zondag 25 augustus 2013

Chiến đấu cơ Su-30 và F-16 được dùng nhiều nhất trên thế giới

Su-30 và F-16 được dùng nhiều nhất trên thế giới Friday, August 23, 2013 5:47:36 PM







Hồ sơ
Hà Tường Cát/Người Việt
Sukhoi Su-30 'Flanker C' của Nga  và General Dynamics F-16 'Fighting Falcon' của Hoa Kỳ là hai loại máy bay chiến đấu phản lực đang được sử dụng nhiều nhất trong không lực các quốc gia trên thế giới.

Máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-30MK2V Việt Nam mua của Nga. (Hình: RIA Novosti)

Những  máy bay Hoa Kỳ đều có một biệt danh, như Falcon, còn biệt danh  Flanker là tên gọi của NATO đặt cho máy bay Nga.

Su-30 sử dụng ở Nga, Trung Quốc,  Venezuela, Algeria, Uganda, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

F-16 được dùng trong Không Quân Hoa Kỳ và 25 quốc gia khác.

Đây là những máy bay thuộc hạng chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, nghĩa là chưa phải loại mới nhất hay tối tân nhất như chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Nhưng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, có thêm đặc tính đáng chú ý nhất là tàng hình nghĩa là khó bị địch phát hiện, hầu hết hãy còn ở giai đoạn phát triển và sản xuất chưa đi vào sử dụng. Ngoại trừ F-22 của Hoa Kỳ đã có khoảng 150 chiếc sử dụng từ năm 2005 và F-35 đang bắt đầu sản xuất;  PAK FA của Nga, J-20 và J-21 của Trung Quốc mới chỉ được bay thử. Theo dự trù ít nhất 3 năm nữa, nghĩa là sau năm 2016, các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 mới bắt đầu được sử dụng.

Cũng nên biết rằng giá trị chiến đấu không chỉ ở chính máy bay mà còn phụ thuộc nhiều nơi trang bị điện tử và vũ khí, do đó chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 chưa hẳn đã ưu việt hơn thế hệ thứ tư về tất cả mọi mặt. Vả lại, các chuyên gia cho rằng chỉ 10 năm nữa khả năng tàng hình như hiện nay sẽ không còn hiệu quả khi kỹ thuật điện tử có thêm những tiến bộ mới. Một số máy bay thế hệ 4 được trang bị hệ thống điện tử dò tìm và hệ thống vũ khí mới như F-18 Super Hornet của Hải Quân Hoa Kỳ được gọi là thế hệ 4.5.  Nói cách khác, hàng chục năm nữa, chiến đấu cơ thế hệ 4 và thế hệ 4 cải tiến,  sẽ vẫn còn là đối thủ của thế hệ 5 chứ chưa tới lúc về nghỉ hưu.

Bài viết khái quát này chú ý tới Su-30 và F-16 vì như đã nói, là hai loại máy bay chiến đấu đang được dùng phổ biến nhất, nhưng chỉ có sự đối chiếu chứ không phải so sánh, bởi lẽ mỗi loại có rất nhiều phiên bản khác nhau. Sự so sánh hai kiểu máy bay chiến đấu là vô nghĩa, với những tính năng, trang bị cũng như tùy thuộc vào từng nhiệm vụ chiến trường đang thi hành của nó.

Nặng và nhẹ
Su-30 là máy bay chiến đấu hạng nặng, hai động cơ phản lực đặt cạnh nhau trong thân, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn.

F-16 là chiến đấu cơ nhẹ, một động cơ phản lực, trọng lượng cất cánh 20 tấn.

Thành công của chiếc F-4 Phantom II, chiến đấu cơ đa năng thế hệ 3, qua những kinh nghiệm ở chiến trường Việt Nam và Trung Đông,  là bài học để công ty Sukhoi ở Liên Xô thiết kế chiếc Su-27 năm 1985. Su-30 với nhiều phiên bản khác nhau sau này là sự cải tiến và sửa đổi trên căn bản của S-27.

F-16 thoạt tiên được trù liệu là máy bay chiến đấu ban ngày, chủ yếu với sứ mạng tiêm kích, ngênh cản máy bay địch bảo vệ không phận, những phiên bản sau chuyển thành chiến đấu cơ đa năng sử dụng trong mọi thời tiết. Trừ một vài phiên bản, F-16 do một phi công điều khiển.

Su-30 là loại chiến đấu cơ đa năng do 2 phi công điều khiển. Cả hai loại F-16 và Su-30 đều có vận tốc tối đa khoảng Mach 1.2 ở mặt biển và Mach 2 trên cao độ, trần bay 50,000 feet, vận tốc thăng 250 mét/giây.

Nhưng F-16 chỉ có tầm hoạt động dưới 400 dặm nếu không mang bình nhiên liệu phụ hay được tiếp tế trên không. Su-30 có tầm hoạt động gấp hơn 2 lần và lâu tới 4 giờ. Đối với Việt Nam các máy bay Su-30MK2V đặt căn cứ ở phi trường Biên Hòa hay Thành Sơn, Phan Rang, có thể dễ dàng hoạt động trên không phận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Linh hoạt
Vì F-4 Phantom quá đắt tiền nên sau chiến tranh Việt Nam,  Không Quân Hoa Kỳ  muốn có một loại máy bay nhẹ thích hợp cho không chiến và sử dụng ít tốn kém hơn. Một cách đại cương, F-16 chỉ bằng ½ giá Su-30 và tiêu thụ nhiên liệu cũng ít hơn. Nhưng  giá cả  là một vấn đề quá phức tạp và không thể có tiêu chuẩn để so sánh. Giá của hai máy bay cùng loại có thể khác xa nhau, đôi khi đắt gấp rưỡi hay hơn nữa. Trước hết, một máy bay mới sẽ tính gồm cả chi phí không nhỏ về nghiên cứu phát triển, khác với máy bay đã đưa vào giây chuyền sản xuất hàng loạt. Tiếp đó là trang bị và vũ khí, phụ kiện, chi phí bảo trì, huấn luyện phi công cùng nhiều nhu cầu khác,…
Được chấp thuận dự án năm 1976 và bắt đầu chế tạo từ 1980, F-16 là máy bay chiến đấu đầu tiên dùng hệ điều khiển gọi là “fly by wire”, dùng giây điện qua computers.  Khác với các máy bay cũ, phi công qua hệ thống giây cáp, bộ phận cơ khí, thủy lực, điều kiển các cánh nhỏ, đuôi, bánh lái để làm máy bay chuyển hưởng. Phương pháp mới giúp tăng khả năng linh hoạt, dễ dàng xoay trở của máy bay nhờ giảm nhu cầu ổn định bền.  Khi phi công điều khiển trực tiếp bằng tay chân, máy bay sẽ an toàn hơn nếu tự quay trở về trạng thái ổn định ban đầu (static stability). Nhưng điều này cũng có nghĩa là cản trở những tác dụng truyền cho nó và phi công sẽ phải tiếp tục tác động. Với phương pháp “fly by wire”, computer nhận lệnh thi hành,  sẽ điều chỉnh thích hợp mọi điều kiện của máy bay theo ý phi công,  và tạo ổn định với tình trạng mới không cần thêm sự can thiệp khác.

Trong không chiến trước kia, điều quan trọng nhất là một máy bay chiến đấu có thể dễ dàng và mau chóng chiếm lãnh vị trí thuận lợi để sử dụng vũ khí. Vị trí lý tưởng là lòn ra phía sau máy bay địch, đuổi theo nổ súng hay phóng hỏa tiễn tầm nhiệt tìm theo hơi nóng tới ống thoát hơi của động cơ phản lực. Với tiến bộ của hỏa tiễn và hệ thống điều khiển điện tử, giao chiến trên không có thể diễn ra rất xa ngoài tầm nhìn của mắt.

Trong chiến tranh Việt Nam, F-4 C “Phantom” nặng nề hơn không thể linh hoạt bằng MiG-15, nhưng được ưu thế nhờ hệ thống điện tử và hỏa tiễn. Phi công thứ hai trên F-4 C  có thể phát hiện ra địch trước qua màn hình radar,  và  tấn công từ phía trước, sau hay ngang – với hỏa tiễn Sparrow hoặc Sidewinder – rồi đổi hướng trốn tránh nếu địch không bị hạ.

Như vậy có lúc người ta đã cho rằng có thể hy sinh bớt khả năng linh hoạt. Nhưng các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, tính linh hoạt vẫn được xem là một yếu tố thiết yếu với không chiến trong hay ngoài tầm mắt nhìn. Phát hiện ra địch từ rất xa bằng hệ thống radar dò tìm và theo dõi di chuyển thật mau đến vị trí tốt nhất để phóng hỏa tiễn tấn công rồi tẩu thoát không để địch đuổi theo, đó là mục dích chính. Trong điều kiện này, cần mau chóng đạt tới vận tốc lớn và cao độ vì có lợi thế trong cả tấn công và tự vệ; vận tốc của máy bay cũng giúp thêm động năng cho hỏa tiễn phóng đi nhanh chóng tới mục tiêu. Các máy bay thế hệ thứ 4 đều sử dụng hệ điều khiển “fly by wire”.

Sukhoi Su-30 là loại chiến đấu cơ lớn và nặng nhưng có khả năng linh hoạt rất tốt nhờ hệ thống “thrust vectoring” (định hướng sức đẩy), phương pháp do Liên Xô áp dụng đầu tiên cho các máy bay chiến đấu Su-27 của họ. Ống thoát hơi của hai động cơ  phản lực chĩa ra 32 độ theo chiều ngang với trục máy bay và có thể quay lên hoặc xuống 15 độ. Hệ thống này cùng với chuyển động quen thuộc của cánh, cánh nhỏ, đuôi, bánh lái giúp thêm hiệu quả cho sự chuyển hướng của máy bay.

Sản xuất
Đến nay F-16 đã ngưng sản xuất cho Không Quân Hoa Kỳ sau khi hơn 4,500 được đưa vào hoạt động, ngoại trừ nếu có nhu cầu xuất cảng cho tới 5 năm nữa.   Su-30 bay thử lần đầu tiên năm 1989 và bắt đầu đưa vào sử dụng từ 1996. Đến nay đã có hơn 420 máy bay được sản xuất và còn tiếp tục với nhiều phiên bản thích hợp với những nhiệm vụ khác nhau của không quân, hải quân hay bộ binh. Su-30 cũng là mặt hàng xuất cảng vũ khí quan trọng của Nga. Đồng thời Sukhoi cũng hợp tác với Ấn  Độ sản xuất phiên bản Su-30 MKI tại Ấn Độ.

Su-30 bán cho Việt Nam là Su-30 MK2V, do KnAAPO, một phân bộ của Sukhoi sản xuất,  có ống thoát hơi định hướng và “canard” nghĩa là 2 cánh phụ nhỏ phía trước cánh chính, nhằm tăng ổn định bay. Tên này do Pháp đặt ra vì trông giống như con vịt  bay và thường chỉ có ở những máy bay cánh tam giác không có đuôi phía sau.

Là chiến đấu cơ hạng nặng, Su-30 mang được nhiều bom đạn hơn F-16, bao gồm các loại hỏa tiễn không-không, không-địa, bom thường hoặc có điều khiển và một đại bác 30mm nòng xoay bắn nhanh. Cho tới giữa năm 2013, Việt Nam đã có 4 Su-30MK , 20 Su-30MK2V và hôm 21 tháng 8 loan báo mua thêm của Nga 12 chiếc Su-30 MK2 trị giá $450 triệu sẽ được giao trong năm 2014-2015.  (HC)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=171831&zoneid=403#.UhpJU_nCS70
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten