chỉ, hành động, lời nói đều được dư luận quan tâm”, nickname Nguoiquaduong nhận xét.
“Có thể Nguyễn Ánh 9 tha thứ như những người cha từng tha thứ cho con của mình, nhưng khán giả khó có thể chấp nhận được lối văn hóa ứng xử của một thần tượng mà công chúng luôn để ý theo dõi như vậy. Đặc biệt là bức "tâm thư" mà anh đã từng dùng những lời lẽ cay nghiệt dành cho người "bố" của mình. Anh nghĩ hành động cầm lẵng hoa và vài giọt nước mắt sẽ xoa dịu được dư luận ư? Trò này xưa rồi Mr Đàm ơi”, bạn đọc Triều Dương bức xúc.
Rất nhiều người nhắc lại vụ Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư và rồi viết "tâm thư" xin lỗi.
Đàm Vĩnh Hưng ôm chầm nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và khóc trên vai ông khi vừa đến nơi. Ảnh Hàn Quốc Việt
‘Hành động tuy muộn nhưng cũng đáng khen’
Bên cạnh luồng quan điểm chỉ trích là những ý kiến chia sẻ, cảm thông cho nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. “Đây mới chính là anh Hưng mà tôi biết. Mấy ngày qua, dù bị chỉ trích thật nhiều nhưng tôi không tin anh tệ như mọi người nói. Bây giờ, anh đã biết sai mà sửa là quý rồi. Cảm ơn nhạc sĩ đã rộng lượng. Vui vẻ cả nhà như vậy có hơn không?”, bạn đọc Quoc Lee nói.
Thành viên Thiensu90 trên một diễn đàn nổi tiếng bình luận: “Đàm Vĩnh Hưng sống khá thật, xấu hay tốt gì cũng đều phô ra cho thiên hạ thấy cả. Tính cách Đàm Vĩnh Hưng khá bồng bột, nóng nảy và hiếu thắng, thế nên thường xuyên có những hành vi quá khích và phát ngôn không khéo léo, đúng mực. Tôi thấy điều đó còn thành thật hơn những người mặc dù trong lòng khó chịu nhưng vẫn phải nói không đúng lòng mình để xoa dịu dư luận và giữ hình ảnh đẹp. Tôi nghĩ nghệ sĩ cũng là người, cũng có những tính xấu, tính tốt như một người bình thường. Đôi khi khán giả luôn muốn đã là người nổi tiếng thì phải làm gương thế nọ thế kia, phải là hình mẫu thế kia, thế nọ, như vậy có công bằng không?”.
Còn bạn đọc nickname Newvina chia sẻ: “Dù diễn hay thật lòng thì Mr Đàm cũng đã thể hiện thái độ hối lỗi. Tự mình đến gặp và biểu lộ sự ăn năn với một bậc thầy cây đa cây trong làng nghệ thuật là được rồi”.
“Đúng thế, ta nên ủng hộ cái tốt của anh ấy. Dù nói gì Đàm Vĩnh Hưng cũng đã đem lại niềm vui cho biết bao người. Tôi không thích nghe Đàm Vĩnh Hưng hát, nhưng không vì thế mà tôi phủ nhận thiện chí của anh trong hành động này. Chúc anh tiến bộ hơn trong sự nghiệp và xứng đáng với sự thương mến của mọi người”, độc giả Sỹ Văn tâm sự.
‘Hãy để mâu thuẫn kết thúc’
Dù hành động xin lỗi của Mr Đàm là diễn hay thật thì nhiều người cho rằng đó cũng là một cái kết có hậu cho câu chuyện Nguyễn Ánh 9 – Đàm Vĩnh Hưng. “Dư luận đừng khắc khe quá, anh ấy không xin lỗi thì nói là hỗn láo, đến khi xin lỗi rồi thì nhiều người lại chửi là kịch sĩ, giả tạo. Mà không biết đó là cảm xúc thật của người ta. Đã là cảm xúc thật thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết được”, độc giả Tuấn Nguyễn nói.
Facebooker Mạnh Đức nhận xét: “Cuộc sống là vậy, cho dù mình có hoạt ngôn thế nào, giỏi đóng kịch thế nào, giao tiếp khéo thế nào mà đó không có sự chân thành trong đó thì cũng không thể chạm vào trái tim của người khác được. Dù sao cũng là một bài học cho Đàm Vĩnh Hưng và mỗi người trong chúng ta”.
Độc giả Huy Nhân bình luận: “Việc phản ứng sau sự tức giận nhất thời giống như bạn đang đóng một cây đinh vào lòng người khác. Khi cây đinh được rút ra bằng những lời xin lỗi thì dẫu đinh không còn nhưng lỗ đinh vẫn còn đó, để lại những vết sẹo xấu xí. Những người trong cuộc, cả người đóng đinh và người bị đóng đinh đều đã đau đớn lắm rồi. Hãy để cho sự việc được dịu xuống. Chúng ta đừng trở thành những kẻ hành hình tàn nhẫn với những lời nói sắc nhọn của mình nữa”.
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, giải trí tại đây
Geen opmerkingen:
Een reactie posten