zaterdag 31 augustus 2013

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un xử bắn người tình cũ ?

Thứ sáu 30 Tháng Tám 2013

Kim Jong-un xử bắn người tình cũ ?

DR

Lê Vy
Người tình cũ lãnh đạo Kim Jong-un, lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên, dường như đã bị xử bắn là đề tài mà báo Le Figaro ấn bảng trên mạng quan tâm đến. Kim Jong-un, không trừ một ai, thậm chí đó là người tình cũ. Tờ báo trích nguồn tin từ nhật báo Hàn Quốc Chosunilbo, khẳng định là cô ca sĩ Hyon Song-wol, đã bị xử bắn ngày 20/08/2013 cùng với chồng trước sự hiện diện của người thân. Cô bị cáo buộc là đã vi phạm luật chống khiêu dâm hiện hành tại Bắc Triều Tiên.


Báo chí đăng nhiều nguồn tin khác nhau về bản án này. Phiên bản chính thức từ phía Bình Nhưỡng là do cặp vợ chồng cô Hyon Song-wol đã quay một video khiêu dâm, có các đoạn vui đùa và bán sang nước láng giềng Trung Quốc nên đã vi phạm pháp luật hiện hành tại đất nước khép kín nhất hành tinh. Thế nhưng, tờ báo Anh The Telegraph cho biết hai nhân vật này còn bị tình nghi là có ý đồ tỵ nạn tại nước ngoài sau một chuyến lưu diễn.
Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, đôi vợ chồng này đã bị bắt trước đó ba ngày và sau đó bị xử bắn trước toàn thiên hạ. Họ đều là ca sĩ nổi tiếng và chơi trong đoàn ca nhạc nổi tiếng Bắc Triều Tiên mang tên Unhasu Orchestra. Ngoài ra, 10 người khác trong ban nhạc cũng bị bắt. Ban nhạc này đã từng hoạt động tuyên truyền, cỗ vũ cho chế độ Bình Nhưỡng qua các bài hát như : « I love Pyongyang » (Tôi yêu Bình Nhưỡng), « Footsteps of Soldiers » (Bước chân người lính).
Báo Le Figaro trích dẫn thông tin từ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo cho rằng, Kim Jong-un đã gặp cô Hyon Song-wol cách đây 10 năm. Vào thời đó, mối quan hệ này không được cố lãnh đạo Kim Jong-il tán thành và ông đã đề nghị cậu con « quý tử » chấm dứt mối tình với cô ca sĩ này. Sau đó, cô Hyon Song-wol kết hôn với một sĩ quan Bắc Triều Tiên mà không hề từ bỏ người tình cũ họ Kim, theo một số nguồn tin.
Tuy nhiên, tờ báo Daily Telegraph còn nêu ra một luận cứ là đáng sau vụ án này, có bàn tay của đương kim phu nhân lãnh đạo Kim Jong-un, cũng từng chơi trong ban nhạc Unhasu Orchestra và là đối thủ cạnh tranh với cô người tình cũ của chủ tịch Kim trước hôn nhân. Theo một số nguồn tin thì ngay cả sau hôn nhân, lãnh đạo Kim Jong-un vẫn tiếp tục qua lại với người tình cũ.
Giáo sư Toshimitsu Shigemura, chuyên gia nghiên cứu về Bắc Triều Tiên cho rằng, vụ án này có nhiều nguyên nhân mang « tính chính trị ». Ông phát biểu trên tờ báo Anh : « Thật khó tin có những người chỉ quay những đoạn video khiêu dâm mà bị xử đến án tử hình trong khi chỉ nên bắt họ biệt tích hay nhốt vào tù là đủ ». Do đó, ông nghĩ rằng nạn nhân có thể là thân cận với các nhà đối lập.
Điều làm cho mọi người phải rùng mình là cách hành quyết mà chế độ Bình Nhưỡng đã tiến hành. Gia đình của cả hai vợ chồng cô ca sĩ này bị buộc phải chứng kiến cảnh hành quyết người thân của mình. Ngoài ra, gia đình của các nạn nhân đều bị bắt phải lao động trong trại cải tạo.
Trung Quốc chuẩn bị cải cách thuế
Nhìn sang Trung Quốc, báo Le Monde hôm nay quan tâm đến các cải cách lớn về thuế, đặc biệt là trong ngành hàng cao cấp, xa xỉ tại cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Nhật báo Le Monde cho biết, quốc gia này muốn kích thích tiêu thụ nội địa bằng cách điều chỉnh các loại thuế.
Một số mặt hàng xa xỉ, cao cấp, bây giờ được xem như nhu yếu phẩm hàng ngày nên thuế đánh thấp hơn. Vẫn chưa có mặt hàng cụ thể nào được đưa ra vào thời điểm này. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết có khả năng sẽ đánh thuế lên một số « địa điểm vui chơi giải trí cao cấp ». Ví dụ, báo chí Trung Quốc đưa tin, sẽ đánh thuế nặng hơn trên mặt hàng thuyền yacht hay xe hơi đắt hơn 1,7 triệu nhân dân tệ (khoảng 200 000 euro).
Thuế trên các mặt hàng nhập khẩu khá đắt đỏ tại Trung Quốc, làm cho người dân tranh luận rất nhiều về đề tài này. So sánh giá xe hơi ngoại tại Trung Quốc và giá gốc tại nước chủ nhà, Mỹ, Nhật hay châu Âu thì giá xe tại Trung Quốc cao gấp đôi thậm chí gấp ba so với tại Hoa Kỳ.
Sự chênh lệch giá cả trong lĩnh vực sản xuất giỏ xách, đồ da và nước hoa khá lớn tại Trung Quốc. Do đó, nhiều người dân Trung Quốc đã tận dụng cơ hội du lịch để mua các loại mặt hàng này ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, cải cách còn nhắm đến giảm sự chênh lệch giàu nghèo bằng cách đưa ra thuế đất đai tại các thành phố lớn. Hiện nay, chỉ có Thượng Hải và Trùng Khánh là đánh thuế trên những chủ hộ có diện tích nhà ở vượt quá ngưỡng quá cao. Cuối cùng, tờ báo còn cho biết thuế về khí thải carbon trong ngành công nghiệp cũng là trọng tâm của các cải cách về thuế.
Ai Cập vẫn còn giữ được hơi thở
Báo Công giáo La Croix hôm nay trở lại tình hình tại Ai Cập, trong khi các báo khác vẫn tiếp tục đổ dồn mọi quan tâm đến tình hình tại Syria.
Trên trang nhất báo La Croix chạy tựa : « Ai Cập giữ được hơi thở ». Trang bên trong tờ báo đăng bài viết : « Cairo giữa sự an ủi và mối lo lắng ». Tờ báo nhận định, lệnh giới nghiêm mà chính phủ áp dụng để kiểm soát thành phố và để mang lại bình yên cho đất nước được chấp hành nghiêm túc. « Phần đông người Ai Cập dường như ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố », theo lời của báo La Croix. Chính phủ lâm thời Ai Cập, tận dụng thời cơ này để dập tắt mọi hình thức yêu sách.
Thông tín viên báo La Croix tại Cairo đưa ra ví dụ về những công nhân đình công trong một công xưởng luyện kim Suez, sau đó, họ bị chính quyền xem như những kẻ chịu ảnh hưởng của nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Một đại diện công đoàn của công ty cho biết : « Trong những lần biểu tình đầu tiên, chỉ ngay sau cuộc cách mạng, người ta xem chúng tôi như là « feloul » tức là những người còn nuối tiếc chế độ cũ của tổng thống bị trút phế Morsi. Bây giờ thì người ta cho rằng chúng tôi là phe Huynh đệ Hồi giáo. Tại công xưởng này, chính quyền loại bỏ mọi yêu sách. Tiền lương và tiền thưởng đều bị đóng băng. Tại Mahalla, khu vực đồng bằng sông Nil, xe tăng bao vây cả những xưởng sản xuất quần áo, nơi mà 20 000 công nhân đã đình công từ vài ngày nay ».
Syria : phương Tây đứng trước sự do dự
Các biến chuyển, tình tiết trong hồ sơ Syria vẫn được các báo Pháp hôm nay tiếp tục quan tâm. Báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : « Syria : phương Tây chờ thời đợi thanh tra Liên Hiệp Quốc trở về ». Đe dọa tấn công trừng phạt chế độ Damas dường như đã bị hoãn lại để chờ kết quả điều tra vũ khí hóa học từ các thanh tra Liên Hiệp Quốc sẽ kết thúc vào ngày mai.
Báo thiên tả Libération đăng tựa trên trang nhất : « Syria, phương Tây do dự ». Tờ báo nhận định, trước thái độ ngờ vực và phản đối trong dân chúng, Hoa Kỳ và Anh chần chừ tránh né, chưa quyết định vội có nên tấn công Syria hay không.
Đặc biệt, báo Le Monde dành nhiều trang phân tích hồ sơ này. Trên trang nhất là dòng tựa : « Tranh luận sôi nổi quanh việc can thiệp vũ trang vào Syria ». Với bài viết mang tên : « Can thiệp vào Syria có chính đáng hay không ? », tờ báo phỏng vấn nhiều chuyên gia phân tích với nhiều quan điểm khác nhau. Denis Bauchard, chuyên gia tư vấn Trung-Đông tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp IFRI nhận định : « Thậm chí can thiệp vào Syria với tư cách của Liên Hiệp Quốc thì cũng chứa đầy rủi ro ». Bên cạnh đó, theo Steven M.Walt, giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại đại học Havard thì Hoa Kỳ không được can thiệp vào Syria bởi vì vũ khí hóa học ít gây chết người hơn các loại vũ khí, đạn dược có khả năng gây cháy nổ cao mà phương Tây sẽ sử dụng trong trường hợp tấn công vũ trang vào Syria. Thế nhưng, Rony Brauman, cựu chủ tịch tổ chức « Bác sĩ không biên giới » hiện là giáo sư trường Đại học chính trị cho rằng nên đánh Syria vì chế độ Damas đã vi phạm điều cấm kỵ là sử dụng vũ khí hóa học.
Đặc biệt, báo Cộng sản L’Humanité nhận định trên trang nhất : « Từ Đức Giáo Hoàng Phanxico, đến các lãnh đạo chính trị trên thế giới, những tiếng nói cất lên để lên án cuộc phiêu lưu của nhà cầm quyền các nước Mỹ, Pháp, Anh ».
Pháp rao bán các đại sứ quán
Trong thời buổi khủng hoảng, Pháp cũng thắt lưng buộc bụng cả trong lĩnh vực ngoại giao. Báo Le Monde ra ngày hôm nay quan tâm đến đề tài này qua bài viết : « Rao bán các đại sứ quán Pháp ».
Trong một lá thư viết cho tổng thống Hollande mà báo Le Monde nhận được một bản sao, Ngoại trưởng Laurent Fabius cho biết là sẽ giảm số lượng nhân viên trong một số tòa đại sứ trên thế giới hay bán hẳn một số tòa đại sứ nếu như không có lợi ích của Pháp tại các quốc gia này. 14 tòa đại sứ sẽ được bán và Pháp đóng cửa 22 trung tâm văn hóa cũng như một số cơ sở ngoại giao. Từ năm 2013 đến năm 2015, 600 vị trí công việc sẽ bị giảm biên chế. Hiện nay, hệ thống ngoại giao Pháp đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Pháp : chợ trời tại thành phố Lille
Báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến thành phố Lille, ở phía Bắc nước Pháp, trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật tới sẽ diễn ra đợt bán hàng ngoài chợ trời. Đây là dịp thu hút nhiều du khách. Hội chợ lần này hy vọng thu hút 2,5 triệu khách.
Tờ báo cho biết 10 000 gian hàng được bày bán miễn phí tại khu vực được tòa thị chính cho phép. Hội chợ lần này quy tụ các nhà sưu tầm đồ cổ, buôn đồ cũ hay những người hiếu kỳ tham gia. Đây được xem là một trong những ngày họp chợ lớn nhất châu Âu. 3000 cảnh sát, bác sĩ và nhân viên y tế được huy động để bảo đảm an ninh cho sự kiện này. Ngoài ra, phiên chợ lần này có thành công hay không còn tùy thuộc vào yếu tố thời tiết.
tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Xã hội - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20130830-nguoi-tinh-cu-kim-jong-un-bi-che-do-binh-nhuong-tu-hinh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten